Nguyễn Hồng Hà

Nguồn hình ảnh, website tổng lãnh sự quán vn tại osaka

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Hồng Hà

Mở rộng điều tra đại án 'chuyến bay giải cứu', Bộ Công an Việt Nam lần đầu tiên khởi tố, bắt tạm giam hai nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 4/10, Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai người là nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở nước và một người khác.

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Hà - nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản - bị bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Hồng Hà là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka từ năm 2021.

Đồng thời cơ quan an ninh cũng bắt tạm giam bà Nguyễn Lê Ngọc Anh - nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia - về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Anh Kiếm (nghề nghiệp tự do) để điều tra về tội Đưa hối lộ.

Cũng liên quan đến vụ án, mới đây nhất, ngày 27/9, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - theo điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ông Linh bị nghi ngờ liên đới việc chỉ đạo, tham mưu, đề xuất tổ chức các chuyến bay và trình phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19.

Chụp lại hình ảnh,

Đã có 19 người bị bắt tính đến ngày 27/9

Trong bài viết, Luật sư Phùng Thanh Sơn - Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp - nhận định với BBC rằng Bộ Công an có thẩm quyền điều tra vai trò của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'.

"Theo Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài thì Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận."

"Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia nơi đặt trụ sở của cơ quan đại diện. Thành viên cơ quan đại diện ở nước ngoài bắt buộc phải là công dân Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam."

"Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 quy định: 'Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này'."

"Do đó, nếu các cơ quan này có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì các cơ quan tố tụng của Việt Nam có quyền điều tra, truy tố trách nhiệm của những người có liên quan làm việc ở các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài," theo luật sư Phùng Thanh Sơn.

Trong trường hợp những đối tượng bị điều tra, truy tố trốn ở nước ngoài thì Bộ Công an Việt Nam có thể yêu cầu nước sở tại dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại (Điều 491 Bộ luật tố tụng hình sự của VN), luật sư Sơn cho biết thêm.