Nhà tôi đã trở thành một Đồn Nhân Dân Tự Vệ - Đồ Ngu

Thứ Bảy, 11 Tháng Bảy 20203:47 SA(Xem: 4440)
Nhà tôi đã trở thành một Đồn Nhân Dân Tự Vệ - Đồ Ngu

724r

(HNPD).1.  Cách đây đúng hai tuần lễ ông Hàng Xóm (từ nay, tôi không dùng thêm hai chữ Da Đen nữa, không phải do ông Hàng Xóm không muốn mà bởi cái chép miệng”… “ Thôi, chẳng phải đầu lại phải tai…).

Vâng, ông Hàng Xóm gõ cửa (có vẻ gấp gáp), lúc ấy gia đình đang thảo luận sẽ phải mua thêm súng để tự bảo vệ gia đình sau việc một số người Việt chỉ điểm cho một nhóm “Người Lạ” đến đập phá, hôi của tiệm Nail của Bà Hạnh Phan ở Nam Cali.

Ông Hàng Xóm đứng nghe, ông thốt lên:

- “Thôi rồi Lượm ơi!”.

Tôi đã nói tôi thích thằng cha này vì nhiều câu chữ rất Việt Nam. Ông kéo tuột tôi ra hậu viên, nơi có thông qua nhà ông bằng một cái cổng nhỏ (có dịp tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện cái cổng, rất thú vị này).
Ông vào đề ( kiểu lung khởi ):
- Quẻ Dịch của ông về ông Trump có thể sai rồi!
Tôi tự ái:
- Sai là làm sao?

Ông nói một mạch không cần biết tôi đã giơ tay ra dấu cho ông tạm ngừng để đến phần tôi :

- Cái thứ tự những người "Đang Giết Trump" phải thay đổi thứ tự lại, thằng Tàu xuống hạng chót rồi…

Tôi ngắt lời: 

- Thế thằng nào là thủ phạm chủ chốt?

- “Những phần tử cực đoan” ở Mỹ, “về căn bản muốn khởi xướng một cuộc Cách Mạng Văn Hóa kiểu Trung Quốc”, nhưng họ  chỉ là đứa đốt nhà, ăn thua là những đứa huýt gió, ai huýt gió thì ông biết, tụi đốt nhà gọi là Hắc Vệ Binh, còn tụi huýt gió, sách lược của họ nhằm phá hủy văn hóa, thói quen, phong tục và tư tưởng của chúng ta”. Nhưng "last but not least" phải kế đến là tụi “Trùm Kỹ Thuật Cao” mà đứng đầu là Bill Gates. Ông có thấy thằng Zuckerberg bị đánh tơi tả chỉ vì không chặn những bài viết cuả Trump không? Kế đến mới đến Đại Dịch Covid 19….

Rồi, bằng cách thoát ra những chuyện có vấn đề gây tranh cãi. "Cha Nội" này cười lớn:

- “Cô Vích hết, đến Cô Hồn”..." Cô Hồn hớp hồn Dân Chủ"....  Thôi chuyện ấy nói sau còn việc tôi kiếm ông là vì  truyện ngắn Ông Hàng Xóm Da Đen và Truyện  Mái Tóc Vương Chân Người của ông, ông nên cho chúng xuống, hay tạm thời cho chúng xuống…

Tôi thật sự tự ái:

- Chuyện Ông Hàng Xóm Da Đen có vấn đề, là đúng, vì tôi có đề cập đến ông Martin Luther King Jr.  còn truyện “Mái Tóc Vương Chân Người” tôi mới chỉ post thử trên mạng cá nhân của tôi  trong phạm vi bạn bè và người thân, có dính dáng gì đến ông da đen bà da đỏ nào đâu chớ….Vả lại, từ văn phong đến cốt chuyện, có vấn đề gì đâu? Mà tôi chỉ kể chuyện thật mà, ông cũng là nhân vật trong ấy, tôi có đụng chạm tới ai cơ chứ? Nói thẳng với ông, tôi chẳng phải Nhà, hay Sĩ gì cả, nhưng tôi có thể sửa chữa những bài viết cuả tôi khi tôi làm báo, còn khi tôi làm văn, chỉ cần sửa của tôi vài chữ, đừng hòng!

Ông Hàng Xóm để tay lên hai vai tôi, vỗ vỗ:

-  Ông ơi, khi chính trị đi vào thì văn hoá đội nón đi ra, ông nhớ không? Tôi đã đọc rất nhiều văn truyện bằng tiếng Anh, Tiếng Tàu, tiếng Nhật… tôi thấy Tiếng Việt “mình” tuy sinh sau đẻ muộn nhưng rất thâm thúy…Còn truyện ông mới viết, tôi nói thật dù ông vẫn chối bai bải ông không phải là Nhà Văn. Nhưng với truyện ông viết, nhất là truyện này: Con Tim tôi thổn thức từng dòng chữ, và bộ óc của tôi đã tìm thấy nhiều tư tưởng mới là giữa những dòng chữ ấy...

( Ối, ối… bạn ơi, tôi đã từng thú nhận tôi là đưá rất háo thắng, lại rất thích nịnh, nên khi ông nói đến đây toàn thân tôi cứ run như lên như cầy sấy,  nên sau khi nghe ông Hàng Xóm bơm thổi, tôi đã gỡ ngay bài Ông Hàng Xóm xuống. Và chỉ cách đấy hơn 1 tuần, thấy tình hình đã êm, tôi lại cho “nó” lên. Còn truyện “Mái Tóc Vương Chân Người” tôi đã gỡ khỏi mạng cá nhân, phải ngậm ngùi để quấn một vành tang tinh thần để tạm khai tử nó…Ông hàng xóm nói đúng: thay đổi nhân vật , thậm chí thay đổi cả cốt truyện cũng được, nhưng cái hồn cuả câu chuyện thì không thể ...

 

2 - Trở về với cái đồn Nhân Dân Tự Vệ nhà tôi: Người xưa ví là “Đạo Tặc Phong Khởi”, nạn cuớp bóc nổi lên như ong, lúc này cũng như bao nhiêu nơi khác, gia đình tôi “bị” chia làm hai phe, rồi giống như bọn trẻ con chơi đồ hàng, tranh luận một tí rồi cười xòa, đứa nào về nhà đứa ấy. Có lần bà Đồ nhà tôi tò mò hỏi đứa con gái Út, có thằng chồng Mỹ trắng là cựu sĩ quan TQLC, bị thương ở Trung Đông:

- Thằng Robert nó theo phe nào?

Hình như chỉ đợi dịp, giống như cái nồi xúp bắp, nó bùng ra:

- Trước khi làm đám cưới, mẹ có nhớ ba (là tôi) khuyên con hai điều gì không? Điều thứ nhất tối kỵ là dạy nó tiếng Việt, … Nó sẽ mò mẫm vào facebook, Viber, TikTok của con, nó sẽ chẻ sợi tóc làm tư,  nó sẽ  đào xới, nhẹ thì ghen bóng ghen gió, nặng thì ly dị… lúc ấy Mẹ cười… điên, điên, bố điên… con điên!

Còn cái điên nữa, cũng Ba khuyên nhưng rất chí phải, nó hợp với tính lười của con. Mẹ nhớ không, lần nào mẹ nấu phở, bún bò, hay làm chả giò. Mẹ đều năn nỉ con: “Con lấy về nhiều nhiều, cho thằng Robert nó ăn với”. Con đã cương quyết: Mẹ, mẹ đừng hại con.

- Mẹ hại con cái gì?

- Này, mẹ, món ăn Việt Nam, người Mỹ thoạt nhìn vào họ đều thấy ghê ghê, chẳng hạn như bún mắm. Nhưng cứ ăn thử vài lần mà xem, nó trở thành một thứ bùa mê đấy mẹ… Rồi những ngày nghỉ, thay vì con làm vườn, coi TV, vào Facebook hay đi shopping thì Nó, ăn quen, nhịn không quen, nó xuống giọng “Cho anh ăn món “quê hương” của em đi… Con nào biết làm như mẹ…mà có biết con cũng chẳng thèm làm. Chỉ chung giường, chung ý thích, không cần chung quan điểm!… Mẹ hỏi con nó theo phe nào? Thằng Mỹ trắng, nhất là loại trí thức, chúng không bao giờ “show” nó theo Dân Chủ hay Cộng Hoà… Khiếp, khiếp người Việt mình chửi nhau như mổ bò, (bắt đầu khóc), con nhớ gần 20 năm trước, thấy Ba phải cắn răng ẩm hận bọn Cộng Sản, chính con đã design cái Web cho ba để ba làm vũ khí, rồi anh Bá ở hãng con đã hoàn thiện cái Website này, không may, ảnh chết trong lần đi công tác cuả hãng ở chiến trường Iraq rồi Web bị hack hết lần này đến lần khác, gia đình đã "đầu tư" biết bao tiền của để cho ba chửi Cộng Sản, chửi Hồ Chí Minh... Mẹ biết không, cứ đến giờ giải lao, con cùng mấy đứa Việt Nam vào Web của ba xem các bác, các chú đang mở ra một mặt trận mới, tuy không nguy hiểm nhưng gian nan không kém. . . Thích lắm, chính khí lắm cũng mang nét hào hùng như lời mẹ kể...Những người lính trận lao ra đoàn trực thăng, rồi bay lên cao cho đến khi chỉ còn bé tí như những cánh chim đang tìm về nơi gió cát... những lúc ấy, con nhớ ngay đến hình ảnh cuả con, một nữ sinh nghèo hơn cả đứa nghèo... Bố thì đi tù biền biệt, mẹ một nách nuôi mấy đưá lít chít, (nó khóc to hơn), có lần, cái áo dài trắng duy nhất mà mẹ cắt từ áo xưa bị kẹt vào cái xích, ngay tại Ngã Ba Ông Tạ, con đang loay hoay... Bác Chúc bên kia đường chạy qua "để bác giúp con", bác ôm cái xe, con cầm vạt áo theo bác, bác xin lỗi mấy người đang chờ xe bác sửa:

- "Tội quá các ông ạ, bố nó bị đày tận Việt Bắc kia đấy, quốc phá gia vong, trả thù đến tận những đứa con nít, ghê khiếp quá... Thôi đi nhanh kẻo trễ giờ học...không bác không lấy tiền mày đâu, đất nước còn nợ những người như bố mày nhiều lắm...". À, này gia đình có ra thăm ba con, cho bác gửi lời nhắn: " Các đồng đội thương khó cuả chúng tôi ơi, các Anh đang lầm lũi gục mặt trước kẻ thù, nhưng với Lịch sử,  tuy đã trút bỏ nón sắt nhưng Đầu các Anh maĩ mãi ngẩng cao ! "


3 . Còn tại sao truyện lại có tên : Sợi Tóc Vương Chân Người ?
Xin bạn đọc hai tiểu đoạn của câu chuyện:

a/ Tiểu đoạn thứ nhất

 Ông Hàng Xóm cứ thấy tôi nhìn trân trân vào tấm hình 4x6 cuả người Trung sĩ phía dưới ảnh của cô Hoa… Đưa cặp kính tới lui…

- Ông muốn biết về ông hạ sĩ quan này hả?

Ông kéo tôi vào phòng làm việc, vừa bước vào phòng.

Tôi chặc lưỡi:

- Thằng cha này không phải tay vừa!

Tôi nhớ nhanh lại, chỉ mới hôm qua khi ông nhận là đồng hương với tôi, ông quay về nhà đôi chân nhún nhảy vừa đi vừa huýt gió, trông như anh hề vừa diễn tuồng xong. Nhưng trông kìa, căn phòng rộng quá, chính diện là một bức tranh thơ to lắm, tôi lẩm bẩm Phong Kiều Dạ Bạc viết theo lối chữ thảo có nét triện đỏ của danh sư Trương Húc…

Tôi tấm tắc:

- Tuyệt cú mèo, hai câu đầu Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên, tâm sự cô đơn đến héo hắt của một ngư phủ bất đắc chí…Rồi, tôi bỗng như ngưng thở, không phải từ ý thơ xưa mà từ một mùi trầm hương từ…kìa kìa cái lư mầu huyết dụ nữa chứ…Tôi lại miên man: loại ngọc bích thì trưởng giả rồi nhưng cha này kiếm đâu ra cái loại lư mầu huyết dụ vậy…Tôi bỗng nghĩ đến những cuộc đấu giá quốc tế với những lời trả giá cao ngất ngưởng…Rồi nhìn qua bức tranh tường bên trái, khuôn mặt một thiếu nữ mờ mờ mà ai đã nhìn vào ảnh thờ cuả cô Hoa đều biết khuôn mặt ấy là nàng, nhưng  nổi bật là một suối tóc màu đen, có cái rất lạ, gần như khó hiểu, gần cuối lọn tóc ấy có những vật nhọn như dây kẽm gai quấn quanh (người xem tưởng đến một giòng suối đang êm chảy bỗng vấp chặn bằng những viên đá nhọn, quằn quại...).

b/ Tiểu đoạn thứ hai:

Hôm đám ma mẹ, đông lắm. Con em họ dìu em thì thầm:

- Hôm đưa ma Chú còn nhiều gấp bội, lại có nhiều người Mỹ tham dự, hình như có cả ông Đại sứ Mỹ nữa. 

Đoạn kể của con Tâm đẩy em nhớ đến thời con gái, áo dài trắng, chiếc Velo Solex, những con đường rợp lá me bay cả đến những chiếc xe hơi mầu đen ngòm với những người Mỹ đến nhà, có hôm đến giờ đi học, nhìn qua phòng khách vẫn còn sáng đèn  rồi ra về trong lặng lẽ, nhưng, em cũng chả thắc mắc…Cho đến ngày em về khẩn khoản xin Bố có cách nào cứu Tùng. Bố ôm em, chuyện nhỏ quá, con về là Bố mừng, nhưng cứ phải ra Toà đi đã, rồi chồng con sẽ được tha. Em reo lên như trẻ gặp quà…Con cám ơn Bố, không phải vì tin ấy mà vì Bố vừa mới gọi anh Tùng là “chồng con” phải không, như vậy là Bố bằng lòng rồi sao? Đôi mắt bao dung…. nhưng nhìn kìa, đôi mắt ấy bỗng đượm buồn, khuôn mặt bố nhợt nhạt…

Em bỗng nhớ đến nhưng câu an ủi của mẹ:

- “Anh ở bên em, mà hồn anh cứ mãi nặng trĩu bóng hình cuả chị, anh còn nhớ không? Khi chị Loan lâm chung, chị đã nắm tay anh đặt vào tay đứa em gái của chị, anh vừa gật đầu vừa nắm chặt tay em, cảnh biệt ly vẫn là cái cảnh của ngày nào mà sao bàn tay anh càng ngày càng nới lỏng, càng lạnh giá, cách xa…”.

Hôm em quyết định bế con trở về Phước Tân... để cho bớt lạnh lẽo, để trở về khu gia binh của trại, trở lại với những nàng chinh phụ đang mang trái tim nóng hổi của họ sưởi ấm cho những chuyến trưc thăng đi, về của ngươi thương yêu. Còn  em ôm con mà đêm ngày như chờ cánh cửa sắt nặng nề cuả Quân lao hé mở, chờ tiếng gõ cửa của Tùng…
Em nhớ như in cái hôm dời căn biệt thự của gia đình , em đang lúi húi tim cách nâng cánh cổng sắt cho vừa ổ khoá, bỗng trời đổ cơn mưa, em lấy vội chiếc manteau chùm cho bé, thì bất ngờ cả thân hình em nhẹ bỗng... Một cánh tay ôm gọn cả em và con, trở vào nhà, nhưng mái tóc dài sũng nước mắc vào cái móc trên cổng cùng với một giọng trầm trầm vội vã, ân hận: Chết tôi rồi... người Mỹ  ấy gọi người tài xế, giúp đưa bé vào trước, lấy vạt áo mưa phủ vào em rồi một tay bế em một tay run rẩy gỡ từng sợi tóc...

- Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi cô!

Bỗng nhiên trong tích tắc em quên phắt mọi chuyện, con tim bị thương như cánh buồm rách nát đang vô vọng tìm bến đậu, tìm kiếm một chút an bình rồi bỗng nhiên trời êm ả... em đang nhắm mắt tìm một hơi ấm, thì cũng trong tích tắc ấy, em bỗng nhớ đến Tùng, nhớ đến những chiều tan học, nhớ đến những giọt nước mắt trong trại quân lao Gò Vấp ...Em hất tung cả hai cánh tay ra khỏi vòng ôm, trườn mạnh người xuống đất rồi với cả hai tay, em gom lọn tóc, em dứt mạnh, em đổ nhào, người đàn ông trung niên thì đứng như trời trồng... Con mắt anh ta kìa, đôi mắt xanh lạnh ấy hình như quen quen, em đã bắt gặp ở đâu đó, phải rồi, hôm đám ma Mẹ…. bây giờ đang đầm đìa ước mưa, nước mắt…
Đồ Ngu (HNPD)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn