Vào đầu tuần này, Quốc hội Việt Nam tổ chức một phiên họp bất thường tại Hà Nội. Cuộc họp chỉ kéo dài một ngày, với mục tiêu được cho là liên quan đến việc miễn nhiệm, bổ nhiệm và phê chuẩn một số vị trí quan trọng trong chính phủ (1). Trong số đó, sự chú ý của dư luận tập trung nhiều nhất vào khả năng thay đổi vị trí Chủ tịch nước mà Đại tướng Tô Lâm đang nắm giữ. Nhưng theo nhiều nguồn tin nội chính khác nhau, vị trí Chủ tịch nước rồi sẽ được kiện toàn trước Đại hội 14, nhưng chưa phải trong kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 8 này. Liệu còn sự bất ngờ nào khác đang chờ đợi ở những phút cuối cùng của cuộc họp trong mấy giờ đồng hồ?
“Ngày 18 tháng Sương mù của Tô Lâm”
Nội dung cuộc họp bất thường nói trên của Quốc hội, theo luật định xưa nay, đã được các phiên họp trước đó của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị định hướng. Ngày 21/8, Tổng Bí thư—Chủ tịch nước (TBT—CTN) Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ hai của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14. Sau hơn 150 ngày kể từ phiên họp thứ nhất, giờ đây, ê kíp cũ của Tiểu ban được cho là quan trọng nhất của ĐCSVN chỉ còn lại hai thành viên – Phạm Minh Chính và Trần Cẩm Tú. Phải chăng vì thế mà TBT—CTN Tô Lâm nhấn mạnh tại cuộc họp lần này phải kế thừa tư tưởng, định hướng lớn và cụ thể của cố TBT Nguyễn Phú Trọng, nguyên Trưởng Tiểu ban Nhân sự từ Phiên họp trước. Đặc biệt, phải lấy kết quả tổng kết nhân sự BCHTƯ khóa 13 để làm cơ sở quan trọng xây dựng phương hướng nhân sự cho Đại hội 14 (2).
Trong khi đó, truyền thông quốc tế cũng đang theo dõi sát sao tình hình nội trị tại Việt Nam. Tạp chí The Diplomat ngày 23/8/2024 đã có bài viết, gọi cơn địa chấn chính trị nội bộ những tháng qua ở Hà Nội là “Ngày 18 tháng Sương mù của Tô Lâm” (The Eighteenth Brumaire of To Lam); ám chỉ sự kiện Đại tướng Tô Lâm lên nắm quyền với cách thức tương tự như cuộc đảo chính của Napoleon Bonaparte vào ngày 18 tháng Brumaire theo lịch Cộng hòa Pháp năm 1799. Sự kiện này đã đánh dấu sự kết thúc của Cách mạng Pháp và sự ra đời của một giai đoạn mới dưới sự lãnh đạo của Napoleon (3). Đáng chú ý, Karl Marx đã khái quát hóa sự kiện này trong một tiểu luận nổi tiếng của ông, nhấn mạnh rằng “lịch sử luôn lặp lại chính nó, lần đầu là bi kịch, sau đó là hài kịch”. Điều này cần được hiểu như một lời cảnh báo về sự tái diễn những sai lầm lịch sử, khi mà những người lên thay thế không rút được bài học từ quá khứ và tiếp tục lặp lại những sai lầm trước đó, nhưng với kết quả còn tồi tệ hơn, thể hiện qua hình thức “hài kịch” (4).
Ngoài ra, bình luận của Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Hoa Kỳ) cũng cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đại diện cho sự trở lại của các nhà tư tưởng và đạo đức, những người hứa sẽ loại bỏ tham nhũng và nâng cao danh tiếng của đảng trong mắt công chúng. Tuy nhiên, ông ấy là người cuối cùng của phe này và chiến dịch đốt lò của ông đã tiếp thêm sinh lực cho các “nhà lãnh đạo thuộc lực lượng vũ trang” (Securocrats)” (5).
Đài RFA ngày 12/8 cũng “chạy” một phóng sự ngắn, nói tân TBT—CTN Tô Lâm có hứa hẹn cải cách, song điều này sẽ không mấy dễ dàng. Làm thế nào có được những thay đổi về thể chế để Việt Nam trở nên giàu có và công bằng, khi mà ĐCSVN không chịu bãi bỏ Điều 4 của Hiến pháp, được viết vào năm 1992? Một người dân đã cho RFA biết, việc xóa bỏ Điều 4 sẽ cho phép nhiều đảng cạnh tranh một cách công bằng và minh bạch. “Ai giỏi thì nhân dân lựa chọn, ai làm kém thì sẽ bị thay thế”, người dân này cho biết. “Kết quả là, những trở ngại và nút thắt cổ chai của đất nước sẽ được giải quyết nhanh chóng” (6).
Gia nhập “làng” Ngoại giao Nguyên thủ?
Chỉ một thời gian ngắn kỷ lục, TBT—CTN Tô Lâm đã vượt tất cả những người tiền nhiệm trên nhiều phương diện, khi lần đầu tiên nhập vai “Ngoại giao Nguyên thủ”. Tháng 9 tới đây, theo tin của Bloomberg, ông Tô Lâm dự kiến sẽ tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ và có thể ông sẽ gặp Tổng thống Biden tại Tòa Bạch Ốc. Cũng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, CTN—TBT Tô Lâm sẽ có dịp tiếp xúc với nhiều Nguyên thủ quốc gia khác, trước hết là với các “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Việt Nam.
Gia nhập vào “làng” Ngoại giao Nguyên thủ ấy, liệu ông Tô Lâm có gửi được tín hiệu về tư duy và phương thức lãnh đạo mới nhằm xây dựng một Việt Nam dân chủ, công bằng và thịnh vượng? Ông sẽ phải đối mặt với thách thức tronng việc giữ cân bằng giữa đổi mới và ổn định, giữa quyền lực cá nhân và quyền lợi của các phe nhóm khác trong ĐCSVN. Đặc biệt, nghị trình trong tiếp xúc giữa TBT—CTN Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là tâm điểm của dư luận. Không chỉ về các ưu tiên trong những mối quan hệ CSP giữa Hà Nội với Whashington, mà còn tương lai việc Mỹ sẽ bỏ dán nhãn kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam như thế nào?
Từ thời ông Hồ Chí Minh, vừa Chủ tịch Đảng, vừa Chủ tịch nước sang Trung Quốc đến nay, chỉ có ông Tô Lâm, một lúc với hai cương vị TBT—CTN vừa rồi sang sánh vai với “Hoàng đế của Thiên triều”. Chỗ này thì ông đã vượt cả ông Trọng lẫn các vị “Đảng trưởng” lẫn “Quốc trưởng” của xứ Đông Lào! Trước khi ông Tập Cận Bình gặp ông Tô Lâm khoảng hai giờ đồng hồ, Bắc Kinh cho tàu hải cảnh húc thủng tàu của Philippines gây chấn động, nhưng ông Tô Lâm tỏ ra không nao núng. Trong “gói quà đầu tiên” trao cho Trung Quốc, ông Tô Lâm vẫn đưa Biển Đông vào Tuyên bố chung, dẫu tránh nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa (7).
Tối đa hóa lợi ích kinh tế và an ninh
Bản lĩnh Tô Đại tướng một lần nữa được thể hiện trong việc đảm bảo vị thế của Việt Nam như là bên đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tối đa hóa các lợi ích kinh tế và an ninh của mình. Mặc dầu cuộc gặp Tô Lâm—Tập Cận Bình sáng 20/8 cho thấy chuỗi cung ứng của Việt Nam dường như nghiêng về Trung Quốc (8). Ông Shay Wester, Giám đốc Bộ phận Kinh tế Châu Á tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết: “Trong khi Trung Quốc tìm cách củng cố mối quan hệ trên khắp thế giới đang phát triển, Việt Nam đang ngày càng trở nên có ý nghĩa chiến lược trong sự cạnh tranh kinh tế rộng lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” và cần duy trì để đảm bảo rằng “Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc”.
Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế Việt – Trung, chỉ tính đến hết quý 1/2024, Việt Nam đã nhập siêu tới 17,4 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 11,67 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Tình trạng thiếu trao đổi thông tin, thiếu ổn định chính sách thương mại dẫn đến ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc diễn ra thường xuyên (9). Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế song phương. Việc Việt Nam lách luật thương mại Mỹ bằng cách xuất khẩu các sản phẩm chứa vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc phải chịu thuế quan của Hoa Kỳ, có thể mang lại rủi ro mới cho mối quan hệ Việt – Mỹ.
Theo Giáo sư Triệu Vệ Hoa từ Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), Hoa Kỳ đã và đang theo dõi chặt chẽ mối quan hệ thương mại giữa Hà Nội và Bắc Kinh;áp lực từ phía Mỹ cũng được thể hiện qua việc Hoa Kỳ từ chối đề xuất của Việt Nam về việc thay đổi quy chế nền kinh tế phi thị trường, một quyết định khiến Hà Nội thất vọng. Nếu việc thay đổi phân loại này diễn ra, nó sẽ giúp giảm thuế đối với hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. “Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn chọn thăm Trung Quốc trước tiên sau khi nhậm chức và đã đạt được những kết quả khả quan từ chuyến thăm. Điều này cho thấy Hoa Kỳ không dễ dàng thay đổi được hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam”, Giáo sư Triệu đã chia sẻ với tờ The Straits Times (10).