Sự biến mất kỳ lạ của các tướng Nga tham chiến ở Ukraina

Thứ Sáu, 23 Tháng Chín 202210:00 SA(Xem: 1721)
Sự biến mất kỳ lạ của các tướng Nga tham chiến ở Ukraina
trong bài «Điệu valse của các tướng lãnh quân đội », La Croix cho biết nhiều tướng Nga đã biến mất sau khi chỉ huy các lực lượng xâm lăng Ukraina.
Tướng Serguei Dvornikov đang ở đâu ?
Chuyện gì đã xảy ra với Serguei Dvornikov ? Trong nhiều tuần lễ, câu hỏi vướng vất nơi các chuyên gia quân sự, họ cố gắng tìm hiểu chuỗi mệnh lệnh của quân đội Nga tại Ukraina. Mệnh danh là « đồ tể Alep », ông tướng này được lòng Vladimir Putin từ khi Nga can thiệp vào Syria, giúp cứu vãn quyền lực Bachar Al Assad. Được bổ nhiệm đứng đầu chiến dịch Ukraina từ đầu tháng Tư, sau vài tuần lễ chẳng còn thấy bóng dáng Dvornikov. Ông ta không có mặt trong các bức hình và những phóng sự của bộ Quốc Phòng.
Rõ ràng Dvornikov đã không còn được Putin tín nhiệm, do những khó khăn của quân Nga. Theo Christo Grozev, người sáng lập trang web điều tra Bellingcat vốn thông thạo tin tức, thậm chí vị tướng này còn bị buộc về hưu. Dvornikov là người được Vladimir Putin trực tiếp bổ nhiệm dù các tướng khác lo ngại thói quen rượu chè và những khiếm khuyết của ông ta trong việc chỉ huy các chiến dịch quy mô lớn, cho thấy vai trò ngày càng lớn của ông chủ điện Kremlin trong việc tiến hành các hoạt động trên chiến trường.
Việc cách chức Serguei Dvornikov chưa hề được chính quyền Nga chính thức loan báo. Công chúng đã khám phá người kế nhiệm ông ta, nhờ một phóng sự truyền hình ngày 26/06, quay cảnh bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu thăm các đội quân được điều sang Ukraina. Đó là tướng Guennady Jydko, 56 tuổi, cũng đã từng tham gia chiến dịch Nga ở Syria. Theo nhiều trang quân sự Nga, Jydko điều phối ba binh chủng xâm lăng hoạt động đồng thời. Tuy nhiên Kremlin chưa bao giờ xác nhận việc bổ nhiệm này.
Sợ bị quân đội đảo chánh, nỗi lo từ thời Liên Xô
Trong những tháng gần đây, bộ tổng tham mưu Nga đã âm thầm cho về vườn ít nhất sáu tướng lãnh bị cho là không chu toàn nhiệm vụ. Trung tướng Serguei Kissel, chỉ huy sư đoàn cận vệ xe tăng số 1 bị ngưng chức vì không chiếm được Kharkiv. Phó đô đốc Igor Ossipov, đứng đầu hạm đội Hắc Hải, phải ngồi chơi xơi nước sau khi soái hạm Moskva bị đánh chìm hôm 13/04. Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Pavel Louzine ghi nhận, « khó thể biết được ai chịu trách nhiệm về những gì ở Ukraina, điện Kremlin không tin tưởng các tướng lãnh và thay đổi thường xuyên ».
Bản thân bộ trưởng Serguei Choigou hình như cũng bị mất đi sự tin cậy của Vladimir Putin từ khi kịch bản một cuộc chiến chớp nhoáng bị chôn vùi. Trong một cuộc gặp cấp dưới, tổng thống tuyên bố trước các camera là ông tham khảo hai người tín cẩn là tướng Serguei Sourovikine, chỉ huy mặt trận miền nam và đồng nhiệm Alexander Lapine, mặt trận miền trung - được phong danh hiệu anh hùng nhờ chiếm được Lyssytchansk, bước tiến gần đây nhất của quân Nga.
Hệ thống mệnh lệnh theo chiều thẳng đứng dường như được áp đặt hơn bao giờ hết. Vẫn theo Pavel Louzine, « điện Kremlin cố gắng chỉ huy quân đội trực tiếp từ Matxcơva, cụ thể là từ Trung tâm quốc gia Kiểm soát Quốc phòng, tránh giao phó trách nhiệm chiến dịch cho một tướng lãnh duy nhất. Việc chính quyền kiểm soát bộ tham mưu thừa hưởng từ thời Liên Xô cũ, khi Kremlin lo sợ bị quân đội đảo chánh. Nỗi sợ này hình như ngày nay càng tăng lên ».
Những người kháng chiến Ukraina tại vùng địch tạm chiếm Phóng sự của Le Figaro tường thuật « Tại biên giới Nga, cuộc đấu tranh của những người kháng chiến Ukraina chống lại quân chiếm đóng ». Bài báo kể ra trường hợp Vyacheslav Zadorenko, một thanh niên ở làng Kozacha Lopan cách biên giới Nga chỉ 5 km, khi quân Nga tràn sang hôm 24/02, anh đang ở vùng tự do nhưng người mẹ bị kẹt lại. Anh bèn mặc quần áo rách rưới như một người vô gia cư, vào tìm cách giải thoát bà mẹ, và sau đó đi lang thang nhiều nơi, ghi nhớ những địa điểm của quân Nga để báo cho quân đội Ukraina. Dần dà, người làng hình thành một nhóm dân quân, những ai từng phục vụ trong quân ngũ chỉ cho người khác cách sử dụng vũ khí.
Ban đầu có gì dùng nấy : gắn lựu đạn vào drone để thả xuống phía Nga. Sau đó họ học được cách sử dụng nhuần nhuyễn hơn các loại drone tầm xa, chỉ điểm các kho vũ khí, vị trí quân Nga để Ukraina oanh kích. Zadorenko hãnh diện kể lại, có lần pháo binh thiếu đạn 152 mm, anh và vài người bạn đã đột nhập một kho đạn của Nga, chất đầy một xe jeep về giao cho quân đội Ukraina. Cũng có những người hùng thầm lặng đã hy sinh, và giờ đây trong thành phố đã được giải phóng, chính quyền truy lùng những kẻ phản bội đã hợp tác với địch. Một viên chức cho biết tuy tội phản quốc có khung hình phạt 10-15 năm tù, nhưng những người này có thể được dùng để trao đổi với các tù nhân bị giam giữ ở Nga hay Donbass.
Nhân chứng bất đắc dĩ nơi nghĩa trang Izyum
Le Monde nói về Vitaliy, « người giữ cuốn sổ Nam Tào ở Izyum », chủ một nhà đòn đã bị quân Nga buộc phục vụ miễn phí. Theo ông, những xác chết được người của ông chôn cất hầu hết là thường dân. Cơ sở của Vitaliy có 9 nhân viên, đã phải làm việc gấp năm lần trong sáu tháng qua nhưng không có thù lao, chỉ được quân Nga cho thực phẩm và dầu diesel. Ông nhớ lại, vào đầu cuộc xâm lăng, « các đường phố đầy những xác chết », họ thu nhặt được 114 thi thể sau khi hai tòa nhà gần sông bị trúng bom vào giữa tháng Ba. Ban đầu quân chiếm đóng cấm chôn cất các nạn nhân, nói rằng sẽ giải quyết, nhưng sau do cầu bị sập, phía Nga mới cho phép ông làm việc.
Công nhân phải lo chôn xác rất nhanh dưới mưa bom, thành phố không điện nước, khí đốt, đôi khi không có cả gỗ để làm cây thập giá trên mộ, nhiều ngôi mộ chỉ được đánh số. Vitaliy ghi chép cẩn thận tên, ngày và địa điểm thu nhặt xác, cuốn sổ « Nam Tào » này đã được các điều tra viên thu giữ. Nhưng hãy còn nhiều mộ chưa được phát hiện, Vitaliy tiết lộ « Khi nạn nhân bị tra tấn, quân Nga tự lo việc chôn xác ».
Liên Hiệp Quốc và thuốc độc chiến tranh
Đặc phái viên Le Monde tại New York cho biết « Ukraina là trung tâm thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ». Sau khi phát hiện 445 ngôi mộ và một hố chôn tập thể ở Izyum, chính phủ Ukraina đòi hỏi thành lập một tòa án quốc tế mới xử tội ác chiến tranh. Tổng thống Cộng hòa Sec và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ủng hộ đề nghị này. Nhưng nhiều nước châu Âu khác trong đó có Pháp chủ trương đưa lên Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye, có thẩm quyền đối với tội ác chống nhân loại, tội diệt chủng nhưng hiện không tính đến tội gây chiến. Hai chủ đề khác cũng sẽ là trung tâm thảo luận : sự an toàn của nhà máy điện nguyên tử Zaporijia, và tiếp tục giải tỏa xuất khẩu ngũ cốc. Vấn đề này rất quan trọng để hạn chế giá cả tăng vọt, thậm chí thiếu đói nơi một số nước lệ thuộc nhiều vào lúa mì Ukraina và Nga.
Trước cuộc họp, tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador (AMLO) đã kêu gọi lập tức hình thành một « ủy ban đối thoại và hòa bình » gồm thủ tướng Ấn Độ, Đức giáo hoàng Phanxicô và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Nhưng Mykhailo Podoliak, cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo « những người đòi hòa bình » dùng cuộc chiến để quảng bá cho mình. Ông viết trên Twitter : « Kế hoạch của ông (AMLO) nhằm duy trì hàng triệu người trong tình trạng bị chiếm đóng, gia tăng số hố chôn tập thể và giúp Nga có thời gian bổ sung quân mới trước các cuộc tấn công sắp tới ? Như vậy đây là kế hoạch của Nga ».
Libération cho rằng « Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vấp phải thuốc độc chiến tranh ». Tờ báo ghi nhận tổng thư ký Guterres đã rung chuông hòa bình trong buổi lễ ở Đại hội đồng, chiếc chuông do Nhật Bản tặng năm 1954 có ghi dòng chữ bằng tiếng Nhật « Mong rằng thế giới sống trong hòa bình tuyệt đối ». Sáu mươi tám năm sau, chiến tranh quay lại hoành hành trên đất châu Âu do một trong năm thành viên Hội Đồng Bảo An – có quyền phủ quyết – khởi động, ước mơ này trở nên thảm hại hơn bao giờ hết. Không có cuộc gặp nào được dự trù giữa phái đoàn Nga và Ukraina hay Hoa Kỳ.
Người khổng lồ không quyền hành
Les Echos đặt vấn đề « Liên Hiệp Quốc tồn tại để làm gì ? ». Tờ báo ví tổ chức quốc tế này cũng giống như nữ hoàng Anh quốc : một người khổng lồ không quyền lực. Chỉ cần một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An dùng lấy vũ lực, là Liên Hiệp Quốc trong trạng thái việt vị. Bị Nga làm tê liệt, tổ chức quốc tế duy nhất có nhiệm vụ xúc tiến hòa bình đành phải theo dõi đồng thời lên án những diễn biến của cuộc xung đột Ukraina. Những người bênh vực nêu ra việc các chuyên gia gởi đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijia là thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), hay Liên Hiệp Quốc cũng tham gia với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thương lượng giải tỏa ngũ cốc xuất khẩu của Ukraina. Tuy nhiên trong cuộc chiến tranh làm đảo lộn toàn cầu, tổ chức có trụ sở tại New York chỉ đóng vai trò hạng nhì.
Tổng thư ký Antonio Guterres cũng không làm được việc. Với tính cách nhạt nhẽo, không gây được ảnh hưởng, ông không mang lại luồng gió mới nào cho định chế. Ông chú trọng các chương trình nhân đạo dành cho người tị nạn, nhưng chỉ là chắp vá cho những đau thương chứ không phải là phương thuốc chữa. Do không có những hành động mang tính quyết định, Liên Hiệp Quốc đóng vai một chiếc máy dò địa chấn. Trong dịp bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga, người ta có thể nhận thấy các nước phương nam xa cách phương Tây như thế nào, thế nên Trung Quốc và Ấn Độ mới tìm mọi cách thủ lợi cho mình.
Liên Hiệp Quốc cũng đã từng bị rơi vào trạng thái hôn mê trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cho đến khi Mikhail Gorbatchev mở ra một giai đoạn thỏa hiệp trong thập niên 90.
Có nên khai tử định chế này hay không ? Les Echos cho rằng tất nhiên là không : Một NATO năng động hiện nay cũng từng bị cho là chết não. Trước mắt, cuộc họp đang diễn ra tại New York là cơ hội để nối lại quan hệ với các nước phương nam. Trung Quốc vốn gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, chỉ hiện diện hạn chế do các điều kiện cách ly ngặt nghèo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đồng nhiệm có cơ hội độc nhất để lắng nghe nhiều hơn các quốc gia mới trỗi dậy.
Ngoại giao « không liên kết » kiểu mới của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ
Trong bối cảnh đó, Le Figaro lưu ý một dạng thức ngoại giao mới nổi lên, mà tờ báo gọi là « không liên kết đa phương ». Chẳng hạn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ tối đa liên minh quân sự với Hoa Kỳ và quan hệ kinh tế với châu Âu, nhưng vẫn duy trì đối tác chính trị và năng lượng với Nga. Dù là thành viên NATO, nhưng Recep Tayyip Erdogan không phải lúc nào cũng đứng về phía Washington.
Cuộc xâm lăng Ukraina mang lại cho Erdogan ba cơ hội lịch sử :
1) Các drone Bayraktar TB2 nay bán chạy như tôm tươi
2) Thu được tiền bạc của tài phiệt Nga bị phương Tây tẩy chay, mua khí đốt giá rẻ
3) Đóng vai trung gian hòa giải. Trước đây bị đả kích vì thái độ côn đồ ở Syria, Địa Trung Hải và Libya, nay nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gần như đứng trước ngưỡng cửa giải Nobel Hòa bình.
Một ví dụ nữa là Ấn Độ. New Delhi vừa có thỏa thuận nguyên tử dân dụng với Hoa Kỳ, tham gia Bộ Tứ (Quad, gồm Mỹ, Úc, Ấn, Nhật), nhưng từ chối bỏ phiếu chống Nga ở Liên Hiệp Quốc, và mua dầu khí của Matxcơva nhiều hơn trước chiến tranh. Thời hội nghị Bandung (1955), Ấn Độ là lãnh đạo phong trào không liên kết, dựa trên nguyên tắc phi bạo lực của Gandhi. Ngày nay ngoại trưởng rất thực dụng của Ấn tuyên bố « khai thác mọi cơ hội do các nghịch lý trên thế giới tạo ra ». Với Modi vốn sẽ là chủ tịch G20 năm 2023, không liên kết hòa bình đã được thay bằng không liên kết đa phương được quân sự hóa. Ấn Độ và Trung Quốc được cho là sẵn sàng dành cho Putin thời gian xoay sở để ra khỏi cái bẫy đã tự giăng ra, nhưng sẽ phản ứng một khi ông ta leo thang đến cực điểm.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn