Sơ lược về số phận “tư sản” miền Nam ngay sau 1975

Thứ Năm, 11 Tháng Mười 20183:00 SA(Xem: 5571)
Sơ lược về số phận “tư sản” miền Nam ngay sau 1975

Đánh tư sản là một sự kiện rất chấn động đối với miền Nam trong lịch sử Việt Nam. Các đợt Đánh tư sản đối với người dân miền Nam có ký số lần lượt là X1, X2 và X3.

Đợt X1 được bắt đầu vào sáng ngày 11-9-1975, xảy ra khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn. Đợt này chủ yếu nhắm vào nhà của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và buộc toàn bộ những cư dân này phải đi về vùng Kinh Tế Mới. Đợt X1 cũng tập trung vào những người dân Việt gốc Hoa vốn đã di dân vào miền Nam Việt Nam từ cuối triều Minh, đầu triều nhà Thanh, sinh sống thành công tại miền Nam hơn 200 năm.

Đợt X2 được tiến hành từ tháng 3-1978 và được kéo dài cho đến sau thời kỳ được gọi là Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990 thì mới chấm dứt. Đợt này chủ yếu nhắm vào tư thương, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ.

Song song với chiến dịch X2 là chiến dịch X3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu.

Quyết định 111/CP lúc đó được đưa ra như sau:

IV. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THUỘC BỘ MÁY CAI TRỊ CỦA NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN VÀ ĐẢNG PHÁI PHẢN ĐỘNG

1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc ngụy quân ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.

2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý:

  • Sĩ quan ngụy quân cấp từ thiếu tá trở lên.
  • Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.
  • Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của ngụy quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.
  • Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.

Đáng chú ý trong Quyết định 111/CP là phần “Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng”. Bởi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là thành phần ác ôn nên đã xảy ra rất nhiều trường hợp kết tội sai, không có tòa án xét xử.

Tất cả những ai tại Sài Gòn bị tịch thu nhà, tài sản đều phải đi về vùng Kinh Tế Mới, là những nơi mà cơ sở hạ tầng cho sinh hoạt chưa được xây dựng, trong đó có cả điện nước, trường học và bệnh xá. Hơn 600.000 người đã bị đưa về những vùng Kinh Tế Mới.

Sơ lược về số phận tư sản miền Nam ngay sau 1975
Một hình ảnh về vùng Kinh Tế Mới.

Khi đến vùng Kinh Tế Mới họ phải tham gia Hợp Tác Xã, “thành quả lao động” được phân phối như sau: 30% trả thuế; 25% góp cho chính phủ theo giá thu mua của nhà nước; 15% trả lương cho cán bộ quản lý; 30% còn lại chia cho các thành viên tính theo số điểm thuế lao động. Như vậy là sản phẩm nông nghiệp chỉ có 30% là được chia lại cho những người vừa bị tịch thu nhà cửa, sống ở nơi không có cơ sở hạ tầng.

Kết quả của sự kiện Đánh tư sản

Nền công nghiệp nhẹ, sản xuất đồ gia dụng của miền Nam Việt Nam không còn. Một số thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước biến mất (xà bông Cô Ba, xe hơi Đà Lạt, kem đánh răng Hynos, v.v.)

Đất đai của nông dân bị quốc hữu hóa, gây nạn đói năm 1979 khiến ông Võ Văn Kiệt đã phải loan báo thu mua lúa từ nông dân với giá cao gấp cả ngàn lần giá quy định của Nhà Nước.

Sau X3, hơn 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với khoảng 270.000 nhân công bị đóng cửa, gây tổn thương lớn cho nền kinh tế miền Nam.

Chỉ số nghèo đói của Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới và chỉ mới có những tiến bộ cải thiện khi World Bank và USAID tăng tốc trợ giúp.

Huy Đức

Trích lược từ bài viết đăng trên trang Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn