Tập Cận Bình chuyển hướng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Thứ Bảy, 15 Tháng Chín 20184:30 SA(Xem: 4261)
Tập Cận Bình chuyển hướng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Là đương sự trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn chủ trương tham dự vào tuyên bố ngừng chiến. Mới đây, tại diễn đàn về kinh tế tổ chức ở Nga, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh các nước chính trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là Mỹ, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, việc ông Tập Cận Bình loại Trung Quốc ra đã khiến dư luận chú ý. Truyền thông Hàn Quốc đã phân tích chỉ ra bí ẩn phía sau hành động này của ông Tập.

tập cận bình
Tại Diễn đàn Kinh tế Đông phương, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh nước chủ chốt trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là Mỹ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên (Ảnh: Getty Images)

Ngày 13/9, Nhật báo Đông Á (Dong-a Ilbo) tại Hàn Quốc đưa tin, tại Diễn đàn Kinh tế Đông phương (EEF) được tổ chức tại Nga, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, xã hội quốc tế cần đưa ra đảm bảo cho thể chế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nước chủ chốt trong việc giải quyết vấn đề này chính là các bên đương sự liên quan, đương sự hiện tại bao gồm Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Tập Cận Bình giải thích, cởi dây cần phải tìm người buộc dây, chỉ có 3 nước Mỹ – Hàn – Triều có hành động trong vấn đề phi hạt nhân hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thì chúng ta mới có thể giúp họ, thông qua sự nỗ lực của tất cả mọi người sẽ có được một kết quả tốt.

Bản tin cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình có ý nói nước đóng vai trò chính trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đảm bảo an toàn cho thể chế Triều Tiên là 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong quá trình này, Trung Quốc sẽ giúp đỡ.

Là đương sự trong chiến tranh Triều Tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc(ĐCSTQ) từng chủ trương tham dự vào tuyên bố ngừng chiến, tuy nhiên phát biểu lần này của ông Tập Cận Bình lại khác so với lập trường trước đó của ĐCSTQ nên khiến dư luận chú ý.

Phân tích cho rằng, thái độ của ông Tập Cận Bình trong vấn đề bán đảo Triều Tiên có sự thay đổi, có thể là liên quan đến Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích Trung Quốc vì đàm phán Mỹ – Triều rơi vào thế giằng co, phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngày 12/9, truyền thông Nhật Bản cho biết, ông Tập Cận Bình còn nói vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không thể thông qua một hai lần đàm phán là có thể giải quyết được, hiện tại 3 nước đóng vai trò chính là Mỹ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cần 3 nước này cùng hợp tác.

Ngày 12/6, ông Trump và Kim Jong-un đã có cuộc hội đàm mang tính lịch sử tại Singapore, hai bên đã cùng ký tuyên bố chung, Bắc Triều Tiên cam kết sẽ phi hạt nhân hóa một cách triệt để. Phía Mỹ cho biết, tạm thời gác lại việc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc, nhưng những chế tài đối với Bắc Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi nào Bắc Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ hạt nhân.

Tuy nhiên, sau đó, Bắc Triều Tiên lại cho thấy thái độ không tích cực đối với việc thực hiện cam kết trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ví dụ như việc ông Kim Jong-un cam kết tiêu hủy bãi thử nghiệm động cơ đẩy tên lửa trong thời gian nhanh nhất có thể nhưng việc này vẫn chưa được thực hiện.

Hồi tháng Bảy, nhiều kênh truyền thông Mỹ còn tiết lộ, Bắc Triều Tiên vẫn còn đẩy nhanh sản xuất nhiên liệu sử dụng cho vũ khí hạt nhân với ý đồ che giấu cơ sở hạt nhân và mở rộng xây dựng nhà máy tên lửa chính.

Cùng với đó, chính quyền Trung Quốc cũng mở cửa đối với đoàn du lịch đến Bắc Triều Tiên, đây được coi như dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nới lòng biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Tháng 11 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã hạn chế các đoàn du lịch đến Bắc Triều Tiên.

Nhà bình luận thời sự Đường Hạo phân tích, một trong những nguyên nhân mà Bắc Triều Tiên không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân chính là do nhân tố ĐCSTQ. ĐCSTQ không muốn ông Kim Jong-un đi theo Mỹ, ngoài việc suy xét đến vấn đề địa chính trị của Bắc Triều Tiên có thể đóng vai trò như bức bình phong làm hòa hoãn chiến lược của ĐCSTQ với phe các nước dân chủ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ thì Bắc Triều Tiên còn là một quân cờ có sức mạnh để ĐCSTQ dùng để đàm phán với các nước.

Ngày 24/8, ông Trump nói trên Twitter rằng, ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Pompeo không nên đi Bắc Triều Tiên trong thời gian này, bởi vì về phương diện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có đủ tiến triển.

Ông Trump nói thêm, do thái độ cứng rắn của chúng ta đối với lập trường thương mại của Trung Quốc, nên tôi cho rằng họ sẽ không giống như trước đây giúp đỡ thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa, mặc dù chế tài của Liên Hiệp Quốc đã được đưa ra đầy đủ. Cuối tháng Tám, ông Trump lại nói trên Twitter chỉ trích Trung Quốc làm phức tạp hóa vấn đề Triều Tiên.

Ngày 9/9 là ngày kỷ niệm 70 xây dựng chính quyền Bắc Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình trước đó được cho là sẽ tới Bắc Triều Tiên để tham gia các hoạt động, tuy nhiên, ngày 4/9, chính quyền ĐCSTQ tuyên bố ông Lật Chiến Thư sẽ thay mặt ông Tập Cận Bình đến thăm Bắc Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, hiển nhiên ông Tập Cận Bình không muốn tùy tiện thăm Bắc Triều Tiên để làm tăng thêm mâu thuẫn với Mỹ.

Trí Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn