Tuy nhiên, giới chuyên gia nước ngoài cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng thực sự vẫn chưa thành công.

Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), ICBM được Triều Tiên phóng sáng 29/11 đã đạt tới độ cao 4.500 km và đi được quãng đường 960 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Tên lửa này được phóng từ vùng lân cận của Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng 30km về phía Bắc lúc khoảng 3 giờ 17 (giờ địa phương).

JCS ban đầu nghi ngờ đó là tên lửa Hwasong-14 – loại ICBM 2 tầng từng được Bình Nhưỡng phóng thử 2 lần trong tháng 7 vừa qua - nhưng sau đó Triều Tiên khẳng định đó là tên lửa Hwasong-15 mới, phiên bản nâng cấp của Hwasong-14.

Báo Washington Post (Mỹ) cho rằng, tên lửa này đã bay cao hơn 10 lần so với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), đồng nghĩa với việc thủ đô Washington của Mỹ nằm trong tầm bắn.

Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời một số nhà khoa học nêu rõ, sự cải thiện về tầm bắn có thể là do tên lửa được trang bị đầu đạn giả có trọng lượng nhẹ. Tên lửa Triều Tiên có thể sẽ không đạt được tầm bắn như vậy nếu được gắn đầu đạn thực siêu nặng.

Mặc dù Triều Tiên không nói cụ thể về tiến bộ công nghệ mà nước này đạt được, song giới chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa có được công nghệ đưa tên lửa quay trở về khí quyển – một yếu tố then chốt đề hoàn tất chương trình ICBM. Khi quay trở lại khí quyển và rơi xuống từ tốc độ cao là Mach 24, một ICBM phải chịu được nhiệt độ từ 6.000-7.000 độ C.

Theo ông Kim Dong-yup - giáo sự thuộc Viện Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, “vụ thử này là nỗ lực của Triều Tiên nhằm kiểm tra và khẳng định công nghệ đã được nâng cấp”, đồng thời chỉ ra việc Bình Nhưỡng đã không công bố báo cáo về việc tên lửa này trở về khí quyển thành công.

Ông nêu rõ: “Tên lửa Hwasong-14 chưa bao giờ thể hiện được khả năng quay trở lại khí quyển sau khi được phóng lên một quỹ đạo tối đa. Dường như Triều Tiên đã thất bại trong việc có được công nghệ đưa tên lửa quay trở lại khí quyển (trong lần thử mới này)”.

Bên cạnh đó, giáo sư Kim còn cho rằng, vụ thử mới cũng có thể diễn ra như một cuộc kiểm tra tổng thể trước khi tiến hành kế hoạch thả bom H ở Thái Bình Dương vốn được Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đề cập hồi tháng 9. Ông Kim còn dự đoán, Triều Tiên có thể tiếp tục phóng tên lửa vào quỹ đạo bình thường trước cuối năm 2017.

Theo Chuyên gia Yang Mu-jin thuộc Đại học nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, mặc dù Triều Tiên thất bại trong việc sở hữu công nghệ đưa tên lửa trở về khí quyển song nước này đã thành công trong việc đảm bảo được mục tiêu về khoảng cách di chuyển của tên lửa.

Dựa trên quỹ đạo và khoảng cách, tên lửa mới nói trên có khả năng di chuyển từ 10.000-11.000 km, đủ dể tấn công Mỹ.

Phía Hàn quốc đánh giá rằng, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể đã không hoàn toàn thành công vì tên lửa này đã mất liên lạc với trung tâm kiểm soát trên mặt đất ở giữa hành trình bay.

Theo Koreaherald