Vụ Khashoggi: 'Phân hóa' rõ ràng người hưởng lợi, kẻ thua thiệt ( Tiền rưả sạch vết máu, vết nhơ. Níu kéo được những cam kết Đồng Minh, Đồng Đảng )

Thứ Năm, 22 Tháng Mười Một 20186:46 SA(Xem: 5477)
Vụ Khashoggi: 'Phân hóa' rõ ràng người hưởng lợi, kẻ thua thiệt ( Tiền rưả sạch vết máu, vết nhơ. Níu kéo được những cam kết Đồng Minh, Đồng Đảng )

Vụ Khashoggi: 'Phân hóa' rõ ràng người hưởng lợi, kẻ thua thiệt; có nét giống bê bối Watergate


Lệnh ngừng bắn ở Yemen và việc mời Quốc vương Qatar tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vào tháng 12 tới ở Riyadh là sự mở đầu cho những thay đổi lớn trong chính sách của Ả Rập Saudi.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước được hưởng lợi nhiều nhất

Có thể nói sau gần hai tháng nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại một cách dã man trong tòa lãnh sự quán của Ả Rập Saudi tại Istanbul, hai đối thủ chính của Ả Rập Saudi trong khu vực Trung Đông là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong khi đó, chiến lược của Mỹ tại Trung Đông - mà Thái tử Mohammed bin Salman là người ủng hộ mạnh mẽ nhất lại đang bị cáo buộc đứng đằng sau tội ác - lại là kẻ thua cuộc lớn nhất.

Iran được coi là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Kể từ khi D. Trump đắc cử và trở thành Tổng thống năm 2016 đến nay, chính quyền của ông đã tìm mọi cách làm suy yếu nước Cộng hòa Hồi giáo này, bắt đầu từ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có chống Iran và thành lập "NATO Ả Rập" để chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm thay đổi chính quyền ở Tehran.

Iran đã không bày tỏ ý kiến và giữ im lặng ngay từ đầu về vụ nhà báo J. Khashoggi bị giết hại. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, Iran chỉ đóng vai trò người quan sát và có lúc còn tỏ "thông cảm" với Ả Rập Saudi. Thái độ này của Tehran đã nhận được sự quan tâm của Riyadh.

Trong khi đó, đến nay Iran đã tập hợp được lực lượng nhằm đối phó lại các cuộc tấn công của Mỹ, Ả Rập Saudi và Israel về chính trị cũng như kinh tế, thông qua việc thiết lập mối quan hệ hợp tác vững chắc nếu không muốn nói là liên minh đối trọng lại với "NATO Ả Rập" bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và thắt chặt quan hệ tốt đẹp với châu Âu.

Về nội bộ, Tehran đã khai thác các biện pháp trừng phạt của Mỹ để củng cố mặt trận đoàn kết bên trong, đặc biệt giữa hai phái lớn nhất là hồi giáo bảo thủ và phái tự do, tập trung vào mục tiêu chính là bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù chính quyền D. Trump siết chặt lệnh trừng phạt Iran, dầu mỏ Iran vẫn được bơm ra thị trường chính của họ là Trung Quốc, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.

VIDEO: Buổi chiều định mệnh của nhà báo Ả Rập Jamal Khashoggi

Việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong vòng một tháng qua từ 76,9 USD/thùng xuống còn 60,67 USD/thùng, tức khoảng 20% phần lớn là do dầu Iran vẫn được xuất ra thị trường thế giới mà không gặp phải sự cản trở nào. Điều này lại phù hợp với yêu cầu của ông D. Trump đòi các nước tăng sản lượng để giảm giá dầu phục vụ cho nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi.

Là nước nắm giữ toàn bộ các bằng chứng về vụ giết hại J. Khashoggi, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang sử dụng các bằng chứng này làm con bài để gây sức ép trong quan hệ với Ả Rập Saudi và Mỹ, đòi quốc tế hóa việc điều tra để tìm ra thủ phạm chính của vụ giết người này và đòi đưa ra xét xử tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đòi chính quyền Riyadh phải tìm ra bằng được người ra lệnh giết J. Khashoggi và tuyên bố bất cứ ai, dù ở bất kỳ cương vị nào đứng sau vụ án này cũng phải đưa ra trước công lý. Việc Ankara tiết lộ nhỏ giọt các thông tin họ điều tra nắm giữ cho Mỹ và Ả Rập Saudi là nằm trong kế hoạch sử dụng vụ giết nhà báo J. Khashoggi phục vụ cho lợi ích của mình.

Tổng thống Recep Erdogan thì đã nhiều lần nói rằng, lệnh giết nhà báo J. Khashoggi được phát ra từ một nhân vật trong "hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất" của Ả Rập Saudi. Tuyên bố này rõ ràng ám chỉ Thái tử Mohammed Bin Salman. Đây có thể là con bài cuối cùng mà Ankara sẽ đưa ra để đạt được các mục tiêu của mình trong quan hệ với Ả Rập Saudi và Mỹ.

Ả Rập Saudi đã cử một số đoàn cấp cao sang mặc cả với Thổ Nhĩ Kỳ để khép lại hồ sơ của vụ án và cải thiện quan hệ. Washington cũng đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt Ankara, một phần là để tranh thủ cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yashar Yakish tiết lộ Tổng thống R. Erdogan muốn đánh đổi việc dẫn độ nhà truyền đạo Fatullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ để giải quyết êm thấm vụ giết J. Khashoggi.

Ả Rập Saudi và Mỹ chịu nhiều thua thiệt

Đứng trước nhiều khó khăn sau vụ giết nhà báo J. Khashoggi, can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại Yemen kéo dài từ tháng 3/2015 đến nay vẫn không phân thắng bại, hậu quả của việc cô lập Qatar bất thành, không kiềm chế được ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại khu vực...

Riyadh rất khó có thể đảm đương được vai trò lãnh đạo Liên minh Ả Rập Sunni hay còn gọi là "NATO Ả Rập" để chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Iran Shia đang lan rộng tại Syria, Iraq, Lebanon và Palestine.

Ả Rập Saudi đang gặp phải nhiều khó khăn chưa từng có ở khu vực cũng như trên trường quốc tế sau vụ giết nhà báo J. Khashoggi nên đã nhanh chóng chấp thuận một lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến sự ở Hodeida, Yemen và ủng hộ các nỗ lực của quốc tế nhằm khôi phục lại tiến trình chính trị để tìm ra một giải pháp cuộc xung đột kéo dài gần 4 năm tại Yemen theo các điều kiện mà trong tình hình bình thường, đặc biệt trước khi J. Khashoggi bị giết Ả Rập Saudi sẽ không bao giờ chấp nhận.

Bên cạnh quyết định ngừng bắn ở Yemen, có nhiều khả năng dưới áp lực của Mỹ, Ả Rập Saudi cũng sẽ đi tới chấm dứt tẩy chay và hòa giải với Qatar, tìm các biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài từ tháng 5/2016 đến nay.

Nhiều nguồn tin cho biết Oman đã quyết định nhường quyền đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới cho Ả Rập Saudi.

Đây có thể là một sự sắp đặt trước nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho việc hòa giải giữa các nước GCC, cụ thể là giữa Ả Rập Saudi và Qatar.

Một dấu hiệu tích cực theo hướng này là Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani đã nhận được thư mời chính thức của Quốc vương Salman bin Abdulaziz của Ả Rập Saudi và khẳng định sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh này tại Riyadh.

Đồng thời, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah đang tích cực hoạt động nhằm khởi động lại các cố gắng trung gian hòa giải của mình giữa Qatar và Ả Rập Saudi.

Nội bộ nước Mỹ đang bất đồng sâu sắc trong vụ nhà báo J. Khashoggi bị sát hại. Tổng thống D. Trump đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ của Quốc hội kể cả các thành viên của đảng Dân chủ cũng như đảng Cộng hòa đòi tìm ra thủ phạm chính của vụ án và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Ả Rập Saudi.

Trong khi đó D. Trump đang tìm cách bênh vực cho Thái tử Mohammed Bin Salman bởi vì M. bin Salman là người ủng hộ mạnh mẽ và là chỗ dựa chính để ông D. Trump triển khai chiến lược của Washington ở Trung Đông, trước hết là việc thực hiện "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và cuộc chiến chống Iran.

Nhiều nhà quan sát đã gọi đây là vụ "Khashoggigate" giống như vụ "Watergate" đã từng lật đổ Tổng thống R. Nixon năm 1972. Tổng thống D. Trump đang ở trong thế "trên đe dưới búa" rất khó khăn để có thể vượt qua được tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn