Sự tàn phá của Trung Cộng

Thứ Hai, 27 Tháng Tám 20186:01 CH(Xem: 5674)
Sự tàn phá của Trung Cộng

Batang Toru nằm ở phía bắc đảo Sumatra của Indonesia với những cánh rừng xanh bạt ngàn, nơi sinh sống của giống cọp Sumatra và loài tê tê đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, và đặc biệt hơn nữa là một giống đười ươi vừa được tìm thấy vào Tháng 11 năm ngoái. 

su-tan-pha-cua-trung-cong
Một người Trung Quốc kéo chiếc xe ba bánh trong khu phố gần một nhà máy điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc. – photo Kevin Frayer / Getty Images

Nguồn sinh kế chính của người dân nơi đây là trồng cao su và cây cọ dầu. Tuy nhiên, những loại cây công nghiệp này cùng những khu rừng xanh kia trong mấy tháng nay đang bị xe ủi san bằng để dọn đất chuẩn bị cho việc xây dựng đập thuỷ điện có công suất 510 megawatt trên con sông Batang Toru. Dân làng sống trong khu vực cũng bị buộc phải dời đi nơi khác sau khi được đền bù một số tiền tượng trưng mà theo họ trên thực tế thấp hơn giá thị trường.

Một số dân làng trong thời gian qua đã tranh đấu để cố ngăn chặn việc xây dựng đập, và họ cũng đã được một số nhà bảo vệ môi trường tham gia nhập cuộc. Những nhà bảo vệ môi trường này cảnh báo rằng việc xây dựng đập có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề đến hệ sinh thái hết sức đa dạng của vùng đất Batang Toru. Một trong những lo ngại lớn nhất là con đập có thể đưa đến sự tuyệt chủng của giống đười ươi mới được tìm thấy mà hiện nay chỉ còn khoảng 800 con. Rồi lại còn thêm nguy cơ động đất vì con đập được xây ngay gần một đường nứt địa chất có thể gây nguy hại cho sinh kế của khoảng 100,000 người dân sống ở phía hạ nguồn.

Trên thực tế, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn đến độ Công ty Tài chánh Quốc tế, một nhánh của Ngân hàng Thế giới, đã quyết định từ chối đầu tư vào con đập này.

su-tan-pha-cua-trung-cong3
Đất hai bên bờ đập Tam Hiệp trước và sau khi xây dựng – nguồn Mandalay Projects

Tuy nhiên, những điều lo ngại trên đã không thể ngăn cản được toan tính của phía Trung Quốc và nhà cầm quyền địa phương. Con đập trị giá $1.6 tỷ được bao thầu xây dựng bởi công ty Sinohydro, một công ty thuỷ điện quốc doanh, và được trả bằng tiền cho vay của Trung Quốc. Con đập này là một phần trong dự án “Nhất đới, nhất lộ”, kế hoạch nhiều ngàn tỷ của Trung Quốc để tài trợ cho các dự án hạ tầng cơ sở tại nhiều địa điểm trải dài khắp châu Á, châu Phi và Đông Âu.

Dự án “Nhất đới, nhất lộ” được khởi động từ năm 2013 đã đưa tới những công trình xây dựng tràn lan khắp nơi: từ các bến cảng và nhà máy điện đến các xa lộ và đường xe lửa cao tốc. Chính quyền Bắc Kinh hứa hẹn rằng dự án này sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho các quốc gia tham gia. Nhưng các nhà chỉ trích dự án nói rằng để có thể ký kết được các thoả thuận, nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng làm ngơ không thèm đếm xỉa tới rất nhiều điều nguy hại, từ xáo trộn xã hội đến thất thoát tài chánh – và đặc biệt là gây thiệt hại đến môi trường thiên nhiên.

William Laurance, nhà nghiên cứu môi trường thuộc Đại học James Cooks ở Úc, cho biết con đập Batang Toru “chỉ mới là sự bắt đầu của một chuỗi dây chuyền thảm hoạ môi trường” mà dự án “Nhất đới, nhất lộ” có thể gây ra. Một bản phân tích đưa ra vào năm ngoái của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho biết 6 đường hành lang chính trên đất liền của dự án “Nhất đới, nhất lộ” nằm chen vào những khu vực sinh sống của 265 giống thú đang gặp nguy hiểm, trong đó có 81 giống có nguy cơ tuyệt chủng và 39 giống có nguy cơ tuyệt chủng cao, và 46 điểm nóng có những hệ sinh thái đa dạng.

su-tan-pha-cua-trung-cong2
Cây rừng tại Phi châu bị đốn do đầu tư Trung Quốc – nguồn International Policy Digest

Nhưng không chỉ mới đây kể từ khi có dự án “Nhất đới, nhất lộ” mà ngay sau khi được lãnh tụ Đặng Tiểu Bình phát lệnh “làm giàu là vinh quang” qua cuộc cải cách kinh tế thì những ảnh hưởng nguy hại đến môi trường thiên nhiên từ Trung Quốc cứ ngày một tăng dần. Mà ảnh hưởng môi trường nặng nề nhất do Trung Quốc gây ra thường liên quan đến những việc khai thác khoáng sản, nhiên liệu hoá thạch, sản phẩm nông nghiệp và gỗ rừng từ những quốc gia khác. Và những việc khai thác này lại dính dáng đến những thoả thuận xây dựng đường xe chạy, đường rầy, và các hạ tầng cơ sở ở mức độ rất to lớn để họ có thể chuyên chở những nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa khai thác từ trong đất liền đưa ra bến tàu để sau đó “xuất cảng” tới… Trung Quốc! Các hoạt động này đến nay vẫn tiếp tục không ngừng mặc dù gần đây kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng nhiều dự án lớn vẫn đang được lên kế hoạch tại nhiều quốc gia đang phát triển.

Một điều rõ ràng là các quốc gia đang phát triển rất cần hệ thống hạ tầng cơ sở tốt để phát triển kinh tế đất nước, và nguồn đầu tư mà họ có thể thu hút được dễ dàng nhất là từ Trung Quốc. Nhưng điều không may là các công ty và các nhà đầu tư Trung Quốc ít khi quan tâm đến vấn đề môi trường thiên nhiên bền vững. Một bản phúc trình thật chi tiết của Chương trình Tán cây xanh Hoàn cầu (Global Canopy Program), một nhóm nghiên cứu khoa học của Anh Quốc, đã đưa ra kết luận rằng các công ty và các tổ chức tài chánh Trung Quốc nằm trong số những tập đoàn tệ hại nhất trên thế giới liên quan đến việc phá rừng nhiệt đới.

Ở những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ hoặc Âu châu – nhờ có đội quân báo chí nhòm ngó, hoặc do luật lệ chính phủ ấn định – các công ty ở những quốc gia này không thể tự tung tự tác khi đầu tư vào những dự án phát triển hay dự án khai thác tài nguyên ở ngoại quốc, trong khi Trung Quốc thì không. Một ví dụ, trong khi các công ty Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi luật chống hối lộ trong một đạo luật có tên là Luật cấm Hành động Tham nhũng ở Ngoại quốc (Foreign Corrupt Practices Act), thì Trung Quốc lại không có luật lệ nào để kiểm soát những nhà đầu tư và công ty của họ ở nước ngoài. Các nhà đầu tư Âu châu khi sang châu Phi làm ăn vẫn thường hay than phiền về việc người Trung Quốc công khai đút lót cho các quan chức bản xứ. Họ ngang nhiên đến gặp thẳng các quan chức cấp cao ở địa phương và đút lót cho những người này thật hào phóng, và chẳng ai có thể ngăn cản được họ.

su-tan-pha-cua-trung-cong1
Gỗ rừng được chở từ Lào về Trung Quốc – nguồn GettyImages

Theo một bản phân tích của Ngân hàng Thế giới liên quan đến gần 3,000 dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư và các công ty Trung Quốc luôn chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh ở những quốc gia nghèo còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát môi trường, và một khi họ ký được các thoả thuận dự án thì liền biến những quốc gia này thành những hố thải ô nhiễm cho các công ty Trung Quốc.

Không chỉ ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề ở ngay trong nội địa. Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia thải khí carbon nhiều nhất trên thế giới – và hiện nay họ xả ra lượng khí thải nhà kính gấp hai lần Hoa Kỳ, cũng như một số lượng lớn những chất ô nhiễm không khí nguy hiểm như sulfur dioxide và nitrogen oxides. Đúng ra Trung Quốc có đầu tư vào những kỹ thuật mới như năng lượng gió và mặt trời, nhưng ngược lại họ đổ không biết bao nhiêu tiền của vào những dự án thuỷ điện, khai thác mỏ than và nguyên tử năng.

Ngoài những đập lớn trong nội địa như đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam – Tam Hiệp đại bá) trên sông Trường Giang, Trung Quốc hiện đang xây hay dự tính cho xây 20 đập thuỷ điện loại lớn trên sông Mekong có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hệ sinh thái cũng như việc đánh bắt cá và cho người sử dụng nước sông ở những quốc gia hạ nguồn như Lào, Campuchia và Việt Nam.

Nếu chính quyền Trung Quốc thật sự muốn kiểm soát sự tự tung tự tác của những công ty của họ ở ngoại quốc thì đó là điều không khó, nhưng họ không làm là vì những công ty này mang lợi nhuận về và đồng thời tạo công ăn việc làm cho các công nhân Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường thiên nhiên từ trong nội địa ra đến quốc tế thì thế giới đã nhiều lần lên tiếng, nhưng như kiểu đàn gẩy tai trâu, hầu như không mang lại chút hiệu quả nào mà chỉ nhận được những lời hứa suông mà thôi.

VH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn