Niềm hãnh diện của anh em nhà họ Nguyễn và Cô bé người Việt 13 tuổi đỗ đại học ở Germany

Thứ Hai, 07 Tháng Năm 20186:18 SA(Xem: 9422)
Niềm hãnh diện của anh em nhà họ Nguyễn và Cô bé người Việt 13 tuổi đỗ đại học ở Germany

Tác giả: @Giao Chỉ và Ts Nguyễn Sỹ Phương (Đức)

.

KD: Bạn bè gửi cho hai bài viết về năng lực và tài năng của người Việt ở xứ người. Đọc mà cay mắt. Người Việt chúng ta đâu có kém cỏi nhưng vì sao chỉ thành đạt xứ người? Còn ở xứ này, hôm nay đưa tin bác sĩ bị người nhà đánh, hôm mai cô giáo bị quỳ trước mặt phụ huynh, hôm mai nữa cô giáo mắng trò… “óc lợn”… 😦

.

Đất nước tôi… 😦

Title bài, chủ Blog xin gộp cho bạn đọc tiện theo dõi

——————

Bài I:

Niềm hãnh diện của anh em nhà họ Nguyễn

Cuộc trình diễn lịch sử

Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 1 tháng 12 năm 2012 tại phòng giải phẫu của tổ hợp khoa học Seatle, buổi trình diễn bắt đầu.

Bác sĩ đảm trách ngồi vào ghế trước màn hình của máy điện toán. Mắt đeo kính, hai tay điều khiển cuộc giải phẫu bệnh nhân qua máy. Cách xa một khoảng, bệnh nhân nằm trên bàn giải phẫu và bắt đầu cuộc mổ nội soi do Robot thực hiện. Hai tay Robot hoạt động theo 2 cánh tay của bác sĩ trên máy điện toán.

Bác sĩ mổ trên màn hình. Robot mổ thực sự trên thân thể bệnh nhân. Chỉ cần 1 lỗ soi duy nhất vào bụng. Qua lỗ soi này, một ống luồn vào trong người. Dó là máy quay phim xoay quanh toàn cảnh trong cơ thể. giúp cho bác sĩ nhìn thấy trên màn hình. Tiếp theo là 2 ống đem dao mổ và dụng cụ vào bụng cũng do lỗ soi đã mở đường.

Hai ống này làm tất cả mọi công việc. Tìm tòi, cắt vá. Tất cả thao tác trong bụng bệnh nhận hiện trên màn hình, đơn giản và huyền diệu như chuyện thần tiên. Chỉ cần 1 lỗ thủng trên bụng, khối ung hay túi mật sạn chết người được tìm thấy, cắt bỏ đem ra ngoài.

Tất cả đều do người máy làm và qua hai cánh tay của bác sĩ chuyển động trên máy điện toán.

Trong buổi giải phẫu trình diễn này có 50 y sĩ giải phẫu đến tham dự để quan sát và học hỏi. Các phương tiện truyền thông lại đem đến hình ảnh cho hàng trăm bác sĩ giải phẫu khác trên toàn thế giới.

Diễn giả

Người ngồi vào ghế biểu diễn, vừa thuyết trình vừa giải phẫu là 1 bác sĩ Hoa kỳ gốc Việt. Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy 50 tuổi, sinh quán Saigon. Đến Mỹ năm 13 tuổi, hiện đang làm việc tại San Jose.

Bác sĩ Huy là một trong các bác sĩ giải phẫu bận rộn nhất Hoa Kỳ. Từ năm 1997 đến nay đã có trên 20,000 bệnh nhân và ông thực hiện khoảng 700 ca giải phẫu một năm. Trưởng thành tại quận Cam, ông tốt nghiệp bác sĩ tại Iowa. Qua học y khoa tại Kansas và nhận văn bằng bác sĩ Osteographic Medicine năm 1992. Giai đoạn cuối ông học về giải phẫu Laparoscopic

 tại Nữu Ước.

Khoa học về ngành y tế đã đi những bước dài qua phương pháp mổ nội soi với 4 lỗ đưa các ống chuyên khoa vào bụng rồi tiến tới chỉ cần 1 lỗ. Bây giờ đến giai đoạn người y sĩ ngồi vào máy điều khiển cho Robot trực tiếp mổ nội soi 1 lỗ.

Trên con đường thử nghiệm và áp dụng, bác sĩ Huy là một trong số ít hiếm hoi đã đi những bước tiên phong vì vậy nên ông đã được mời giảng dậy biểu diễn nhiều nơi tại Hoa Kỳ và ngay tại Việt Nam

Lịch sử giải phẫu

Từ thuở xa xưa, con người sơ khai nghĩ rằng bệnh tật do thần linh hay ma quỷ. Bệnh đến hay đi, còn hay mất là do thiên định. Tiếp theo loài người biết dùng thảo mộc điều trị theo kinh nghiệm. 300 năm trước công nguyên, vị thầy thuốc Hy Lạp là ông Hipprocrate tuyên bố bệnh là do cơ thể chứ không phải l‎ do siêu hình. Ông trở thành vị thánh tổ của y khoa. Nhưng thời của ông cũng chỉ cho bệnh nhân uống thuốc mà chưa đụng đến cơ thể.

Một trăm năm sau tức khoảng 200 năm trước công nguyên vị bác sĩ Hy Lạp Galen mới bắt đầu giải phẫu loài vật để suy diễn mà chữa cho con người.

Khoa mổ tử thi vào thế kỷ 10

Nhưng phải mất 1000 năm kế tiếp y khoa mới bắt đầu mổ tử thi để học hỏi. Năm 1800 khi phát minh ra kính hiển vi các bác sĩ giải phẫu mới có phương tiện mổ banh ra để chữa bệnh. Khoa học với các phát minh của Edison, nhân loại có kính soi, với Hopkins có thấu kính. Rồi máy quay phim ra đời để đưa các hình ảnh cho y khoa nghiên cứu và chữa bệnh. Camera nhỏ bé trở thành phương tiện cho bác sĩ đi vào cơ thể bệnh nhân.

Bây giờ đến lượt nội soi 4 lỗ, thu lại 1 lỗ rồi giai đoạn mới này dùng robot để giải phẫu nội soi 1 lỗ.

Nhân loại đã tiến một bước thật dài với những phát minh trong ngành điện tử. Thử tưởng tượng trên trạm không gian hay trên con tàu thám hiểm Bắc Băng Dương, chúng ta có các nhà bác học bị đau ruột dư.

Một bác sĩ ngồi trên máy điện toán tại Cali, với hai cánh tay vận chuyển sẽ điều khiển Robot trên phi thuyền hay trên Bắc băng dương để làm công việc giải phẫu rất nhẹ nhàng.

Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy đã góp phần vinh dự vào thành quả chung đáng ghi nhận khi nhân loại bước vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Trong một bài trước, tôi đã có dịp giới thiệu với quý vị cô gái Việt bên Úc châu là người phụ nữ của năm 2012.

Lần này, ngay tại San Jose xin giới thiệu với quý vị bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy, người thanh niên Việt Nam của năm 2012..

Nội soi robot, khoa giải phẫu của thế kỷ 21

Từ nhiều năm trước, bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã cho nghiên cứu để dùng Robot đưa ra làm bác sĩ giải phẫu tiền tuyến. Ngành y tế công nghiệp liền theo ý kiến đó mà phát triển. Bác sĩ Huy đã từ lâu theo đuổi con đường giải phẫu nội soi. Dường như có khiếu thiên bẩm, khéo tay và có tinh thần khai phá, ông đã bắt kịp các đàn anh trong lãnh vực giải phẫu nội soi và không những thế ông vượt lên trên.

Với sự kết hợp của khoa điện toán, màn hình, máy quay phim, Robot, bác sĩ giải phẫu Nguyễn Thế Triều Huy sử dụng hai bàn tay chuyên nghiệp và đã thành công trong công việc giải phẫu bằng Robot.

Sẵn có rất nhiều bệnh nhân tin tưởng, ông có cơ hội thử nghiệm trực tiếp qua Robot lần đầu tiên tại San Jose và trải qua ít nhất là 5 ca đầu trót lọt. Từ đó bác sĩ Huy có các cuộc giải phẫu biểu diễn nhiều nơi tại Hoa Kỳ. Mấy năm trước cùng với phái đoàn y tế Mỹ ông đã về thuyết giảng về nội soi tại Hà Nội, Saigon và Cần Thơ. Rời Việt Nam 13 tuổi, sau đó lại thêm nhiều năm theo học y khoa, Việt ngữ của ông đã chẳng còn bao nhiêu. Thời gian làm việc với bệnh nhân Việt tại San Jose đã là dịp ông học lại Việt ngữ. Do đó qua bài giảng về khoa giải phẫu tân tiến nhất của thế kỷ 21 tại Việt Nam, ông đã chinh phục được cử tọa.

Các bác sĩ giải phẫu trẻ tuổi của Việt Nam thuộc thế hệ sau cuộc chiến đã hết sức xúc động được học hỏi về khoa nội soi từ một bác sĩ danh tiếng tại Hoa Kỳ trực tiếp giảng bằng Việt ngữ.

Trong khi nói về trách nhiệm của người bác sĩ, ông luôn luôn đưa vào ‎y khoa thêm ‎ý niệm về tự do, dân chủ. Ông tránh không bao giờ nói đến thành phố Hồ Chí Minh. Luôn luôn chỉ nói đến Saigon, thành phố thân yêu mà ông đã lớn lên, bên cạnh cái bóng vĩ đại của người cha mũ đỏ là trung tá Nguyễn Thế Thứ. Các học viên đều là bác sĩ giải phẫu, thành phần trí thức của Việt Nam tương lai yên lặng ngồi nghe. Dường như công việc diễn tiến hòa bình để làm thay đổi tư duy con người xã hội chủ nghĩa cũng đang đi qua con đường nội soi.

Anh em nhà họ Nguyễn

Trung tá nhẩy dù Nguyễn Thế Thứ quê Nam Định, vào Đà Lạt khóa Cương Quyết II 1954 và cùng gia đình di tản qua Mỹ 1975. Ở lớp tuổi 40 không nghề nghiệp, ông đi học lại từ đầu. Đậu bằng tương đương trung học, qua đại học rồi tốt nghiệp bác sĩ chỉnh hình. Sau ông lấy thêm tiến sĩ về khoa dinh dưỡng.

Gương hiếu học và lòng quyết tâm của ông đã mở đường cho các con. Cô gái lớn hiện là bác sĩ chỉnh hình tại Nam Cali. Cô tốt nghiệp cả tiến sĩ luật khoa. Ba con trai đều tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu hiện ở San Jose. Cậu út Nguyễn Thế Phan Daniel cũng vừa tốt nghiệp luật khoa, chưa quyết dịnh sẽ đi đâu. Riêng 3 anh em họ Nguyễn là Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiện Năng và Nguyễn Thế Long Richard thành lập tổ hợp Advanced Surgical Associates đồng thời là thành viên nòng cốt của bệnh viện Regional Medical Center tại San Jose.

Hiện tượng 3 anh em họ Nguyễn cùng làm việc một chỗ chung một ngành và phát triển theo tinh thần huynh đệ thực sự đã gây ngạc nhiên của cộng đồng y khoa tại địa phương, và là niềm hãnh diện của gia đình họ Nguyễn.

Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy cũng thú nhận là dù đã học đến nơi đến chốn nhưng khi mới ra trường về San Jose tìm việc làm cũng không gặp may mắn.. Đó là giai đọan thử thách lớn lao của ông. Hoàn toàn mới mẻ, không quen biết, chưa được tin cậy nên chưa có thân chủ. Không có các bác sĩ điều trị gửi bệnh nhân tới. Lại áp dụng khoa giải phẫu chưa quen thuộc với y giới. Ngay các bác sĩ giải phẫu tại bệnh viện cũng không đón nhận. Đó là thời gian khá cay đắng và lại rảnh rỗi. Còn bây giờ thì đã quá thành công. Mổ mát tay, nhanh, gọn, không đau đớn, không kéo dài, vết mổ không mất thẩm mỹ, nên làm việc không kịp thở. Anh mở đường đưa em về cộng tác, rồi lại thêm một em nữa. Ngoài lãnh vực giải phẫu nội soi đã được ABC quay thành phim, bác sĩ Huy còn tìm cách áp dụng phương pháp xạ trị chống ung thư từ bên trong. Xạ trị vốn là giai đoạn hết sức vất vả của bệnh nhân ung thư. Nay áp dụng được từ bên trong, thời gian xạ trị ngắn hơn.

Sau cùng bác sị Huy nói: “Điều quan trọng nhất vẫn là lời cảm ơn thân chủ và đồng nghiệp đã tín nhiệm.”

Thân chủ và đồng nghiệp của cả ba anh em bao gồm cả nhiều sắc dân.. Cô Thùy Nga, vợ của bác sĩ Huy hiện là quản trị viên của tổ hợp cho biết thân chủ Việt tuy đông đảo nhưng cũng chỉ có 40%. Còn lại là tất cả các sắc dân khác, Mễ cũng rất nhiều.

****
Gặp các bác sĩ anh em nhà Nguyễn, dù chúng tôi coi như con cháu nhưng cũng tế nhị không hỏi là động lực chính thúc đẩy việc học hỏi và làm việc thì vì tiền bạc hay danh vọng. Không hỏi con nhưng tôi đem câu hỏi đến người cha là bác sĩ Nguyễn Thế Thứ,vừa là bạn học võ bị vừa là chiến hữu.

Anh Thứ nói thật tình: Tụi nó làm như thế là vừa có tiếng vừa có tiền. Nhưng nếu nói chúng nó chỉ vì tiền và chỉ vì tiếng thì khó nói. Thực sự mấy đứa này thuộc về loại say mê công việc. Anh xem chương tình khám khám mổ mổ của chúng nó liên tiếp dường như không còn thì giờ để hưởng tiền bạc và danh tiếng. Chúng nó không có thì giờ để dành cho cuộc sống của người bình thường. Trước đây tôi và nhà tôi khuyên các con cố học.Tốt nghiệp rồi đi làm. Rồi chúng tôi phải khuyên các cháu làm bớt đi. Nhưng tôi biết rõ, các cháu có nỗ lực thầm kín ganh đua để dành cho niềm kiêu hãnh Việt Nam. Nhà tôi lúc còn sống hết sức hãnh diện vì các con. Bà muốn sống để thấy cháu út ra trường, nhưng không kịp. Bây giờ nhà tôi mất rồi. Chẳng có ai để chia xẻ niềm hãnh diện các cháu thành công. Tôi chỉ còn chờ thôi.
Anh chờ cái gì.

Tôi sẽ trở về Sóc Trăng. Nơi tôi gặp nhà tôi vào thời kỳ 50. Khoảng 60 năm trước. Anh biết đấy, nhà tôi gốc Hà Nội, vào Nam từ nhỏ. Nội trú trường nhà trắng Sóc Trăng, tôi đóng quân ở Bãi Xầu. Gặp nhau rồi cưới nhau ở Sài Gòn. Bằng bác sĩ của tôi ở Mỹ là công một nửa của vợ. Đám con 5 đứa tốt nghiệp, tất cả bằng cấp nào cũng là một nửa của nhà tôi. Tiền bạc và danh vọng ở tuổi mình không còn nghĩa lý gì. Mình cũng chẳng còn gì để khuyên bảo các con. Chúng nó chỉ nhìn mình sẽ ra đi để mà suy ngẫm về cuộc sống.

Tôi đem câu chuyện của hai bạn già hỏi bác sĩ Huy.

Ba cháu nói nửa bằng cấp là của mẹ, cháu nghĩ sao.

Huy nói: Ba con nói không đúng. Tất cả là của mẹ hết.

Bằng cấp nào cũng là của mẹ

————————–

Bài II:

Hồ sơ đáng nể của nữ sinh 13 tuổi người Việt theo đại học sớm tại Đức

– Theo đuổi chương trình đại học sớm có 6 bạn nhưng đến phút chót chỉ còn Mai và một bạn lớn tuổi hơn.  Từ khi 2 tuổi, Mai đã có những biểu hiện đặc biệt về trí tuệ.

“Đại học sớm” quy định gì?

14 năm, Trường ĐH Tổng hợp Julius-Maximilian Universität Würzburg (WÜ), tiểu bang Beyern, đã đóng vai trò tiên phong, tuyển sinh chính thức hệ đào tạo “đại học sớm“ áp dụng cho học sinh phổ thông tài năng từ lớp 10.

Điều kiện dự tuyển là những học sinh có năng khiếu, lực học xuất sắc thuộc các trường chuyên của Nordbayern.

Chương trình đào tạo hệ đại học sớm không khác gì đào tạo chính quy xưa nay. Phải học tất cả các môn học của các anh chị sinh viên; chỉ khác, các em chưa đến tuổi thành niên, cùng lúc phải học chương trình cả đại học lẫn phổ thông.

Mục tiêu của hệ đại học sớm nhằm đào tạo các em “mehr Wissen wollen, mehr verkraften können – hiếu học hơn, lực học cao hơn“.

Nhập học phải thoả mãn các tiêu chuẩn: – Đạt xuất sắc toàn diện. – Được nhà trường giới thiệu. – Nộp hồ sơ tuyển sinh. – Trải qua 2 lần kiểm tra tâm lý cách nhau chừng 2 tuần. Lần một kiểm tra trí thông minh và phản xạ về kỹ năng sống, để xem liệu với tuổi đời còn non trẻ, thí sinh có hoà nhập được cùng anh chị sinh viên lớn tuổi không, do chuyên gia tâm lý học Prof. Dr. Schneider đảm nhận. Lần 2 kiểm tra năng khiếu.

Hồ sơ dự tuyển gồm: – Một bản trình bày lý do tại sao các em muốn học đại học sớm. – Đơn xin học. – Sơ yếu lý lịch. – Bảng điểm học trường chuyên năm vừa qua và các thành tích học tập đạt được. – Thư đồng ý của hiệu trưởng trường chuyên và của giáo viên bộ môn. – Thư đồng ý của phụ huynh học sinh.

đại học sớm,học sinh giỏi

Mô hình học

– Trường chuyên đồng ý cho các em nghỉ những tiết học bị trùng lịch học của trường đại học.

– Tiết học đó các em phải tự học để thi đầy đủ các môn học của trường chuyên, không được miễn thi bất kỳ môn học nào.

– Từng nhóm học sẽ có một giáo viên phụ trách để tư vấn các em nên học chuyên ngành nào vào thời điểm nào thích hợp khả năng.

– Các em có thể dự thi học kỳ các môn như các anh chị sinh viên, nếu trong thời gian học bài tập về nhà đạt được ít nhất 50 % tổng số điểm.

– Kết quả thi sẽ được bảo lưu, sau khi các em tốt nghiệp trường chuyên, nhập học đại học chính quy. Khi đó, do đã có kết quả thi bảo lưu, thời gian học sẽ rút ngắn.

– Cứ mỗi kỳ học, các em phải làm lại thủ tục nộp hồ sơ tuyển sinh cho kỳ tiếp theo, trong đó có bảng kết quả học tập trường chuyên của kỳ đó. Nếu kết quả không đạt tiểu chuẩn, sẽ không được xét duyệt để học các kỳ đại học tiếp theo.

Hiện tượng Thanh Mai

Tại khoa Toán Trường Đại học tổng hợp Würzburg kỳ I- 2017, Phạm Thanh Mai được nhận vào học hệ đại học sớm.

Mai mới bước sang tuổi 13, đang học lớp 9 trường chuyên Deutschhaus Gymnasium, và được coi là trường hợp ngoại lệ, vì độ tuổi sớm nhất vào học đại học sớm phải bắt đầu từ lớp 10.

Mai sinh ra trong một gia đình thuần Việt.

Bố qua Đức du học từ năm 1987, rồi làm luận án tiến sỹ, hiện là chủ một công ty sản xuất phần mềm ứng dụng cho các trường đại học như TU Dresden, các hãng chế tạo các bộ phận lắp ráp ô tô Đức. Mẹ tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế, mở văn phòng kế toán tư vấn thuế.

Tài năng Thanh Mai bộc lộ rất sớm. Lên 2 tuổi đã biết ghép vần và làm toán đến 10.

Mai mê tất cả các chương trình tự học Vtech dành cho trẻ 5, 6 tuổi. Ở tuổi lên 3, Mai cùng anh ruột Nam đã học tiếng Anh trong nhà trẻ (kiểu vừa học, vừa chơi) và rất thich đàn Piano, được thành phố mời biểu diễn mỗi khi có lễ hội, sự kiện.

Lên 5 tuổi Mai vào lớp 1. Với kết quả xuất sắc toàn diện Mai được Sở Giáo dục thành phố Aschaffenburg (Bayern) đặc cách vào lớp 3.

Tuy học “nhẩy cóc“, nhưng năm nào Mai cũng dẫn đầu lớp hầu hết tất cả các môn, ngoại trừ môn thể dục.

Năm 2011, 7 tuổi, học lớp 4, Mai là học sinh nước ngoài đầu tiên của tiểu bang Bayern đoạt giải Nhất toán toàn tỉnh Unterfranken. 

Tới niên khoá 2012/2013, học lớp 5 Trường Friedrich Desauer Gymnasium (thành phố Aschaffenburg) Mai đoạt giải Nhất cuộc thi toán Aschaffenburger Mathematikolympiade, giải Nhất cuộc thi toán “Känguru für Mathe“, giải Ba đồng đội Brigade thành phố Aschaffenburg, giải Tám đồng đội Brigade Deutsche Schülermeisterschaft.

Năm học 2013/2014, học lớp 6, Mai đoạt giải Nhất cuộc thi toán Mathematikolympiade thành phố Würzburg, giải Hai cuộc thi tin học International Informatik Wettbewerb, giải Nhì cuộc thi toán vòng Một toàn Tiểu bang Bayern (Landeswettbewerb).

Trong cuộc thi tiếng Anh Big Challenge lớp 6, Mai đứng nhất lớp, nhất trường, nhất thành phố Würzburg và đứng thứ 8 Tiểu bang Bayern, đoạt giải Nhất kỳ thi tiếng Pháp Französisch-Vorlesenwettbewerb khối học sinh lớp 6.

Với thành tích học tập đặc biệt, Mai được Nhà trường và Bộ Giáo dục Unterfranken chọn vào tốp 30 em học sinh giỏi nhất tiểu bang Bayern tham gia nhóm bồi dưỡng tài năng toán toàn Liên bang trong 6 ngày, từ 05-10.10.2014, tại Schullandheim St. Englmar/Bayern.

10 em giỏi nhất trong số trên được chọn tham gia chương trình bồi dưỡng thi toán Quốc tế và Âu châu, do Bộ Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học Liên bang Đức cùng hãng Deutschen Telekom tài trợ.

Nhà trường và đặc biệt cô giáo phụ trách đặt rất nhiều hy vọng vào Mai.

Năm học 2014/2015, học lớp 7, Mai đứng đầu cuộc thi toán “Mathematik Monatsproblem“ do Trường Deutschhaus Gymnasium tổ chức, giải Nhất cuộc thi toán Mathematik Olympiade thành phố Würzburg, giải Nhất cuộc thi tin học “Informatik Biber Wettbewerb Deutschland“, giải Nhất cuộc thi toán Tiểu bang “Mathematik Landeswettbewerb Bayern“, giải Hai cuộc thi toán Moby Mathematik vòng thành phố Würzburg.

Năm học 2015/2016, học lớp 8, Mai vô địch trong cuộc thi toán tiểu bang Mathematik Landeswettbewerbe Bayern, giải Nhất cuộc thi toán thành phố Mathematik Olympiade Würzburg, giải Nhất cuộc thi toán Moby vòng Một và Hai , đứng thứ Ba vòng Ba (Mathematik Olympiade Deutschland), giải Nhất cuộc thi Lý toàn Liên bang Bundesweit Wettbewerb vòng Một, giải Nhất cuộc thi tin học “Informatik Biber Wettbewerb Deutschland“.

đại học sớm,học sinh giỏi

Năm học 2016/2017, học lớp 9, là năm rực rỡ nhất của Mai.

Lần thứ 2 vô địch cuộc thi toán tiểu bang Mathematik Landeswettbewerbe Bayern, giải Nhất cuộc thi toán thành phố Mathematik Olympiade Würzburg, giải Ba cuộc thi toán toàn Liên bang “Mathematik Bundeswettbewerb“, giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học mang tên “Nghiên cứu cho tương lai – Forschen für die Zukünft“ với đề tài “Tiếng động ảnh hưởng đến khả năng tập trung“ do Trường Deutschhaus Gymnasium tổ chức, giải Nhất cuộc thi trong lĩnh vực điện tử cấp Liên bang Informatik Biber Wettbewerb Deutschlandweit, giải Hai đồng đội trong cuộc thi âm nhạc các trường phổ thông thành phố Würzburg. Cuộc thi toán Mathekänguru, Mai là học sinh duy nhất của tiểu bang Bayern đoạt giải Đặc biệt (bởi đạt số điểm thi tuyệt đối, nhưng tuổi nhỏ nhất khối lớp 9) và thuộc trường hợp ngoại lệ khi mới 13 tuổi được mời tham dự trại hè toán khối Bắc Âu Nordeuropa (Poland, Österreich, Slowakei, Ungarn. Schweiz, Tschechien, Niederlande) trong tổng số 16 học sinh tuyển chọn tên toàn nước Đức.

Ý chí học hệ đại học sớm

Mỗi tuần, Mai có hai buổi học tại Trường ĐH WÜ, còn lại học trong trường chuyên.

Thời gian biểu của Mai ken kín, vừa học ở trường chuyên, vưà học đại học, vừa chuẩn bị cho các cuộc thi học sinh giỏi của thành phố, tiểu bang, liên bang, quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại khoá về âm nhạc, diễn đàn xã hội, thuyết trình chính trị…

Lịch thường ngày của Mai: Sáng sớm tới trường chuyên, tiếp đến tham gia các chương trình ngoại khoá, xong bắt xe buýt hoặc tầu điện tới trường đại học, chừng 8h tối mới về tới nhà.

Một số tiết học trường chuyên Mai phải bỏ do trùng lịch học với đại học sớm, buộc phải chép lại từ vở bạn học, truy cập thêm trên mạng, nhưng kết qủa thi Mai vẫn đạt xuất sắc.

Kỳ I.2017, toàn khoa toán Đại học Tổng hợp WÜ có tất cả 6 em tuổi từ 13 đến 16; hết kỳ, 4 trong số 6 em phải bỏ dở, do chương trình nặng lại phải học đạt mức giỏi trường chuyên, chỉ còn lại Mai và một em nữa 16 tuổi đủ sức đeo đuổi.

Vào niên khoá 2017/2018 này, mới nửa kỳ, Mai lập kỳ tích tiếp, đoạt giải Nhất kỳ thi Tin học Informatik Biber Wettbewerb, giải Vô địch cuộc thi toán Tiểu bang Mathematik Landeswettbewerb vòng 1, đang chuẩn bị tiếp vòng 2. Mai kỳ vọng sẽ vô địch lần 3 Tiểu bang Bayern.

đại học sớm,học sinh giỏi

Tham gia cuộc thi học sinh giỏi toán toàn nước Đức Mathematik Olympiade Deutschland năm nay, Mai đã giành giải Nhất và Nhì tại vòng Một và vòng Hai. Vòng Ba vừa được tổ chức trong 3 ngày qua, từ 23.02 – 25.02.2018, tại Trường ĐH Tổng hợp Universität Passa gần biên giới Thuỵ Sỹ. Mai đoạt giải Hai Tiểu bang Bayern và là một trong ba em đạt số điểm cao nhất năm nay của khối lớp 10 đến từ 291 trường chuyên của Tiểu bang Bayern; chính thức trở thành 1 trong 3 tuyển thủ kỳ thi chung kết toàn Liên bang, lịch tổ chức vào tháng Sáu tới tại Trường ĐH Tổng hợp Würzburg.

Trong vòng 4 năm qua 2014-2018, từ vị trí Top 30 tài năng toán học trẻ của Tiểu bang Bayern, Top 100 của Liên bang Đức, tới nay Mai đã vươn lên Top ba tài năng toán học đứng đầu tiểu bang Bayern và Top 30 đứng đầu toàn nước Đức.

Nhiều tài lẻ

Mai không chỉ “thần đồng“ về toán học. Nhiều “tài lẻ“ còn được tranh thủ luyện tập trong thời gian rảnh rỗi, hay dịp các kỳ nghỉ.

Mai có biệt tài gấp hình từ giấy thành nhiều đồ vật khác nhau như cái nhẫn có mặt đá, hay bông hồng, đồ vật, con thú, chim bay, phượng múa… Mai có thể viết, vẽ, làm các việc bằng cả hai tay phải trái cùng lúc và như nhau.

Mai luyện đàn và hát tốt, thích sáng tác nhạc và đặc biệt viết truyện. Mới đây, Mai cho xuất bản tác phẩm đầu tay mang tên “D.A.R.K INTERNAT – Trường Nội trú bí ẩn“. Đó là một truyện siêu giả tưởng lấy học sinh nhí cá biệt làm nhân vật chính; cả hai bản tiếng Đức và tiếng Việt hiện đang phát hành trên báo tiếng Việt tại Đức.

TS Nguyễn Sỹ Phương (từ Đức)

————

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/thanh-mai-sinh-vien-nhi-dai-hoc-som-o-duc-431563.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn