Mỹ liên tục thắng lợi trong đàm phán thương mại, áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn

Thứ Năm, 11 Tháng Mười 20184:00 SA(Xem: 5760)
Mỹ liên tục thắng lợi trong đàm phán thương mại, áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn

Có nhận định cho rằng, cùng với việc bước đầu đạt được “Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada” (USMCA), Mỹ sẽ xúc tiến thêm nhiều thỏa thuận song phương và đa phương, còn mô hình phát triển mà Trung Quốc kiên định theo đuổi là tự đưa bản thân vào đường cùng.

Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội Nhà thầu điện quốc gia hôm 2/10 (Ảnh: Getty Images)

Ngoài bước tiến mới với Mexico và Canada, Mỹ cũng đang đàm phán với Nhật Bản và Ấn Độ

Kim ngạch thương mại hàng năm của ba nước Mỹ-Mexico-Canada là 1,2 nghìn tỷ USD (đô la Mỹ), chiếm hơn 25%  kim ngạch thương mại thế giới. Thỏa thuận mới đạt được của ba nước – “Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada” – đã sửa đổi các điều khoản không công bằng đối với Mỹ trong “Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ”.

– Canada đồng ý mở 3,6% thị phần thị trường chế phẩm sữa cho Mỹ;

– Nới rộng thời gian bảo hộ bản quyền sáng chế công nghệ dược phẩm sinh học (biological pharmaceutical) của Mỹ. Đối với Canada: từ 8 năm nới rộng đến 10 năm; đối với Mexico: từ 5 năm nới rộng đến 10 năm. Tức Mỹ sẽ giữ bản quyền trong 10 năm đối với  thị trường của 2 nước này. 

– Thỏa thuận mới sẽ là sự hồi sinh ngành chế tạo tại Bắc Mỹ, quy định đối với ô tô để hưởng ưu đãi miễn thuế phải đảm bảo 75% bộ phận sản xuất ở Bắc Mỹ (quy định cũ là 62,5%); và 40% – 45% phụ tùng ôtô phải được sản xuất từ công nhân có mức lương tối thiểu 16 USD.

Đồng thời, thỏa thuận mới cũng nâng cao các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề thao túng tỷ giá hối đoái, doanh nghiệp nhà nước; và cấm ký kết các hiệp định thương mại với các nền kinh tế phi thị trường.

Hiện nay, ngoài Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada cùng Hiệp định Thương mại Mỹ-Hàn và Hiệp định Thương mại Mỹ – EU đã đạt được trước đó, Mỹ cũng đang đàm phán với Nhật Bản và Ấn Độ.

Một số nhận định của chuyên gia

Chuyên gia bình luận vấn đề Trung Quốc Gordon Chang: “Đây là áp lực đối với Tokyo và New Delhi. Mỹ đang xây dựng một liên minh mới, các nước đều hy vọng sẽ tham gia. Vấn đề này cho thấy tầm quan trọng của thị trường Mỹ. Điều này giúp Tổng thống Trump thành lập liên minh mới để chống lại Cộng sản Trung Quốc.”

Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao), Tiến sĩ chính trị tại Đại học Columbia: “Nước Mỹ xây dựng lại các nguyên tắc thương mại thế giới. Mục đích để xử lý thủ đoạn lừa bịp và đánh cắp của Cộng sản Trung Quốc.”

Gần đây, các nhà chức trách Bắc Kinh nhắc lại vấn đề “tự lực cánh sinh”, các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy rằng Cộng sản Trung Quốc đã nhận ra sự thay đổi trong tình hình hiện nay.

Lý Thiên Tiếu: “Quan điểm ‘tự lực cánh sinh’ này đã xác nhận thất bại của họ, có nghĩa là họ ý thức rõ thủ đoạn làm việc kiểu lộng quyền là không thể được, họ đã nhận thức được điều này. Nhưng chắc chắn đây là một ngõ cụt, bởi từ thời Mao Trạch Đông đến nay Trung Quốc luôn rơi vào bế tắc vì con đường này nên mới phải cải cách. Nhưng [cải cách] sau đó lại đi vào đường cũ, là đường cụt chứ không phải là lối thoát.”

Ngày 2/10, tại Hội nghị Hiệp hội Nhà thầu điện quốc gia (the National Electrical Contractors Association Convention), Tổng thống Trump cho biết, Mỹ luôn bám sát tình hình Trung Quốc. “Chúng tôi đang xem lại vấn đề Trung Quốc và một số nước khác, những thỏa thuận khủng khiếp này đã đánh cắp tài sản của chúng ta, đánh cắp công việc của chúng ta, đã đánh cắp rất nhiều thứ của chúng ta. Thực tế, về nhiều mặt, đã tước đoạt cả phẩm giá quốc gia của chúng ta.”, Trump tuyên bố.

Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan hôm 2/10, Giáo sư Từ Trí thuộc Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải cho biết, Mỹ đã liên tiếp đạt được hiệp định thương mại với nhiều nước, những nước này có thể sẽ cùng liên hợp lại để tăng thêm áp lực cho Trung Quốc. Bởi vì Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản đều có những bất mãn lớn đối với Trung Quốc trong các vấn đề như chính sách phi thị trường, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, chyển nhượng công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, v.v. Điều này được thể hiện trong tuyên bố chung 3 bên Mỹ, EU, Nhật hồi cuối tháng Năm và tháng Chín.

Ông nói, trong đàm phán song phương tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ lấy một phần nội dung và nguyên tắc trong các hiệp định đã đạt được trước đó để yêu cầu Trung Quốc chấp nhận, việc này sẽ làm tăng thêm áp lực cho phía Trung Quốc.

Huệ Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn