Tiền Trung Quốc, uy tín quốc tế ngày càng lớn ?

Chủ Nhật, 16 Tháng Chín 20184:00 SA(Xem: 5387)
Tiền Trung Quốc, uy tín quốc tế ngày càng lớn ?

Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể đuổi kịp đô la Mỹ cho dù đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đang từng bước chinh phục thế giới. Ngoài việc được dùng để thanh toán hóa đơn dầu lửa với Ả Rập Xê Út, nhân dân tệ còn là một dự trữ ngoại tệ của nhiều ngân hàng trung ương. Trong đó có Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Anh, Pháp, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Đức.

Con đường vươn ra quốc tế của đồng tiền Trung Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt mới hồi tháng 10/2016 với việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chính thức « kết nạp » nhân dân tệ vào « Quyền Rút Vốn Đặc Biệt - Special Drawing Rights ».

Hơn một năm sau, có tổng cộng khoảng 50 định chế ngân hàng trên thế giới đã xem nhân dân tệ là một dự trữ ngoại tệ. Trung tuần tháng Giêng 2018 Ngân Hàng Trung Ương Đức thông báo kế hoạch « kết nạp » thêm một thành viên mới vào khoản dự trữ của Bundersbank. Một ngày sau Banque de France tiết lộ đã nắm giữ một khoản tiền không nhỏ bằng nhân dân tệ nhưng không đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu. Về phía Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, từ mùa hè năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của BCE bằng nhân dân tệ đã lên tới 500 triệu đô la Mỹ. Trước mắt, theo giới trong ngành, 40 % các dịch vụ mua bán trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ, 30 % bằng euro 7 % bằng đồng yen của Nhật trong lúc nhân dân tệ chưa vượt được quá ngưỡng 2 %.

Nhưng tất cả các cơ quan nghiên cứu đều biết trước rằng đà « vươn ra quốc tế » của nhân dân tệ không dừng lại ở đây. Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ để nhân dân tệ được thế giới tín nhiệm và nhất là giảm thiểu mức độ lệ thuộc của nền kinh tế đông dân nhất hành tinh vào đồng đô la xanh của Hoa Kỳ.

Đâu là ý nghĩa kinh tế của việc quốc tế ngày càng tín nhiệm đồng tiền của Trung Quốc ? Được và thua khi một quốc gia dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ và đâu là cái giá phải trả khi một đồng tiền trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ? Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, Hoa Kỳ.

RFI: Thưa anh Nghĩa, việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu đưa đồng Yuan - nhân dân tệ - của Trung Quốc vào trong khối dự trữ ngoại tệ của mình, thí dụ như Ngân hàng Trung Ương Pháp, Đức, hay Anh Quốc, có ý nghĩa gì ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đưa đồng bạc Trung Quốc, gọi là đồng Nguyên hay nhân dân tệ, vào rổ tiền dự trữ gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt SDR, kể từ 01/10/2016 là một bước quyết định phản ảnh thực tế vì kinh tế xứ này có sản lượng hạng nhì thế giới từ năm 2010 và vượt Hoa Kỳ từ năm 2013 về lượng giao dịch ngoại thương với các nước.

Nhưng, ta không nên mắc bệnh sợ Trung Quốc như Napoléon đã phát biểu từ đầu thế kỷ 19, rằng “đấy là một người khổng lồ đang ngủ, khi thức giấc sẽ làm thế giới rung chuyển”. Sau khi Napoléon nhận định như vậy thì gã khổng lồ này không ngủ mà ngã bệnh mất hơn trăm năm và chỉ lồm cồm bò dậy từ 40 năm nay. Bây giờ, một số quốc gia mới công nhận đồng tiền của Trung Quốc là một ngoại tệ dự trữ là điều quá trễ và hơi bất thường vì đồng tiền này thật ra vẫn chưa được là một đơn vị tiền tệ phổ biến, có trị giá lên xuống theo quy luật cung cầu mà vẫn là đối tượng quản lý dù có nới lỏng của Nhà nước.

Một cách cụ thể thì khi các nước Âu châu mua bán nhiều hơn với Trung Quốc thì cũng nên có đồng bạc xứ này trong khối ngoại tệ dự trữ của mình. Vấn đề là họ đưa ra quyết định này quá trễ vì Bắc Kinh vẫn chưa thả nổi cho trị giá đồng bạc phản ảnh khả năng thanh toán và dự trữ như đồng tiền của nhiều quốc gia khác. Kinh tế Trung Quốc có lượng giao dịch mua bán lớn nhất thế giới mà trong luồng giao dịch ngoại hối – tức là thanh toán bằng ngoại tệ - thì đồng nhân dân tệ mới chỉ chiếm hơn 4%, thua xa Mỹ kim.

Vả lại, việc Đức sẽ theo chân các nước Anh, Pháp để đưa đồng tiền của Trung Quốc vào khối ngoại tệ dự trữ thì vẫn là quá chậm so với hiện tượng khác, đó là Trung Quốc đã thỏa thuận với xứ Ả Rập Xê Út là sẽ thanh toán các nghiệp vụ mua dầu thô bằng nhân dân tệ chứ không bằng đô la và song song thì Bắc Kinh đã thỏa thuận với Liên bang Nga hay Iran và với Pakistan sau này là dùng đồng nhân dân tệ trong luồng giao dịch kinh tế với nhau. Chúng ta đang chứng kiến việc quốc tế hóa một đồng bạc theo sức nặng ngoại thương của một xứ mới nổi lên.

RFI: Về kinh tế thì đồng bạc của Trung Quốc đã có vai trò trọng yếu hơn vì mua bán nhiều hơn với các nước khác. Về chính trị thì lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn thế lực kinh tế đó sẽ giảm dần vị trí quá lớn của đồng đô la Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau khi cố gắng không neo đồng bạc vào đô la Mỹ kể từ năm 2005, Bằc Kinh vẫn chưa ra khỏi bóng rợp của Mỹ kim vì đồng yuan/nguyên/ nhân dân tệ chưa có đủ tiêu chuẩn của một ngoại tệ dự trữ, là phương tiện giao hoán thông dụng và lưu giữ tài sản đáng tin.

Khi Bắc Kinh thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới cùng hai định chế tài chính là Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB và Tân Ngân Hàng Phát Triển của khối BRICS thì các quốc gia từ Trung Á qua Nga, Trung Đông và Âu châu sẽ dùng đồng nhân dân tệ trong hợp tác và giao dịch với Trung Quốc.

Về chính trị thì việc ấy sẽ đẩy lui vị trí của đồng Mỹ kim, là điều mà nhiều quốc gia khác như Nga, Ấn Độ hay Brazil cũng muốn và nói tới từ nhiều năm nay.

Nhưng vấn đề không chỉ là muốn mà còn là thực lực và sự khả tín. Lượng hàng giao dịch của Anh hay của Thụy Sĩ không thể bằng của Trung Quốc nhưng vì sao đồng Bảng Anh hay Franc Thụy Sĩ vẫn được lưu trữ và trao đổi nhiều hơn? Vì đấy là loại tài sản đáng tin cậy khi trị giá không thay đổi do quyết định đơn phương của một Nhà nước nào đó.

RFI: Cái thế lợi và hại của các nước là gì khi dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc có lợi vì tính chất tiện dụng và còn có thể đi vay rồi thanh toán bằng đồng tiền của mình. Các nước kia cũng có lợi vì tính chất tiện dụng đó, mà cũng gặp rủi ro nếu Bắc Kinh chi phối trị giá của đồng bạc. Thí dụ rõ rệt nhất là với đồng đô la Hoa Kỳ thả neo đồng bạc vào năm 1971 thời Richard Nixon hoặc như tuần qua, khi tổng trưởng Ngân Khố Mỹ phát biểu rằng trong ngắn hạn Hoa Kỳ cũng muốn có một đồng Mỹ kim trị giá rẻ hơn so với các ngoại tệ khác. Mình giữ một loại ngoại tệ mà giá trị lại do một xứ nào đó quyết định thì sẽ gặp rủi ro khó tính trước làm thị trường của mình bị biến động bất ngờ.

RFI: Ngược lại, cái giá Trung Quốc phải trả là gì khi đồng bạc của họ trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ít ai để ý là Hoa Kỳ cũng phải trả giá và gặp bất lợi khi Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất và đồng đô la chỉ chiếm thế mạnh 60 năm sau khi kinh tế Mỹ đã vượt qua kinh tế của Đế Quốc Anh cuối thế kỷ 19. Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn ấy khi thấy là không thể toàn quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính quốc gia như xưa và ngược lại còn bị hiệu ứng từ bên ngoài. Việc họ mở ra hai trị trường giao dịch trong ngoài để mua bán và vay mượn bằng đồng nhân dân tệ có phản ảnh nỗi e ngại đó.

Bây giờ, muốn bơi ra đại dương thì họ có thể bị sóng cả khi cơ chế kinh tế chính trị bên trong vẫn có nhiều nhược điểm nên chưa thể áp dụng quy luật tự do của thị trường như thế giới vẫn kêu gọi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn