Ông Kilowatt & Gánh Xiếc Điện

Thứ Sáu, 11 Tháng Năm 201810:00 CH(Xem: 5441)
Ông Kilowatt & Gánh Xiếc Điện

Vào thuở xa xưa khi mà: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ / Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Thì cũng tương tự như hình ảnh những năm 1930 ở Mỹ. Trong khi các thành phố lấp lánh ánh đèn thì 90% vùng nông thôn không có điện. Các vùng nông thôn này chiếm đến 95% diện tích nước Mỹ. Cũng như Mỹ Tho và các vùng thôn quê xa xôi khác thì ngọn tỏ ngọn lu là những ngọn đèn dầu leo lét trong đêm.

ong-kilowatt-&-ganh-xiec-dien3
Trồng các cột điện vùng nông thôn

Cuộc Đại khủng hoảng năm 1933 đã làm đình trệ các dự án đưa mạng lưới điện về nông thôn cho toàn nước Mỹ. Bài toán kinh tế trở thành nan giải cho chính quyền khi hệ thống điện tải thấp 2,300 volt chỉ kéo dài trong chừng 4 dặm, nếu tải điện xa hơn thì điện năng sẽ tụt giảm, để kéo dài mạng lưới điện xa hơn, cần phải có nhiều tiền, cần xây hạ tầng cơ sở với các trạm biến thế, trong khi cả nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR)  năm 1935 đã ra đạo luật thành lập Rural Electrification Administration (REA-Ủy ban Điện hóa Nông thôn) một trong những kế hoạch của Chính sách New Deal nhằm cứu nước Mỹ. Kế hoạch này cho các tổ chức tư nhân, các chủ nông trại vay tiền lãi thấp trong 30 năm, cùng nhau góp cổ phần để lập Co-Ops xây dựng mạng lưới điện. Và chính sách cải tổ này đã cứu nền nông nghiệp, mang mạng lưới điện tỏa khắp nước Mỹ và giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng.

Để quảng bá cho dân chúng vùng thôn quê rộng lớn xa xôi là hình ảnh các Mr. Kilowatt và các Electric Circus (tạm dịch là Ông Kí-lô-Watt và các Gánh xiếc đồ điện.) Họ được REA tuyển dụng thành từng nhóm, tỏa đi khắp nông thôn xa xôi hẻo lánh. Với sự vận động của các báo chí và truyền thanh, các xóm làng thị trấn được thông báo trước. Ngày họ đến, cả xóm làng háo hức như lễ hội. Trẻ con vui như đi xem xiếc. Mà họ làm xiếc thật! Trong khoảng đất trống, hay một kho trại lớn, họ dựng lều vải, các máy nổ phát điện, loa phát thanh rộn ràng, họ trình bày các thiết bị gia dụng dùng điện mà lắm người dân nông thôn chưa bao giờ thấy, từ máy bơm nước, máy may, máy sưởi, máy rửa chén, bếp lò điện, bóng đèn điện…Cùng với sản phẩm trưng bày, họ giới thiệu cách sử dụng, cũng như giá trị hữu dụng, tiết kiệm công sức và tiền bạc nhờ các thiết bị gia dụng dùng bằng điện này. Dân làng tụ tập đông đúc vây quanh suốt 2, 3 ngày để xem các sản phẩm “kỳ diệu” vào thời ấy. Hẳn nhiên người dân nông thôn như bao đất nước khác, họ ít khi có cơ hội tiếp xúc với đô thị, kỹ nghệ hiện đại. Họ đã từng quen với các công việc lao động chân tay, nấu ăn bằng củi trong rừng, giặt áo quần bằng tay bên giếng bơm, con cái học hành bên ngọn đèn dầu kerosene mù khói vàng vọt… Bảo họ bỏ ra một số tiền lớn để trồng trụ điện, xây trạm biến áp, thuyết phục họ thay đổi mọi sinh hoạt quen thuộc tay chân không phải dễ bằng.

ong-kilowatt-&-ganh-xiec-dien2
Một buổi trưng bày các sản phẩm điện gia dụng ở nông thôn, 1936

Và ở các buổi “xiếc đồ điện” ấy, các Ông Điện, Bà Đèn ra tay biểu diễn, trình bày. Ban ngày thì các phụ nữ của gánh xiếc điện tổ chức các cuộc thi nấu gà Tây, nướng bánh và tranh tài với thời gian. Các phụ nữ trong nhóm xiếc đã trình bày các bánh nướng bằng lò điện, các miếng thịt từ tủ ướp lạnh, các công việc nhẹ nhàng và tiết kiệm thời gian, sạch sẽ và gọn gàng với bao thiết bị gia đình. Máy móc sẽ làm biết bao công việc nội trợ của người phụ nữ, tất cả trong ánh đèn sáng trưng, người họ không có lấm than bụi, không giọt mồ hôi, không cong lưng khom gối. Các Ông Kilowatt thì giới thiệu các đèn ấp trứng cho trại gà, các con bò được vắt sữa bằng máy, sữa bò được cất giữ bằng tủ lạnh, các xưởng cưa chạy bằng mô-tơ điện, các giếng bơm nước bằng điện, các thợ mộc, thợ tiện, thợ may… tất cả đều có dụng cụ bằng máy. Vào ban đêm thì các buổi trình diễn càng rộn ràng hơn, cư dân lóa mắt trước các ánh đèn sáng rực, mô hình các căn phòng bếp, phòng học, nhà kho, tất cả sạch đẹp và hiện đại.

Song hành người dân nông thôn đến xem được hướng dẫn cách sử dụng, công thức nấu ăn, cùng các tờ rơi ghi rõ giá trị hữu hiệu, tiết kiệm công sức và tiền bạc lâu dài: 1 kilowatt (kw)/giờ sẽ làm 10 gallons sữa bò lạnh cả ngày, máy vắt sữa bò chỉ với 1 kw rưỡi điện có thể vắt 1 con bò trong cả tháng, với 2 kw máy cưa xẻ cả khối cây, với 25 kw máy bơm nước sẽ cho cả nhà dùng một tháng… Trong các buổi xiếc ấy, người dân có thể nạp đơn xin vay mượn tiền để bắt hệ thống dây điện vào nhà, mua trả góp các thiết bị gia dụng tân kỳ. Qua hình thức chính phủ cho vay, lãi thấp, dài hạn đến các tổ chức, nhóm người trong xóm làng. Hình thức này gọi là Co-Op cùng hợp tác, góp vốn đã làm giá thành các kilowatt điện rẻ nhiều khi người dân sử dụng nhiều, và về lâu dài thì cái lợi thật là to lớn với các sản phẩm dồi dào, năng suất cao, ít sức lao động.

ong-kilowatt-&-ganh-xiec-dien1
Buổi trình bày máy móc cho nông trại bằng điện ở Pella, Iowa 1936

Chính sách New Deal của Tổng thống FDR đã đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng và đi lên giàu mạnh. Trong đó nhờ Đạo luật Điện hóa Nông thôn và sự hình thành các Co-ops. Với sự tham gia của người dân và chính quyền, sự góp mặt của các công ty sản xuất thiết bị điện gia dụng, tạo nên công ăn việc làm cho cả nước. Điện hóa nông thôn với hình ảnh của các Ông Kilowatt và các Bà Làm Xiếc Đồ Điện đã làm thay đổi đời sống nông thôn ở Mỹ. Vào năm 1939 thì đã có hơn 400 Co-ops và 25% nông trại có điện, sản phẩm nông nghiệp gia tăng 30% vào năm 1940. Khi Thế chiến 2 bùng nổ có phần làm gián đoạn các đường dây điện đi về khắp nước, nhưng đến năm 1945 thì 90% nông thôn Mỹ đã có điện. Ủy ban Điện hóa Nông thôn tồn tại và càng phát triển khi lắp đặt cùng lúc các đường dây điện thoại và sau đó là hệ thống cáp quang viễn thông hiện đại ngày nay. Các hình thức doanh nghiệp Co-ops cũng tồn tại cho đến nay dưới dạng các công ty cổ phần cung cấp điện.

Nhiều người già cả ở Mỹ còn nhớ lại hình ảnh và cảm xúc khi ánh đèn lần đầu tiên sáng lên trên con đường làng, sáng lên góc phố nhộn nhịp mua bán, sáng lên trong căn nhà quen thuộc, soi rõ từng mảng tường bếp đầy bồ hóng, ánh sáng đèn làm trang sách học trắng hơn, trẻ ít bị cận thị, đôi bàn tay ít chai sần vì công việc đồng áng tay chân… Ít lâu sau đó Radio, TV đem những âm thanh, tin tức, hình ảnh xa vạn dặm đến từng xóm làng. Và ít lâu sau đó điện thoại mang giọng nói thân quen cần thiết và mạng Internet đã tỏa đi muôn nơi, xóa nhòa mọi biên giới thị thành, thôn quê, đất nước sau này.

ong-kilowatt-&-ganh-xiec-dien
Các phụ nữ trong gánh xiếc đồ điện giới thiệu bếp lò điện

Riêng người viết cứ nhớ mãi những năm sau 1975 và đến đầu thập niên 90. Cúp điện! là 2 từ kinh hoàng, ám ảnh một thời. Nhớ một người thân có đứa con bị chết yểu do vàng da sau khi sanh mà không hay biết, ở trong mái nhà tole tăm tối. Nhớ đêm học bài thi dưới ánh đèn dầu mù khói và tiếng ầu ơi trên võng tre những trưa nóng đứng gió, những đêm cúp điện ngột ngạt mùa hạ, những tối mùa đông tắm nước lạnh run lẩy bẩy, những đôi vai bầm vì gánh nước giếng, thổi lửa chụm cơm bằng củi ướt đến cay mắt và những buổi coi Tivi chạy bằng máy nổ phát điện ở nhà hàng xóm…

Cũng nhớ làm sao trong thuở thanh xuân ấy, với ngọn tỏ ngọn lu, thì tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh, hàng xóm lại thân thương nhau lắm, tình quê lại thủy chung. Anh về học lấy chữ nhu / Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn