Một lý giải văn hóa về bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ

Thứ Tư, 22 Tháng Tám 20185:00 CH(Xem: 6998)
Một lý giải văn hóa về bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ

gun-nation

Nguồn: Ian Buruma, “Gun Nation”, Project Syndicate, 07/03/2018.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bảo vệ quyền được mua súng trường bán tự động hoặc mang súng theo người của công dân Mỹ cũng tương tự như việc chối bỏ trách nhiệm của con người đối với biến đổi khí hậu. Các tranh cãi về lý lẽ không phải là vấn đề ở đây. Có bao nhiêu học sinh bị bắn hay bằng chứng khoa học gì về ảnh hưởng của khí thải carbon đi nữa đều không quan trọng, người ta sẽ không thay đổi thứ niềm tin đã xác định bản ngã của họ.

Theo đó, càng nhiều người theo khuynh hướng tự do từ New York hay San Francisco, hoặc Houston, đòi hỏi cần có các phương thức kiểm soát việc bán vũ khí cho dân thường, thì những người ủng hộ quyền sở hữu vũ khí sát thương lại càng đáp trả mạnh mẽ. Họ thường hành động như vậy với niềm tin tương tự như của các tín đồ tôn giáo, cảm nhận như thể đấng tối cao của họ bị xúc phạm.

Bản sắc tập thể dĩ nhiên có cả một lịch sử phát triển. Tu chính án số hai của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền giữ và mang vũ khí, được thông qua năm 1791 khi mà những công dân đã nổi dậy chống lại triều đình Anh cho rằng họ cần phải tự bảo vệ bản thân trước một nhà nước áp bức khi cần thiết. Cách diễn giải về tu chính án này là một cuộc tranh luận kéo dài, nhưng ý tưởng ban đầu là việc lực lượng dân quân tự vệ cần phải được vũ trang.

Đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các bang miền Nam, quyền tập thể này gần tương tự như quyền cá nhân được Chúa trời ban tặng. Những kẻ mị dân đã thành công trong việc đưa những người dân này chống lại giới tinh hoa sống ở các vùng duyên hải và đô thị vốn được cho là muốn xóa bỏ quyền này của  họ. Nỗi sợ hãi mà những kẻ mị dân khai thác có gốc rễ sâu xa vượt ra ngoài sở thích chung về săn bắn, hay là ý niệm về tự vệ. Điều đó liên quan đến bản sắc của họ. Tước đoạt quyền sở hữu súng của họ, họ sẽ cảm thấy bị triệt tiêu về mặt văn hóa và xã hội.

Nhưng nếu đó là cốt lõi của nhiều người Mỹ, nó lại chỉ ra một sự mâu thuẫn kỳ lạ trong chính hình tượng bản thân quốc gia. Tu chính án số hai đương nhiên là một quan điểm pháp lý. Một mặt, nó đúng với chính bản thân Hoa Kỳ. Là một đất nước của dân nhập cư, Hoa Kỳ không được xây dựng dựa trên tổ tiên hay văn hóa chung. Nó dựa vào pháp luật – cách duy nhất để một dân tộc hình thành từ quá nhiều nền tảng văn hóa khác nhau có thể cùng gắn kết trong một khối thống nhất.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều luật sư đến vậy ở Hoa Kỳ, và tại sao người Mỹ lại ưa tranh tụng hơn người Nhật chẳng hạn, những người vốn tin tưởng nhiều hơn vào truyền thống và phong tục. Nếu Hoa Kỳ được xem là có một tôn giáo dân sự nào đó, thì Hiến pháp chính là kinh thánh của họ. Và đó chính là cách những người theo khuynh hướng bảo thủ ứng xử với các đạo luật nền tảng, bao gồm cả bản Tu chính án thứ hai.

Tuy nhiên, đồng thời, nhiều người Mỹ cũng gìn giữ những “huyền thoại” dân tộc, mà theo cách nào đó cũng mang tính nền tảng không kém, nhưng theo một chiều hướng đối ngược trực tiếp với ý tưởng về một quốc gia pháp quyền. Ở miền Tây cổ điển, người hùng Mỹ đích thực là một tay súng nổi loại, một kẻ ngoài vòng pháp luật biết tự phân biệt đúng sai, một kẻ ngao du yêu tự do cưỡi trên lưng con ngựa thân yêu chìm dần trong bóng hoàng hôn với khẩu súng trường quàng qua vai. John Wayne (một diễn viên phim cao bồi – NBT) đã đến giải cứu người dân khỏi những kẻ ác trong bộ vest đen, những kẻ mà hành động bất chính của họ hủy hoại tự do tại những vùng biên viễn Hoa Kỳ.

Nhưng ai là những kẻ ác mang đồ đen? Họ là giới tài phiệt ngân hàng, luật sư, doanh nhân, và nhà thầu đường sắt, thường đại diện cho lợi ích của những nhân vật quyền lực ở các thành phố lớn vùng duyên hải miền Đông. Chắc chắn là họ thuê những tay côn đồ đó, nhưng những kẻ mặc vest đen đó đến từ thế giới của các hợp đồng, khế ước và chính phủ lớn.

Câu chuyện của phần lớn dân miền Tây là về cánh đồng quê bao la rộng mở, nơi mà con người tìm thấy sự tự chủ tuyệt đối, bị đe dọa bởi một nhà nước do pháp luật của con người chi phối. Thứ luật duy nhất mà những người anh hùng miền Tây tôn trọng là những luật lệ được đặt ra bởi Chúa trời và bởi lương tri của chính họ. Và anh ta rất cần súng để bảo vệ chúng.

Vấn đề đặt ra đối với huyền thoại này của nước Mỹ đó là việc cánh đồng quê của sự tự do cá nhân tuyệt đối đó, trạng thái tự nhiên đó, như đã từng tồn tại, là không thể nào duy trì được trong một nhà nước được tổ chức chặt chẽ của những ngân hàng, tòa án, cơ sở kinh doanh và cơ quan lập pháp. Tu chính án số hai là thứ nâng đỡ cho huyền thoại này, được ngụy trang bởi thực tế rằng nó cũng được pháp điển hóa thành pháp luật.

Ronald Reagan thấu hiểu niềm mong mỏi huyền thoại này của nhiều người Mỹ hơn phần lớn các Tổng thống khác, có lẽ bởi chính ông đã từng đóng nhiều phim cao bồi. Khi ông mạnh mẽ tuyên bố rằng “chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta, chính phủ chính là vấn đề của chúng ta”, ông đã nói như một tay súng bất kham, mặc dù ông phát biểu với tư cách là tân Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử.

Donald Trump đã đi theo hình mẫu của Reagan nhưng theo một cách lỗ mãng và hiếu chiến hơn. Thực ra, ông ta thật sự là một kiểu người sống ngoài vòng pháp luật, không cần đến quy chuẩn văn minh trong chính phủ. Bằng nhiều cách, Trump đã kết hợp thói quen của một kẻ cao bồi liều mạng với những lợi ích đứng sau những kẻ mặc vest đen, giới chủ doanh nghiệp, nhà băng, và đại diện chính trị của họ ở Washington.

Trump là một kẻ hám tiền New York, người có thể lợi dụng nỗi sợ hãi của những người ủng hộ súng đạn. Nếu như Hoa Kỳ bị chia rẽ bởi cuộc chiến tranh văn hóa đang leo thang về bản sắc quốc gia, thì Trump chính là hiện thân phi thường cho những khía cạnh tệ hại nhất của cả 2 phe trong cuộc chia rẽ: sự vô pháp của một tay súng bất kham và sự tham lam của một kẻ xảo quyệt thành thị.

Để vượt qua những vết nứt nguy hiểm đang xé toạc cả xã hội, Hoa Kỳ phải tìm được một vị tổng thống có thể hàn gắn sự chia rẽ văn hóa. Than ôi, nước Mỹ đã chọn phải một người không thể ít phù hợp hơn cho vị trí ấy.

Ian Buruma, tổng biên tập tờ The New York Review of Books, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn