Á Châu một thị trường màu mỡ

Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 20179:00 CH(Xem: 6779)
Á Châu một thị trường màu mỡ

Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng năm nay được mô tả là diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khác thường mà nguyên nhân là do có sự đối chọi trong chính sách thương mại giữa Hoa Kỳ và những quốc gia thành viên khác. 

a-chau-mot-thi-truong-mau-mo
APEC 2017 – nguồn YouTube

Tổ chức APEC được thành lập năm 1989 với 21 quốc gia thành viên nằm quanh vòng đai Thái Bình Dương, trong đó bao gồm những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, với mục tiêu nhằm đẩy mạnh tự do thương mại trong khắp khu vực châu Á-Thái Bình dương.

Trong bài diễn văn đọc tại cuộc họp thượng đỉnh hôm Thứ Sáu 10/11, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ xé bỏ các thỏa thuận thương mại đa quốc gia đã được các chính phủ Hoa Kỳ trước đây ủng hộ. Trong các thỏa thuận này thường bắt buộc những quốc gia nào ký kết phải chấp nhận từ bỏ một số chính sách bảo hộ mậu dịch của họ. Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Trump, chính phủ Hoa Kỳ cho rằng những thỏa thuận đa quốc gia này gây nhiều bất lợi cho quyền lợi của Mỹ, do đó, Ông Trump muốn điều đình lại qua các thỏa thuận thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và từng mỗi quốc gia đối tác. Đó cũng là lý do mà ngay khi vừa lên cầm quyền Ông Trump đã tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước TPP (Đối tác Xuyên Thái Bình Dương).

a-chau-mot-thi-truong-mau-mo3
APEC Việt Nam 2017 – nguồn vneconomictimes.com

Thậm chí bản thông cáo chung của APEC, được xem như văn bản chính thức về chính sách chung cho các quốc gia thành viên, cũng phải dời lại hai ngày vì thiếu sự đồng thuận do phía Hoa Kỳ phản đối một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, trên một số vấn đề về bảo hộ mậu dịch và thương mại đa phương. Và khi được công bố, bản văn tránh không đề cập tới điều khoản cam kết xây dựng hệ thống thương mại đa quốc gia.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu về kinh tế toàn cầu, chính sách “bế quan” này của Trump chưa chắc đã có lợi cho Hoa Kỳ, nhất là trong tương lai vài thập niên tới.

Chuyến công du Á châu của Tổng thống Donald Trump vào đầu Tháng 11 không chỉ được giới truyền thông theo dõi và đưa tin mà ngay cả những đại công ty Mỹ như PepsiCo (nước giải khát), McDonalds, hay Yum! Brands (chủ của các hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh như KFC, Pizza Hut và Taco Bell) cũng theo dõi rất sát vì những công ty này hiểu rõ tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu là biết trước được đâu là khu vực có tiềm năng phát triển trong tương lai. Á châu chính là vùng đất đầy tiềm năng đó, và giới trung lưu ngày một đông thêm trong khu vực sẽ đóng một vai trò quan trọng vì họ là những lớp người tiêu thụ mới. Những công ty Mỹ nào biết nắm bắt thời cơ và biết tận dụng khai thác sẽ là những công ty thành công và phát đạt sau này.

Khi Tổng thống Barack Obama đưa ra chính sách tái cân bằng sang châu Á (cũng còn được gọi là “chuyển trục sang châu Á”), là vì chính phủ Hoa Kỳ lúc đó thấy rằng tâm điểm của sức nặng chính trị và kinh tế thế giới đang chuyển về châu Á. Tuy nhiên, ngay cả thời Ông Obama, khi nói đến chuyển trục sang châu Á người ta thường nghĩ ngay đây là chính sách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng nay ta có thể hiểu trong ý nghĩa kinh tế đây còn là chính sách mở rộng thêm thị trường ở châu Á trong tương lai.

a-chau-mot-thi-truong-mau-mo2
Một bến cảng tại Singapore – nguồn GettyImages

Đối với các công ty đa quốc gia, sự vươn lên của châu Á cũng đồng nghĩa với cơ hội để làm ăn. Các công ty đa quốc gia đó, từ Unilever và Nestle, đến Coca-Cola và Johnson & Johnson, biết rõ là phần phát triển nhanh nhất của công ty họ là ở những thị trường mới, đặc biệt là nhóm người tiêu thụ thuộc giới trung lưu. Mà đa số những người tiêu thụ này sống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương: hiện nay là vào khoảng 1.5 tỉ người, và dự đoán đến năm 2030 là 3.5 tỉ.

Những công ty đa quốc gia của Mỹ chắc chắn hiểu được tầm mức quan trọng trong việc khai thác những thị trường mới trên thế giới, nơi mà trong tương lai có tiềm năng tiêu thụ mạnh những sản phẩm của họ. Và không nơi đâu quan trọng cho bằng lớp trung lưu đang vươn lên ở châu Á. Theo học giả Homi Kharas thuộc viện nghiên cứu Brookings, trong số hàng tỉ dân đang gia nhập vào tầng lớp trung lưu trên thế giới, có tới 88 phần trăm trong số này sẽ là ở châu Á. Giới tiêu thụ người Á châu này, cho đến năm 2030, sẽ là lớp trung lưu mới rất chịu tiêu xài và sẽ chi tiêu một khối tiền khổng lồ vào khoảng $29 ngàn tỉ. Lấy một ví dụ, công ty xe hơi Ford năm ngoái đã bán ra chiếc xe thứ một triệu của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc mở rộng thị trường châu Á, trên thực tế, đang được các công ty Mỹ dốc sức toàn lực. Hệ thống nhà hàng McDonald’s đến năm 2021 sẽ khai trương thêm khoảng 2,000 tiệm, nâng tổng số tiệm ăn lên 4,500 tiệm. Trung Quốc đang trên đường trở thành thị trường lớn thứ nhì của McDonald’s. Nếu McDonald’s đạt được mục tiêu đưa ra, họ sẽ gần bắt kịp hệ thống nhà hàng KFC, hiện đã có hơn 5,000 tiệm ăn tại Trung Quốc. Yum! Brands, công ty mẹ của KFC cũng như của Pizza Hut và Taco Bell, thu khoảng một nửa lợi tức toàn cầu của họ là từ thị trường Trung Quốc trong năm ngoái. Công ty Starbucks cũng đang ve vãn đeo đuổi tầng lớp trung lưu người Trung Quốc và đến năm 2021 nhắm tăng gấp đôi số tiệm của họ tại đó từ 2,500 lên 5,000. Nghĩa là gần hai tiệm được khai trương mỗi ngày trong bốn năm tới.

a-chau-mot-thi-truong-mau-mo1
Thủ đô Jakarta, Indonesia – nguồn Time Magazine

Trong bài diễn văn Tổng thống Trump đọc tại thượng đỉnh APEC Đà Nẵng vừa qua có đoạn: “Chúng tôi sẽ không để Hoa Kỳ bị lợi dụng thêm nữa. Tôi luôn luôn sẵn sàng đặt nước Mỹ trước hết.” Ý tưởng cho rằng nước Mỹ đang bị lợi dụng cũng không hoàn toàn đúng hẳn. Những công ty Mỹ vẫn được xem là những công ty lớn mạnh nhất, giàu nhất, toàn cầu nhất cũng như sáng tạo và năng động nhất trên thế giới. Sản phẩm của họ có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách trên trái đất. Chỉ có hai quốc gia trên thế giới mà công ty Coca-Cola không tìm đến làm ăn: Bắc Hàn và Cuba, còn thì họ trải rộng ra khắp toàn cầu. Nếu Facebook là một quốc gia, số người sử dụng trang mạng xã hội này có thể gom lại thành quốc gia lớn nhất thế giới. Một số những công ty hàng đầu của Mỹ, từ Apple đến Walmart, vốn của họ có thể sánh ngang bằng nhiều quốc gia khác.

Bất cứ tổng thống nào lên cầm quyền cũng đều muốn đàm phán để đạt được những thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho mình. Mới đây, chính phủ Hoa Kỳ vừa đạt được một thỏa thuận để được xuất cảng thịt bò sang Trung Quốc trở lại sau gần một thập niên rưỡi bị cấm do phía Trung Quốc đổ thừa vì lo ngại căn bệnh bò điên mà không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào cả. “Vành đai sản xuất thịt bò” của nước Mỹ, kéo dài từ Texas qua tới Montana, hoan nghênh sự mở cửa này của Trung Quốc. Trong chuyến công du Á châu của TT. Trump vừa qua, một cửa hàng trên mạng loại lớn của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mua số lượng thịt bò và thịt heo từ Hoa Kỳ có trị giá lên tới khoảng $1.2 tỉ.

Đó là nói thị trường Trung Quốc. Thị trường Á châu nói chung hiện đang là thị trường lớn nhất thế giới về nhập cảng, chiếm 36 phần trăm tất cả các hàng nhập cảng trên thế giới. Hoa Kỳ và Liên Âu cộng lại chỉ chiếm 31 phần trăm. Đến năm 2020, số người sử dụng điện thoại thông minh ở khu vực Đông Nam Á sẽ nhiều hơn ở Mỹ. Khu vực Nam Á cũng đang phát triển rất nhanh. Cứ mỗi giây đồng hồ thì có thêm ba người Ấn Độ lần đầu tiên truy cập vào mạng internet, và Pakistan đang trở thành thị trường phát triển nóng hổi của các công ty Mỹ.

Kể từ khi còn tranh cử cho đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn tự cho mình có trọng trách “chấn hưng lại nước Mỹ” (Make America Great Again) và Á châu chính là vùng đất màu mỡ với một thị trường mở rộng đầy tiềm năng mà chính phủ Trump không thể làm ngơ nếu quả tình nước Mỹ thật sự cần phải chấn hưng lại.

VH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn