Anh Lân Thắng

Thứ Ba, 11 Tháng Tư 20235:24 CH(Xem: 1532)
Anh Lân Thắng

11-4-2023

Đọc bức thư của bố mẹ anh Lân Thắng gửi Tòa án HN thấy cũng ngậm ngùi phết, thật éo le với hoàn cảnh gia đình anh. Một gia đình trí thức công thần với chế độ, con cháu của những tư sản lớn góp vàng trong tuần lễ vàng, nuôi chế độ khi còn phôi thai, nay lại có người con phải ngồi tù với tội danh quy kết là “chống nhà nước”.

Với lối sống thực dụng của đa số người Việt, thì người như anh Thắng là đã được trải thảm đỏ để lên cao. Nếu chịu khó “phấn đấu” và quan hệ thì tầm tuổi sinh năm 1975, với bằng Đại học thì chắc cũng phải cỡ Phó giáo sư, Tiến sĩ, trưởng phó khoa ở ĐH Xây dựng hay Kiến trúc, nếu đi theo truyền thống nghiên cứu, giảng dạy. Không thì cũng Vụ trưởng, Vụ phó cấp Bộ. Hoặc bèo nhất, thì cũng có Doanh nghiệp sân sau, đẽo quan hệ gia đình ra mà cày tiền tỷ nọ tỷ kia.

Với gia đình truyền thống trí thức Cách mạng, cả truyền thống đại tư sản từ thời Pháp, thì sự thăng tiến là không phải nghĩ, chỉ là muốn hay không mà thôi. Nhưng anh không chọn con đường cao tốc kể trên mà… đâm quàng bụi rậm (theo suy nghĩ của đa số anh em thiện lành). Có lẽ bò đỏ còn gọi là, xin lỗi, ngu.

Người có quyết định lựa chọn con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ như anh trong giới đấu tranh cũng không có nhiều. Trước đây có LS Cù Huy Hà Vũ, nay đã im hơi lặng tiếng ở Mỹ, theo diện xuất khẩu tù nhân.

Người dám từ bỏ con đường thênh thang, dễ dàng vinh thân phì gia để chọn con đường phản biện xã hội, là phải hi sinh quá nhiều, nhất là khi bị bắt và khó tránh được cái án bỏ túi, họ rất đáng kính phục.

Khi biết tin anh Thắng bị bắt mình cũng khá bất ngờ. Bởi mấy năm nay anh đã rất ôn hòa, như phong trào chung, không có hoạt động gì căng thẳng bên ngoài như trước. Với tội danh đang được quy kết thì hầu hết những ai đang phản biện xã hội đều thấy mình trong đó.

Đọc những gì ông Lân Tráng viết, mình cũng thấy có sự đồng cảm, vì gia đình mình cũng vậy, bố mẹ không để lại được sự giàu có về tài sản, mà chủ yếu là kiến thức, biết dạy con nhận thức đúng sai về lịch sử, chính trị và quan trọng hơn hết là bố mẹ tôn trọng quyền tự do lựa chọn con đường của con cái.

Mình có suy nghĩ hơi khác với anh Thắng và nhóm của anh ấy, nhưng mình tôn trọng nhưng gì họ đã làm, bởi vì họ đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, cho tự do của tất cả mọi người. Nếu rủi ro, họ phải chịu cảnh tù đày, nhưng nếu họ thành công thì cả xã hội được hưởng. Chỉ có điều, nếu họ sa cơ thì sẽ có đám đông không nhỏ chửi bới, chê bai, vì cho rằng những người đấu tranh đang cướp đi sự ổn định xã hội, hất đổ nồi cơm của đám người kia.

Mai là ngày xử anh Thắng, có lẽ vì e ngại sức ảnh hưởng của vụ án này, người ta sẽ xử kín. Theo thông lệ thì phiên tòa chỉ là thủ tục và mức án thì đã có từ trước rồi. Mong anh bền gan, giữ vững ý chí để chờ đến ngày có tự do cho anh và cho chúng ta.


***********

Giáo sư Nguyễn Lân Tráng và giảng viên Trần Thảo Nguyên gửi thư tới toà án…


Bạch Hồng Quyền

10-4-2023

Thư gửi Toà án nhân dân Hà Nội

Kính gửi: Hội đồng xét xử Toà án nhân dân Hà Nội và những người có trách nhiệm.

Chúng tôi là Nguyễn Lân Tráng và Trần Thảo Nguyên, bố mẹ của Nguyễn Lân Thắng, người sẽ bị đưa ra xét xử sáng thứ tư, ngày 12/4/2023.

Nhận được tin Toà án sẽ mở phiên toà xét xử kín đối với Lân Thắng, hai vợ chồng tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng. Hồi hộp là vì chúng tôi đã không được gặp Lân Thắng kể từ ngày Thắng bất ngờ bị bắt tạm giam (5/7/2022). Mặc dù thỉnh thoảng vẫn được tin vợ Thắng gửi đồ tiếp tế, song việc không được tận mắt nhìn thấy và nghe tin tức về con trai khiến hai vợ chồng già chỉ biết thấp thỏm chờ đợi.

Cuối cùng thì chuỗi ngày bị điều tra kín và cách ly thông tin với gia đình của Lân Thắng sắp kết thúc. Chúng tôi thực sự kỳ vọng rằng những đại diện của công lý đất nước sẽ tiến hành phiên toà đúng đắn, minh bạch, và mong kết quả sẽ là vô tội, vì chúng tôi biết Thắng chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm.

Tuy vậy, hai vợ chồng chúng tôi cũng rất lo lắng và thương con trai mình. Chúng tôi có Lân Thắng vào cuối năm 1975, khi đất nước đang trong niềm vui thống nhất. Gia đình hai họ đều là những cán bộ, công chức tận tuỵ, cùng đóng góp tâm trí và sức lực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, như bao người dân Việt Nam khác.

Là những trí thức, chúng tôi không có nhiều điều kiện để cho con sự giàu có về vật chất, mà bù lại bằng những bài học về tu dưỡng bản thân, về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước, về những giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái. Chúng tôi luôn cố gắng dạy con trai thành người thẳng thắn, tử tế và đường hoàng.

Lân Thắng đã lớn lên cùng đất nước, chứng kiến từng giai đoạn đi qua cả gian khó và từng bước đi lên của dân tộc Việt Nam. Thế hệ của ông cha chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thế hệ của chúng tôi cũng đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, còn thế hệ của con chúng tôi đã chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm những biến đổi to lớn nhất của dân tộc ta trong gần 50 năm qua.

Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam. Con trai chúng tôi từng có tuổi thơ với tem phiếu, được thấy ông bà cha mẹ chắt chiu từng manh vải mũi kim để lo cho cuộc sống của cả đại gia đình. Đại hội VI diễn ra cũng là lúc Lân Thắng học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng. Một chính quyền “xứng đáng với cái tên của nó phải tiếp nhận một cách vô tư mọi sự thật, bất kể từ phía nào tới, dù những sự thật đó làm phật ý những kẻ bị vạch mặt.” Và con chúng tôi đã thấm nhuần tư duy sống như vậy.

Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện.

Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội.

Khi nhận được Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong kết luận con trai chúng tôi chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý và một loạt những tội khác, chúng tôi đã thấy rất ngạc nhiên. Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là “tội chống chính quyền”? Cũng như việc được tặng sách từ bạn bè không thể là tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân?

Do không được có mặt tại phiên toà sắp tới, chúng tôi xin bày tỏ một vài suy nghĩ về Lân Thắng qua bức thư này và nhờ luật sư gửi đến với những người có trách nhiệm. Sau những trình bày trên, kính mong các vị thẩm phán, những người có trách nhiệm bảo vệ công lý sẽ xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn về trường hợp của Nguyễn Lân Thắng!

Kính thư!

Hà Nội 10/04/2023

Nguyễn Lân Tráng

Trần Thảo Nguyên


***********
Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 12 Tháng Tư 20234:02 CH
Khách
Bọn kết tội những việc làm yêu nước thương dân của Nguyễn Lân Thắng là "chống phá tổ quốc, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" chính là bọn Ngụy chính cống, Ngụy thứ thiệt, Ngụy đúng với sách vở thánh hiền...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn