Thung lũng Silicon của TQ đe dọa nuốt chửng Hong Kong

Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20185:00 CH(Xem: 5359)
Thung lũng Silicon của TQ đe dọa nuốt chửng Hong Kong
262qBản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Xe ô tô chạy trên một đoạn cầu Hong Kong-Chu Hải-Ma Cao, được khánh thành tại Chu Hải tháng 3/2018

Trung Quốc vừa hoàn thành một trong những cây cầu lớn nhất thế giới, nối liền với Hong Kong, làm người Hong Kong dấy lên cả 'lo ngại và hi vọng'.

Cây cầu trị giá 15 tỷ đôla, bắc qua Greater Bay Area, có thể cho 29.000 xe hơi và xe tải lưu thông mỗi ngày, đang được chuẩn bị để cắt băng khánh thành vào cuối năm nay, theo Bloomberg.

Cây cầu là một trong các kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến khu vực này thành một siêu đô thị công nghệ cao để cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở California.

Greater Bay Area là một một khu vực bao gồm chín thành phố ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, cộng với Hong Kong và Ma Cao, tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới vào năm 2030 và dân số gần 70 triệu người. Dân số của Hong Kong hiện khoảng 7,4 triệu người, theo Reuters.

Trong khi dự án này vẽ ra một cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc, thị trường vốn đầu tư của Hong Kong và sòng bạc của Macau, nó cũng có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng liên quan đến ảnh hưởng của Bắc Kinh với hai vùng đất từng là thuộc địa của Anh Quốc.

Đặc biệt, Hong Kong đang đối mặt với câu hỏi khó về việc liệu nó có thể thu lợi từ tăng trưởng của Trung Quốc trong khi vẫn duy trì "mức độ tự chủ cao" được hứa hẹn trước khi rời khỏi Anh, tác giả bài báo trên Bloomberg nhận định.

Hi vọng

Bản quyền hình ảnh MIKE CLARKE
Image caption Thế hệ thiên niên kỷ ở Hong Kong hi vọng sẽ tìm được việc làm và mua được nhà ở Trung Quốc đại lục

"Hong Kong cần đa dạng hóa - nó có thể là một San Francisco và hơn thế, một Thung lũng Silicon của Greater Bay Area", Albert Wong, giám đốc điều hành của Tập đoàn Công viên Khoa học và Công nghệ Hong Kong, phát biểu trên Bloomberg. "Hong Kong không thể bỏ lỡ chiếc thuyền này."

Greater Bay Area có thể đóng vai trò là một động lực tăng trưởng mới cho Hong Kong, Ma Cao và Thâm Quyến. Đây là một trong những trọng điểm về kinh tế do ông Đặng Tiểu Bình xây dựng gần bốn thập kỷ trước.

Để làm cho Greater Bay Area hoạt động, Trung Quốc phải tìm ra cách sử dụng con người và vốn hiệu quả hơn giữa một bên là nhà nước độc đảng và một bên là các nền kinh tế tự do, tư bản của Hong Kong và Macau - với hộ chiếu, tiền tệ, chính sách thương mại, nền tư pháp và quyền công dân của riêng họ.


Sự thay đổi đã đặt vai trò truyền thống của Hong Kong như cửa ngõ của Trung Quốc dưới áp lực. Kinh tế Hong Kong hiện nay tương đương với ít hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, so với 18% vào năm 1997. Cảng container của Hong Kong trượt xuống vị trí cảng bận rộn thứ sáu trên thế giới, sau Thượng Hải và Thâm Quyến.

Tuy nhiên, thuyết phục nhiều người Hong Kong theo đuổi sự nghiệp ở Trung Quốc đại lục sẽ đòi hỏi nhiều hơn là các dự án cầu và đường sắt hàng triệu đô la. Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tuần này đã thông báo rằng người dân Hong Kong và Ma Cao, cũng như những người từ Đài Loan, sẽ nhận được chứng minh thư mới cho phép họ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội ở đại lục, theo bài báo trên Bloomberg.

Một số giới chức và nhà lập pháp Hong Kong đã khích lệ các công dân trẻ tuổi chuyển đến sống ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc đại lục - nơi họ sẽ không phải thuê nhà đắt đỏ ở các khu cao tầng, và có nhiều cơ hội việc làm hơn, theo Reuters.

Chuyển đến một trong các thành phố của Greater Bay Area có nghĩa là các công dân thế hệ thiên niên kỷ của Hong Kong, những người không mua nổi nhà ở đây, sẽ có thể mua nhà hoặc thuê một căn hộ ở đại lục. Họ cũng có thể tìm được việc làm.

"Chúng ta không còn là người Hong Kong, mà là người Greater Bay Area", ông Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong, được dẫn lời trên Reuters. "Do đó, chúng ta nên tập trung vào hội nhập hơn là vì lợi ích của riêng Hong Kong."

Lo ngại

Bản quyền hình ảnh Anthony Kwan
Image caption Giới trẻ Hong Kong biểu tình đòi dân chủ

Nhưng họ, các cư dân Hong Kong, lại phải đánh đổi tự do mà Hong Kong được đảm bảo suốt 50 năm dưới chính sách 'một nhà nước, hai thể chế', sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc, theo Reuters.

Ví dụ, ở Hong Kong, internet và truyền thông tương đối tự do, nhưng lại bị kiểm duyệt ngặt nghèo ở Trung Quốc đại lục.

Phổ biến hơn nữa là lo ngại những người sinh ra ở Hong Kong, sinh con đẻ cái ở đại lục, có thể làm suy yếu phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, đặc biệt là khi những người đại lục giàu có chuyển đến Hong Kong để thay thế người Hong Kong 'gốc', theo Reuters.

Các cuộc tranh luận làm nổi bật sự chia rẽ giữa chính phủ Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn với các công dân Hong Kong - những người thường đại diện cho 60% phiếu bầu được bỏ cho phe đối lập trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Nhiều người ở Hong Kong - nơi nói tiếng Quảng Đông - đặc biệt là thanh thiếu niên - ít bị hấp dẫn bởi giáo dục bằng tiếng Quan Thoại và cơ hội việc làm ở Trung Quốc đại lục, đồng thời nghi ngờ ý định của đảng Cộng sản, theo Bloomberg.

"Đó là chiến thuật cũ của cộng sản: Sử dụng chính sách kinh tế để áp đặt kiểm soát chính trị," Sonny Lo, một giáo sư chính trị tại Đại học Hong Kong nói.

"Cầu nối, đường sắt - cho đến nay chính phủ Bắc Kinh và Hong Kong đang tập trung vào phần cứng", Alvin Yeung, một nhà lập pháp và lãnh đạo đảng đối lập Civic được dẫn lời trên Bloomberg. "Nhưng "phần mềm"- cái làm cho Hong Kong trở nên độc đáo hơn - là các luật lệ tự do, dòng vốn tự do, vốn không có ở bên kia biên giới."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn