Nước Mỹ còn có thể “vĩ đại trở lại”?

Thứ Ba, 22 Tháng Giêng 20196:00 SA(Xem: 7562)
Nước Mỹ còn có thể “vĩ đại trở lại”?

Hơn hai trăm năm trước, các bậc Quốc phụ công thần đã kiến lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – nước Mỹ với tầm nhìn trí tuệ sâu sắc về một tương lai xa hơn. Theo thời gian, Mỹ đã từng bước vươn mình trở thành quốc gia trung tâm của vũ đài thế giới. Từ cuộc chiến giành độc lập thế kỷ 18, cuộc nội chiến thế kỷ 19, cho tới hai cuộc Thế chiến và Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20, nước Mỹ đều xuất hiện các nhân vật lãnh đạo kiệt xuất như George Washington, Abraham Lincoln, Woodrow Wilson, Ronald Reagan…đưa đất nước siêu cường số một thế giới về cả chính trị, quân sự và kinh tế.

Thịnh vượng về kinh tế, mạnh mẽ về quân sự là một phần trọng yếu làm nên nước Mỹ vĩ đại, nhưng đó chỉ là phần ngọn, phần biểu hiện bề mặt của sức mạnh quốc gia, ẩn tàng sau đó là các giá trị truyền thống Mỹ được các bậc Quốc phụ công thần của quốc gia này định hình từ những năm đầu lập quốc và các thế hệ tiếp sau gìn giữ và củng cố. Khi nước Mỹ giữ được các giá trị truyền thống, họ giữ được vị thế siêu cường, nhưng nếu quốc gia này xa rời các giá trị cốt lõi của mình, họ sẽ dần suy yếu.

Nuoc-My-1

Những năm 60 của thế kỷ 20 là ranh giới của lịch sử hiện đại. Một cuộc vận động phản văn hóa trước đây chưa từng có tiền lệ đã bao phủ toàn cầu từ phương Đông đến phương Tây. Khác với Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, cuộc vận động phản văn hóa của các quốc gia phương Tây trên bề mặt là cuộc vận động có nhiều trung tâm hoặc nói cách khác là không có trung tâm. Trong thời gian hơn mười năm từ những năm 60 đến những năm 70 của thế kỷ 20, những người tham gia cuộc vận động quy mô lớn này (phần lớn là thanh niên) dường như xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, hay những mục đích theo đuổi khác nhau. Trong đó có người phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ, có người đấu tranh nhân quyền cho người da màu, có người phản đối phụ quyền, đấu tranh cho nữ quyền, có người đấu tranh cho quyền lợi cho người đồng tính luyến ái. Trong đó còn hỗn tạp với phản đối văn hóa truyền thống, phản đối quyền lực, truy cầu chủ nghĩa giải phóng tính dục và hưởng lạc, thúc đẩy sử dụng ma túy, nhạc rock and roll v.v..

Trước những năm 60 của thế kỷ 20, xã hội Mỹ về cơ bản vẫn cho người da trắng thống trị. Tuy nhiên, sau đó không lâu, cùng với phong trào phản văn hóa, các nhóm dân cư trước kia không có tiếng nói hoặc bị coi là thuộc tầng lớp dưới đã trở nên mạnh mẽ hơn và đã không ngừng vận động tạo nên một nước Mỹ mới với đặc trưng đa văn hóa và đa sắc tộc – một xã hội mà trước đây, ông cha họ khó có thể chấp nhận được.

Phong-trao-dong-tinh-1
Phong trào nữ quyền, nhạc rock & roll, hip hop, phong trào đồng tính nở rộ trong phong trào phản truyền thống

Cũng như Đại Cách mạng Văn hóa đã tạo nên sự phá hoại không thể cứu vãn đối với Trung Quốc và xã hội, sự sụp đổ của văn hóa xã hội phương Tây do cuộc vận động phản văn hóa cũng gây nên những hệ quả to lớn. Thứ nhất, nó biến văn hóa ngoài lề, văn hóa tầng thấp, văn hóa biến dị trở thành văn hóa chủ lưu. Giải phóng tình dục, ma túy, nhạc rock and roll nhanh chóng ăn mòn quan niệm đạo đức của thanh thiếu niên, khiến họ trở nên phản truyền thống. Thứ hai, nó đã tạo ra tiền lệ cho cách mạng đường phố, nuôi dưỡng phương thức tư duy phản xã hội. Thứ ba, sau khi cách mạng đường phố thập niên 60 của những người trẻ tuổi bị thất bại, họ lên đại học, vào viện nghiên cứu, hoàn thành học vị thạc sĩ, tiến sĩ, sau đó bước vào giới chủ lưu, giới giáo dục, truyền thông, giới chính trị, giới công thương của xã hội Mỹ, mang thế giới quan biến dị và lệch lạc ấy vào, tiếp tục góp phần làm thay đổi nước Mỹ theo chiều hướng tiêu cực.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, ngay khi các phong trào vận động đi ngược lại truyền thống ở phương Tây như phong trào giải phóng tình dục, lập dị hippie, nữ quyền hiện đại, cổ vũ đồng tính luyến ái v.v.. nổi lên rầm rộ, đối tượng đầu tiên bị đả kích là các gia đình truyền thống.

Những người dưới 50 tuổi ở phương Tây dường như không còn nhớ nổi trong xã hội mà mình đã từng sống có một nền văn hóa như thế này: lúc đó, trẻ em sống và trưởng thành bên cạnh cha mẹ của mình là điều rất tự nhiên; thời đó “Gay” là từ ngữ biểu thị sự khoái lạc; thời đó váy cưới màu trắng tinh khiết biểu thị trinh tiết của cô dâu; thời đó trên truyền hình và báo chí cấm chỉ những hình ảnh và ngôn ngữ khiêu dâm; thời đó người ta không tán thành hôn nhân đồng giới, càng không nói đến chuyện phá thai một cách tùy tiện; người phụ nữ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong gia đình và nuôi dạy con cái v.v.. Lúc đó, “thông dâm” vốn là từ dùng để biểu thị sự khinh bỉ đối với những hành vi suy đồi về tình dục, nhưng ngày nay nó được đổi thành những từ mang nghĩa trung lập như “hành vi tình dục ngoài hôn nhân”, “sống chung”. “Trinh tiết” vốn là đạo đức tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của phương Đông và phương Tây, nhưng ngày nay lại trở thành quan niệm nực cười và bị cho là “trói buộc sự tự do”.

Ngoi-nha-nho-tren-thao-nguyen
Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (tiếng Anh: Little House on the Prairie) là một bộ phim truyền hình đề cao tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái, tình làng nghĩa xóm, tình bằng hữu luôn trong sáng, đậm đà và chan hòa mặc cho cuộc sống còn nhiều khó khăn gian khổ tại thị trấn Walnut Grove, Minnesota, Mỹ, vào cuối thế kỷ 19.

Trong tiếng Anh, “Sodomy” được dùng để chỉ hành vi đồng tính luyến ái và các loại hành vi tình dục bại hoại, từ này có nguồn gốc từ trong “Kinh Thánh”, nó được dùng để chỉ thành phố dâm loạn cuối cùng bị hủy diệt bởi sự phẫn nộ của Thần. Bản thân từ này là lời cảnh tỉnh đối với nhân loại, đó là nếu con người quay lưng lại với những răn dạy của Thần thì sẽ phải đối mặt với kết cục cực kỳ đáng sợ. Phong trào đòi quyền cho người đồng tính đã cực lực phế bỏ việc sử dụng từ này, thay vào đó là sử dụng từ “Gay” biểu thị sự khoái lạc, khiến con người ngày càng bị lún sâu xuống bùn nhơ.

Ở các trường học công lập, hình thức quan hệ trước hôn nhân, quan hệ đồng tính vốn bị cấm trong xã hội truyền thống, hiện nay không những được coi là bình thường mà thậm chí có trường học còn thẳng thắn coi việc giáo dục học sinh những quan niệm truyền thống là việc vô nhân đạo, cần phải để cho xu hướng giới tính của trẻ em được “tự do” phát triển.

Năm 2016 tổng thống Obama ký “sắc lệnh về nhà vệ sinh cho người chuyển giới”, đã cho phép ”những người chuyển giới” có thể theo sự tự thừa nhận của mình, mà có thể tuỳ ý đi vào nhà vệ sinh của giới tính tương ứng. Cho dù giới tính của một người là nam, nhưng chỉ cần người đó tự nhận mình là nữ, thì có thể đi vào nhà vệ sinh nữ. Điều đáng quan ngại là “sắc lệnh về nhà vệ sinh cho người chuyển giới” đã được áp dụng đến tất cả các trường học công lập trên toàn quốc, bang nào mà không thực thi sẽ bị đình chỉ nhiều khoản trợ cấp của liên bang.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, trào lưu phản truyền thống do trường phái Frankfurt khởi xướng đã ăn mòn một cách mạnh mẽ quan niệm hôn nhân truyền thống, trong đó, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa nữ quyền có sức phá hoại lớn nhất.

Xã hội truyền thống nhìn nhận rằng nam giới là dương, thể hiện sự cứng rắn, phụ nữ là âm, thể hiện sự nhu thuận, mềm dẻo. Nam giới có trách nhiệm là người bảo vệ, là trụ cột của gia đình và xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Khi con tàu Titanic bị chìm, tỷ phú Astor đệ tứ (John Jacop Astor IV) cũng ở trên thuyền, tiền ông ta có trong ngân hàng đủ để làm ra 30 chiếc tàu như tàu Titanic. Nhưng khi đối mặt với tai nạn trên biển, ông ta cũng lựa chọn tuân theo nguyên tắc đạo đức và bảo vệ phụ nữ trẻ nhỏ, ông đã nhường lại vị trí của mình cho hai đứa trẻ đang sợ hãi. Cùng lúc đó trên thuyền còn có Isidor Straus, đối tác của Macy đã nói: “Tôi tuyệt đối sẽ không lên xuồng cứu hộ trước những người đàn ông khác.” Vợ của ông từ đầu đến cuối cũng cự tuyệt lên xuồng cứu hộ. Cô nhường vị trí của mình trên thuyền cứu hộ cho Ellen Bird người hầu nữ mới thuê của mình, và lựa chọn cùng chồng của mình vượt qua thời khắc cuối cùng.

Titanic2
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!” – Đó là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người lại tuân theo? Nếu có ai đó hỏi rằng, nhân loại có gì đặc biệt? Xin được trả lời rằng: Nhân loại đặc biệt vì chúng ta có thể hy sinh cả mạng sống của bản thân cho những con người không quen biết.

Nhưng chủ nghĩa nữ quyền trong phong trào nữ quyền lại muốn thách thức kết cấu xã hội truyền thống. Họ cho rằng nam nữ vốn đều giống nhau. Cứ như vậy mà nói, theo lý tưởng của chủ nghĩa nữ quyền thì xã hội tương lai sẽ không còn được chứng kiến sự cao thượng của những người đàn ông trên con tàu Titanic trước khi chìm xuống đáy biển chủ động nhường hết cơ hội được cứu sống của mình cho những người phụ nữ.

Đáng sợ hơn, một hệ quả tồi tệ khác mà chủ nghĩa nữ quyền cực đoan gây ra, đó là khiến xã hội phát triển theo hướng không phân biệt giới tính, cả nam giới và phụ nữ đều không còn đặc điểm tâm lý giới tính của riêng mình, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của thanh niên và trẻ em. Có thể dự đoán rằng, trong xã hội sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nhóm người đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, tỷ lệ ly hôn ở nước Mỹ không ngừng tăng lên. Lần đầu tiên số gia đình tan vỡ do ly hôn đã vượt qua số gia đình tan vỡ do vợ hoặc chồng chết.

Tỷ lệ ly hôn ở Mỹ – Nguồn: Monthly Vital Statistic Reports

Trước năm 1969, pháp luật về ly hôn tại các bang của Mỹ đều dựa trên truyền thống tôn giáo, pháp luật yêu cầu phải đưa ra lý do ly hôn dựa trên lỗi lầm của đương sự hoặc đối phương. Theo truyền thống tôn giáo phương Tây, hôn nhân là do Thần định ra, gia đình ổn định sẽ mang lại lợi ích cho vợ chồng, con cái và toàn xã hội. Do đó, giáo hội và pháp luật của các bang đều chú trọng đảm bảo cho hôn nhân gia đình không bị tan vỡ vì những lý do không chính đáng.

Luật ly hôn ở bang California, Mỹ đã khởi đầu cho phép người dân đơn phương ly hôn, các bang khác cũng theo đó mà áp dụng. Chỉ trong khoảng từ những năm 60 đến những năm 80, tỷ lệ ly hôn tăng hơn gấp đôi, gần như một nửa số gia đình kết hôn trong những năm 70 kết thúc bằng ly hôn. Vào những năm 50, chỉ có khoảng 11% trẻ sinh ra trong những gia đình kết hôn phải chứng kiến bố mẹ chia tay, đến những năm 70 thì tỷ lệ này đã tăng lên đến 50%.

Song song với đó, những người theo chủ nghĩa tự do đã phủ nhận tính thần thánh của hôn nhân, họ đơn giản hóa hôn nhân thành một thứ hợp đồng do hai bên tự nguyện ký kết.

Gia-dinh-My
Phụ nữ những năm thập niên 50 hạnh phúc với vai trò làm vợ, làm mẹ. Gia đình hạnh phúc là nền tảng của xã hội lành mạnh và nước Mỹ những năm 50 đã chứng kiến chỉnh thể các gia đình ổn định.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, phong trào “Tự do yêu đương” bùng nổ tại Mỹ. Tạp chí Playboy được xem là thành quả quan trọng cho phong trào này, khi đưa những chủ đề yêu đương bị coi là thô tục, hạ lưu trong quan niệm truyền thống vào xã hội thượng lưu, biến nó trở thành một tờ tạp chí giải trí “cao cấp”.

Cùng với sự thịnh hành của văn hóa Hippie, các quan niệm “Tự do yêu đương” được chấp thuận rộng rãi. Cuộc cách mạng tình dục (giải phóng tình dục) cũng chính thức xuất hiện. Trong giới thanh thiếu niên, quan hệ tình dục bừa bãi được coi là bình thường. Thống kê cho thấy, từ năm 1954 đến năm 1963, trong số người Mỹ đủ 15 tuổi (cũng là những thanh niên trong những năm 60), có 82% số người đã có kinh nghiệm về tình dục trước hôn nhân trước 30 tuổi. Đến năm 2010, các cô dâu vẫn còn trinh trước khi kết hôn chỉ chiếm tỷ lệ 5%; 18% các cô dâu trước khi kết hôn đã có trên 10 bạn tình. “Tình dục” trở thành chủ đề thịnh hành trong văn hóa đại chúng, các “tác phẩm văn học” thu hút độc giả bởi những đoạn miêu tả về tình dục tràn ngập thị trường, những bộ phim hạng ba “không dành cho trẻ em” được hâm mộ trên khắp các rạp chiếu phim lớn.

Những người cổ súy cho “phong trào giải phóng tình dục” cũng cho rằng tình dục không chỉ giới hạn giữa vợ chồng, nhưng trở ngại lớn nhất của việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là mang thai. Bởi vì các biện pháp tránh thai khó tránh khỏi thất bại, do vậy thúc đẩy hợp pháp hóa việc phá thai là biện pháp bổ sung trong trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai thất bại đó. Hội nghị dân số Cairo năm 1994 đã công khai đưa ra giải thích bổ sung con người có “quyền sinh con”, trong đó có quyền “sinh hoạt tình dục an toàn và thỏa mãn”, vì vậy con người có quyền phá thai.

pha-thai-o-My
Tuần hành ủng hộ phá thai là hợp pháp tại Washington D.C năm 1989 (trái) – Kêu gọi ngừng phá thai trước Tòa án Tối cao Mỹ tại Washington D.C năm 1995 (phải)

Trước đây, người ta chỉ xem xét hợp thức hóa việc phá thai trong những tình huống cực kỳ bất đắc dĩ, như các trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc loạn luân, hoặc vì sức khỏe của người mẹ không đảm bảo để sinh nở, như mắc bệnh thần kinh, bệnh tâm lý v.v.. Thế nhưng, đến khi chủ nghĩa nữ quyền đề xuất phụ nữ có “quyền tự chủ đối với thân thể”, họ chủ trương phụ nữ có quyền tự quyết định nên sinh con hay giết chết thai nhi. Việc phá thai theo đó đã từ chỗ bất đắc dĩ đến phát triển thành có thể “tùy ý” kết thúc sinh mệnh của một thai nhi.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, cánh tả can thiệp sâu vào giáo dục nước Mỹ trên quy mô lớn, cộng thêm sự tấn công mạnh mẽ của truyền thông cánh tả, sự đần độn hóa của giáo dục và việc rất nhiều người trẻ tuổi bị trầm mê với TV, máy tính, Internet, mạng xã hội, trò chơi điện tử, v.v.. rất nhiều người trong thế hệ trẻ tuổi trở thành “người hoa tuyết” (snowflakes) bần cùng về tri thức, tầm nhìn nhỏ hẹp, thiếu tinh thần trách nhiệm và khả năng chịu đựng. Điều này dần dần khiến cho văn hóa và cuộc sống của con người hoàn toàn thoát ly khỏi đạo đức truyền thống, khiến con người không thể phát hiện ra những hành vi sa ngã, coi những hành vi bại hoại và biến dị này là bình thường, từ đó những người phóng túng dục vọng hoàn toàn không có áp lực nào về đạo đức.

Ông Lawrence Kudlow – cố vấn kinh tế Nhà trắng cũng cho rằng, sự thịnh vượng về kinh tế và đạo đức đi đôi với nhau. Con người chỉ có tuân theo nguyên tắc đạo đức mà hành xử trong lĩnh vực kinh tế thì thị trường tự do và kinh tế mới có thể vận hành tốt. Ông viết trong cuốn “The New Economic and Moral Prosperity”: “Nếu chúng ta có thể kiên trì tuần tự làm theo tín điều mà chúng ta gọi là “nguyên tắc hàng đầu” và những giá trị quan và đạo đức đã trở thành nền tảng lập quốc của nước Mỹ… thì đất nước này sẽ phát triển mãi mãi không bao giờ dừng lại.”

Dù vẫn giữ vị trí đứng đầu về kinh tế toàn cầu, nhưng những cơn sóng ngầm tạo nên vô số nguy cơ cho nước Mỹ đã sớm bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 20 cùng với việc các giá trị cốt lõi ngày càng bị xói mòn.

Đầu năm 1933, sau khi Tổng thống Roosevelt nhậm chức. Trong khoảng 100 ngày của nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã đặt trọng tâm vào vấn đề “giải quyết khó khăn, hồi phục, cải cách” sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ cuối năm 1929. Ông liên tục công bố rất nhiều dự luật, nhằm tăng thêm sự can dự trực tiếp hay gián tiếp của chính phủ đối với nền kinh tế. Số lệnh mà Tổng thống Roosevelt đã ban hành vượt qua toàn bộ tổng số lệnh mà tất cả tổng thống sau ông ban hành vào thế kỷ 20. Nhưng mãi cho đến cuối những năm 1930, tỷ lệ thất nghiệp ở nước Mỹ vẫn không giảm xuống dưới hai con số. Kể từ sau chính sách mới của Roosevelt, chính phủ nước Mỹ đã bắt đầu đi theo con đường thu thuế cao, chính phủ quy mô lớn, chủ nghĩa can thiệp. Về sau này, nhà sử học lỗi lạc châu Âu Jim Powell đã từng lấy đầy đủ tư liệu lịch sử chứng minh hiệu quả của chính sách mới của Roosevelt là đi ngược lại với mong đợi như thế nào: Luật an sinh xã hội đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, thu thuế cao đã huỷ hoại mô hình doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, luật lao động đã gây ra thất nghiệp v.v..

Năm 1963, Tổng thống Lyndon Johnson nhậm chức sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, đã khởi động phong trào “Đấu tranh với bần cùng” và “Đại xã hội”. Trong thời gian ngắn, Tổng thống Johnson đã ban hành một loạt các sắc lệnh tổng thống, đưa ra một loạt các điều luật, thành lập các cơ quan chính phủ mới, mở rộng các chương trình phúc lợi, tăng thuế và nhanh chóng mở rộng quyền hạn của chính phủ. Hai phong trào “Đấu tranh với bần cùng” và “Đại xã hội” có ba hậu quả nghiêm trọng đáng kể nhất: Gia tăng sự ỷ lại của người dân vào phúc lợi; Càng ngày càng nhiều người trẻ tuổi khỏe mạnh từ chối làm việc; Chính sách phúc lợi khiến gia đình tan vỡ nhanh chóng hơn.

Đơn cử như chính sách phúc lợi chăm sóc gia đình đơn thân, đã khuyến khích ly hôn và sinh con trước hôn nhân và sinh con ngoài giá thú. Theo số liệu thống kê, vào năm 1940 tỷ lệ sinh con mà không kết hôn chiếm 3,8% toàn bộ trẻ sơ sinh, con số này đến năm 1965 là 7,7%. Trong vòng 25 năm sau cải cách “Đại xã hội”, đến năm 1990 con số này đã tăng lên 28% và tăng lên đến 40% vào năm 2012.

Sự tan vỡ của các gia đình mang lại một loạt các hệ luỵ xã hội, như gánh nặng tài chính cực lớn cho chính phủ, tỷ lệ tội phạm tăng vọt, giáo dục gia đình suy thoái, nhiều thế hệ trong một gia đình đều lâm vào cảnh nghèo túng, tư tưởng không làm mà hưởng trở nên thâm căn cố đế, từ đó tạo nên một lượng lớn người tình nguyện thất nghiệp v.v…

phuc-loi-xa-hoi

Tổng thống Bill Clinton đặt dấu ấn phá vỡ sự toàn vẹn của gia đình Mỹ bằng việc thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của người đồng tính, trong đó có việc công nhận hôn nhân đồng giới. Ông Clinton cũng là người khởi xướng chương trình y tế quốc gia – bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng không xây dựng thành công và chính sách này sau đó được ông Barack Obama hoàn thành vào năm 2010. Tổng thống Đảng Dân chủ không giữ lời hứa giảm thuế cho tầng lớp trung lưu khi tranh cử mà còn thực hiện chương trình đánh thuế rộng rãi đối với tiêu thụ năng lượng, lợi tức bảo hiểm xã hội đối với người thụ hưởng có thu nhập cao và trung bình và tăng thuế thu nhập cá nhân với người có thu nhập cao.

Có thể thấy rằng, nước Mỹ từ đầu những năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và đặc biệt là 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama đã không còn vĩ đại và nhận sự nể trọng của thế giới. Việc tiếp quản nước Mỹ hậu khủng hoảng kinh tế tài chính, làm cho ông Obama càng có cơ sở để thực thi các chính sách mở rộng sự kiểm soát của chính phủ trong nền kinh tế, tăng cường các quy định và hạn chế tự do kinh doanh, đi ngược lại với giá trị cốt lõi của nước Mỹ.

Một trong những chính sách nội địa ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Obama là Obamacare – Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền. Đạo luật đem lại chương trình bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người, nhưng lại khiến gia tăng phí bảo hiểm, các khoản khấu trừ và nhiều công ty bảo hiểm tư nhân lớn không còn muốn tham gia thị trường. Theo Forbes, Obamacare “ngốn” ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD trong chi phí của chính phủ liên bang từ năm 2015 tới 2016. Nợ quốc gia của Mỹ tăng nhanh chóng đạt tới con số 20 nghìn tỷ USD vào năm 2016 và Obamacare rõ ràng là một yếu tố góp vào số nợ kỷ lục đó. Obamacare làm giảm thu nhập của tất cả người Mỹ và do đó khiến GDP giảm.

Trong hai nhiệm kỳ của ông Obama, dân Mỹ nghèo đi thấy rõ với biểu hiện là có tới gần 50 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 15% dân số, đăng ký nhận trợ cấp thực phẩm vào năm 2016, so với 34 triệu vào lúc ông Obama mới nhậm chức (2009) và chỉ 26 triệu hồi năm 2007. Số việc làm ngành sản xuất ở Mỹ đã giảm khoảng 100.000 công việc kể từ khi ông Obama lên cầm quyền. Nền kinh tế Mỹ vẫn trì trệ với mức tăng trưởng thấp, chỉ hơn 2%.

Đến trước giai đoạn Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, nếu như tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì như thời gian trước đó thì theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chỉ đến năm 2025 hoặc cùng lắm là 2030, Trung Quốc sẽ vươn lên thay thế Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

NUOC-MY

Nhà kinh tế học hiện đại Adam Smith trong “Lý thuyết tình cảm đạo đức” đã nói, đạo đức là cơ sở của sự thịnh vượng của nhân loại. Tuân thủ một số quy phạm đạo đức phổ biến “là cơ sở của sự tồn tại của xã hội nhân loại chúng ta, nếu như điều đó không ăn sâu vào trong tâm trí con người, xã hội của chúng ta chính là sẽ bị sụp đổ trong chớp mắt.”

Một đất nước Mỹ, một xã hội Mỹ sau hơn 60 năm bị lung lay về kinh tế, bị tha hóa về đạo đức, bị đảo ngược các giá trị sống, liệu còn có thể vĩ đại trở lại và giữ vị thế quốc gia như Tổng thống Ronald Reagan từng nhấn mạnh: “Mỹ là thành phố tỏa sáng trên đỉnh đồi, ngọn hải đăng chỉ lối cho những người yêu tự do khắp muôn nơi”?

Nước Mỹ từ năm 2016 đã chuyển mình sang thời đại của tỷ phú Donald Trump. Như cố Tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge vào những năm 1920 đã nói “công việc của nước Mỹ là làm ăn kinh doanh” và có lẽ ông Trump là một trong những tổng thống Mỹ bảo vệ tự do kinh doanh mạnh mẽ nhất cho người dân Mỹ. Ông Trump xóa bỏ sắc lệnh của Tổng thống Obama về hạn chế khai thác và sản xuất dầu khí. Điều này giúp nước Mỹ hiện tại đã vượt qua Ả Rập Saudi và Nga để trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Đạo luật cải cách thuế lớn nhất của ông Trump kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan đã giúp giải phóng sức sản xuất của nền kinh tế Mỹ, giúp GDP tăng trưởng 4,2% trong quý II và 3,5% trong quý III/2018. Doanh nghiệp Mỹ gia tăng việc làm trong nước, ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh, ngành sản xuất nhôm, thép mở mới trở lại, cùng với hơn 450 tỷ USD đầu tư nước ngoài trở về Mỹ, khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,7% – thấp nhất trong gần 50 năm qua. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ tăng lên tới 61.372 USD trong năm 2017, mức cao kỷ lục. Lương năm 2017 tăng 3,3% so với năm 2016, tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ. 3,9 triệu người không còn phải lĩnh tiền trợ cấp thực phẩm nữa và tỷ lệ nghèo trong người gốc Phi và người gốc Latinh đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận.

Tổng thống Trump chủ trương giao thương và trung thực với tất cả các nước trên thế giới. Ông hiểu rõ và nỗ lực thực thi sứ mệnh đưa nước Mỹ trở thành một tấm gương mẫu mực và là phúc lành cho toàn thể nhân loại. Thông điệp của chính phủ Trump trong bang giao với các nước luôn là “hòa bình thông qua sức mạnh” và nước Mỹ muốn giúp các nước “mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập”, điều đó tốt cho nước sở tại, cho nước Mỹ và cho cộng đồng quốc tế. Với nghị trình này, Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim vào ngày 12/6/2018 tại Singapore. Ông Trump cũng buộc các nước Châu Âu phải cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trong khối NATO lên mức 2% GDP. Chính phủ Trump cũng đã hoàn thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) công bằng hơn để thay thế cho NAFTA. Ông Trump cũng đã ký mới hiệp định tự do với Hàn Quốc và đang đàm phán ký kết các thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Liên minh Châu Âu.

Sau gần hai năm ông Donald Trump làm chủ Nhà Trắng, toàn thế giới, toàn giới truyền thông, trí thức cùng giới doanh nghiệp Mỹ đều phải thừa nhận kinh tế Mỹ đang bùng nổ mạnh mẽ. Tờ Washington Post, giữa tháng 10/2018 đã phải thừa nhận: “Ông Donald Trump có thể được nhớ tới như một vị tổng thống trung thực nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

MAKE-AMERICA-GREAT-AGAIN

Từng bước tiến hành theo nghị trình “Nước Mỹ trên hết” và mục tiêu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, còn còn hướng về các trí trị cốt lõi Mỹ, đưa nước Mỹ trở về với truyền thống của một nền Cộng hòa vĩ đại.

Ông Trump cũng luôn cố gắng bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình Mỹ, coi đó là nền tảng để có cộng đồng và đất nước vững mạnh. Gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và nhân cách cho mỗi người Mỹ. Trong thông điệp tổng thống nhân ngày Lễ Tạ Ơn (22/11/2018), ông Trump nói: “Lễ Tạ Ơn năm nay, khi chúng ta tụ họp tại những nơi thờ phượng và quanh bàn ăn gia đình cùng những người thân yêu, với lòng biết ơn khiêm nhường cho những món quà dồi dào mà chúng ta đã nhận được, chúng ta hãy nhớ tới những đồng bào người Mỹ của chúng ta đã phải đối mặt với khó khăn và bi kịch trong năm nay”.

Tổng thống Trump cũng chủ trương sẽ xóa bỏ hôn nhân đồng tính, quay về gia đình truyền thống là sự kết hợp giữa hai người nam và nữ – sự kết hợp được tạo hóa ban cho. Ông Trump phản đối nạo phá thai và công nhận quyền được sống của thai nhi. Tổng thống Đảng Cộng hòa từ năm 2017 đã dừng viện trợ cho Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc vì cho rằng tổ chức này tài trợ cho các hoạt động nạo phá thai trên toàn cầu.

Trong tất cả các bài phát biểu của mình từ bài diễn văn nhậm chức hôm 20/1/2017 tới các bài phát biểu ở Ba Lan trong chuyến công du Châu Âu đầu tiên, tới hai bài phát biểu ở Liên Hiệp Quốc và rất nhiều bài diễn văn khác, ông Trump đều luôn thể hiện sự tôn kính Chúa và cầu mong Chúa ban phước lành cho nước Mỹ và toàn thế giới.

Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ mạnh trở lại; chúng ta sẽ làm nước Mỹ giàu có trở lại; chúng ta sẽ làm nước Mỹ tự hào trở lại; chúng ta sẽ làm nước Mỹ an toàn trở lại. Đúng thế, cùng nhau chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Sứ mệnh của Tổng thống Donald Trump là “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, sứ mệnh của nước Mỹ là “thành phố tỏa sáng trên ngọn đồi” và sứ mệnh của toàn nhân loại là quay về truyền thống để được trường tồn cùng phúc lành và thịnh vượng.

Minh Ngọc

Tư liệu tham khảo

W. Bradford Wilcox, “The Evolution of Divorce,” National Affairs, Number 35, Spring 2018. https://www.nationalaffairs.com/publications/detail/the-evolution-of-divorce

“Beyond Same-Sex Marriage: A New Strategic Vision for All Our Families and Relationships,” Studies in Gender and Sexuality, 9:2 (July 1, 2006): 161-171. DOI:10.1080/15240650801935198.

C. P. Benbow and J. C. Stanley, “Sex Differences in Mathematical Ability: Fact or Artifact?” Science, 210 (1980):1262–1264

Sylvia Ann Hewlett, A Lesser Life: The Myth of Women’s Liberation in America (William Morrow & Company, 1986)

The Vice Chairman’s Staff of the Joint Economic Committee at the Request of Senator Mike Lee, Love, Marriage, and the Baby Carriage: The Rise in Unwed Childbearing https://www.lee.senate.gov/public/_cache/files/3a6e738b-305b-4553-b03b-3c71382f102c/love-marriage-and-the-baby-carriage.pdf.

Robert Rector, How Welfare Undermines Marriage and What to Do About It, Heritage Foundation Report (November 17, 2014), https://www.heritage.org/welfare/report/how-welfare-undermines-marriage-and-what-do-about-it.

Rachel Sheffield và Robert Rector, “The War on Poverty after 50 Years”, Heritage Foundation, 15-9-2014, https://www.heritage.org/poverty-and-inequality/report/the-war-poverty-after-50-years

“OECD Data”  https://data.oecd.org/gga/general-government-debt.htm

Lawrence Kudlow, American Abundance: The New Economic and Moral Prosperity/ (New York: HarperCollins Publishers, 1997)

Children on the Titanic (a documentary, 2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn