Như một lớp áo mỏng che những vết thương vĩnh viễn không lành…

Chủ Nhật, 04 Tháng Tư 20213:36 CH(Xem: 6793)
Như một lớp áo mỏng che những vết thương vĩnh viễn không lành…

ĐAN VIÊN

Trong suốt nhiều năm tôi luôn nhớ về dĩa cơm gạo trắng ở chợ Ái Nghĩa hồi tôi 10 tuổi khi má dẫn đi thăm ba ở trại An Điềm. Trên tôi còn có bốn ông anh chẳng hiểu sao năm đó má lại dẫn mình tôi đi thăm ba. Tôi cũng là đứa con duy nhất trong bảy đứa được đi thăm ba trong suốt thời gian ba ở trại.

Đây là ba của tôi sao?

Trong trí nhớ của tôi, từ làng tôi phải đi bộ xuống Túy Loan rồi bắt xe đò lên Ái Nghĩa. Ở Ái Nghĩa đi qua sông bằng cano rồi mới đi tiếp bằng đường bộ. Ngủ lại đêm trên mấy sạp chợ Hà Nha. Sáng hôm sau tiếp tục đi bộ lên trại. Khi lên tới trại dưới má tôi cùng những gia đình thăm nuôi khác ngồi đợi được gọi tên, rồi lại đi bộ tiếp lên một khu trại khác, rồi lại đợi. Tôi chưa hết say xe, căng thẳng, sợ hãi. Mọi thứ đều có vẻ đe dọa. Rồi cũng tới lượt má tôi được gọi tên. Má dẫn tôi vô một dãy nhà dài.

CCB-Trai-cai-tao-CSVN_1
Trong một trại cải tạo (rfa.org)

Một dãy bàn bằng tre dài ngoằng theo gian nhà. Một tấm phên dựng chắn giữa bàn cao quá đầu người ngồi, cứ khoảng một mét lại chừa một ô nhỏ đủ nhìn thấy mặt người đối diện. Ở đó tôi thấy những người đàn bà ngồi vào trước những ô được chỉ. Phía bên kia cũng là người ngồi nhưng tôi không thấy hết được. Má cũng có một ô, giữ tôi đứng kế bên. Tôi nghe tiếng khóc nghẹn của đàn ông đàn bà… Tôi từng biết kiểu khóc này. Những đêm khuya tôi thường nghe má khóc vậy khi chợt tỉnh ngủ. Má biểu tôi nhìn vô ô vuông đó. Bên kia là gương mặt một người đàn ông lạ hoắc, ốm yếu, răng rụng rất nhiều. Tôi hoảng sợ.

Má biểu tôi, thưa ba đi. Tôi làm theo như cái máy. Sao người này lại là ba tôi? Chỗ ngồi của má là đầu dãy. Một cán bộ đang đứng ở đó quan sát mọi người. Có tiếng má tôi năn nỉ xin cho tôi được bước qua phía bên kia cho ba ôm tôi. Người cán bộ hơi chần chừ rồi cũng cho. Nhưng lúc đó tôi sợ, má giục mấy lần tôi mới rụt rè bước qua. Ba ôm tôi khóc không thành tiếng. Tôi sợ, không thấy quen thuộc với người mình vừa gọi ba. Người ba gầy xơ xác, bộ quần áo gần giống như kiểu pijama nhưng dày cộm, màu xám xám hay xanh gì đó. Một thứ mùi không chút thân thuộc, một nhân dáng xa lạ. Tôi gồng cứng người, sợ hãi.

Nhưng rồi tôi bắt đầu khóc khi hết cuộc thăm nuôi. Tôi khóc tức tưởi. Má chắc bận để tâm đâu đó nên chẳng thèm dỗ, chẳng thèm hỏi. Tôi tự khóc, tự nín. Khóc tức tưởi rồi nấc ư ử, rồi thôi. Tôi không biết vì sao mình khóc. Nhóm người cùng đi với má cũng trở ra. Họ thì thầm trò chuyện với nhau. Trẻ con im thin thít. Đi bộ xuống lại con đường cũ. Đến chợ Hà Nha, trời vẫn chưa tối hẳn nhưng về giờ này hết chuyến sang sông, người lớn quyết định ở lại sạp chợ một đêm nữa, sáng mai mới bắt xe về. Những người đàn bà chọn cái sạp lớn nhất để ngồi cùng và trò chuyện. Họ vẫn tiếp tục với giọng điệu cà rì cà rầm.

Những câu chuyện nghe như ác mộng

Trong số họ có người đã quen nhau từ lần thăm nuôi trước. Có người mới đi lần đầu. Có ba bốn đứa nhỏ cỡ tôi và lớn hơn. Má chỉ tôi leo lên cái sạp nhỏ kế bên. Đêm đó, trong giấc ngủ bị ngắt quãng mấy lần, tôi thấy một giấc mơ kinh hoàng. Giật mình mở mắt thấy vẫn đang ở trong câu chuyện của người lớn. Thì ra không phải mơ. Tôi nằm kế bên nghe người lớn kể chuyện rồi buồn ngủ thiếp đi, tỉnh dậy vẫn những người đàn bà ngồi đó kể chuyện. Họ không ngủ. Mấy lần như vậy cho tới khi trời sáng.

Đọng lại trong tôi là hình ảnh bà vợ ông tá nào đó bị cọp ăn khi đi thăm chồng mà đi lạc qua đường mòn trong núi, chỉ còn lại cái đầu rũ rượi tóc lăn bên vệ đường. Vùng Ba Khe nổi tiếng có cọp dữ. Họ còn kể có gia đình bản địa phước đức khi cọp vô tới tận sân nhà, cha mẹ đi làm chỉ có ba đứa trẻ ở nhà, chúng sợ quá trùm cái mền lại rồi vì sợ mà cứ kéo qua kéo lại cái mền. Con cọp đứng nhìn một hồi rồi bỏ đi. Những chuyện khác tôi chẳng hiểu gì nên cũng không nhớ rõ được.

2-1
Trại cải tạo Z30D, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận (ảnh: Kienthuc.net.vn)

Sáng hôm sau má đón xe đò về lại Ái Nghĩa. Cả buổi không được ăn gì. Đêm hôm trước cũng chỉ có cái bánh sắn nhỏ (bột sắn khô nhồi rồi làm thành những cái bánh, luộc trong nước sôi cho đến khi bánh nổi là chín; món ăn thường trực của nhà tôi những năm sau 1975). Tôi đói quay quắt mà không dám kêu. Má dẫn tôi vô chợ Ái Nghĩa. Tới trước hàng cơm trong chợ, má mua một dĩa cơm trắng, xin chan chút nước thịt, hai mẹ con cùng ăn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết được trong chợ có hàng bán cơm. Dĩa cơm trắng trưa hôm đó cho đến tận bây giờ, với tôi, vẫn là cực phẩm nhân gian. Tôi chưa được ăn cơm trắng suốt mấy tháng rồi, toàn sắn với khoai. Hạt gạo Ái Ngĩa trắng muốt, thơm lừng, cũng không giống cơm tôi nấu khi nhà có gạo. Không còn sợ hãi, không có con cọp núi ăn thịt người, chỉ có dĩa cơm trắng và tôi.

Năm đó ba ở trại An Điềm được gần ba năm…

Những mộng mị kinh hoàng thỉnh thoảng vẫn trở lại với tôi. Cũng từ lần đi thăm ba về, tôi mắc chứng bị bóng đè. Nhiều lần ngộp trong những giấc mơ kỳ lạ khác. Và kể từ chuyến đi đó, mọi ký ức của tôi về ba, về gia đình mình trong bảy năm đầu đời bị xóa sạch, cho đến tận bây giờ. Không chỉ về ba, mà tất cả những gì của bảy năm đã bị khóa chặt, chôn vùi đâu đó, trừ một chuyện – chuyện duy nhất mà tôi nhớ, nhưng thật ra cái tôi còn nhớ cũng chỉ là cảm giác, không một nhân dáng rõ ràng nào.

Làm cách nào để thôi nghĩ về tháng Tư?

Trước khi Đà Nẵng thất thủ, má may cho tụi tôi những cái quần bằng vải gì dày như nhung, có hai lớp; mấy cái túi ở giữa hai lớp quần má may cả nắp túi có nút gài. Má chuẩn bị cho mỗi cái quần một ít vàng, là tư trang của má, cùng với mảnh giấy ghi rõ tên cha mẹ, địa chỉ. Một đêm, ba đã dẫn cả nhà chạy ra biển. Má mặc cho tôi cái quần hai lớp má may vội đó. Tôi nhớ cảm giác nặng nề, nhột nhạt của cái quần kỳ cục. Tôi nhớ mùi biển đặc quánh đêm đó. Nhớ nỗi sợ hãi của tôi giữa những lời thì thầm của ba má. Nhưng rồi ba dẫn cả nhà về lại, cho tới cái đêm người ta đập cửa nhà lúc rạng sáng bắt ba dẫn đi…

g
Quân nhân VNCH bị bắt đi “học tập cải tạo” tại một trại tập trung ở Vĩnh Long ngày 1-6-1975 (ảnh tư liệu)

Một ký ức duy nhất cho bảy năm. Bây giờ ở tuổi ngoài 50, không biết tôi có cơ hội nào lấy lại bảy năm thơ dại của mình, để biết mình đã từng có gì, để khớp được tâm trí tôi với lời kể của ba má, anh em. Tôi cũng muốn một lần đi lại con đường ngày ấy mà không có nỗi sợ hãi nào… Từ lúc đi thăm ba về tôi thường lấy mấy tấm hình còn sót lại của gia đình so sánh người đàn ông trung niên đẹp đẽ với ông già tôi gặp ở trại An Điềm. Làm gì có chuyện chỉ mấy năm mà có thể biến đổi một con người thành như vậy? Tôi hoài nghi, tôi cố lôi trong ký ức của mình ra hình hài người đàn ông trong bức ảnh. Nhưng hoàn toàn trống rỗng…

… Thêm mấy năm nữa ba được ra trại. Má tôi làm ở đồng sau, nghe có người bà con chạy vô kêu hình như là ba tôi về. Má quýnh quáng lao ra con đường cái xuyên qua làng. Ba tôi. Đúng là ba tôi. Nhiều người đã như tôi, không nhận ra ba. Con Út khóc thét khi ba đưa tay về phía nó. Ngày ba đi nó chưa đầy ba tuổi. Đứa em kế tôi cũng sợ hãi nép vào người má. Nhiều tiếng khóc khác, của người lớn, sửng sốt và thương cảm. Ai đó đã chạy vội về nhà đong cho má tôi mấy lon gạo. Ai đó đã chạy ra vườn hái bông đu đủ đực và mấy trái non xuống cắt sẵn cho má (thứ má sau đó đã nấu để ba ăn giải rừng thiêng nước độc). Mọi người cứ hỗn loạn như vậy. Chỉ có tôi là… bình thường. Thậm chí ngay lúc đó tôi còn thấy mình vênh mặt lên vì không sợ ba – người ba duy nhất mà tôi nhớ được.

Sau này, từ trong những câu chuyện của gia đình tôi, câu chuyện của những gia đình khác đồng cảnh ngộ mà tôi đọc được, nỗi thống khổ sau 75 có rất nhiều điểm chung, có rất nhiều thấu hiểu. Trong khi ông bà, cha mẹ chúng tôi trải qua những hỗn loạn đau thương của nước mất nhà tan thì chúng tôi – những đứa con của “ngụy quân-ngụy quyền” – trải qua những đau thương kiểu khác. Đà Nẵng, Kho Đạn, An Điềm, trại cải tạo, phóng thích, trình diện, lý lịch, đại học, hợp tác xã…, với tôi, những từ ngữ này mang một thứ âm thanh khác. Mấy chục năm rồi, trời tháng Tư vẫn nhuốm màu ký ức thê lương. Thời gian và cuộc sống thường nhật, đôi khi chỉ như một lớp áo mỏng che đậy những vết thương vĩnh viễn không lành. Quá nhiều thứ đã mất. Quá nhiều tổn thương tiếp nối cho đến tận bây giờ. Có thứ vẫn còn phong kín thì làm cách nào để thôi nghĩ về tháng Tư…

WA, 4-2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn