Nhà khoa học 87 tuổi giải mã bí mật trồng lúa bằng… nước nhiễm mặn

Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Một 20175:00 CH(Xem: 6371)
Nhà khoa học 87 tuổi giải mã bí mật trồng lúa bằng… nước nhiễm mặn

Ngoài việc tăng năng suất, lúa được trồng trong nước mặn cũng có lợi cho sức khoẻ, vì nó có nhiều canxi và các vi chất dinh dưỡng hơn gạo thường.

Chúng ta biết rằng, quá trình trồng lúa truyền thống đòi hỏi những cánh đồng phải được cung cấp đủ nước ngọt. Tuy nhiên, chỉ có một phần diện tích đất ở Trung Quốc có thể trồng lúa theo cách này, vì phần lớn đất đều bị nhiễm mặn do lũ lụt và thủy triều ven biển. Ví dụ, ở khu vực Đông Kinh trên bờ biển phía đông Trung Quốc, gần 40% diện tích đất có hàm lượng muối trên 0,5% (số liệu được cung cấp bởi Ngân hàng Thế giới). Tuy nhiên Trung Quốc lại là quốc gia sản xuất ra được nhiều gạo hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Các vùng đầm lầy, đất sét hay nước mặn dọc bờ biển hiện chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích đất canh tác ở Trung Quốc và trồng lúa ở đây là "nhiệm vụ bất khả thi". Sở dĩ như vậy vì muối sẽ ngăn cản quá trình quang hợp và hô hấp, khiến cây ngừng phát triển và chết. Một số vùng đất khác thì lại đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng lên.

Tuy nhiên, nếu nông dân Trung Quốc có thể trồng lúa ở hầu hết các vùng đất mặn thì nguồn cung cấp lương thực của quốc gia này sẽ gia tăng đáng kể.

Những thành công đầu tiên

Ông Yuan Longping - một nhà khoa học Trung Quốc 87 tuổi gần như đã cống hiến cả cuộc đời mình để sản xuất lương thực. Bây giờ ông đang “lấn sân” sang lãnh địa trồng trọt bằng phương pháp mới: trồng giống lúa mới có năng suất cao trong các vùng nước nhiễm mặn.

Theo báo Tân Hoa Xã, kết quả từ thí nghiệm đầu tiên của ông Longping rất khả quan: Một vụ gồm 200 giống lúa chịu mặn khác nhau mà nhóm nghiên cứu của ông trồng trong năm nay cho năng suất lên tới 8.030 pound lúa/mẫu Anh. Con số này lớn hơn sản lượng mà những người trồng lúa ở Hoa Kỳ thu hoạch được (chúng thường nằm trong khoảng từ 7.200 - 7.600 pound lúa/mẫu Anh).

Ông Yuan Longping trên cánh đồng lúa.
Ông Yuan Longping trên cánh đồng lúa. (Ảnh: Getty Images).

Việc trồng lúa trên nước mặn cũng giúp gia tăng diện tích đất trồng cho các loại cây khác – vốn trước đây để dành trồng lúa. Chế độ ăn uống của người Trung Quốc đang thay đổi vì những người tiêu dùng giàu có thường tiêu thụ nhiều thịt và ít ngũ cốc hơn. Tuy nhiên, không gian chăn nuôi gia súc và rau quả lại bị hạn chế, vì đất trồng trọt của Trung Quốc đang được dành riêng để sản xuất lúa gạo.

"Tất nhiên điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực tổng thể và việc cung cấp lương thực ở Trung Quốc", ông Ren Wang thuộc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc, nói.

Những thành công ban đầu của ông Longping là một tin mừng bởi vì dự báo sản lượng gạo trên toàn thế giới năm 2017 đang có dấu hiệu suy thoái. Theo tổ chức FAO của Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc và Sri Lanka đang trải qua những trận khô hạn bất thường, trong khi đó gần đây Bangladesh cũng gánh chịu một số trận lũ lụt hung hãn nhất từng đổ bộ vào Nam Á trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Ấn Độ và Nepal cũng chịu ảnh hưởng bởi cả những trận lũ lụt và hạn hán trong cùng một năm. Vì thế, giá gạo có khả năng sẽ tăng cao.

Kỹ thuật có thể áp dụng tại Việt Nam

Thí nghiệm trồng thử gạo trong nước muối của ông Longping được tiến hành tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa gạo có tính kiềm ở Thanh Đảo, cho thấy lúa có thể phát triển trong nước biển, tuy nhiên nồng độ muối phải được pha loãng.

"Lúa vẫn chỉ có thể được trồng trong nước có chứa 10% lượng muối so với nước biển", ông Wang nói. Ông lưu ý rằng còn một chặng đường khá dài để phương pháp này có thể thực sự được ứng dụng trên các cánh đồng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng trong vòng 3-5 năm tới, họ có thể sản xuất lương thực trong nước nhiễm mặn đủ cung cấp cho 200 triệu người Trung Quốc, và cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Ông Wang cho biết, kỹ thuật này cũng có thể được áp dụng ở các khu vực khác, như Bangladesh, Việt Nam và một phần của Châu Phi.

Mục tiêu nghe có vẻ rất khó thực hiện, nhưng với ông Longping chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về tính khả thi của nó. Năm 2004, nhà nghiên cứu Trung Quốc này đã giành được Giải thưởng Lương thực Thế giới cho công trình nghiên cứu về một số giống lúa lai năng suất cao đầu tiên. Chính nghiên cứu này đã biến Trung Quốc từ thiếu hụt về nguồn lương thực trở thành một nước bảo đảm an ninh lương thực.

Giống lúa mới

Theo Liên Hợp Quốc, gạo là một loại cây trồng quan trọng trong hơn 7.000 năm nay. Hiện tại, hơn một nửa dân số trên thế giới dựa vào hạt ngũ cốc này để tồn tại. Các giống lúa có năng suất cao như của ông Longping phát triển cung cấp sản lượng cao hơn so với kỹ thuật truyền thống, nhưng nó đòi hỏi việc tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, cũng như cần các loại phân bón vô cơ.

Với kỹ thuật trồng lúa trên nước mặn, người trồng lúa đang hy vọng có thể cắt giảm việc sử dụng năng lượng. Ở Philippines, một giống lúa được gọi là Green Super Rice đã được trồng thành công trên nước mặn. Theo Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, loại gạo này thân thiện với môi trường hơn các loại gạo có năng suất cao, và nó cũng có giá cao hơn.

Ngoài việc tăng năng suất, lúa được trồng trong nước mặn cũng có lợi cho sức khoẻ, vì nó có nhiều canxi và các vi chất dinh dưỡng hơn gạo thường. Nhưng các nhà khoa học sẽ phải đảm bảo rằng người tiêu dùng thực sự muốn ăn loại gạo mới này.

Các chủng lúa chịu được nước mặn ở Trung Quốc được phát triển bằng cách lai chéo với giống lúa hoang dã nhưng có chung nguồn gốc. Tuy nhiên, ông Wang cho biết rằng ông chưa tìm thấy bất kỳ báo cáo chi tiết nào về chất lượng gạo nên ông cũng đang băn khoăn về mùi vị của loại gạo mới này.

"Vẫn còn rất nhiều việc phía trước để các nhà khoa học thực hiện”, ông nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn