Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tôn giáo

Thứ Năm, 20 Tháng Chín 20183:30 SA(Xem: 7886)
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tôn giáo

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Đầu tháng 4/2018, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm bán sách “Kinh Thánh” trên mạng. Kết quả tìm kiếm các mạng bán lẻ hàng đầu Trung Quốc như JD.com, Taobao, và Amazon ngày 4/4/2018 cho thấy không mạng nào bán được ấn phẩm này. Động thái trên gắn liền với một nỗ lực lâu dài nhằm hạn chế ảnh hưởng của Ki-tô giáo[1] ở Trung Quốc.

Theo quy định của chính quyền Trung Quốc, từ trước đến nay “Kinh Thánh” được phép in nhưng không được phép bán như các loại sách khác, mà chỉ được bán trong hiệu sách của các nhà thờ. Trong khi đó các tôn giáo lớn khác ở nước này, như Phật giáo, Đạo giáo (Taoism), Islam giáo (Việt Nam quen gọi nhầm là Hồi giáo)[2] và các tín ngưỡng dân gian khác đều được bán các ấn phẩm của mình trên hệ thống thương mại phát hành sách báo trong nước.

Quy định nói trên có một kẽ hở là chưa cấm người ta mua “Kinh Thánh” qua mạng Internet. Thời gian qua, hình thức mua bán trên mạng phát triển nhanh chóng. Quy định mới đây nhằm bịt kín kẽ hở đó. Biện pháp này nhằm hạn chế tác động của các hệ giá trị phương Tây, là một phần trong những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đề cao các giá trị truyền thống của Trung Quốc – chủ yếu là Nho giáo.

Trung Quốc triển khai quy định nói trên trong khi họ đang đàm phán với Vatican để chấm dứt tình trạng tồn tại song song giáo hội ngầm và giáo hội do nhà nước quản lý ở Trung Quốc, nhằm đi đến kết thúc sự chia rẽ kéo dài 70 năm qua giữa Chính phủ Trung Quốc với Giáo hội toàn cầu (tức Vatican) — một tổ chức bị Bắc Kinh cho là luôn ngoan cố chủ trương chống cộng.

Giới quan sát nhận xét: Biện pháp cấm bán “Kinh Thánh” trên mạng cho thấy có thể sau đây sẽ xuất hiện một loạt hành động trấn áp phổ biến hơn đối với tôn giáo.

Hôm 3/4, một người phát ngôn Chính phủ Trung Quốc nói Vatican sẽ mãi mãi không được phép kiểm soát các giáo chức Thiên Chúa giáo (Catholicism) ở Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã bố trí một cơ quan Đảng theo đường lối cứng rắn tiếp quản bộ máy quản lý tôn giáo. Xem ra Bắc Kinh rất e ngại về các tín đồ Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành (Protestantism).

Tại Trung Quốc, Ki-tô giáo và Islam giáo đang chịu sức ép lớn từ Chính phủ. Thời gian 2014-2016, tại một tỉnh có quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Tập Cận Bình, người ta đã dỡ bỏ hơn 1.500 cây Thập tự ở các nhà thờ. Chính phủ còn tăng cường biện pháp theo dõi đối với những người đàn ông để râu dài, đàn bà đội khăn che mặt, và các cửa hàng hoặc hiệu ăn không bán sản phẩm thịt lợn, thuốc lá hoặc rượu cồn – những hành vi Chính phủ cho là công khai thể hiện quá đáng tín ngưỡng đạo Islam.

Đồng thời Nhà nước Trung Quốc khuyến khích các tín ngưỡng đã Trung Quốc hóa, như trợ cấp cho âm nhạc Đạo giáo hoặc nghi thức hành hương của các tôn giáo dân gian. Chủ tịch Tập Cận Bình còn phát biểu những lời thân mật về Phật giáo, nói đây là tôn giáo không thể thiếu được trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân Trung Quốc.

Năm 1997, Trung Quốc công bố có 100 triệu tín đồ đã được Nhà nước chuẩn y. Trong báo cáo công bố hôm 3/4/2018 con số này tăng gấp đôi, điều đó cho thấy Nhà nước đã thừa nhận sự phát triển của tôn giáo ở Trung Quốc. Con số trên không xét tới số lượng tín đồ Phật giáo và Đạo giáo, vì họ không có danh sách tín đồ. Nhưng từ sự tăng trưởng số lượng đền chùa có thể thấy hai tôn giáo này đã phát triển nhanh chóng: năm 1997 có 13 nghìn ngôi chùa Phật giáo và 1.500 ngôi đền Đạo giáo, con số này hiện nay lên tới 33,5 nghìn và 9 nghìn.

Cùng thời gian nói trên số tín đồ Thiên chúa giáo tăng từ 4 triệu lên 6 triệu, tín đồ Tin Lành từ 10 triệu tăng lên 38 triệu. Thế nhưng phần lớn các cuộc điều tra và đa số chuyên gia cho rằng con số thực tế phải gấp đôi, vì Thiên chúa giáo và đạo Tin Lành đều có hệ thống giáo hội ngầm rất mạnh, với số tín đồ tương đương với số được Nhà nước quản lý.

Tại Trung Quốc, đạo Islam là tín ngưỡng của đa số người trong nhóm 10 dân tộc không phải người Hoa (non-Chinese ethic groups), nhất là dân tộc Hồi (Hui) và dân tộc Ui-gua (Uighurs). Số tín đồ đạo Islam năm 1997 là 18 triệu, năm 2018 lên tới 20 triệu người.

Ki-tô giáo và Islam giáo bị coi là hai tôn giáo gây ra nhiều rắc rối ở Trung Quốc. Báo cáo nói trên cho biết các quan chức chính quyền Trung Quốc theo đạo Islam đã khiển trách hành vi bạo lực ở Tân Cương, nơi nhiều năm loạn lạc bởi phong trào chống ách cai trị của Bắc Kinh.

Ki-tô giáo có liên quan đến các rắc rối trong lịch sử Trung Quốc, nhất là đến sự suy thoái của nước này hồi thế kỷ 19 – “Nỗi sỉ nhục thế kỷ” mà Tập Cận Bình từng thề sẽ đảo ngược. Báo cáo viết: Đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành đều bị “Bọn thực dân và đế quốc kiểm soát và lợi dụng”.

Báo cáo nói trên cho biết ngành xuất bản Trung Quốc đã in 160 triệu bản “Kinh Thánh”, xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, trong đó khoảng một nửa in Trung văn. Nếu không xuất khẩu thì mỗi tín đồ Ki-tô giáo có một cuốn “Kinh Thánh”.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch theo “China Bans Online Bible Sales as It Tightens Religious Controls” của Ian Johnson, New York Times, 05/04/2018.

——————

[1] Ki-tô giáo (Christianity), tiếng TQ là Cơ-đốc giáo, gồm các nhánh chính là Catholicism (tiếng TQ là Thiên Chủ giáo; ta quen gọi Công giáo hoặc Thiên chúa giáo) và Protestantism (tiếng TQ là Tân giáo; tiếng Việt: đạo Tin Lành).

[2] Năm 1955, Chính phủ TQ đã thông báo cấm dùng từ “Hồi giáo” để gọi Islam giáo, vì từ “Hồi giáo” gây hiểu lầm đạo Islam là tôn giáo của dân tộc Hồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn