Liên minh "lạ" của Ả Rập Saudi

Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một 20171:30 SA(Xem: 6483)
Liên minh "lạ" của Ả Rập Saudi

Một liên minh quân sự Hồi giáo ra đời 2 năm trước sẽ trấn áp khủng bố cho đến khi nó bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thông điệp mạnh mẽ

Đó là tuyên bố cứng rắn của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng Liên minh Quân sự Hồi giáo chống khủng bố nói trên, diễn ra lần đầu tiên tại thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi hôm 26-11. Theo ông này, mối đe dọa lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan không chỉ là sát hại người vô tội, phát tán sự hận thù mà còn làm hoen ố đạo Hồi và bóp méo niềm tin. "Hôm nay, chúng ta phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng sẽ cùng nhau làm việc để chống khủng bố" - Thái tử Salman, cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi, nhấn mạnh, theo đài Al-Arabiya.

Hội nghị trên diễn ra chỉ 2 ngày sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một đền thờ Hồi giáo tại tỉnh Sinai - Ai Cập, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Hiện chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng tuyên bố của công tố viên nhà nước Ai Cập nhắc đến một kẻ tấn công có mang cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. CNN cũng cho rằng vụ khủng bố mang dấu ấn của IS, tổ chức đang duy trì thành trì ở miền Bắc bán đảo Sinai và là nguồn cảm hứng cho các nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương.

Thái tử Mohammed khẳng định sự kiện đau lòng nói trên sẽ càng thúc đẩy liên minh theo đuổi mục tiêu. Trước mắt, theo các quan chức, liên minh sẽ cho phép các thành viên yêu cầu hoặc đề nghị hỗ trợ lẫn nhau (tài chính, quân sự, thiết bị, kiến thức an ninh…) trong cuộc chiến cam go này. Ngoài ra, đại diện các nước dự hội nghị còn tập trung thảo luận những vấn đề như trao đổi thông tin quân sự, khuyến khích các thành viên củng cố năng lực quân sự để chống khủng bố, ngăn chặn bạo lực...

Liên minh lạ của Ả Rập Saudi - Ảnh 1.

Hiện trường một vụ đánh bom tự sát ở thánh địa Mecca - Ả Rập Saudi hồi tháng 6 quaẢnh: Reuters

Chống khủng bố hay Iran?

Liên minh nói trên được thành lập tháng 12-2015 giữa lúc có những chỉ trích các nước Ả Rập chưa làm đủ để chống khủng bố. Với 41 thành viên đến từ Trung Đông, châu Phi và châu Á, liên minh đặt trung tâm điều hành chung tại Riyadh nhưng chưa có hành động gì cho đến giờ. Đáng chú ý, Iraq, Syria và Iran không là thành viên của liên minh này dù có liên quan đến cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Qatar không được mời dự hội nghị sau khi bị một nhóm nước Ả Rập cô lập, lấy lý do Doha ủng hộ khủng bố.

Vì thế, không gì lạ khi đài DW cho biết đã có những thắc mắc về việc liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu nói trên sẽ làm gì, hiệu quả đến đâu và những mục tiêu cuối cùng của họ là gì giữa lúc IS coi như đã bị đánh bại tại Syria và Iraq. Một số người lo ngại liên minh có thể trở thành công cụ để Ả Rập Saudi lôi kéo đồng minh nhằm chống lại đối thủ Iran hoặc theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn thông qua sự hỗ trợ tài chính và quân sự cho các nước nghèo tại châu Phi và châu Á.

"Liên minh này là tín hiệu rõ ràng gửi đến thế giới Ả Rập - Hồi giáo rằng Ả Rập Saudi vẫn muốn ấn định chương trình nghị sự chính trong chính sách của khu vực, cũng như là một công cụ khác để kiềm chế Iran. Trong nội dung tuyên truyền của Ả Rập Saudi về định nghĩa của chủ nghĩa cực đoan, Iran là nước tài trợ khủng bố chính" - ông Sebastian Sons, nhà nghiên cứu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức, nhận định với đài DW.

Bác bỏ những nghi ngại này, ông Abdulelah al-Saleh, Tổng Thư ký liên minh, khẳng định kẻ thù chung là khủng bố và họ không có ý định lập một khối của người Hồi giáo Sunni để chống Iran.

Một vấn đề khác là các thành viên liên minh có quan điểm khác nhau đối với những nhóm như Huynh đệ Hồi giáo (ở Ai Cập), Hezbollah (ở Lebanon) và phong trào Hamas của người Palestine. Các nước cũng có những ưu tiên "chống khủng bố" khác nhau. Trong lúc Yemen cho rằng mục tiêu nên là Iran, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại hướng sự chú ý đến các tay súng ly khai người Kurd. 

HOÀNG PHƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn