Vương Hỗ Ninh có gì lạ?

Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 202210:00 SA(Xem: 1863)
Vương Hỗ Ninh có gì lạ?
Jackhammer Nguyễn

28-10-2022

Ngày 25-10-2022, BBC có bài viết: Vương Hỗ Ninh: ‘Đại quân sư’ của ba đời Tổng Bí thư ở Trung Quốc. Thật ra những gì mà ông Vương Hỗ Ninh,  lý thuyết gia của chế độ cộng sản Hoa lục hiện nay, nói về những điều nên làm cho Trung Quốc, cũng không xa lạ gì đối với người Việt, vốn cũng nghe nói đi nói lại mãi, nào là dân chủ tập trung, nào là giữ vững ổn định…

Không có gì lạ khi báo chí đưa tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng lật đật sang thăm ông Tập Cận Bình ngay khi ông này chính thức nắm quyền lực tuyệt đối, đối với một tỷ rưỡi người Hoa lục.

Nhưng lý luận của Vương Hỗ Ninh đặc biệt thu hút các nhà lãnh đạo Việt Nam, (có thể) dân Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác, trong tình trạng các nền dân chủ phương Tây đang rơi vào khủng hoảng như hiện nay, mà đỉnh điểm của nó là vụ bạo loạn ngày 6-1-2021, của những kẻ ủng hộ Donald Trump muốn lật ngược kết quả bầu cử dân chủ trước đó.

Phê phán của họ Vương về các nhóm lợi ích trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ, về những quan hệ trục lợi trong xã hội Mỹ, về tham nhũng “chính sách” bằng lobby… là những nhận xét sắc sảo, không dễ có đối với một người nước ngoài. Với vị trí “The City on the Hill”, sức mạnh mềm chói lòa của nước Mỹ dễ làm cho những người ở các quốc gia nghèo bị … chói mắt.

Khó mà nói rằng chính nhờ họ Vương, mà Hoa lục duy trì chế độ hiện hành, hay là nếu không có ông ta thì đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo con đường đó mà đi? Tôi cho rằng, có hay không có Vương Hỗ Ninh thì cũng thế.

Lý do nằm ở hai điểm. Thứ nhất, cốt tử của các đảng cộng sản là độc tôn (họ gọi là ‘chuyên chính vô sản’). Thứ hai, sự độc tôn đó khi kết hợp với quyền lợi vật chất do kinh tế thị trường đem lại, thông qua kiểu crony capitalism (tư bản bồ bịch), càng làm cho các tay cầm quyền càng cố duy trì quyền lực của mình hơn nữa, để tiếp tục hưởng và chia chác quyền lợi.

Đó là con đường mà Trung Quốc, Việt Nam, và cả Nga đi theo, từ khi lý thuyết cộng sản chính thức sụp đổ ở Đông Âu vào năm 1989.

Nhận xét về nền dân chủ tư bản phương Tây của họ Vương không sai, và những khiếm khuyết đó ngày càng bộc lộ, gây nên sự bực tức của dân chúng, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, bởi sự thống trị quá lâu của giới chủ không bị chế tài đúng mức. Tình hình càng tệ hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước đại dịch, khi việc làm của dân chúng phương Tây bị đem ra nước ngoài, trong khi hệ thống an sinh không theo kịp, nhất là ở Mỹ.

Tuy vậy khủng hoảng dân chủ phương Tây có thể được vượt qua dựa trên một thiết chế mà Trung Quốc, Nga và Việt Nam không có, đó là sự cân bằng quyền lực.

Sau bước nhảy lùi ngày 6 tháng 1, nền lập pháp và tòa án Mỹ đang chạy hết công suất để duy trì sự cân bằng của chính thể dân chủ.

Hãy thử tưởng tượng các tay đại tài phiệt phương Tây, dựa trên nguồn vốn và kỹ thuật dồi dào của mình, sẽ còn lộng giả thành chân thế nào nữa, nếu như cả hai ngành lập pháp và tòa án đều nằm một mối dưới tay đảng cộng sản, hay Putin!

Trong khi đó cái gọi là “nền dân chủ tập trung” Nga, Trung Quốc, Việt Nam đã tạo được điều gì hay?

Mấy mươi năm qua, nước Nga trở thành một trạm bơm xăng không hơn không kém. Tiền bạc được đổ vào công cuộc hiện đại hóa quân đội đã đưa đến hình ảnh thê thảm của quân đội Nga, với lính tráng không có giày mà mang, trong khi các siêu du thuyền của các tài phiệt Nga rong ruổi khắp nơi.

Phải công bằng mà nói rằng, Trung Quốc, cũng như Việt Nam đã làm cho một bộ phận rất lớn nông dân thoát khỏi nghèo đói. Nhưng những người nông dân này không vươn lên được tầng lớp trung lưu, chiếm đại đa số ở các xã hội phương Tây. Xã hội Việt Nam và Trung Quốc vẫn dựa trên sự phục tùng của lớp nông dân mới hết đói chiếm đa số trong xã hội. Con đường phía trước của họ là lay lắt trên các thành phố mới phát triển, mà bản thân các thành phố này lại là những thảm họa của việc đô thị hóa đầy nhũng lạm và thất bại. Họ còn một đường nữa là trốn trong các thùng xe đông lạnh qua nước Anh, như người Việt, hay là những container tàu biển, chất đầy người Hoa lục, giạt vào bờ biển Nam California.

Anh, Hoa Kỳ… dù sao mặc lòng vẫn là “The City on the Hill”.

Xã hội tự do và cơ chế cân bằng, làm cho phương Tây có nhiều sáng tạo, rõ rệt nhất là việc chế tạo vaccine Covid dựa trên kỹ thuật di truyền mới, kịp thời đẩy lui đại dịch, trong đó Việt Nam cũng được lợi không ít do viện trợ, nhờ vào vị trí địa chính trị đắc địa của mình.

Chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ và phương Tây, bao gồm cả Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… bắt đầu thoát khỏi sự thiếu hụt chip điện tử, trong khi đó Hoa lục đầu tư hàng tỷ Mỹ kim, với “quyết tâm chính trị” rất cao, chỉ có thể chế tạo được chip rẻ tiền, gắn vào… đồ chơi trẻ em.

Mặc dù còn nhiều biến động khó lường từ cuộc chiến Ukraine, trong đó nước Nga dùng vũ khí chất đốt để làm áp lực với phương Tây, nhưng cho đến giữa tháng 10-2022, các kho khí đốt của Đức, Pháp,… đã đầy 95%, và các quốc gia này đang khẩn trương xây dựng các đầu mối biến khí hóa lỏng nhập cảng bằng đường biển, không từ Nga, trở lại thành khí đốt.

***

Trở lại với Vương Hỗ Ninh, người ta thấy rằng từ khi ông vinh hoa phú quý vào bộ chính trị của đảng CSTQ, người ta ít bắt gặp ông trên… thực địa nữa. Và trong vở đại bi kịch đại hội đảng Cộng sản Hoa lục lần thứ 20 vừa qua, cái kéo tay người đồng nhiệm Lật Chiến Thư (đừng làm phiền chủ tịch Tập) của họ Vương đã nói lên được nhiều điều.

Nước Trung Hoa đang đi đúng đường của họ Vương vạch ra cho nó, với hy vọng kết hợp một loại vương quyền mới với thị trường tự do. Và hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn xếp hàng (nếu không bị phong tỏa Covid) trước các cơ quan ngoại giao phương Tây để xin thị thực nhập cảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn