Nếu muốn giải giáp Triều Tiên, hãy trừng phạt Trung Quốc

Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 20173:00 CH(Xem: 5688)
Nếu muốn giải giáp Triều Tiên, hãy trừng phạt Trung Quốc


Đó là lời kêu gọi gửi tới tổng thống Mỹ của ông Steven W. Mosher, tác giả cuốn “Kẻ bắt nạt của châu Á: Tại sao giấc mơ của Trung Quốc là một mối đe dọa cho trật tự thế giới”, được đăng trên tờ Lifezette hôm 2/12.

Theo ông Mosher, chính quyền Kim Jong Un không có nguyên vật liệu và chuyên môn để chế tạo tên lửa. Họ phải dựa vào quốc gia láng giềng ở phía Bắc về cả 2 điều trên.

Cả thế giới đều biết Triều Tiên hiện đã có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới Mỹ. Việc phóng thử tên lửa hôm 29/11 của Triều Tiên là một thành công về công nghệ cao, với mục đích không phải là đe dọa các nước láng giềng của Triều Tiên, mà nhằm gây ra những làn sóng sợ hãi trên khắp Thái Bình Dương, đến Mỹ.

Tổng thống Trump ngay lập tức tuyên bố “các lệnh trừng phạt quan trọng bổ sung sẽ được áp dụng đối với Triều Tiên”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã nhấn mạnh rằng mục tiêu của Tổng thống là “tiếp tục gây áp lực tối đa” lên quốc gia độc tài và biệt lập này.

Nhưng theo ông Mosher, thật khó để tưởng tượng việc gây áp lực này sẽ được áp dụng như thế nào trên thực tiễn.

Quốc gia bị cô lập và nghèo khổ của ông Kim Jong Un đã bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện nhất trên thế giới. Người dân Triều Tiên đang phải gánh chịu hậu quả. Đất nước Triều Tiên đã bị sa sút, nghèo đói đến mức thậm chí không thể cung cấp lương thực cho những người lính trong quân đội.

Một vài ngày trước khi “Người tên lửa Nhỏ bé”, biệt danh của ông Kim Jong Un, phóng thử tên lửa gần đây nhất, một người lính Triều Tiên đã liều mạng chạy trốn qua khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới để sang Hàn Quốc.

Các bác sĩ điều trị vết thương cho người lính đào tẩu này đã rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng anh ta không những bị viêm gan B, mà còn bị nhiễm ký sinh trùng. Khi tìm cách chữa trị vết thương trên bụng của người lính, các bác sĩ đã phát hiện trong ruột của anh ta có nhiều giun ký sinh, trong đó có những con dài đến 27 cm.

Vậy nên, ông Mosher đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa giữa tình trạng thể chất cực kỳ tồi tệ của một trong những người lính của ông Kim với hình ảnh của một bộ máy chiến tranh khủng khiếp mà ông ấy tìm cách dựng nên?” hoặc “làm thế nào mà một đất nước nghèo khó, không thể cung cấp lương thực cho người dân của mình, có thể đạt được bí quyết sản xuất và kỹ thuật tinh vi, cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân và triển khai tên lửa đạn đạo?”.

Câu trả lời là họ không thể, ông Mosher khẳng định. Thay vào đó, Triều Tiên chỉ dựa vào một đồng minh duy nhất của mình là Trung Quốc, một quốc gia ràng buộc với họ bằng một hiệp ước quốc phòng, cung cấp những thứ cần thiết này.

Ông Mosher giải thích đó không chỉ là sự suy đoán của ông, mà dựa trên những bằng chứng vững chắc.

Trong một thời gian, Hải quân Nhật đã đang làm việc để thu hồi các tên lửa của Triều Tiên rơi xuống Biển Nhật Bản.

Để ngăn cản điều này, các tên lửa Triều Tiên thường bị làm rỗ tổ ong để cài đặt chất nổ. Tên lửa được kích nổ trong khi vẫn đang bay, làm cho nó vỡ thành hàng chục mảnh.

Cơ chế tự hủy này của tên lửa được thiết kế để ngăn chặn chúng rơi vào tay người Nhật và người Mỹ. Tuy nhiên, người Nhật và các đồng minh đã thu hồi được và phân tích rất nhiều mảnh vụn tên lửa do Triều Tiên thử nghiệm.

2017-09-15_082627
Tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản, rơi rất xa ở Thái Bình Dương

Vậy người Triều Tiên mong muốn che giấu bí mật gì? Hóa ra những gì mà người ta từng nghi ngờ, hầu như mọi chi tiết được thu hồi, từ những bộ phận cảm biến và các mạch điện tử cho đến vỏ ngoài của tên lửa, đều được sản xuất tại Trung Quốc, ông Mosher cho biết.

Một số nhà quan sát tỏ ra bối rối trước thực tế là việc phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 29/11 được diễn ra lần đầu tiên vào ban đêm.

Ông Mosher nghi ngờ rằng lý do nó được phóng lên trong đêm tối là để khiến việc lượm lặt những bộ phận và chi tiết của tên lửa, được cho là do Trung Quốc chế tạo, thậm chí còn khó khăn hơn nữa.

Người ta không tin rằng một đất nước Triều Tiên nghèo đói lại chế tạo được tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân mà không có nguồn cung cấp liên tục các bộ phận cấu thành và linh kiện điện tử, cũng như chuyên môn kỹ thuật từ phía bên kia biên giới.

Theo ông Mosher, nếu nói rằng tên lửa của “Người Tên lửa nhỏ bé” là “Made in China”, thì có lẽ cũng không sai, và sẽ là chính xác hơn khi rập khuôn trên cạnh của tên lửa nhãn mác: “Lắp ráp tại Triều Tiên từ các linh kiện Trung Quốc”.

“Ngài Tổng thống Mỹ, xin đừng bận tâm thêm nữa với các biện pháp trừng phạt một nước Triều Tiên đã bị cô lập. Nếu muốn giải giáp và phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hãy trừng phạt Trung Quốc”, ông Mosher kêu gọi.

Phạm Duy

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn