Đối phó với tình trạng bắt nạt online thế nào?

Chủ Nhật, 19 Tháng Tám 20186:00 CH(Xem: 5990)
Đối phó với tình trạng bắt nạt online thế nào?

Đối phó với tình trạng bắt nạt online thế nào?

Có một cách để xử lý vấn đề hành vi xấu trên mạng ít khiến một cá nhân cảm thấy bị đe dọa tới danh tiếng là tạo ra sự trừng phạt về mặt xã hội.

Một công ty sản xuất trò chơi, League of Legends giới thiệu tính năng "Tribunal" (tòa án), trong đó những người chơi xấu sẽ bị trừng phạt bởi nhiều người chơi khác.

Công ty này cho biết đã có 280.000 người chơi phải "cải tổ" sau khi bị trừng phạt trong một năm, tạo ra tính tích cực trong cộng đồng người chơi.


Người phát triển cũng có thể xây dựng một hệ thống tưởng thưởng xã hội cho hành vi tốt, khuyến khích những yếu tố hợp tác giúp xây dựng quan hệ giữa mọi người.

Dự đoán sự thù địch

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách để dự đoán khi nào việc trao đổi tranh cãi có thể trở nên xấu đi - là khoảnh khắc mà nếu được can thiệp trước thì tình trạng xấu có thể sẽ tránh được để không xảy ra.

"Bạn có thể nghĩ tới có một nhóm nhỏ những kẻ trên mạng mà chúng ta thường gọi là 'troll', tức là những người chuyên viết ra các bình luận với nội dung mang tính khiêu khích, chọc tức người khác, là những người đang gây ra những tai hại này," Cristian Danescu-Niculescu-Mizi từ Khoa Khoa học Thông tin của Đại học Cornell nói.

"Những gì chúng tôi phát hiện trong nghiên cứu là ngay cả với người bình thường, như tôi và bạn, cũng có thể gây ra những hành vi quấy rối xã hội như thế."

"Vào khoảnh khắc nào đó, bạn thực sự có thể trở thành một kẻ ác khẩu. Thật đáng kinh ngạc."

Danescu-Niculescu-Mizil tìm hiểu phần bình luận bên dưới các bài báo trên mạng.

Ông xác định hai yếu tố chính dẫn đến việc một người hành động như một kẻ 'troll': bối cảnh của cuộc trao đổi (cách ứng xử của những người khác) và cảm xúc của bạn.

"Nếu hôm đó bạn đang gặp toàn chuyện xui xẻo, hoặc nếu hôm đó lại vô tình là thứ Hai chẳng hạn, bạn dễ dàng khả năng sẽ khiêu khích, nói năng ngang ngược với người khác hơn so với tình huống tương tự nhưng xảy ra vào một thời điểm khác," ông nói. "Bạn thường tử tế hơn vào sáng thứ Bảy."

Sau khi thu thập dữ liệu, gồm dữ liệu từ những người đã chọc phá người khác trong quá khứ, Danescu-Niculescu-Mizil xây dựng một thuật toán có khả năng dự đoán chính xác đến 80% khi ai đó sắp có ý định tấn công người khác trên mạng.

Điều này đem tới cơ hội trì hoãn phản ứng của mọi người trong việc đáp trả trên mạng.

Nếu mọi người nghĩ kỹ trước khi họ viết, thì hành động đó giúp cuộc đối thoại với mọi người tốt đẹp hơn: bạn sẽ ít phải chứng kiến người khác ứng xử tệ, và vì thế chính bạn cũng giảm bớt hành vi ứng xử không đẹp của bản thân.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một thuật toán có thể dự đoán chính xác đến 80% khi ai đó sắp trở nên hung hãn và tấn công người khác trên mạng, thuật toán có thể giúp hành vi này giảm xuống

Nhưng dù có những hành vi tồi tệ trên mạng mà nhiều người trong chúng ta từng phải trải qua, đa số các tương tác trên mạng lại có tính hợp tác và bày tỏ sự phẫn nộ hợp với đạo đức trước các nội dung mang tính thách thức, thù địch.

Nghiên cứu gần đây ở Anh tìm hiểu về chủ nghĩa bài Do Thái trên Twitter nhận thấy những nội dung phản đối hành vi bài Do Thái được chia sẻ nhiều hơn rất nhiều so với những trạng thái Twitter có sắc màu bài Do Thái.


Những nội dung có tính chất cực kỳ thù địch bị mọi người bỏ qua hoặc chỉ chia sẻ trong một nhóm nhỏ của những tài khoản Twitter gần giống nhau. Có lẽ con người đã bắt đầu tự làm công việc mà những tài khoản ảo phải làm.

Con người đã trải qua hàng ngàn năm cùng nhau trau dồi tương tác giữa người với người, còn mạng xã hội chỉ vừa xuất hiện 20 năm qua.

"Ngoài đời, tất cả chúng ta đều có sự mở lời bằng cảm xúc gương mặt đến thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể," Danescu-Niculescu-Mizil nói.

"Trên mạng, chúng ta chỉ thảo luận mọi thứ qua những dòng chữ. Tôi nghĩ chúng ta không nên ngạc nhiên nếu ta gặp quá nhiều khó khăn để tìm ra phương thức phù hợp để thảo luận và hợp tác trên mạng."

Khi hành vi trên mạng của ta phát triển, có thể chúng ta sẽ thể hiện tín hiệu tế nhị, những biểu hiện kỹ thuật số tương đương với cảm xúc gương mặt, để giúp những đối thoại trên mạng diễn ra suôn sẻ hơn.

Và lời khuyên dành cho người phải đối mặt với sự tấn công trên mạng là bạn hãy bình tĩnh.

Đừng chửi bới lại. Hãy khóa những tài khoản tấn công ác ý và phớt lờ thái độ bắt nạt trên mạng, hoặc nếu bạn cảm thấy sẵn sàng đối mặt, hãy bảo họ ngưng lại.

Hãy nói chuyện với gia đình và bạn bè về việc đang xảy ra và nhờ họ giúp đỡ. Hãy chụp ảnh màn hình và báo cáo cho mạng xã hội mà bạn đang sử dụng về hành vi quấy rối đó, và nếu những lời đó có cả đe dọa đến thân thể bạn, hãy báo cảnh sát.

Nếu mạng xã hội như chúng ta từng biết tiếp tục tồn tại, các công ty vận hành những nền tảng này sẽ tiếp tục điều chỉnh thuật toán của họ, có lẽ cùng với những tri thức về khoa học hành vi, sẽ giúp khuyến khích sự hợp tác và lòng tử tế hơn là sự chia rẽ và tấn công.

Là người dùng, chúng ta sẽ học cách tương thích với môi trường giao tiếp mới này để tương tác dân sự và phong phú này sẽ trở thành thông lệ dù ở trên mạng hay ngoài đời.

"Tôi rất lạc quan," Danescu-Niculescu-Mizil nhận định. "Đây chỉ là một trò chơi khác và chúng ta phải tiến hóa để thích nghi với nó."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn