Chuyện xứ Miên

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20173:30 SA(Xem: 5934)
Chuyện xứ Miên

Lê Văn

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: internet

Thủ tướng Hun Sen nay hình như đang thắng thế trên bàn cờ chính trị Miên sau khi phóng chiêu «Đằng sau Kem Sokha, luôn luôn có một bàn tay, đó chính là Hoa Kỳ» và dựng màn Tòa Án Tối Cao Cam Bốt ra phán quyết 16/11/2017 nhằm giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt [CNRP], đảng đối lập chính tại quốc gia này, chỉ vài tháng trước khi bắt đầu có cuộc bầu Quốc hội toàn quốc mới vào tháng 7/2018.

Chắc là nhiều người còn nhớ, nhứt là ông Hun Sen, vào những tháng cuối năm 1978, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm từ tháng 4-1975, nước Cambodia đắm chìm trong một cuộc thử nghiệm chủ thuyết Maoism – Trung Hoa cộng sản – của Khmer Đỏ nhằm biến xã hội Cambodia thành một xã hội Cộng sản nguyên thủy và khi mà các tác hại của nó lên dân tộc Khmer đã đến cực độ, đó cũng chính là lúc mà một số cán bộ của Khmer Đỏ quay lưng lại chống đối chủ trương diệt chủng nầy.

Ban lãnh đạo của Khmer Đỏ gồm Pol Pot, Khieu Samphon, Nuon Chea, Ieng Sary, Son Sen và Ta Mok… đã quyết định thi hành kế hoạch thanh lọc hàng ngũ nội bộ trên toàn quốc mà chủ yếu là nhắm vào các quân khu miền đông là các vùng giáp với biên giới Việt Nam. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương của Khmer Đỏ được lịnh về Phnom Penh họp nhưng sau đó đã bị thủ tiêu bí mật, môt số khác như Heng Samrin, Pen Sovanh, Hun Sen cùng với một số đơn vị bộ đội của Khmer Đỏ khác đã chạy sang Việt nam ẩn náu.

Sau khi bị đơn vị bộ đội biên phòng của quân khu 7 đóng tại Tây Ninh bắt giữ, chỉ huy sư đoàn nầy có bí danh là “Ba Mận” đã đưa Hun-Sen về giam tại Trảng Bàng để điều tra và sau đó được Tướng Hoàng Văn Thái trực tiếp đưa Hun-Sen ra Hà Nội.

Sau một thời gian được Đảng cộng sản Việt Nam huấn luyện, Hun Sen cùng với các cựu cán bộ của Khmer Đỏ nầy được tập họp lại cùng với một số thành viên khác là người Việt gốc Miên ở VN được đưa trở lại Thủ đô Phnom Penh dưới một danh xưng mới lấy tên là Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Giải phóng Khmer, mà sau lưng là bộ đội của Việt Nam. Mặt trận nầy được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Trần Xuân Bách, một Ủy Viên Bộ Chánh Trị ĐCSVN cùng với tướng Lê Đức Anh và tướng Lê Khả Phiêu. Mặt trận nầy chính là tiền thân của Đảng Nhân Dân Cambodia – Cambodia People Party (CPP), hầu hết các cấp lãnh đạo của Đảng nầy đều được đưa sang học tại Việt Nam 2 năm. CPP đứng đầu là Heng Samrin, kế tiếp là Pen Sovanh và hầu hết sau là Hun Sen đã nắm chánh quyền tại Phnom Penh, ngoại trừ một thời gian làm đồng thủ tướng với Thái tử Ranariddh của Đảng Bảo Hoàng FUNCINPEC và sau đó lại lật đổ Ranariddh vào 1997 để cai trị từ đó đến nay.

Giới quan sát thời cuộc vùng Đông nam Á đã ghi nhận những bí ẩn quan trọng đằng sau chính biến mùng 5 – 6 tháng 7 1997, xảy ra trong lúc Hun Sen đang nghỉ mát tại Vũng Tàu, đó là cao điểm của sự tranh chấp quyền hành kịch liệt trong suốt 5 năm giữa Hun Sen – đồng Thủ tướng với Hoàng tử Ranariddh thuộc Đảng Bảo Hoàng FUNCINPEC được Trung cộng hậu thuẫn từ trước 1975, lúc ông Hoàng Shihanouk sống lưu vong bên Bắc kinh cho đến sau khi Khmer Đỏ chiếm được Campuchia và bị CSVN đánh bật ra khỏi Thủ đô Phnom Penh.

Có tin cho biết lực lượng an ninh của Hun Sen đã bắt giữ được các container từ ngoại quốc gởi đến cho Thái tử Ranariddhqua cảng Shihanoukville dưới hình thức quà đặc biệt cho Thủ tướng nhưng chứa toàn là vũ khí đạn dược và trong cuộc chính biến nầy cũng đã có hơn 300 tay súng của Khmer Đỏ kéo về yểm trợ cho lực lượng của FUNCINPEC. Các tay súng Khmer Đỏ tập trung phía sau Tòa Đại sứ Pháp nhưng đã bị báo cho ông Hun Sen biết nên phe Hun Sen đã kịp thời quật ngược thế cờ và sau cùng lực lượng quân sự của FUNCINPEC đã rút lui về O Smach, thuộc Tỉnh Oddar Meanchey, nó báo hiệu cho sự cáo chung của nền Dân chủ Cambodia vừa thai nghén và cũng mở màn cho triều đại độc tài mới dưới dạng cơ chế đa đảng bấp bênh sáng tối của xứ Chùa Tháp.

Nhưng sau gần 2 thập niên cầm quyền hầu như không có đối thủ thì mọi sự cũng đang thay đổi gần giống như bên xứ láng giềng Miến Điện, Quân phiệt Miến – USDP Union Solidarity and Development Party – đã thắng hầu như tuyệt đối 212/37 ghế so với Liên đoàn Toàn quốc vì Dân Chủ – NLD National League for Democracy – trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2012 nhưng chỉ 3 năm sau, năm 2015 kết quả hoàn toàn trái ngược 255/30 cho NLD / USDP vì cuộc bầu cử được diễn ra trong bối cảnh tự do hơn, nhứt là có sự giám sát của Cộng đồng quốc tế.

Theo thống kê chính thức trong cuộc bầu cử Quốc hội Cambodia 2013, đảng CPP của Hun Sen thắng nhẹ 68 so với 55 ghế về tay đảng Cứu Quốc – CNRP – của ông Sam Rainsy và Kem Sokha, nhưng điều khá ngạc nhiên là đảng Cứu Quốc đối lập đã đánh bại CPP ngay tại Thủ đô của nền văn minh Angkor với tỉ lệ 7/5 gây cú sốc nặng cho CPP và ám ảnh nặng nề cho ông Hun Sen và hiện nay đảng Cứu Quốc đã nắm hơn 5,000 chức vụ hành chánh địa phương do dân bầu, chính vì đó đã buộc ông Hun Sen không còn chọn lựa nào khá hơn là phải tung chiêu “Tiên hạ thủ vi cường”, chỉ vài tháng trước cuộc bầu củ QH toàn quốc vào tháng 7/2018 sắp tới mà theo dự đoán sẽ mang lại nhiều ngạc nhiên lý thú và hành động “chặt tay Mỹ” của ông Hun Sen đã không gây ngạc nhiên cho nhiều người và ngay lập tức đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt và gán cho nó cái tên nick là “red herring – đánh lạc hướng hay chạy đạn”.

Đối với Trung cộng 

Mèo trắng mèo đen miễn sao bắt được chuột, trước đây TC dùng mèo Đỏ – Khmer Đỏ Pol Pot, Ieng Sary kể cả Hun Sen để bành trướng chủ nghĩa Maoist diệt chủng và sau khi Khmer Đỏ và FUNCINPEC thất bại thì TC quay sang dùng mèo đen Hun Sen cho các mục đích chiến lược trong vùng, vừa chống lại CSVN, vừa để gây chia rẽ khối ASEAN cùng mưu chiếm biển Đông và cùng các mưu mô lớn khác… Nhưng Hun Sen cũng biết rõ là chính Trung cộng đứng đằng sau thảm họa diệt chủng “The Killing Fields”, làm cho mấy triệu dân Miên chết thảm và xứ Chùa Tháp lúc đó gần như bị xóa sổ trên quả địa cầu, TC cũng không muốn thấy Cambodia có một Thủ tướng mới có xu hướng thân phương Tây và nhứt là được Mỹ huấn luyện về quân sự như con trai Hun Manet của ông đã tốt nghiệp trường West Point.

Hay cho một nước nhỏ là cần “biết mình biết người – am thời mẫn thế” và biết nhìn xa trông rộng, giữ cân bằng không dựa hẳn một bên để khi thời thế thay đổi thì không bị hụt chân hoặc đừng để đến khi “mâm không lành – canh không ngọt” rồi mới tính, hay “đừng để nước đến chân mới nhảy”. Trên đời nầy không có ai là bạn muôn đời hay là thù muôn kiếp.

Nên lấy Dân làm gốc, dựa vào Dân mình là chính, lực ngoại chỉ là phụ vì Lòng Dân là vô tận và Sức Dân là vô địch, không ai thay thế nổi đâu!!!

Ngụ ngôn người Miên cũng có câu “Nóng ăn cạn, nguội ăn sâu”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn