Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ: Được gì và mất gì?

Thứ Ba, 20 Tháng Ba 201811:00 CH(Xem: 6179)
Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ: Được gì và mất gì?

Kế thừa hay phá bỏ di sản Obama?

Theo Reuters, được chính Tổng thống Trump ca ngợi là “người rất hợp ý tôi”, Giám đốc CIA Pompeo sẽ phải đối mặt với việc, một mặt ông Trump muốn xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran- di sản của người tiền nhiệm Obama, mặt khác lại muốn duy trì chính sách tương tự với ông Obama về hồ sơ Triều Tiên.

Để làm tốt điều này, rõ ràng, ông Pompeo sẽ phải gánh một trọng trách hết sức nặng nề nhưng cũng hứa hẹn đầy “hoa hồng trải dưới chân”- giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump định hình chính sách ngoại giao về hạt nhân toàn cầu.

Việc ông Trump lựa chọn ông Pompeo thay thế ông Tillerson- người có quan điểm mềm mỏng hơn trong vấn đề hạt nhân Iran- cho thấy ông đang tìm kiếm một người dám “đứng chung chiến hào” với ông trong việc đưa ra “tối hậu thư” với Iran rằng, họ phải thay đổi nếu không thỏa thuận hạt nhân sẽ vô giá trị.

Tuy nhiên, có thể thấy, thách thức lớn nhất với cả ông Trump và ông Pompeo chính là, trừ khi các nước phương Tây cùng với Nga, Trung Quốc nhất trí tiếp tục gây áp lực lên Iran, sẽ khó có chuyện ông Trump quyết định “chơi rắn hơn” với Iran bởi điều đó đồng nghĩa với việc đẩy Iran quay trở lại với quá trình phát triển hạt nhân như trước thời điểm ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 7/2015.

Dù vậy, để thể hiện sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Pompeo đã chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: “Tôi hy vọng có thể rút lại thỏa thuận đầy thảm họa với quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới [ám chỉ Iran- ND].

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sóng gió với ông Pompeo nhiều khả năng lại xuất phát từ chính Bộ Ngoại giao nơi ông sắp tới làm việc. Điều này xuất phát từ thực tế là các nhân viên tại đây luôn coi thỏa thuận hạt nhân lịch sử là một thắng lợi quan trọng trong lịch sử Bộ. Các nhân viên tại Foggy Bottom chắc chắn sẽ không dễ dàng chấp thuận một chính sách mới đi ngược lại với những gì làm lên tên tuổi của họ.

Chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi ra sao dưới thời Mike Pompeo? VOV.VN - Với việc chỉ định Mike Pompeo thay Ngoại trưởng Tillerson, Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ đưa ra những quyết định cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại.

Nhân sự, bài toán “nhức đầu” với Mike Pompeo

Trong bối cảnh nhiều quan chức Bộ Ngoại giao tuyên bố sẽ từ chức sau khi ông Tillerson bị sa thải, nếu được thông qua làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo sẽ có rất nhiều cơ hội để thể hiện quyền lực của mình trong việc tái cơ cấu bộ này và đưa vào đó những đồng minh thân cận.

Bản thân ông Pompeo cũng tuyên bố công khai rằng, ông là “người của ông Trump” và việc chỉ định nhân sự tại Bộ Ngoại giao của ông chắc chắn cũng phản ánh rõ điều này. Có thể hiểu rằng, những người làm việc cho ông Pompeo sẽ phải “nhất nhất tuân theo” ông như cách ông làm việc với Tổng thống Trump để tránh “vết xe đổ” của người tiền nhiệm Tillerson.

Tuy nhiên, phong cách làm việc của ông Pompeo chắc chắn sẽ khiến các nhà ngoại giao kỳ cựu không hài lòng. Đối với họ, không có gì khó chịu hơn là việc quan điểm của họ bị gạt phắt đi chỉ với câu nói ráo hoảnh: “Nhưng CIA họ nói…” cũng như việc họ có thể bị gắn chip theo dõi như thể đang làm việc cho CIA.

Ngoài ra, ông Pompeo được đánh giá là người khá bộc trực và luôn giữ quan điểm cứng rắn của mình. Trong khi đó, ở Bộ Ngoại giao, hiếm có chuyện có ai đó “cao giọng” trong các cuộc trao đổi và cũng không có mấy người thích thú với việc sẽ có “vùng xám” như CIA ở Foggy Bottom.

Ít ra Mike Pompeo vẫn có lợi thế hơn Tillerson

Dù vậy, ông Pompeo vẫn có những lợi thế rõ rệt hơn ông Tillerson nếu được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ. Rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ đã phải tự hỏi, liệu quan điểm của họ có bao giờ đến được tai ông Trump khi ông Tillerson làm Ngoại trưởng nếu xét đến quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa 2 người.

Hơn thế nữa, nếu tin đồn rằng, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly bị sa thải, trở thành sự thực, vai trò và giá trị của ông Pompeo đối với Tổng thống Trump khi đó sẽ tăng lên nhanh chóng.

Hơn thế nữa, ông Trump hẳn sẽ “xoa tay hài lòng” khi nghe được lời bình luận của ông Pompeo về hồ sơ Triều Tiên: “Chúng tôi đang tiến gần hơn bất kỳ một Chính phủ Mỹ tiền nhiệm nào trong việc đạt được một thỏa thuận khiến Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa”.

Theo nhiều chuyên gia, việc ông Trump sa thải ông Tillerson và lựa chọn ông Pompeo thay thế vào thời điểm này cho thấy, ông rất muốn “củng cố một đội ngũ vững mạnh” trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và ông Mike Pompeo được coi là ‘át chủ bài” của ông Trump.

Điều này xuất phát từ việc, khi lên lãnh đạo CIA, việc đầu tiên ông làm là yêu cầu thu thập thông tin tình báo về Triều Tiên để báo cáo với Tổng thống Trump nhằm chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Ông Pompeo hoàn toàn hiểu rõ sẽ phải điều chỉnh các lệnh trừng phạt như thế nào để đáp ứng yêu cầu của ông Trump.

Việc ông Pompeo được lựa chọn là Ngoại trưởng tiếp theo của Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính trị Mỹ đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Ông Pompeo được đánh giá là tay chân thân tín và được cả ông Trump lẫn giới chính trị Mỹ hết sức coi trọng.

Tuy nhiên, liệu ông có thể ngăn được một cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu ông có thể trở thành cầu nối giữa ông Trump với phần còn lại của thế giới cũng như liệu ông có trở thành nhân tố gây thêm hỗn loạn tại Nhà Trắng hay không./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn