Nữ tướng thầm lặng đứng sau ChatGPT

Thứ Hai, 20 Tháng Hai 20231:00 CH(Xem: 1569)
Nữ tướng thầm lặng đứng sau ChatGPT
Rất tiếc, tôi không biết về người có tên Mira Murati là CTO của OpenAI", ChatGPT đáp. Trong một câu tương tự bằng tiếng Anh, siêu AI nói chỉ biết Sam Altman là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty, do dữ liệu dùng để huấn luyện nó là từ trước năm 2021.

Trong buổi phỏng vấn của Time với các nhân sự cấp cao của OpenAI ngày 5/2, Sam Altman gọi Mira Murati là "creator" - người tạo ra ChatGPT. Cô cũng trực tiếp lãnh đạo nhóm phát triển AI vẽ tranh Dall-EGPT-3.

Dù không thể hỏi về Murati qua ChatGPT, nhưng trên "đối thủ" Google Search, người dùng lại có thể tìm kiếm thông tin về hành trình công nghệ của nữ tướng này. Murati, sinh năm 1988 tại San Francisco, từng học vượt lớp khi còn nhỏ. Cô theo ngành kỹ thuật cơ khí tại Đại học Dartmouth và được giữ lại trường làm trợ giảng trước khi đầu quân cho hãng nghiên cứu nổi tiếng Goldman Sach. Đến 2012, cô gia nhập công ty hàng không vũ trụ Zodiac Aerospace.

Một năm sau, Murati đến Tesla với vai trò giám đốc sản phẩm cấp cao và trở thành một trong những người chịu trách nhiệm chính về thiết kế, phát triển một số mẫu xe, ví dụ Model X. Cô cũng tham gia một số dự án của công ty hàng không vũ trụ SpaceX trước khi tới công ty khởi nghiệp Leap Motion năm 2016. Đây là công ty chuyên phát triển các sản phẩm thay thế chuột và bàn phím bằng cảm biến chuyển động gắn trên tay người.

Từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2020, Mira Murati đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch về ứng dụng AI và quan hệ đối tác tại OpenAI. Sau đó, cô chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ sản phẩm của công ty và trở thành Giám đốc công nghệ (CTO) từ tháng 5/2022 đến nay.

Dưới sự dẫn dắt của Murati về mặt công nghệ, ChatGPT trở thành một trong những sản phẩm đạt 100 triệu người dùng nhanh nhất mọi thời đại. Trong tháng đầu năm, ChatGPT vượt qua Bitcoin trong danh sách từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, theo thống kê của Google Trends.

Khác với hình dung về một nữ tướng công nghệ, Murati có những sở thích khá mộng mơ. Cô yêu thích thơ ca. Cuốn sách cô thích nhất là Duino Elegies, tuyển tập thơ của Rainer Maria Rilke. Còn bộ phim cô đánh giá cao là 2001: A Space Odyssey vì nó có thể "khuấy động trí tượng tưởng" bằng hình ảnh và âm nhạc, như trong phân cảnh tàu con thoi cập bến cùng điệu valse Blue Danube Waltz của Johann Strauss.

Thách thức khi phát triển ChatGPT

Khi thế giới "phát cuồng" với ChatGPT, phần lớn sự chú ý tập trung vào Sam Altman. Tuy vậy, CEO OpenAI cho biết Murati mới là người tạo ra ChatGPT.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng với Time, nữ CTO thừa nhận cô không ngờ sự ủng hộ của người dùng với AI này lại lớn như thế. "Tôi cũng đã không tin chatbot này có thể thành công. Khi quyết định giới thiệu dự án đến công chúng, tôi thậm chí đoán nó sẽ thất bại", cô nói. Cô kỳ vọng ChatGPT sẽ thật sự tạo ra những bước tiến vượt bậc trong mỗi ngành nghề chứ không đơn thuần là một công nghệ gây tò mò.

Murati cho biết, về cơ bản, ChatGPT là một mô hình đàm thoại lớn, một mạng nơron cỡ đại được đào tạo để có thể "đoán và nối từ" nhằm tiếp nối câu chuyện với người dùng một cách mạch lạc nhất có thể.

"Nó có thể bịa ra sự thật, không phải lúc nào câu trả lời của AI cũng đúng", cô thừa nhận điểm yếu của ChatGPT. Để khắc phục vấn đề này, công ty xây dựng mô hình hội thoại, cho phép AI đối thoại với người dùng để "dạy" cho nó câu trả lời chính xác nếu nó đưa ra thông tin sai.

Người dùng có thể phản hồi theo cú pháp: "Bạn có chắc không? Câu trả lời đúng là...". Từ đó, ChatGPT mở ra một đoạn hội thoại mới với kiến thức được cập nhật. Tuy vậy, điều này lại đẩy AI đến một rủi ro khác là người dùng có thể cố tình đưa vào ChatGPT những thông tin sai.

Nỗi lo về AI

Khi chứng kiến sự bùng nổ của ChatGPT và xác định điểm yếu lớn nhất của nền tảng, Murati cho biết cô lo ngại AI bị lạm dụng hoặc trở thành công cụ tiếp tay cho kẻ xấu. "Làm sao có thể quản lý cách người dùng ứng dụng công nghệ thế nào? Làm sao biết được việc sử dụng AI phù hợp với các giá trị của nhân loại?", CTO 8x đặt câu hỏi.

Cô cho rằng câu trả lời nằm ở ý thức cộng đồng khi dùng AI có kiểm soát và có trách nhiệm. "Chắc chắn cơ quan quản lý, chính phủ cần giám sát công nghệ. Không còn sớm nữa để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các bộ tiêu chuẩn và xem xét đến tác động mà AI có thể gây ra cho cộng đồng", Murati nói.

Trong khi cộng đồng đang nổ ra nhiều tranh cãi liên quan đến việc ChatGPT có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, CTO OpenAI cho rằng tương tự các cuộc cách mạng trước, sẽ có những công việc mới sinh ra và những công việc cũ bị mất đi. Cô tin giáo dục sẽ là lĩnh vực có thể thay đổi nhiều nhất với sự tiến bộ của AI.

"Với các công cụ như ChatGPT, bạn có thể trò chuyện không ngừng với AI để hiểu một khái niệm phù hợp với khả năng của mình. Đó là tiềm năng to lớn của công nghệ trong việc mở ra mô hình giáo dục cá nhân hóa", cô nhận định.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn