putin

Nguồn hình ảnh, Getty Images

  • Tác giả, Robert Plummer
  • Vai trò, BBC News

Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình rất dài.

Liên Hợp Quốc rõ ràng tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, khối lượng các vấn đề thực tiễn và khâu hậu cần trong việc thực hiện vụ này là rất lớn.

Quá trình đưa Putin ra trước công lý có thể diễn ra như thế nào?

Tổng thống Putin có thể bị bắt?

Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga có quyền lực vô song ở đất nước của mình, vì vậy không có khả năng Điện Kremlin sẽ giao ông cho ICC.

Miễn là ở lại Nga, Putin không có nguy cơ bị bắt.

Tổng thống Putin có thể bị bắt giữ nếu rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, với thực tế là quyền tự do đi lại của ông đã bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế, Putin khó có thể xuất hiện ở một quốc gia muốn đưa ông ta ra xét xử.

Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, nhà lãnh đạo Nga chỉ đến thăm 8 quốc gia. Bảy trong số đó được ông coi là một phần "thân cận" của Nga - nghĩa là các nước này là bộ phận cấu thành của Liên Xô trước khi sụp đổ vào cuối năm 1991.

Điểm đến gần đây duy nhất của Putin không thuộc số này là Iran, nơi ông đã đến vào tháng 7 năm ngoái để gặp nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Iran, Ali Khamenei.

Vì Iran đã giúp cuộc chiến của Nga bằng cách cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác, nên bất kỳ chuyến thăm tiếp theo nào tới Tehran sẽ khó có thể khiến Putin gặp nguy hiểm.

Liệu Putin sẽ thực sự phải ra tòa?

Có ít nhất hai trở ngại lớn cho điều này. Thứ nhất, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC.

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập vào năm 2002 theo một hiệp ước được gọi là Quy chế Rome.

Hiệp ước này quy định rằng nhiệm vụ của mọi quốc gia là thực thi quyền tài phán hình sự của mình đối với những người bị coi là tội phạm quốc tế. ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và truy tố nghi phạm.

Tổng cộng, có 123 quốc gia đã đồng ý tuân thủ hiệp ước này, nhưng có một số ngoại lệ đáng kể, bao gồm cả Nga.

Một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ các quốc gia là thành viên của Quy chế Rome tại đây.

Vì vậy, bạn có thể thấy rằng vị thế pháp lý đã không vững chắc.

Và thứ hai, mặc dù không có gì lạ khi các phiên tòa được tổ chức mà không có bị cáo tại tòa, nhưng đó không phải là sự lựa chọn ở trường hợp này. ICC không tiến hành xét xử vắng mặt, vì vậy cách làm này cũng không khả thi.

Vladimir Putin hiện có thể bị bắt nếu đặt chân vào một trong hơn 120 quốc gia thành viên của ICC

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Vladimir Putin hiện có thể bị bắt nếu đặt chân vào một trong hơn 120 quốc gia thành viên của ICC

Những ai đã phải ra toà vì lý do tương tự?

Ý tưởng xét xử những người phạm tội chống lại loài người đã có từ trước sự tồn tại của ICC.

Bắt đầu vào năm 1945 sau Thế chiến thứ hai với Phiên tòa Nuremberg, được tổ chức để trừng phạt các thành viên chủ chốt của hệ thống phân cấp ở Đức Quốc xã vì nạn diệt chủng Holocaust và các tội ác tàn bạo khác.

Trong số đó đó bao gồm Rudolf Hess, phó thủ lĩnh của người lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler, người đã bị kết án tù chung thân và tự sát vào năm 1987.

Tất nhiên, Tổng thống Putin không thực sự bị buộc tội chống lại loài người, mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lập luận rằng ông nên bị buộc tội như vậy.

Và nếu đúng như vậy, điều đó sẽ đặt ra một tình huống khó pháp lý khó xử khác như chính Liên Hợp Quốc đã thông báo, "tội ác chống lại loài người vẫn chưa được hệ thống hóa trong một hiệp ước chuyên biệt của luật pháp quốc tế, không giống như tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh, mặc dù đã có những nỗ lực để làm điều đó."

Các cơ quan riêng biệt khác đã tìm cách kết án những người bị buộc gây tội ác chiến tranh. Trong đó bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư (Yugoslavia), một tổ chức của Liên Hợp Quốc tồn tại từ năm 1993 đến 2017.

Trong thời gian đó, toà án này đã kết tội và kết án 90 người. Nhưng nhân vật được cho là khét tiếng nhất trong số những người bị truy tố là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, đã chết vì một cơn đau tim vào năm 2006 khi đang bị giam giữ.

Về phần ICC, cho đến nay tổ chức này đã truy tố 40 cá nhân ngoại trừ Putin, tất cả đều đến từ các quốc gia châu Phi. Trong số đó, 17 người đã bị giam giữ tại The Hague, 10 người đã bị kết tội và 4 người được tha bổng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine?

Lệnh bắt giữ Putin đang được coi là một tín hiệu từ cộng đồng quốc tế rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine là trái với luật pháp quốc tế.

Tòa án cho biết lý do công khai lệnh truy nã là vì những tội ác này vẫn đang tiếp diễn. Bằng cách này, ICC đang cố gắng ngăn chặn các tội ác tiếp theo diễn ra.

Tuy nhiên, phản ứng chính từ Nga cho đến nay là bác bỏ các lệnh này là vô nghĩa.

Trên thực tế, Điện Kremlin phủ nhận quân đội của họ đã thực hiện bất kỳ tội ác nào ở Ukraine, và người phát ngôn của ông Putin gọi quyết định của ICC là "thái quá và không thể chấp nhận được".

Đối mặt với sự thách thức như vậy, có vẻ như các hành động của ICC sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine - và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Putin sẽ tiếp tục diễn ra tàn nhẫn.
*************

voatiengviet.com

Trát bắt ông Putin có ảnh hưởng gì tới chuyến đi của ông Tập sang Nga?

AP

Kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần tới nêu bật khát vọng của Trung Quốc về vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Nhưng việc này cũng nêu bật những nguy cơ của chính sách ngoại giao toàn cầu: Vài giờ sau thông báo ngày 17/3 về chuyến đi, lệnh bắt giữ quốc tế đã được ban hành đối với ông Putin với các cáo buộc tội ác chiến tranh, ít nhất cũng làm cho mất một số lực đẩy của chuyến đi sắp tới.

Một loạt các diễn biến - diễn ra sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Iran nhằm nối lại quan hệ ngoại giao và việc nước này công bố cái mà họ gọi là “kế hoạch hòa bình” cho Ukraine - diễn ra khi chính quyền ông Biden cảnh giác theo dõi các động thái của Bắc Kinh nhằm tự khẳng định một cách mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế.

Các quan chức Hoa Kỳ không bình luận công khai ngay về lệnh bắt giữ ông Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, nhưng riêng tư họ bày tỏ sự hài lòng rằng một cơ quan quốc tế đã đồng ý với đánh giá của Washington rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ở Ukraine.

Theo hai quan chức Mỹ, chính quyền ông Biden tin rằng mong muốn của Trung Quốc được coi là nhà trung gian hoà gải cho hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể được xem như nguy hơn khi ông Putin chính thức là nghi can tội phạm chiến tranh. Các quan chức, phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép nói chuyện công khai về vấn đề này, cho biết chính quyền hy vọng các lệnh này sẽ giúp huy động các quốc gia trung lập từ trước đến nay cân nhắc về cuộc xung đột.

Ý nghĩa của cuộc gặp giữa ông Tập với ông Putin là gì

Chuyến thăm Nga sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là chủ tịch Trung Quốc. Việc này diễn ra khi Bắc Kinh và Moscow đã tăng cường quan hệ trong các bước bắt đầu ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine với cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh trong Thế vận hội mùa đông năm ngoái, tại đó họ tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Kể từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần đứng về phía Nga trong việc ngăn chặn hành động quốc tế chống lại Moscow trong cuộc xung đột Ukraine và, các quan chức Mỹ nói, Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến. Nhưng Trung Quốc cũng đã cố gắng đóng một vai trò trung lập hơn, đưa ra một kế hoạch hòa bình mà về cơ bản đã bị phớt lờ.

Cuộc gặp ở Moscow có thể chứng kiến hai bên tái cam kết về mối quan hệ đối tác của họ, điều mà cả hai đều coi là rất quan trọng để chống lại những gì họ cho là ảnh hưởng không đáng có và không xứng đáng do Mỹ và các đồng minh phương Tây gây ra.

Ý nghĩa của trát bắt ông Putin được ICC công bố là gì?

Trước mắt, lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin và một trong những phụ tá của ông dường như không có tác động lớn đến cuộc gặp hoặc lập trường của Trung Quốc đối với Nga. Cả Trung Quốc và Nga - cũng như Hoa Kỳ hay Ukraine - đều không phê chuẩn hiệp ước thành lập ICC. Hoa Kỳ, bắt đầu với chính quyền Clinton, đã từ chối tham gia tòa án ICC, vì lo ngại rằng nhiệm vụ rộng rãi của nó có thể dẫn đến việc truy tố binh sĩ hoặc quan chức Mỹ.

Điều đó có nghĩa là không quốc gia nào trong số bốn quốc gia chính thức công nhận quyền tài phán của tòa ICC hoặc bị ràng buộc bởi lệnh của ICC, mặc dù Ukraine đã đồng ý cho phép một số cuộc điều tra tội phạm của ICC trên lãnh thổ của mình và Hoa Kỳ đã hợp tác với các cuộc điều tra của ICC.

Thêm vào đó, rất khó có khả năng ông Putin sẽ tới một quốc gia bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ đối với ICC. Nếu ông làm vậy, thì liệu quốc gia đó có thực sự bắt giữ ông hay không. Đã có tiền lệ về việc những người bị truy tố trước đây, đặc biệt là cựu Tổng thống Sudan Omar Bashir, đã đến thăm các thành viên ICC mà không bị bắt giữ.

Tuy nhiên, lệnh bắt giữ này có thể chống lại Trung Quốc và Nga trước tòa án của công luận và vị thế quốc tế của ông Putin có thể bị ảnh hưởng trừ khi các cáo buộc được rút lại hoặc ông được tha bổng.

Góc nhìn từ Washington

Mặc dù thận trọng khi thảo luận trực tiếp về các lệnh của ICC, nhưng các quan chức Hoa Kỳ đã không từ tốn khi nói về chuyến thăm dự kiến của ông Tập tới Moscow. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby gọi việc Bắc Kinh thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine là “phê chuẩn sự chinh phục của Nga” và cảnh báo rằng người Nga có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại các vị trí của họ “để có thể khởi động lại các cuộc tấn công vào Ukraine tại một thời điểm do họ lựa chọn.”

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, trong tuần này đã kêu gọi ông Tập nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ quan tâm đến các cuộc thảo luận với ông Tập.

Góc nhìn từ Kyiv

Phát biểu trước khi lệnh của ICC được công bố, các nhà phân tích Ukraine cảnh báo không nên rơi vào một cái bẫy tiềm ẩn trước cuộc gặp Tập-Putin.

Ông Yurii Poita, người đứng đầu bộ phận châu Á tại Mạng nghiên cứu địa chính trị mới có trụ sở tại Kyiv, cho biết: “Chúng ta cần lưu ý rằng các cuộc đàm phán hòa bình như vậy là một cái bẫy đối với Ukraine và các cơ quan ngoại giao của nước này.”

Quan điểm từ Moscow

Ngay cả khi Trung Quốc không nhắc đến cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga như Mỹ và các đồng minh lo sợ, thì Moscow vẫn coi chuyến thăm của ông Tập là một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ của Trung Quốc, thách thức những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga và giáng những đòn làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Các nhà quan sát nói rằng mặc dù Trung Quốc đóng vai trò là người hòa giải, nhưng việc họ từ chối lên án hành động của Nga khiến không còn nghi ngờ gì về sự đồng cảm của Bắc Kinh.

Góc nhìn từ Bắc Kinh

Các quan chức Trung Quốc đã khoe khoang về ảnh hưởng mới được tìm thấy của họ trên trường quốc tế khi chính sách đối ngoại của đất nước họ ngày càng trở nên quyết đoán dưới thời Tập Cận Bình.

Khi thông báo về chuyến thăm của ông Tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow là một thế lực quan trọng trên thế giới.

Bộ này gọi chuyến thăm là “hành trình hữu nghị, làm sâu sắc thêm sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời củng cố nền tảng chính trị và dư luận xã hội của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước qua nhiều thế hệ”.