Thượng đỉnh Liên Triều 3 : Tổng thống Hàn Quốc táo bạo hay ngây thơ ?

Thứ Sáu, 28 Tháng Chín 20187:08 SA(Xem: 5860)
Thượng đỉnh Liên Triều 3 : Tổng thống Hàn Quốc táo bạo hay ngây thơ ?
mediaHội đàm giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, Bình Nhưỡng, ngày 18/09/2018Pyeongyang Press Corps/Pool via REUTERS

Thượng đỉnh Liên Triều lần 3 kết thúc ngày 20/09/2018 trên đỉnh núi huyền thoại Paektu. Thông báo về kết quả đạt được trong thượng đỉnh lần này lại nhen nhóm nhiều hy vọng về tiến trình phi hạt nhân hóa và tái lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về thực tâm của chính quyền Bắc Triều Tiên.

Câu hỏi đang gây tranh luận trong giới phân tích là phải chăng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã táo bạo hay ngây thơ khi chấp nhận gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ba lần trong năm nay và còn mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Seoul.

Nếu nhìn vào các kết quả đạt được trong thượng đỉnh Liên Triều 3, xã luận báo Anh The Independent, trên mạng ngày hôm qua 19/09, cho rằng có nhiều yếu tố cho phép người dân hai nước Triều Tiên có thể lạc quan.

Thứ nhất, cả Mỹ và lãnh đạo hai nước Triều Tiên đều mong muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh. Vì tình trạng đình chiến, kéo dài từ năm 1953 đến nay, cản trở việc thực hiện nhiều ưu tiên khác.

Thứ hai, khác với quá khứ, Bắc Triều Tiên lần này có vẻ thực tâm và đang có những cử chỉ được đánh giá là « thành thật » trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ví dụ, một số địa điểm thử hạt nhân và bệ phóng tên lửa đạn đạo đã được phá dỡ, cho dù một số người nói rằng đó là những cơ sở không thể sử dụng được nữa. Về phần còn lại của chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên cam kết thực hiện hủy bỏ, với điều kiện Hoa Kỳ cũng phải có những đáp ứng, nhượng bộ tương xứng.

Thứ ba, viễn cảnh tái lập hòa bình đã hé mở sau thượng đỉnh Moon – Kim lần ba. Lời đề nghị nhã nhặn của lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn gặp lại nguyên thủ Mỹ quả thật là một tín hiệu đáng khích lệ cho việc tìm kiếm một giải pháp cho bán đảo.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lưu ý là có nên lạc quan quá hay không, liệu Kim Jong Un có thực tâm hay không, phải chăng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ngây thơ tin vào những lời hứa hẹn không đáng tin cậy từ Bình Nhưỡng.

Theo phân tích của tờ Financial Times, nguyên thủ Hàn Quốc có nguy cơ rơi vào chiếc bẫy cổ điển của Bắc Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng vờ có những nhượng bộ nhằm làm giảm bớt các áp lực của quốc tế, và có được sự trợ giúp kinh tế. Bắc Triều Tiên không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ là nguồn bảo đảm cho sự sống còn của chế độ. Bằng chứng là kể từ sau thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Singapore hồi tháng 06/2018, chưa có một tiến bộ nào trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, chính quyền Moon Jae In không xem đấy như là một thất bại, hay ngây thơ và kêu gọi quốc tế nên có một cách tiếp cận khác trong hồ sơ này. Nguyên thủ Hàn Quốc cho rằng cả hai phía Mỹ và Bắc Triều Tiên phải có những nhượng bộ lẫn nhau. Hoa Kỳ không thể đơn phương buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, mà lại không có một bảo đảm nào về an ninh và kinh tế cho chế độ Bình Nhưỡng.

Phương pháp này của tổng thống Hàn Quốc đương nhiên không làm hài lòng những cố vấn « hiếu chiến », « diều hâu » của tổng thống Trump, nhất là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Có thể nói, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đặt cược nhiều vào bản tính khó lường của cả Donald Trump và Kim Jong Un và nhất là tính kiêu hãnh về khả năng đàm phán của nguyên thủ Hoa Kỳ để có những quyết định « phiêu lưu » ủng hộ hòa bình.

Ngay tại Hàn Quốc, phe bảo thủ cũng không hài lòng. Họ lo ngại cách tiếp cận « táo bạo » của tổng thống Moon Jae In cũng như sự tự kiêu của tổng thống Donald Trump sẽ đẩy Hoa Kỳ và Hàn Quốc đưa ra quá nhiều nhượng bộ cho nhà « lãnh đạo trẻ » Bắc Triều Tiên, để rồi chấp nhận một hiệp ước hòa bình cho phép Bình Nhưỡng không những bảo tồn được kho vũ khí hạt nhân mà còn được dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Nhưng có lẽ thế giới cũng còn nhớ rằng, cách nay một năm, các vụ thử tên lửa đạn đạo và bom nguyên tử, bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên đã dẫn đến lời đe dọa « lửa và cuồng nộ » của tổng thống Donald Trump. Vào lúc đó, thế giới gần như tin chắc sắp có một cuộc chiến tranh.

Trong bối cảnh này, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chỉ có thể làm được những gì có thể nhằm tái lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Đó có thể là một cuộc đánh cược dài hạn, cho dù bị coi là ngây thơ. Thế nhưng, điều này vẫn còn tốt hơn là để xẩy ra chiến tranh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn