Ông Vũ Đức Đam, ảnh cũ năm 2014

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Vũ Đức Đam, ảnh cũ năm 2014

Việt Nam loan báo đã bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì cáo buộc ông này lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân tại Bộ Y tế để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit test.

Ngày 30/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Văn Trịnh, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Tháng 12/2018, Thủ tướng khi đó, Nguyễn Xuân Phúc, đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trịnh, Hàm Vụ trưởng - Thư ký Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giữ chức Trợ lý của ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công an Việt Nam thông báo: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm Covid-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Công an nói hành vi của ông Nguyễn Văn Trịnh phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Thông cáo nói: “Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; Rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.”

Ban đầu, cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03-Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á và hàng loạt các bị can.

Năm tháng sau khi khởi tố vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hơn 40 người, trong đó có nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, thành phố.

Trước đó, ngày 7/6, cựu chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh bị bắt, cùng với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cũng liên quan đến đại án Việt Á.

Trợ lý lãnh đạo được lựa chọn ra sao

Chỉ một số chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý. gồm:

  • a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.
  • b) Ủy viên Bộ Chính trị.
  • c) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Để được vào chức danh trợ lý, ứng viên phải đang giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ được sử dụng 1 trợ lý.

Quyền hạn của trợ lý

Chức danh trợ lý có:

a) Nhiệm vụ

- Tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo.

- Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của lãnh đạo.

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo.

b) Quyền hạn

- Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.

- Được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc