Tính phản biện của tin giả?

Thứ Năm, 02 Tháng Tám 20188:00 SA(Xem: 5716)
Tính phản biện của tin giả?
Tin giả (fakenews) trở thành từ khóa của năm vào thời điểm bắt đầu cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và kéo dài cho đến hiện nay. Nạn tin giả luôn được xem xét là một yếu tố tiêu cực đối với các chủ thể khác nhau trong xã hội và gây ra những hệ quả không thể kiểm soát, kể cả đối với người trung gian đưa tin và người tiếp nhận tin.

0c90f-pqt2
Một tin giả được lan truyền trên các website tin tức và mạng xã hội Facebook trước đây.
Tại Việt nam, tin giả thường nhắm vào xu hướng ghét Trung Quốc, tức bất kỳ cái gì xấu xa nhất đều dán mác Trung Quốc, từ áo quần, giày dép, đồ chơi cho đến... gạo (giả). Tin giả đánh vào đối tượng thiếu hiểu biết nhưng thừa nhiệt tình, hoặc nhiệt tình và hiểu biết nhưng vẫn muốn truyền tin theo một mục đích nào đó.
Trong địa vực chính trị - dân sự, tin tức giả thường biểu hiện dưới dạng lãnh đạo A bị ám sát, cô lập hay thậm chí là mưa hại bằng chất độc,... Và phải thừa nhận rằng, tin giả đã đáp ứng tốt tính hiếu kỳ của người Việt.
Số đông hoan nghênh, một số khác thực sự 'tỉnh táo' trong sự bao vây của tin tức giả, khi Việt nam càng tăng trưởng số người dùng internet thì tin tức giả nhân đôi số lượng. Nhiều người gọi nôm na tin tức giả là 'tin lá cải' hoặc 'tin phế thải'.
Nhưng tin tức giả có tính tích cực của nó không? Có! Cơ sở tích cực là tính dự báo về cảm xúc xã hội.
Ví như, nếu một lãnh đạo nào đó được gọi tên là 'Lú' thì đồng nghĩa người ta coi đó như một sự ngớ ngẩn và giáo điều; lãnh đạo nào được gọi là 'Nghệch' thì đồng nghĩa người đó phi thực tế, mơ mộng và có phần ngây ngô;... Những sắc thái đánh giá về mặt ngôn từ này tưởng chừng như vô dụng, nhưng nhìn chung nó đảm bảo cho lãnh đạo đó biết dân đang nghĩ gì, và sự phản ứng của người dân đang ở mức độ nào. Do đó, nếu một tin giả được tung ra như 'ông X bị chết, bị ám sát hoặc ông Y bị bắt giữ - truy tố;...' và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người thì đó hẳn sẽ là một kết quả cho thấy mức độ bất mãn với hành vi, phát ngôn và cách điều hành của chủ thể đó trong mắt và tâm thức người dân.
Ở chế độ càng độc tài bao nhiêu thì 'tin giả' có xu hướng tiêu cực, cực đoan càng nhiều bấy nhiêu. Đặc tính này cũng phản ánh một 'ước mơ' rất dân giả của một nhóm chủ thể yếu thế trước tính độc tài (với sự sở hữu một lực lượng và cơ sở vật chất trấn áp, cai trị mạnh mẽ).
Sự yêu/ghét trong dân mang tính chất tương đối; nhưng qua tin giả, tính yêu ghét trở nên rõ ràng hơn một chút, đó là kỳ vọng sự thay đổi của lãnh đạo hoặc một chủ thể nào đó. Lấy ví dụ, một lãnh đạo được gọi là 'Lú' và người ta tung tin 'Lú' đã bị bắt, cô lập,... nếu tin tức này được chia sẻ rộng và có sự hoan nghênh (thông qua biểu tượng cảm xúc) thì chắc chắn người dân muốn 'Lú' được trải nghiệm nhà tù do chính nhân vật này tạo dựng ra hoặc mong muốn 'Lú' thức tỉnh.
Liệu tin tức giả có thể được lợi dụng một cách tích cực hay không? Có thể! Một lãnh đạo có tầm nhìn, nếu biết nắm bắt dư luận hoặc 'đi sâu vào quần chúng nhân dân', để hiểu họ muốn gì, cần gì,... thì thay vì biện pháp vi hành trong đời sống dân gian, có thể bắt đầu gõ thử tên mình trên Google, Facebook. Tức lúc này, tin giả trở thành một yếu tố đối chiếu để thay đổi con người và nhận thức con người. Tất nhiên, 'tin tức giả' đó phải nhận được sự phản ứng đồng thuận lớn trong xã hội.
'Trung ngôn nghịch nhĩ' (lời nói ngay thẳng khó nghe), tương tự 'tin tức giả' thường khó đọc, nhưng nếu muốn tu chỉnh bản thân để 'tề gia, trị quốc, bình thiên hạ' tốt nhất, thì cũng phải để ý đến nó.
Trở lại với Việt nam, mới đây, liên quan đến biểu tình phản đối Luật đặc khu, ông TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết, đối với vấn đề Luật an ninh mạng, ông tuyên bố thẳng: Luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói.
Nếu nhìn góc phản biện, thì đáng lý ra, ông TBT phải chấp nhận tính chất muốn nói của dân, bởi dân phải nói những gì họ nghĩ thì mới thực sự đi đến sự đo đếm dư luận xã hội chính xác. Gần nhất đây, khi người dân biểu tình vì Luật đặc khu cho thuê 99 năm, mặc dù không có chữ Trung Quốc nào trong đó, nhưng người dân khi phản đối cũng muốn đặt quan điểm là không cho Trung Quốc thuê. Thậm chí trên mạng Facebook còn chỉ ra Luật nhằm bán đất cho Trung Quốc.
Những tin tức xoay quanh Trung Quốc và phản ứng trong dân với Luật đặc khu là với Trung Quốc; nếu một lãnh đạo tinh ý, thì phải biết cách rà soát lại cơ chế luật để đảm bảo Trung Quốc không còn là nỗi lo, hoặc đảm bảo rằng, giá trị Trung Quốc sẽ không còn gắn liền với 99 năm. Lúc này, biến nỗi lo lớn của người dân thì nhỏ, và từ nhỏ hóa hư không. Tức biến tin giả trở thành một luận điểm xây dựng ngược, đưa tin giả trở thành một hệ phản biện với chính sách, chủ trương của chính nhà nước.
Tóm lại, nghiêm túc nhìn nhận tính tích cực của tin giả để hiểu lòng dân như thế nào mà thay đổi, đó là tính tích cực của tin giả mà nhà nước cần hướng tới.
Ánh Liên 
(VNTB) 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn