Từ chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, nghĩ về hàm ân và vô ơn

Chủ Nhật, 08 Tháng Chín 20248:00 SA(Xem: 380)
Từ chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, nghĩ về hàm ân và vô ơn

Blog VOA

Trân Văn

7-9-2024

1-47-300x186
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trung học ở Yên Bái, đang là nạn nhân của dư luận và hệ thống chính trị tại Việt Nam sau bài viết chỉ chia sẻ cho một nhóm nhỏ các bạn của mình. Nguồn: Báo Thị trường Tài chính

Câu chuyện Chu Ngọc Quang Vinh – 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường PTTH Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái – tâm sự với một nhóm bạn bè đồng môn rằng việc tiếp xúc với bên ngoài khiến cậu dần dần nhận ra “những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân” và khiến cậu muốn “sau này được sống ở nước ngoài” đã tạo ra một trận bão dư luận ngay trong dịp Quốc khánh Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Sau khi tâm sự của Vinh được một người bạn bày ra trên mạng xã hội, một số nhóm và một số cơ quan truyền thông đã chỉ trích Vinh kịch liệt. Có những cá nhân, những nhóm cho rằng Vinh “ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích viển vông”. Có những cá nhân, những nhóm lên án Vinh “hỗn xược, thể hiện sự vô ơn với đất nước, với đảng và với chính quê hương của mình”. Có những cá nhân, những nhóm dự đoán không sớm thì muộn, cậu sẽ “quay lại cắn đồng bào” là “điển hình của tư tưởng phản động[1]

Đáng lưu ý là ngay sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục – Đào tạo và Công an của Yên Bái cùng “vào cuộc” để “xử lý vụ việc”. Chu Ngọc Quang Vinh tự đóng trang riêng của cậu trên Facebook và gửi lời “xin lỗi[2]. Công an Yên Bái kết luận Vinh đã có “những phát ngôn chưa chuẩn mực trên mạng xã hội” vì “hiểu biết còn hạn chế[3]. Cần lưu ý, Vinh đã từng dẫn đầu các cuộc thi tuần, tháng, quý của “Đường lên đỉnh Olympia” – cuộc thi thường niên nhằm tìm kiếm học sinh có kiến thức sâu, rộng nhất!

***

Cuộc tấn công Chu Ngọc Quang Vinh trên mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức và phản ứng khiến thiên hạ kinh ngạc từ phía hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã kích hoạt một trận bão dư luận khác theo chiều ngược lại. Bên cạnh một số người nhắn nhủ những cá nhân chỉ trích Chu Ngọc Quang Vinh như Nguyen Khoi: Các cháu đấu tố cháu trai ở Yên Bái, chửi bạn vô ơn và đề nghị trừng phạt bằng cách thu hồi giải thưởng Olympia, cấm xuất cảnh sang Úc du học khiến chú ngạc nhiên… Chú cứ tưởng với Hồng vệ binh thì cách trừng phạt đúng đắn là trục xuất khỏi đất nước chứ. Hoá ra trong sâu thẳm tâm hồn các cháu, giữ lại trong nước, không cho đến Úc mới là sự trừng phạt ghê gớm nhất. Các cháu không nhận ra việc coi đó là sự trừng phạt đồng nghĩa với việc các cháu đồng tình với phát ngôn của bạn ở Yên Bái [4] – có rất nhiều người tham gia luận bàn về “biết ơn” và phương thức giáo dục để thế hệ trẻ thực sự trưởng thành…

Chẳng hạn như Xuân Sơn Võ: Sinh ra và lớn lên trong chế độ XHCN, đi học trong những ngôi trường XHCN, tôi được dạy phải biết ơn nhiều người, nhiều thứ. Tuy nhiên, ảnh hưởng giáo dục lớn nhất của tôi lại là từ gia đình. Ba mẹ tôi dạy tôi cần phải biết ơn cha mẹ, thầy cô, và những người đã thực tâm giúp đỡ mình trong cuộc sống. Lớn lên, được ra nước ngoài học tập, thâm nhập môt phần vào cuộc sống các nước, kể cả Đông Âu, Tây Âu, Mỹ… tôi lại nhìn thấy một khía cạnh khác về sự biết ơn. Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào dân, trên bình diện quốc gia, phía phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước Xuân Sơn Võ dẫn thêm vài ví dụ: Có ông nào đó nói, nghe hơi mắc cười nhưng lại có vẻ rất đúng, rằng tất cả ánh sáng trong đời ông ta là do ông ta tự trả tiền điện mà có, như vậy lẽ ra nhà đèn phải biết ơn ông ta nhưng mắc cười là có nhiều người lại bảo, ổng phải biết ơn nhà đèn vì nhà đèn đã cung cấp điện cho ổng. Thực ra, nếu công bằng, nhà đèn này cung cấp điện không hợp lý, dân sẽ chọn nhà đèn khác. Người dân sẽ quyết định trả tiền cho và nhận cung cấp điện từ nhà đèn nào họ chọn nhưng lại có nhà đèn độc quyền, không cho ai được phép cung cấp điện và đòi người trả tiền mua điện phải biết ơn họ trong khi họ độc quyền định giá, độc quyền báo lỗ, độc quyền đưa ra các kiểu tính giá bậc thang không giống ai. Ngoài ánh sáng do điện mang lại, ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn chiếu sáng mà dù không phải trả đồng nào, chúng ta cũng phải biết mang ơn Trời song phải nói rõ một chút là mang ơn Trời – người đã ban phát cho chúng ta thứ ánh sáng mang lại sự sống chứ không phải mang ơn kẻ che cả bầu trời lại, chỉ để hé ra một cái khe, rồi bắt chúng ta mang ơn vì họ đã để một cái khe cho ánh sáng mặt trời xuyên qua đó. Cuối cùng Xuân Sơn Võ nhắc nhẹ: Trước khi đấu tố ai đó cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn [5].

Hoặc như Thái Hạo: Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ vì thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận. Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục cũng như trong quản trị xã hội. Nếu một học sinh nói ra suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá…của mình và là nói đúng thì điều đó đang giúp cho nhà giáo dục củng cố/khẳng định được rằng cách thức của mình là đúng. Còn điều em học sinh kia nói ra là sai, là méo mó, là nông cạn… thì nhà giáo dục phải tự coi lại để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình không ổn ở đâu và phải tìm cách điều chỉnh. Đây chính là ‘bí quyết’ để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa. Hãy hình dung, nếu học sinh không nói thật suy nghĩ của các em, cái gì cũng vâng dạ, cũng đồng ý nhưng trong bụng thì chúng mù mờ hoặc nghĩ khác, đó không những là tai họa tiềm tàng mà còn là một thiệt hại hiện tiền. Nhà giáo dục không thể biết được mình đang đúng hay đã sai và cứ thế cắm cúi giảng bài, trong khi học sinh không thu nhận được gì hoặc âm thầm phản kháng. Một chương trình giáo dục hay một chính sách xã hội được ban ra, giả sử nó đúng nhưng lại khiến học sinh và người dân phản ứng thì ít nhất chủ thể phải tự coi lại, xem khâu ‘truyền đạt’ của mình đang có vấn đề ở chỗ nào. Nếu mọi người không hiểu, không tin, không đồng ý nhưng lại đồng loạt gật đầu, thì hậu quả thế nào chắc ai cũng hình dung được. Cho nên việc nói ra suy nghĩ thật, giả sử suy nghĩ ấy là ấu trĩ chăng nữa nó cũng vẫn là một món quà cho nhà quản lý, nhà giáo dục. Câu chuyện về một phát ngôn của em học sinh lớp 12 đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội là câu chuyện của ngành giáo dục, chứ không phải ngành công an. Bạn sinh ra một đứa con, nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng nhưng nó vẫn có thể không yêu bạn hoặc không hợp với bạn. Điều đó rất phổ biến và không ngạc nhiên, dù đáng buồn và có thể khiến bạn đau lòng nhưng bạn không thể vì thế mà mời công an vào ‘làm việc’ với nó. Bạn chỉ có thể làm điều đó khi nó có hành vi phạm pháp, ví dụ như bạo lực đối với cha mẹ. Còn sự yêu ghét, lòng tin hay cảm xúc cá nhân là tình cảm tự nhiên của con người. Không ai đi mời công an khi có người không thích hoặc không tin mình cả. Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.

Thái Hạo nhấn mạnh: Bao dung và tôn trọng là những phẩm chất của một xã hội văn minh. Chính nó mới nâng đỡ học sinh và con người nói chung để họ yêu quý, tin tưởng, đền đáp… bằng chính tình cảm chân thật của họ. Mọi sự cưỡng bách, nhất là cưỡng bách tình cảm và suy nghĩ của con người, đều sẽ để lại những di chứng và di hại lâu dài không những cho cá nhân mà còn cho xã hội. Tôi nghĩ, đây chính là cơ hội quý để ngành giáo dục và cộng đồng thể hiện sự văn minh ấy của mình, thay vì chứng tỏ điều ngược lại [6].

***

Cuộc đấu tố Chu Ngọc Quang Vinh cũng là lý do khiến Hong Thai Hoang ngán ngẩm nhận xét: Gái kiếm chồng tây xuất ngoại, trai kiếm vợ tây xuất ngoại, công nhân tìm đường xuất khẩu lao động, sinh viên du học tìm cách để khỏi về, giàu kiếm vé định cư, nghệ sỹ kiếm hôn nhân giả, người người nhà nhà tìm cách đi... vậy một thằng bé muốn đi nước ngoài thì có gì sai? Về mọi mặt, nó không sai. Về mặt pháp lý, công an Yên Bái sai, xâm phạm quyền tự do ngôn luận vốn bất khả xâm phạm. Hiến pháp có quy định, đảng phải hoạt động dưới sự giám sát của dân, tuyên ngôn độc lập nói rõ về quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Nếu cậu bé đó sai, khởi tố theo điều nào đó đi, bỏ tù về phát ngôn đó đi. Còn không, vì sao công an lại ‘làm việc’? Ngang ngược, lạm quyền, lộng hành là hiểu hiện của những kẻ bất tài. Vì bất tài không thu phục được lòng dân nên dùng vũ lực. Chính phủ gì lạ thế? Một cái nồi cơm điện cũng làm cả một giáo hội lung lay! Một lá cờ xa xưa cũng làm cả bộ chính trị lao đao! Một câu nói của cậu bé 17 tuổi làm cả hệ thống chính trị phải vào cuộc! Chân không vững, tâm không tĩnh, danh không chính nên sợ cả cái bóng của chính mình [7]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo