Phút mặc niệm Gorbachev: Một thoáng “Người đưa đường thọt chân”

Chủ Nhật, 04 Tháng Chín 20224:00 SA(Xem: 1517)
Phút mặc niệm Gorbachev: Một thoáng “Người đưa đường thọt chân”
rfa.org

Phút mặc niệm Gorbachev: Một thoáng “Người đưa đường thọt chân”

Bài viết của Bích Nhung

Xin vĩnh biệt ông, một Mikhail Sergeyevich Gorbachev đầy nhân tính, mặc dầu sinh thời ông vẫn đau đáu về một “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt con người”. Không! Từ “Trại súc vật” ra, chủ nghĩa xã hội không thể mang mặt người!

Hôm nay 3/9 là ngày gia đình Mikhail Sergeyevich đưa ông về với Chúa, có mở cửa cho công chúng, tang lễ diễn ra tại Hall of Columns của Moscow. Từ Hà Nội, trong phút mặc niệm, xin phép hương hồn ông Gorbachev cho nhắc lại một thoáng “Người đưa đường thọt chân” của Bùi Việt Sỹ. Tên của tiểu thuyết gắn với hình tượng chiếc compass, một chân dài một chân ngắn, dù chuyển động như thế nào thì cuối cùng nó vẫn quay về chỗ cũ. Một thành công vượt trội về mặt hư cấu nghệ thuật! Nhưng có lẽ thành công hơn nữa, đó là nhà văn đã dự báo sự tan rã không tránh khỏi của Liên bang Xô viết. Đối với văn chương nói chung, đưa ra được một dự báo như thế vào thời điểm bấy giờ, hoàn toàn không đơn giản và không phải ai cũng làm được, càng không phải tác phẩm nào cũng đạt được. Nhất là ở Việt Nam. (1)

Hơn ba mươi năm sau khi Gorbachev rời chính trường, thế giới đã thay da đổi thịt. Liên Xô không còn. Nước Nga và các nước thuộc “phe XHCN” tất thảy đều biến đổi. Ngần ấy đổi thay, trong ngần ấy thời gian ông đều chứng kiến, kể cả suốt hơn nửa năm chiến tranh Ukraine khốn nạn. Mấy tỷ người trên trái đất này, người nhớ ơn ông cũng nhiều, kẻ chê trách ông không ít, nhưng có lẽ tất thảy đều phải thừa nhận mọi sự thay đổi trên thế giới, của mỗi quốc gia, của mỗi số phận con người trong ba thập kỷ qua đều gắn với tên tuổi ông. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có pha chút hài hước khi “Lão Khoa” để cho nhân vật của mình phát biểu hơi tếu táo: “Góc-bu-chóp… loạng quạng thế nào làm vỡ bố nó ‘cái nồi’ Liên Xô và Đông Âu”. (2)

Tôi cũng đồ rằng, Thượng đế vốn thích đùa, chính Ngài đã tạo nên một cuộc bể dâu lịch sử, qua bàn tay của một người “hậu đậu”, đó là Tổng thống đầu tiên của Liên Xô. Vậy nên, chỉ mong rằng: Bây giờ xuống dưới đó, ông đừng nên gặp lại các vị tiền bối và các đồng chí vốn coi ông như là kẻ thù của họ làm gì nữa. Sinh thời các ông đấu đá với nhau như thế là đủ lắm rồi. Nay nhỡ ra các ông lại “loạng quạng” lần nữa… Dưới đó lại perestroika, lại glasnot, rồi cả đám ấy lại kéo nhau lên trên này, thì nhân loại mất bố nó thêm trăm năm đau khổ nữa. Lạy Chúa, ông hãy tìm gặp Raisa, người vợ mà ông hằng yêu quý nhất. Hai mươi ba năm nay bà vẫn đợi ông “về” để tái hợp. 

2022-08-30T212031Z_827493170_RC217498B5MR_RTRMADP_3_RUSSIA-GORBACHEV.JPG
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và vợ là bà Raisa vẫy tay với phóng viên báo chí khi họ lên máy bay hôm 13/10/1986 ở Reykjavik. Reuters

Xem YouTube “Gorbachev qua đời, vì sao dân Việt kẻ khen người chê”, phần nào cảm nhận được ngày nay ở Việt Nam vẫn chưa hết “cơn nghiện Gorby”. Một trong hàng trăm cái “tuýt” đáng đọc: “Gorbachev là một người đáng khâm phục nhất của thế giới ngày nay. Vì lúc đó ông là một người quyền lực nhất quả đất, nhưng đã sẵn sàng gạt bỏ cái tôi. Mục đích là đưa thế giới xích lại gần nhau hơn, tránh được chiến tranh lạnh, hạn chế chạy đua vũ trang để đầu tư vào phát triển kinh tế, phục vụ đời sống của nhân dân... Gorbachev là một người hùng đáng để cả nhân loại vinh danh. Nếu như ở VN ta có nhiều người vì lợi ích của nhân dân mà từ bỏ quyền lực thì là diễm phúc cho dân ta quá. Nhưng điều đó không xảy ra. Họ là những người bị cả nước lên án nhưng vẫn cố bám ghế đến cùng! Buồn thay!” (3)

Cùng thời với ông, bên Việt Nam chúng tôi cũng có đồng chí Trần Xuân Bách. Theo chân ông, Trần Xuân Bách cũng lóe sáng trong cái nhìn biện chứng giữa đổi mới kinh tế và chính trị: “Vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tễnh đi một chân (như “Người đưa đường thọt chân” giống chiếc compass nhắc ở trên). Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường. Những vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân.” (4)

Nhưng rồi ông Bách cũng bị chính các đồng chí của mình đánh cho không còn mảnh giáp. Xem thế để thấy, “đồ tể” Putin so với Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng ngày ấy và nhất là bây giờ, còn “nhân văn” hơn nhiều! Vladimir Putin còn gửi lời chia buồn tới gia đình Mikhail Gorbachev (trong một bức điện ngắn). Putin cũng đến đặt hoa tại quan tài mở của Gorbachev. Tuy nhiên, ông ta không đi dự đám tang. Lý do chính thức: không có chỗ trống trong lịch trình bận rộn của ông. Lịch làm việc đã kín. Lời giải thích khá thiếu thuyết phục đó đang làm dấy lên suy đoán rằng, trên thực tế, không phải là Putin không có thời gian, mà đúng hơn là không muốn tham dự. Nói cách khác, đó là một sự hắt hủi. Tại sao có thể như vậy? Vâng, đầu tiên là, đối với những người nắm quyền ở Nga ngày nay, Mikhail Gorbachev được coi là một nhà lãnh đạo yếu kém, thiếu quyết đoán, người đã để mất một siêu cường và tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga đã tuột mất.

Xin vĩnh biệt ông, một Mikhail Sergeyevich Gorbachev đầy nhân tính, mặc dầu sinh thời ông vẫn đau đáu về một “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt con người”. Không! Từ “Trại súc vật” ra, chủ nghĩa xã hội không thể mang mặt người! Chúng ta chia sẻ nỗi đau ấy của ông và cũng là của chúng ta. Gorbachev đã nhìn thấy nỗi đau của con người, nhìn thấy ánh mắt căm giận của kẻ bị trị, và nhìn thấy tài nguyên quốc gia đang biến thành cơ ngơi, tài sản của lãnh đạo và quan chức mà luật pháp bảo vệ họ đến mức không ai dám lên tiếng. Đó là tất cả những gì dồn nén, dẫn đến có một ngày, Gorbachev buộc lòng phải nói với người vợ yêu quý của mình, bà Raisa rằng: “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn