Phương Tây, đi đầu là Mỹ, lập liên minh tình báo chống Trung Quốc

Thứ Bảy, 13 Tháng Mười 20184:34 SA(Xem: 6597)
Phương Tây, đi đầu là Mỹ, lập liên minh tình báo chống Trung Quốc
mediaPhòng theo dõi thông tin, Trung Tâm Truyền Thông Chính Phủ, một cơ quan tình báo Anh Quốc, Cheltenham. (Ảnh chụp ngày 17/11/2015)Ben Birchall / POOL / AFP

Âm thầm nhưng kiên quyết, từ đầu năm 2018 đến nay, năm quốc gia trong nhóm Five Eyes (Năm con mắt) - mạng lưới chia sẻ tình báo hàng đầu thế giới hiện nay bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand - đã gia tăng trao đổi thông tin mật với nhiều nước cùng chí hướng về hoạt động đối ngoại của Trung Quốc.

Thông tin này vừa được hãng tin Anh Reuters tiết lộ hôm 12/10/2018, dựa theo bảy quan chức cao cấp thuộc bốn thủ đô khác nhau.

Nhiều quan chức xin ẩn danh do tính chất nhạy cảm của thông tin được tiết lộ, đã cho rằng đà tăng cường hợp tác giữa các nước có liên quan đã lên đến mức mà người ta có thể nói rằng hoạt động của Nhóm Five Eyes đã mặc nhiên được mở rộng trên vấn đề cụ thể là các hành vi can thiệp của nước ngoài, mà trước tiên hết là của Trung Quốc.

Một quan chức Mỹ đã xác nhận với Reuters rằng : « Các cuộc tham vấn với các đồng minh của chúng tôi, với các đối tác cùng chí hướng với chúng tôi, về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của Trung Quốc đã trở nên thường xuyên và ngày càng phát triển ».

Hợp tác ngày càng tăng với Đức, Nhật, Pháp…

Đối với quan chức này thì « Những cuộc thảo luận thoạt đầu chỉ mang tính chất chuyên biệt giờ đây đã trở thành những buổi tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chi tiết hơn về cách thức hành động và cơ hội tiếp tục đẩy manh hợp tác. »

Theo Reuters, hợp tác ngày càng tăng giữa 5 thành viên nhóm Five Eyes, với những nước như Đức, Nhật Bản, và cả Pháp trong một số trường hợp, cho thấy sự mở rộng của một mặt trận quốc tế chống lại các chiến dịch tăng cường ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc.

Trong thời gian qua, trước những phản ứng càng lúc càng mạnh từ phía Washington, Canberra và nhiều thủ đô khác, Bắc Kinh đã gay gắt bác bỏ các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tác động đến các chính phủ nước ngoài, và các khoản đầu tư hải ngoại của Bắc Kinh đều nhằm ý đồ chính trị.

Theo thẩm định của Reuters, việc mạng lưới Five Eyes tăng cường phối hợp hành động đã nêu bật vai trò của Mỹ. Bất chấp những tín hiệu từ tổng thống Mỹ Donald Trump theo đó ông đã sẵn sàng đơn thương độc mã đối đầu với Trung Quốc, các thành viên trong chính quyền của ông đang nỗ lực làm việc để hình thành một liên minh không chính thức để chống lại Bắc Kinh.

Bắc Kinh thất bại trong việc lôi kéo châu Âu bỏ Mỹ theo Tầu

Đối với Trung Quốc thì đó là một vố đau, xóa tan hy vọng của Bắc Kinh về việc thuyết phục các nước châu Âu rời xa Mỹ để xích lại gần Trung Quốc hơn, trong bối cảnh các nước châu Âu đang bất an trước chính sách "nước Mỹ trên hết" của tổng thống Trump.

Theo các quan chức đã đồng ý trả lời hãng Reuters, thì các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách kín đáo, và chủ yếu trên cơ sở song phương. Không quan chức nào xác nhận việc Đức, Nhật Bản hay các quốc gia khác ngoài mạng lưới Five Eyes đã được mời đến các cuộc họp của liên minh tình báo, được thành lập sau Thế Chiến Thứ II để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.

Thế nhưng, một thông báo công bố sau một cuộc họp của nhóm Five Eyes tại Úc vào cuối tháng Tám vừa qua, đã gợi lên một sự phối hợp chặt chẽ hơn, xác định rằng nhóm Năm Con Mắt sẽ sử dụng đến các "quan hệ đối tác toàn cầu" và đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài.

Như vậy là một liên minh quốc tế chống các thủ đoạn của Trung Quốc xen vào nội tình các nước khác đang được hình thành, nối tiếp theo một loạt những hành động ở cấp quốc gia - ở Mỹ, ở Đức, ở Úc… - nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ nhạy cảm và chống lại những điều mà một số chính phủ cho là một chiến dịch ngày càng mạnh đang được chế độ Tập Cận Bình phát triển, để lũng đoạn các chính phủ và xã hội nước ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn