Thư tố cáo nội bộ đảng tái hiện nửa cuối năm 2015

Thứ Năm, 23 Tháng Tám 20186:54 SA(Xem: 9025)
Thư tố cáo nội bộ đảng tái hiện nửa cuối năm 2015
voatiengviet.com
Phạm Chí Dũng

Bắt đầu từ đầu tháng Tám năm 2018, chính trường đảng CSVN bất thần rộ lên một cuộc chiến mới trên mạng xã hội về đơn thư tố cáo nội bộ.

Những quan chức nào bị ‘điểm danh’?

Một lần nữa sau hai lần nửa cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại được những tác giả vừa khuyết danh vừa nặc danh nhắc tới với vụ việc cũ ‘Sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây thất thu thuế hàng nghìn tỉ ở dự án Ciputra như thế nào?’, nhưng tô điểm thêm bằng một vụ việc có vẻ mới hơn: ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp tập đoàn Vinaconex cướp hàng nghìn tỉ đồng như thế nào?’, với một số đánh giá chưa rõ cơ sở.

Trong khi đó, một vài facebooker mang dáng dấp thủ cựu ý thức hệ đã tung bài ‘Có hay không ông Trần Đại Quang chạy tuổi từ trung tướng công an nghỉ hưu để chui sâu, trèo cao đến chủ tịch nước?’, kèm hình ảnh những tư liệu được xem là ‘giả mạo tuổi’ mà vào nửa cuối năm 2015 đã được tung lên mạng xã hội, sau đó được một số trang mạng xã hội đề cập lại vào năm 2017, dù cho tới nay vẫn chưa được kiểm chứng về tính xác thực của thông tin này.

Tuy nhiên, cú khai hỏa mới nhất và độc đáo nhất được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân, đồng thời đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, với ‘liên danh’ Nguyễn Xuân Phúc - Trương Hòa Bình - Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một ‘trục’ khác là Trần Quốc Vượng - Vương Đình Huệ…

Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ ‘người thực việc thực’.

Những ‘kinh nghiệm’ thời tiền đại hội 12

Có một điểm tương đồng giữa hiện tượng thư tố cáo của nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào năm 2018 với hiện tượng 3 giáo sư cũng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông ta vào nửa cuối năm 2015, tức trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền mở màn 3 tháng. Ba giáo sư ký tên vào thư tố cáo rất đặc biệt này và có thể mang tính quyết định sau đó là giáo sư Lưu văn Sùng, giáo sư Đỗ Thế Tùng và giáo sư Nguyễn Đình Kháng. Từ sau thư tố cáo đó cho đến nay, tuyệt nhiên không thấy 3 vị giáo sư này lên tiếng phủ nhận về bức thư và chữ ký của họ.

Điều có vẻ lạ lùng là không bao lâu sau thư tố cáo trên, mạng xã hội đã đăng tải một bức thư dài đến 9 trang A4 của người được cho là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giải trình cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Chính trị về 12 vấn đề, trong đó có khá nhiều vấn đề được ‘gợi ý’ một cách chi tiết bởi bức thư tố cáo của 3 vị giáo sư của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dù nhiều dư luận đánh giá độ tin cậy của bức thư giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cao chứ đó không phải là thư giả, nhưng cho đến nay vẫn không có bất kỳ một xác nhận nào của ông Dũng, của Văn phòng trung trung ương đảng hay của Văn phòng chính phủ về tính xác thực của bức thư này.

Đại hội 12 không chỉ là đại hội điển hình về đấu đá nhân sự mà còn là đại hội nổi bật của dạng thông tin không chính thống. Từ sau Hội nghị trung ương 13 vào tháng 10/2015, hàng loạt đơn thư tố cáo lẫn nhau của hai phe đảng và chính phủ đã được dồn dập tung lên mạng xã hội, cậy nhờ một số trang mạng xã hội có lượng truy cập khá như Ba Sàm, Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày… đăng tải, chứ tuyệt nhiên không có lấy một dòng đơn thư này trên báo chí nhà nước.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 14 vào tháng 12/2015, cũng như thời gian diễn ra đại hội 12 vào tháng Giêng năm 2016, nhiều bài viết chứa đựng tin tức cập nhật và bình luận của hai phe đảng và chính phủ cũng liên tiếp được tung lên mạng. Nhờ đó, lần đầu tiên dư luận trong nước và hải ngoại cùng giới quan sát quốc tế được chứng kiến một đại hội “dân chủ” theo cách tung tóe đến như thế.

Cũng trước đại hội 12, hàng loạt thư và bài viết tố cáo nội bộ được tung lên mạng xã hội. Rất nhiều thông tin được cho là thâm cung bí sử về các nhân vật trong bộ chính trị hiện lên ngồn ngộn. Thậm chí, còn có cả những tài liệu mà chỉ có các cơ quan an ninh, tình báo và bảo vệ chính trị nội bộ sở hữu, là tài liệu mà các cơ quan này thường gọi là “Phủ đặc ủy trung ương tình báo ngụy” cũng công khai xuất hiện…

Tình hình trên khiến người ta nhớ lại trang mạng Chân Dung Quyền Lực gây sóng gió vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Trang mạng này đã lộ ra tên tuổi của nhiều ủy viên bộ chính trị cùng quá nhiều chi tiết về tài sản và “quan hệ”…

Chân Dung Quyền Lực lại là địa chỉ được xem là lộ diện tấn công Nguyễn Xuân Phúc dữ dằn nhất về tài sản cá nhân ở trong ngoài nước vào khoảng nửa năm trước đại hội 12. Tuy nhiên từ đó đến nay, người ta không còn thấy trang Chân Dung Quyền Lực tiếp tục đăng bài, dù trang này vẫn được truy cập không mấy khó khăn.

Đất mới, người mới, phe phái mới

Đến tháng Ba năm 2017 và trùng với chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của Tổng bí thư Trọng và Ủy ban kiểm tra trung ương được âm thầm hướng vào một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, trong khi ở thủ phủ miền Trung là Đà Nẵng bùng nổ cuộc chiến giữa hai quan chức cấp cao là Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ, và đặc biệt vào lúc có thông tin Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền sắp diễn ra và có thể ‘thanh trừng nhân sự’, một lần nữa đã hiện ra vài thư tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng ông Phúc chỉ đạo đập bỏ tòa nhà văn phòng chính phủ do mê tín dị đoan, hay trưng ra văn bản ông Phúc từng chỉ đạo cho Formosa thuê đất 70 năm sai pháp luật…

Đó cũng là bối cảnh mà ngay sau khi Nguyễn Tấn Dũng mất chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2016, đã rậm rịch đồn đoán về một chiến dịch từ tranh giành đến thâu tóm doanh nghiệp và thị phần kinh doanh, xuất phát từ những nhóm lợi ích liên quan mật thiết đến những nhóm quyền lực mới. Lãnh địa của tay chân của Nguyễn Tấn Dũng lại được coi là vô cùng lớn và vô cùng màu mỡ, bao gồm nhiều ngành nghề trải rộng ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khối tài chính và ngân hàng mà đã có đủ thời gian phát triển thành một thế lực tài phiệt. Chúng có quyền năng chi phối, can thiệp đáng kể vào không chỉ các chỉ số kinh tế quốc gia, mà còn vào cả thế lên xuống chính trường Việt Nam.

Một cách đương nhiên, những lãnh địa đó là nơi hội tụ mọi con mắt thèm thuồng của những kẻ muốn thâu tóm, trong bối cảnh đất nước đang gần như cạn kiệt các nguồn tài nguyên.

Một điểm khác biệt lớn trong nội dung đơn thư tố cáo nội bộ xuất hiện trên mạng xã hội vào nửa cuối năm 2018 với nửa cuối năm 2015 là ‘Lộ diện 2 phe tranh giành dữ dội nhằm nắm giữ những vị trí chủ chốt của đất nước nhiệm kỳ tới’, trong đó cái tên Nguyễn Tấn Dũng đã không còn được nhắc đến nhiều, thay vào đó là những cái tên khác như Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình… - được cho là những ứng cử viên tương lai cho các chức vụ tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội, kể cả Nguyễn Phú Trọng về không chỉ tương lai không rõ ràng về chuyện ‘ngồi tiếp hay về’ mà ngay trước mắt là công cuộc ‘đốt lò’ của ông ta.

‘Ba dòng thác cách mạng’

Mùa Hè năm 2015 với bầu không khí “toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12” đang có bề tái hiện vào mùa Hè năm 2018, cũng được khởi đầu bằng làn sóng thư tố cáo nội bộ trên mạng xã hội và có thể dẫn tới những biến động lớn về nhân sự - một cách rất hữu hình, tương tàn và triệt buộc chứ không còn là mạng ảo nữa.

Một lần nữa kể từ năm 2012 khi bắt đầu được các thế lực nội bộ lợi dụng triệt để cho tới nay, mạng xã hội được ‘tôn vinh’ và trở thành một thứ công cụ không thể thiếu theo cách mà Nguyễn Tấn Dũng từng thốt lên vào nửa cuối năm 2015 ‘Không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à!’.

Mùa hè năm 2018 lại có thể là sự khởi đầu cho công cuộc tranh giành và tiến chiếm trận địa đại hội 13 - sẽ kéo dài đầy kịch tính, sắc máu và ‘không khoan hồng’ trong suốt hai năm 2019 và 2020.

2018 cũng là năm có nhiều dấu hiệu hội tụ ‘ba dòng thác cách mạng’: đảng tố nhau về tài sản, ‘chính trị nội bộ’ và sai phạm điều hành; quốc tế tố chính thể Việt Nam về tội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và vi phạm nhân quyền; dân tố chính quyền và đảng về đủ thứ chuyện.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn