Chính quyền Việt Cộng im lặng trước yêu cầu trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 20224:00 SA(Xem: 1323)
Chính quyền Việt Cộng im lặng trước yêu cầu trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức
rfa.org

Chính quyền Việt Nam im lặng trước yêu cầu trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức

RFA

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn toàn im lặng trước yêu cầu của ông Trần Huỳnh Duy Thức và gia đình đòi trả tự do cho ông chiếu theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Lá đơn mới nhất mà gia đình ông Thức gửi tới các cơ quan chức năng từ ngày 4/11 tới nay cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Ông Thức, 56 tuổi, là một kỹ sư–doanh nhân Việt Nam. Ông là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại Internet OCI và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến. Ông bị bắt giữ năm 2009 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Trong phiên toà đầu năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù giam và năm năm quản chế.

Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ đầu năm 2018 thì ông Thức có thể chỉ phải chịu mức án năm năm tù giam nếu bị kết tội “Chuẩn bị phạm tội” theo khoản 3 Điều 109 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Từ năm 2018, ông Thức, người đang thụ án tại Trại giam số 6 (Nghệ An), đã làm đơn gửi Toà án Nhân dân Tối cao với yêu cầu miễn chấp hành hình phạt còn lại. Khi đó, ông đã bị giam cầm hơn tám năm trong trại giam và trại tạm giam, vượt quá mức án năm năm cho tội “chuẩn bị phạm tội.”

Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết ông Thức và gia đình đã gửi đơn tới nhiều lãnh đạo và cơ quan của Việt Nam để yêu cầu họ tôn trọng luật pháp Việt Nam và trả tự do cho ông.

Tuy nhiên, cho đến nay, các cá nhân Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đều không phản hồi các đơn từ của ông Thức và gia đình.

Ông Tân nói với RFA qua điện thoại như sau:

Từ trước đến nay gia đình tôi không nhận được trả lời nào từ các cơ quan đó hết. Họ không bác bỏ mà họ cũng không trả lời. Họ giữ sự im lặng. Trong tù, anh Thức cũng không nhận được hồi âm nào.”

Hai năm sau khi gửi đơn cho Toà án Nhân dân Tối cao mà không có hồi âm, năm 2020, ông Thức viết đơn gửi nhiều cơ quan khác như Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và cá nhân như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên, phía trại giam chỉ gửi đơn của ông cho Toà án Nhân dân Tối cao, ông Tân thuật lại.

Ông Tân nói do trại giam ngăn cản ông Thức gửi đơn đến các cơ quan khác nên thân phụ của hai ông, ông Trần Văn Huỳnh, và bản thân ông Tân tiếp sức với ông Thức bằng cách gửi đơn với nội dung tương tự tới các cơ quan và cá nhân nói trên.

Mới đây nhất, vào ngày 4/11,ông Trần Văn Huỳnh gửi đơn tới Chủ tịch nước với đề nghị miễn hình phạt còn lại (hai năm sáu tháng tù giam và năm năm quản chế). Trong lá đơn này, ông Huỳnh khẳng định con mình vô tội:

Con tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm để đóng góp xây dựng cho sự phát triển của đất nước cho dù do những việc đómà con tôi đã bị kết án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” một cách sai trái,” ông Huỳnh viết trong đơn.

Ông Tân nói:

Tuyên bố của Nhà nước Việt Nam là xây dựng nhà nước pháp quyền thì căn cứ vào tôn trọng pháp luật và thủ tục pháp luật để trả tự do cho anh Thức.”

Ông Tân nói gia đình và ông Thức viết đơn đề nghị sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư gia đình, trong đó có luật sư Lê Công Định và luật sư Ngô Ngọc Trai.

Trong một bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, luật sư Ngô Ngọc Trai lập luận ông Thức bị kết án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 nhưng có thể xếp vào khoản 3 “Chuẩn bị phạm tội” của Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 với mức án tối đa là năm năm tù giam.

Lý do luật sư Trai đưa ra là ông Thức không hoạt động thành lập và cũng không tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, mà ông chỉ lập một nhóm nghiên cứu có tên "Nhóm nghiên cứu Chấn” với năm thành viên, trong đó có ba phụ nữ và thành viên còn lại đã rời nhóm trước khi ông Thức bị khởi tố. Ba phụ nữ này không bị xử lý hình sự vì tính chất ít nghiêm trọng.

Theo luật sư Trai, do không có điều lệ nội quy, tên gọi, và phân cấp trên dưới nên "Nhóm nghiên cứu Chấn” khả dĩ chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị nào đấy trong tương lai xa mà thôi, và do vậy xét theo Bộ luật Hình sự thì đó mới chỉ là hành vi chuẩn bị.

Trong tin nhắn gửi RFA, luật sư Lê Công Định nói:

Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm không nhắc đến cụm từ ‘chuẩn bị phạm tội’ vì vào thời điểm năm 2010, Bộ luật Hình sự 1999 không có quy định này.

Nay luật mới bổ sung hành vi chuẩn bị phạm tội, mà xét thấy các hành vi của ông Thức và những người cùng vụ án chỉ dừng lại ở mức độ đó, nên ông Thức và gia đình ông yêu cầu toà án phải xem xét lại thoả đáng trên cơ sở luật pháp.”

Luật sư Lê Công Định nói, theo nguyên tắc áp dụng luật có lợi cho người đang thụ án mà Bộ luật Hình sự Việt Nam thừa nhận, thì khi có quy định mới có lợi cho người thụ án thì toà án phải xem xét lại bản án.

Trong trại giam, ông Thức đã tuyệt thực nhiều lần tổng cộng 100 ngày để đòi được trả tự do. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn không có động thái gì nhằm giải quyết các yêu cầu của ông.

Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế nhiều lần lên tiếng về trường hợp ông Thức, kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn