Trung Quốc nước cờ vụng

Thứ Sáu, 14 Tháng Chín 20183:30 SA(Xem: 5726)
Trung Quốc nước cờ vụng

Tuần lễ vừa qua khởi đi bằng một bản tin đầy khích lệ sau khi Hoa Kỳ và Mexico đạt được một thoả thuận mới về tự do thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, niềm hy vọng về một thoả thuận mới cho toàn khu vực Bắc Mỹ đã bị khựng lại sau khi phái đoàn thương thuyết của Canada và Hoa Kỳ quyết định tạm ngưng cuộc đàm phán vào trưa hôm Thứ Sáu (31/8) mà không đạt được một thoả thuận nào.

trung-quoc-nuoc-co-vung2
Phù hiệu của hiệp ước NAFTA – nguồn Wikipedia.org

Sáng hôm Thứ Hai (27/8), qua cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mexico là Enrique Peña Nieto, Tổng thống Donald Trump thông báo cho biết một thoả thuận sơ bộ về thương mại đã đạt được giữa hai quốc gia. Lời tuyên bố này đã gây nhiều áp lực cho phía Canada và ngay ngày hôm sau, Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland, đã buộc phải ngưng chuyến công du Âu châu để bay tới Washington mở lại  đàm phán với Hoa Kỳ trong mấy ngày sau đó được mô tả là hết sức căng thẳng.

Mặc dù cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Canada tuần qua không mang lại kết quả nhưng hai bên thông báo cho biết thương thuyết sẽ vẫn tiếp tục trong những ngày sắp tới với thời hạn 90 ngày để đạt được một thoả thuận mới – cũng là thời hạn để quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận một hiệp ước thương mại mới hay không.

Toà Bạch Ốc cũng đã đệ trình lên quốc hội thoả thuận sơ bộ Hoa Kỳ-Mexico và trong vòng 30 ngày phải hoàn tất tất cả các chi tiết liên quan đến thoả thuận để quốc hội đưa ra bàn thảo trước khi bỏ phiếu quyết định. Các nhà lãnh đạo ở quốc hội cũng đã thông báo cho biết bất cứ một hiệp ước thương mại mới nào sẽ phải bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico, và điều này cũng đã tạo áp lực lên các nhóm thương thuyết của phía Hoa Kỳ.

Thoả thuận sơ bộ giữa Hoa Kỳ và Mexico đạt được một số thay đổi liên quan đến xe hơi, sản phẩm trí tuệ, mức lương lao động, trao đổi mua bán trên mạng và sản xuất trong hiệp ước NAFTA (Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ) hiện đang được áp dụng cho đến nay đã gần một phần tư thế kỷ. Cả hai bên cũng đồng ý rằng thoả thuận mới này sẽ được xem xét lại cứ mỗi sáu năm một lần.

Theo thông báo từ văn phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, một số những thay đổi quan trọng trong thoả thuận mới giữa Hoa Kỳ và Mexico bao gồm đòi hỏi 75 phần trăm các bộ phận để ráp thành một chiếc xe phải được sản xuất trong khu vực, tăng từ 62.5 phần trăm trong hiệp ước NAFTA nguyên thuỷ ký vào năm 1994. Hai bên cũng đồng ý trên quy định mới rằng 45 phần trăm các bộ phận xe phải được chế tạo bởi những công nhân có mức lương tối thiểu là $16 một giờ.

Những thay đổi này được nhiều người cho là nhằm để bảo vệ quyền lợi và công việc của công nhân lắp ráp trong khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, quy định mới sẽ đẩy giá thành của xe sản xuất ở Bắc Mỹ tăng cao hơn so với giá hiện nay.

Hiệp Ước NAFTA hiện thời với những cuộc đàm phán bắt đầu từ thời Tổng thống George H. W. Bush và sau đó được ký thành luật bởi Tổng thống Bill Clinton, đã giúp gom ba nền kinh tế của khu vự Bắc Mỹ lại với nhau và buộc các ngành kinh doanh phải tái tổ chức lại hệ thống cung cấp dây chuyền của họ trên toàn khu vực, biến các ngành kỹ nghệ như chế tạo xe hơi có khả năng cạnh tranh toàn cầu hơn.

trung-quoc-nuoc-co-vung1
Tổng thống Trump tại một nhà máy sản xuất xe hơi Michigan – nguồn Automotive News

Việc trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã tăng hơn gấp ba lần trong gần một phần tư thế kỷ qua kể từ khi hiệp ước được thông qua, và nay đã đạt mức $1.4 ngàn tỷ mỗi năm. Nhiều sản phẩm được nhập cảng từ Mexico vào Hoa Kỳ có chứa rất nhiều các nguyên vật liệu và đồ phụ tùng được làm ở Mỹ, trong trường hợp giữa Hoa Kỳ và Canada cũng vậy, và điều này cho thấy sự hội nhập kinh tế giữa ba quốc gia NAFTA sâu đậm ra sao và lằn ranh khác biệt kinh tế giữa ba quốc gia cũng ngày càng mờ dần đi.

Mặc dù vậy, các kinh tế gia nói chung cho rằng thoả thuận trên chỉ mang lại một phần tăng trưởng rất nhỏ cho kinh tế của Mỹ. Một sự thật là kể từ khi hiệp ước NAFTA được áp dụng, nhiều thành phố và thị trấn ở Mỹ đã bị thiệt hại, công nhân bị mất việc làm vì nhiều nhà máy đã di chuyển cơ sở sản xuất qua Mexico vì lương công nhân ở đây rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia cũng nói rằng hiệp ước nói chung không ảnh hưởng đến việc làm ở Mỹ là vì những công việc cũ bị mất đi và những công việc mới được tạo ra từ hiệp ước đã cân bằng cho nhau.

Trong thời hạn 30 ngày tới, nhóm thương thuyết của Mỹ buộc phải nộp bản văn đầy đủ chi tiết của thoả thuận mới với Mexico cho quốc hội. Tới lúc đó, người ta cũng sẽ biết được là Canada có chịu ký một thoả thuận mới hay không.

Nếu cuộc đàm phán thành công sẽ là một thành quả quan trọng cho ông Trump vì kể từ khi ra tranh cử tổng thống, Trump vẫn thường chỉ trích hiệp ước thương mại này và hứa là sẽ xem xét lại. Ông Trump tuyên bố thoả thuận mới với Mexico sẽ có lợi cho kinh tế nước Mỹ, tạo thêm việc làm trong ngành sản xuất cho người Mỹ và cắt giảm thâm thủng mậu dịch với Mexico.

Trong thời gian vừa qua, nhiều quốc gia đối tác thương mại với Hoa Kỳ đã theo dõi rất sát cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Mexico, và quốc gia theo dõi kỹ nhất có lẽ là Trung Quốc để tìm hiểu xem họ sẽ nên phản ứng ra sao trong những cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai.

trung-quoc-nuoc-co-vung
Thuế nhập cảng trong cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – nguồn BBC

Theo nhận định của John Woods, trưởng văn phòng đầu tư khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Credit Suisse, thì thoả thuận mới giữa Hoa Kỳ và Mexico là một tin xấu cho Trung Quốc là vì đây được xem như một chiến thắng chính trị cho ông Trump, giúp Hoa Kỳ đứng ở vị thế mạnh hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai và họ sẽ nhẩn nha kéo dài cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc chứ không cần vội vã.

Hơn nữa, dựa trên những cuộc thương thuyết gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phía Hoa Kỳ nay đòi hỏi Trung Quốc phải cam kết đưa ra những cải tổ mang tính cách cơ cấu chứ không chỉ đơn giản là giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch giữa hai quốc gia. Sẽ không có một giải pháp nhanh chóng cho những đòi hỏi trên.

Ngay vào lúc này không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Mỹ tỏ ra quan tâm trong việc đàm phán với Trung Quốc, và các cuộc thương thuyết sẽ không thành hình nếu như phía Trung Quốc không đưa ra được những đề nghị cho những thay đổi sâu xa hơn trên những vấn đề như bảo vệ tài sản trí tuệ và ngưng không đòi các công ty Mỹ chuyển giao những kỹ thuật mới cho họ.

Điều này cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ áp đặt thêm thuế lên $200 tỷ hàng hoá nhập cảng từ Trung Quốc trong Tháng 9, sau khi đã cho áp đặt 25 phần trăm thuế lên $34 tỷ hàng nhập cảng trong Tháng 7 và $16 tỷ trong Tháng 8 vừa qua.

Có nhiều chỉ dấu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn trong Tháng 8 và là tháng thứ tư liên tiếp xảy ra hiện tượng này đã gây thêm áp lực buộc chính quyền Bắc Kinh phải có những chính sách kinh tế mới để duy trì mức tăng trưởng kinh tế và tránh những tranh chấp thương mại rất bất lợi vào lúc này.

Thị trường cổ phiếu Thượng Hải rớt thêm 0.5 phần trăm trong tuần qua, trong khi thị trường cổ phiếu S&P 500 và Nasdaq của Hoa Kỳ đạt được những con số kỷ lục.

Theo hãng thông tấn Bloomberg, sau khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố áp đặt thuế lên các sản phẩm nhôm và thép đã làm cả thế giới đổ sự phẫn nộ lên ông Trump, giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng họ đang đứng về phía thế giới và nếu như chiến tranh thương mại nổ ra thì họ sẽ được thế giới bênh vực.

Tuy nhiên Trung Quốc đã tính sai nước cờ. Những điều mà Hoa Kỳ quan ngại về những rào cản thương mại, về sự kỳ thị các công ty ngoại quốc, và mưu đồ chiếm đoạt kỹ thuật bằng bất kể phương tiện gì của phía Trung Quốc là có những bằng chứng rõ ràng và được nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ chung quan điểm. Trong khi đó Trung Quốc vẫn cố tình làm ngơ hoặc hứa lèo hoặc chỉ giải quyết nửa vời cho có, và hành động này đã làm họ mất hết tín nhiệm đối với quốc tế. Các quốc gia làm ăn với Trung Quốc ngày càng nghi ngờ thiện chí của họ và không ưa những lời giả dối.

VH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn