Kích cỡ kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau, đừng nói gì tới cạnh tranh thực sự

Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một 20172:30 SA(Xem: 8495)
Kích cỡ kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau, đừng nói gì tới cạnh tranh thực sự

Guancha

Dịch giả: Nguyễn Trung Thuần

Lời dịch giả: Mời bà con đọc bài phỏng vấn của trang Người Quan sát TQ với Hứa Lợi Bình Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương và Toàn cầu, Viện KHXH Trung Quốc. Có thể xem đây là quan điểm chính thống của chính quyền Trung Quốc khi nhìn nhận về tình hình Việt Nam và về chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam trong nay mai. Cần đọc để hình dung trước số phận của Việt Nam trong tay Trung Quốc khi sự kết nối chiến lược “Hai hành lang, Một vành đai” và “Một vành đai, Một con đường” đã trở thành hiện thực. 

***

Vào ngày 12.11, Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội. Tập Cận Bình nhấn mạnh, hiện nay, cả hai nước Trung Việt đều đang ở vào giai đoạn then chốt của công cuộc cải cách phát triển, cả hai bên cùng phải lấy đại cục quan hệ hai đảng hai nước làm trọng, xuất phát từ lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước, cùng nhau nỗ lực tìm kiếm sự phát triển chung trên con đường tiến lên phía trước. Nguyễn Phú Trọng đã trả lời một cách tích cực, cảm ơn Trung Quốc đã có sự giúp đỡ to lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc và phát triển đất nước của Việt Nam, ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn giữ mối tiếp xúc chặt chẽ, quan hệ Trung-Việt đã đạt được sự tiến triển tích cực, song trên truyền thông các nước gần đây lại không hiếm những tiếng nói “khiêu khích”, trong một bộ phận dân chúng hai nước cũng có những cảm xúc tiêu cực, cần nhìn nhận những vấn đề này ra sao? Trang guancha.cn đã có cuộc phỏng vấn riêng ông Hứa Lợi Bình Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương và Toàn cầu, Viện KHXH Trung Quốc

***

Người phỏng vấn: PV Lí Linh

guancha.cn: Khi Tổng bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cách đây vài ngày tại Hà Nội đã bày tỏ Việt Nam sẽ học tập tìm hiểu tinh thần Đại hội 19, sẽ noi theo những kinh nghiệm thành công hữu ích, để thúc đẩy sự phát triển xã hội chủ nghĩa của riêng mình. Theo ông hiểu, Trung Quốc hiện giờ có những kinh nghiệm nào có thể cho Việt Nam noi theo?

Hồ Lợi Bình: Năm 2018 là kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong 40 năm ấy Trung Quốc đã tích lũy được những kinh nghiệm rất tốt cho việc điều hành đất nước, khái quát lại có mấy kinh nghiệm sau:

Kinh nghiệm thứ nhất, duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giữ vững mức độ ổn định chính trị cao. Không ổn định thì không có phát triển, đây là kinh nghiệm quan trọng nhất.

Kinh nghiệm thứ hai, đó là tập trung vào làm những việc đại sự. Thế nào là việc đại sự? Đó là những việc lớn mà các nước tư bản khác không thể làm được, nhưng chủ nghĩa xã hội lại có thể làm được nhờ phát huy ưu thế của chế độ mình. Việc thúc đẩy nhiều dự án lớn hoàn thành trong một thời gian ngắn ở Trung Quốc đều là do biết tận dụng ưu thế này của CNXH, không chỉ có thể qui tụ được lòng người, đem lại niềm tin, mà còn có tác dụng làm mẫu.

Kinh nghiệm thứ ba, ra sức phát triển cơ sở hạ tầng, đây là gốc rẽ của các thành tựu kinh tế. Hệ thống đường sắt, đường cao tốc, bến cảng, cầu cống, sân bay… ở Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn, không xây dựng những cơ sở hạ tầng này, thì sẽ không những thành tựu vĩ đại trong 40 năm cải cách mở cửa. Làm thế nào để xây dựng cơ sở hạ tầng, tôi nghĩ kinh nghiệm của Trung Quốc đáng để cho các nước XHCN khác và các nước đang phát triển khác như Việt Nam… học hỏi.
Còn một điểm nữa có mối liên quan rất quan trọng đối với việc điều hành đất nước, đó chính là cơ chế tự điều chỉnh. Chẳng hạn như tham nhũng, đối với đảng viên, cán bộ, nắm chắc một số ít điều then chốt, từ đó củng cố sự chấp chính của Đảng cộng sản, dẫn dắt nhân dân xóa đói giảm nghèo và đi vào con đường làm giàu khá khá giả.

guancha.cn: Khi trả lời phỏng vấn guancha.cn vào tháng 1 năm ngoái , ông từng nhắc đến hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng cộng sản Việt Nam. Niềm tin đối với Đảng, đối với chế độ XHCN của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân có phần giảm sút. Tính đến nay gần 2 năm đã trôi qua, liệu tình trạng này đã được cải thiện chưa?

Hứa Lợi Bình: Đúng vậy, tình hình xã hội Việt Nam đã có phần thay đổi. Qua cuộc bầu chọn tại Đại hội 12 của Việt Nam có thể thấy, những đảng viên cán bộ quá Tây hóa về cơ bản không được đưa vào tầng cấp lãnh đạo, làm xoay chuyển luôn xu thế Tây hóa, tản mạn trước đó.

Sự thay đổi này cũng làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc rằng, chỉ có đi theo con đường XHCN, chỉ có duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì mục tiêu hiện đại hóa của đất nước của Việt Nam mới có thể đạt được. Sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đã cho Việt Nam một tấm gương, đồng thời cũng cho đảng cầm quyền Việt Nam một sự gợi mở rất quan trọng, đó là chúng ta phải giữ vững lòng tự tin vào chế độ. Sự đồng thuận này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Quốc hội Nhân dân Toàn quốc thứ mười hai Việt Nam vào ngày cuối cùng, để ở trên các nhà lãnh đạo hiện tại của việc Việt Đảng Cộng sản Tổng thư ký Ruan Fuzhong và các thành viên mới xuất hiện. (Ảnh: Hoàng Đình Nam / Dongfang IC)

guancha.cn: Ông có cho rằng một loạt cải cách chính trị ở Việt Nam trong những năm gần đây, đến lượt mình, lại có thể cho Trung Quốc một sự gợi mở nào đó không?

Hứa Lợi Bình: Mở cửa quá đà, tự do quá đà của Việt Nam trong những năm gần đây đã đem lại nhiều tác dụng phụ ở một vài phương diện nào đó. Điều này ngược lại lại chứng minh cho tập trung và ổn định là những ưu thế thể chế của CNXH, mang tính ưu việt to lớn. Nếu biết cách phát huy tính ưu việt này tới mức tối đa, thì nhất định sẽ thực hiện được các mục tiêu của cường quốc XHCN.

guancha.cn: Ở cấp độ kinh tế, Trung Quốc và Việt Nam đang tích cực quảng bá cho sự kết nối chiến lược “Hai hành lang, Một vành đai” và “Một vành đai, Một con đường”. Liệu ông có thể giúp cho về mặt khoa học xem hai cái khung này có những điểm trùng hợp và những điểm khác nhau nào ở Việt Nam?

Hứa Lợi Bình: Khái niệm “Hai hành lang, Một vành đai” đã được đề xuất trong một thời gian rất dài, với mục tiêu chính yếu nhất là hội nhập sự phát triển của Việt Nam vào sự phát triển của Vịnh Bắc Bộ, Châu thổ Châu Giang, Quảng Tây Trung Quốc, và nhiều hơn cả là nhấn mạnh về sự hội nhập của khu vực; còn “Một vành đai, Một con đường” thì đề cập đến phạm vi rộng hơn, không chỉ quan tâm đến sự kết nối Vịnh Bắc Bộ, Châu thổ Châu Giang với Việt Nam, mà còn quan tâm đến cả sự kết nối khu vực lớn hơn ở tầng cấp toàn cầu.

Hiện tại, sự kết nối “Hai hành lang, Một vành đai” và “Một vành đai, Một con đường” đang phải đối mặt với một số trở ngại, trở ngại chủ yếu nhất là làm thế nào để phát huy được tính tích cực của địa phương. Chẳng hạn như ở đất tiếp giáp giữa Quảng Tây, Vân Nam với Việt Nam, làm thế nào để phát huy được vai trò của những địa phương này chính là nhân tố then chốt của sự kết nối.

guancha.cn: Ngoài các trở ngại kết nối, ông có cho rằng khi xúc tiến đề xuất “Một vành đai, Một con đường” tại Việt Nam còn thường gặp phải những trở ngại khác nào nữa không?

Hứa Lợi Bình: Trở ngại chủ yếu chính là thuyết Trung Quốc đe dọa. Tuy Tung Quốc và Việt Nam có thể chế chính trị tương đồng, cùng một triết lí, sự đồng thuận chính trị ở mức độ cao, nhưng do những ảnh hưởng của lịch sử, địa- chính trị, cộng thêm sự tranh chấp đang có về phương diện Nam Hải (VN: Biển Đông) giữa hai nước, mà trên đất Việt Nam đang tồn tại thuyết Trung Quốc đe dọa.

Lấy chuyện Đường sắt xuyên Á làm một ví dụ. Mặc dù ý tưởng xây dựng tuyến Đường sắt xuyên Á được đề xuất sớm hơn, song xét theo nghĩa rộng cũng là bộ phận cấu thành quan trọng kết nối với “Một vành đai, Một con đường”. Tuyến Đường sắt xuyên Á được chia thành ba tuyến, tuyến đông chạy qua Việt Nam, tuyến giữa chạy qua Lào và tuyến tây chạy qua Myanmar. Hiện nay, tuyến chạy qua Lào được khởi công, vận hành sớm nhất, song trên thực tế tuyến này có điều kiện về các phương diện như cơ sở hạ tầng… tồi tệ nhất; tuyến chín muồi nhất là tuyến chạy qua Việt Nam. Trong thời gian đầu, Trung Quốc định xây dựng đường sắt cao tốc cho Việt Nam, nhưng đã bị Quốc hội Việt Nam phủ quyết, tôi cho rằng trong chuyện này có tác động từ thuyết Trung Quốc đe dọa.

guancha.cn: Nhìn nhận về sự nhận thức về Trung Quốc của xã hội Việt Nam, ông thấy cần quan tâm đến những vấn đề gì khi Trung Quốc thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường” tại Việt Nam?

Hứa Lợi Bình: Việt Nam là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc phải duy trì chính sách đối ngoại thiện chí với láng giềng, làm đối tác với láng giềng như láng giềng, căn cứ trên nguyên tắc “4 tốt” để phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung – Việt.

Cụ thể, Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường giao lưu trên các phương tiện truyền thông. Dân chúng Việt Nam có những nhận thức tiêu cực về Trung Quốc, cùng với sự phổ biến internet, những nhận thức này đã có sự tác động rất lớn trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Về phương diện kiểm soát của Internet, chúng ta vẫn còn rất nhiều không gian cho sự hợp tác.

Về mặt đầu tư, cần phải để Việt Nam cảm thấy thực sự được hưởng lợi. Hiện giờ Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều ở Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp hai nước đều cảm thấy mình được hưởng lợi là điều hết sức quan trọng. Nhiều khoản đầu tư mặc dù có sự tham dự của các doanh nghiệp Trung Quốc, song đều được vận hành thông qua các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn như Hãng Samsung sẽ di chuyển một bộ phận nhà máy từ Đông Hoan đến Việt Nam, hầu hết các sản phẩm đều nhập từ Trung Quốc, việc buôn bán được tiến hành trong nội bộ Samsung, song lại được thể hiện là thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc với Việt Nam.

Trong cơ cấu thương mại Trung-Việt hiện nay, Việt Nam là bên thâm hụt, một cách tương ứng, chúng ta là bên thặng dư. Cơ cấu thương mại này có thể làm cho một số người Việt Nam cảm thấy rằng mình đang chịu thiệt. Thực ra, một số sản phẩm nhập khẩu rất có lợi cho quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam, mà việc nhập cũng đang được điều hành bởi các tập đoàn đa quốc gia. Tôi cho rằng cả chính phủ và nhân dân hai nước đều cần phải hiểu được vấn đề này, tình hình này cũng cần được giải thích thêm.

Điểm thứ ba, là phải quan tâm đến giao lưu nhân văn giữa nhân dân hai nước. Chẳng hạn, Trung Quốc từng mời 3.000 thanh niên Việt Nam tham gia hoạt động Liên hoan Thanh niên Trung-Việt, nhằm tăng cường sự giao lưu thân thiện giữa những người trẻ tuổi. Vì thanh niên là tương lai của cả hai nước, nên cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh mặt giao lưu thân thiện giữa thanh niên hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cần trao đổi với Việt Nam về mặt tăng cường quản lí điều hành đất nước, tăng cường tin nhau về chính trị, giảm nhẹ thuyết Trung Quốc đe dọa. Giữa hai đảng Trung Quốc và Việt Nam cần có những cuộc hội thảo về lí luận, tôi nghĩ đây là một cách rất tốt.

guancha.cn: Ông nhắc đến kinh tế xưa nay phải để cho cả hai bên cùng cảm thấy được hưởng lợi. Trước đây có cơ quan truyền thông đưa tin trích dẫn lời của một nhà khoa học Việt Nam gốc Hoa nói rằng, gần đây tới Việt Nam thấy ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối Trung Quốc, về các vấn đề xã hội, phàn nàn rằng các doanh nghiệp Trung Quốc luôn quen với việc xây dựng đội ngũ của riêng mình mang tới Việt Nam, rất ít cơ hội việc làm dành cho người bản địa Việt Nam. Ông đã có nhiều chuyến qua lại Việt Nam, ông nhìn nhận về cách nói đó như thế nào?

Hứa Lợi Bình: Tôi nghĩ rằng điều này phải có một quá trình. Mặc dù lực lượng lao động trẻ của Việt Nam tương đối nhiều, đây là lợi thế của họ, nhưng rất nhiều lao động chưa được qua đào tạo, vẫn chưa thể đạt tới yêu cầu của các nhân viên nghiên cứu công nghệ cao cấp. Do đó, sắp tới các mặt giao lưu nhân văn, hợp tác giáo dục hướng nghiệp giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam cũng sẽ là một khâu quan trọng.

Hiện nay, Trung Quốc đã thành lập Liên minh hợp tác giáo dục hướng nghiệp với ASEAN, Trung Quốc đã tuyển chọn 10 trường kĩ thuật hướng nghiệp để hợp tác với các trường cao đẳng có liên quan của ASEAN. Đây là điều rất tốt, nhưng hiện nay, cơ chế này vẫn chưa thực sự phát huy được ưu thế của nó. Tôi nghĩ Liên minh giáo dục hướng nghiệp cần có sự hợp tác sâu hơn với các doanh nghiệp.

Việt Nam cũng như vậy. Cùng với việc liên tục chuyển dời sang Việt Nam các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Trung Quốc, Việt Nam không chỉ cần một lực lượng lao động lớn, mà còn cần đến cả các nhân viên kĩ thuật từ bậc trung trở lên như kĩ sư… hoặc lãnh đạo. Trung Quốc và Việt Nam có thể thúc đẩy sự hợp tác giáo dục đại học tương ứng, nhưng những điều này đòi hỏi phải có thời gian. Hiện giờ, mảng này vẫn còn thiếu hụt, nay mai cần được tăng cường.

guancha.cn: “The Economist’ năm 2016 từng có bài viết nói rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển như vũ bão, dự kiến sẽ trở thành “một con hổ Châu Á”. Bài báo nói: “Made in Vietnam” đang ở thế mạnh, rất có xu hướng thay thế cho “Made in China”, sự phát triển của Việt Nam là một thách thức lớn đối với Trung Quốc “. Ông nghĩ sao?

Hứa Lợi Bình: Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động của của Việt Nam sẽ tạo ra sự thách thức ở một chừng mực nhất định đối với Trung Quốc, rút cuộc nó đã gây ra một cú sốc nào đó đối với một số tỉnh và thành phố ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn chung, nền công nghiệp hoá của Việt Nam và nền công nghiệp hóa của Trung Quốc có sự phân chia thứ bậc, mức độ công nghiệp hoá của hai nước co s sự chênh lệch nhau.

Với Trung Quốc có một cú sốc nhất định, nhưng Trung Quốc không sợ. Hơn nữa, như vậy cũng giúp ích cho việc buộc các ngành công nghiệp của Trung Quốc phải nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp, nâng chất lượng tăng hiệu quả, tạo cơ hội tốt cho việc đổi mới các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc lại có thể tận dụng “Một vành đai, Một con đường” để hình thành nên một mạng lưới thực sự với Việt Nam ở cấp độ chuỗi ngành công nghiệp, chuỗi công nghiệp…, như vậy cũng sẽ giúp ích cho việc hình thành sự tương tác ôn hòa trên phương diện hợp tác công nghiệp giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Thực ra, xét ở phạm vi lớn hơn, kích cỡ kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau, Việt Nam không đọ được với Trung Quốc về diện tích và dân số… Nói một cách nghiêm túc, đừng nói gì đến sự cạnh tranh thực sự.

guancha.cn: Nhiều thực tế cho thấy, vẫn còn thiếu sự hiểu biết đầy đủ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là giữa dân thường. Thậm chí, chủ nghĩa dân tộc đã lên cao trào ở một bộ phận dân chúng hai nước, làm sâu sắc thêm những ấn tượng tiêu cực với đối phương. Bằng vào sự tiếp xúc hàng ngày của ông, đã có những hiểu lầm lẫn nhau gì giữa dân chúng hai nước?

Hứa Lợi Bình: Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em với Trung Quốc vào những năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người dân cho rằng nếu đem so mối quan hệ trong hiện thực với “vừa là đồng chí vừa là anh em”, sẽ thấy có sự “sai lệch nhiệt độ” nhất định. Chủ yếu thể hiện ở việc Việt Nam tỏ ra quá khích về các vấn đề lịch sử và Nam Hải (VN: Biển Đông). Tuy nhiên, theo đà ngày càng có nhiều người Trung Quốc du lịch tới các nơi ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn và Vịnh Hạ Long…, cảm giác lạ lẫm của họ với Việt Nam cũng dần dần biến mất, vì dường như họ đã nhìn thấy hình ảnh của Trung Quốc vào những năm 80 ỏ đây.

Nếu như chủ nghĩa dân tộc của dân chúng Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục dâng cao, thì chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước. Cũng chính vì thế mà chính phủ hai nước Trung Quốc và Việt Nam cần kiểm soát nhiều hơn chủ nghĩa dân tộc giữa hai bên. Cách đây vài tháng, Việt Nam đã chỉnh sửa lại sách giáo khoa, gọi sự qua lại về mặt lịch sử của Trung Quốc với Việt Nam là “xâm lược”, ở một chừng mực nào đó đã làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc, mong rằng Đảng và chính phủ Việt Nam cần thận trọng hơn xuất phát từ đại cục.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn