Tân thủ tướng Anh phải đối mặt ngay với thách thức kinh tế lớn

Thứ Hai, 29 Tháng Tám 202210:00 SA(Xem: 1676)
Tân thủ tướng Anh phải đối mặt ngay với thách thức kinh tế lớn
Liz Truss

Nguồn hình ảnh, PA Media

Chụp lại hình ảnh,

Bà Liz Truss đang dẫn đầu trong nội bộ Đảng Bảo thủ để thay thế Boris Johnson sắp tới

Bộ trưởng Ngoại giao Anh, bà Liz Truss đang dẫn đầu trong mọi thăm dò dư luận trong nội bộ Đảng Bảo thủ để lên làm thủ tướng vào ngày 05 tháng 9 tới.

Tờ The Sunday Times (28/08) trong bài “Truss v The Tories” đã khẳng định chắc chắn rằng bà Truss sẽ lên cầm quyền, thay ông Boris Johnson.

Nhưng cũng một tờ báo khác, The Financial Times, tin rằng “tuần trăng mật chính trị” của bà Liz Truss sẽ rất ngắn ngủi vì các thách thức kinh tế, tài chính. iNews cũng đánh giá rằng ông Rishi Sunak, nhân vật thứ nhì trong cuộc đua giành chức thủ tướng Anh của Đảng Bảo thủ, “chưa đủ độ sẵn sàng” để thắng bà Truss.

Chi tiêu công chống lạm phát và giá xăng dầu, điện, gas

Nhưng ai lên làm thủ tướng Anh từ tuần sau cũng phải đối mặt với câu hỏi đầu tiên là “Tiền đâu?”.

Ben Zaranko, kinh tế gia kỳ cựu của Viện Institute for Fiscal Studies hôm tuần đầu tháng 8 mô tả “dư địa” chi tiêu công của chính phủ Anh rất hẹp.

Ngân sách chi tiêu cho các bộ ngành của chính phủ Anh dựa trên mức lạm phát 3-4%, theo các dự báo cũ, từ cuối 2021, được cập nhật tháng 3/2022.

Nhưng dự báo mới nhất nói lạm phát sẽ là 13% vào Quý IV năm nay, và có thể đứng ở mức cao đó khá lâu.

Điều này khiến khoản tiền tân thủ tướng có để bù giá tăng lương cho khu vực công chỉ còn khoảng 28 tỷ bảng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lạm phát tăng cao khiến nhiều người dân Anh đau đầu lo lắng về các khoản chi tiêu

“Nếu viên chức khu vực công được tăng lương 5%, giúp họ chống đỡ lạm phát cao hơn gấp đôi – thì ngân sách mất ngay 7 tỷ bảng. Còn nếu tăng lương 10% cho mọi bộ ngành thì cần chi 18 tỷ bảng...” ông Ben Zaranko viết.

Đó là chưa kể để bộ máy chạy được, chi phí năng lượng cao cho cả công chức và các văn phòng cần được bù giá bằng cách nào đó.

Và đó cũng mới là các khoản chi tiêu tức thời, chưa hề tính đến cam kết duy trì chi tiêu quốc phòng 2% GDP của Anh, trong tinh thần đảm bảo vị thế mũi nhọn ở Nato và trong chiến lược ủng hộ Ukraine chống Nga.

Thông tin mới nhất hôm 29/08 là bà Liz Truss cam kết cắt giảm thuế để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chống lạm phát và ứng phó với hóa đơn năng lượng, chất đốt leo thang, theo BBC News.

Các tin tức gợi ý rằng bà Truss sẽ xem xét việc cắt thuế VAT đi 5%.

Nhân sự cao cấp – mới mà không mới?

Nghị trình tạo ra một ‘new team’ (đội ngũ mới) để tạo hình ảnh của một thời kỳ mới có thể khó đạt vì các nhân vật dự kiến lên nắm các vị trí cao cấp cũng vẫn thuộc Đảng Bảo thủ, chỉ là từ cấp thứ trưởng lên bộ trưởng, hoặc đảo vai từ bộ này sang bộ kia.

Ví dụ, theo bài báo trên The Sunday Times, dự kiến cựu chủ tịch Đảng Bảo thủ Sir Iain Duncan-Smith, người cũng từng là một bộ trưởng trong chính phủ David Cameron, sẽ làm Chủ tịch khối Nghị sĩ Bảo thủ của Hạ viện (Leader of the Commons).

Đương kim Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng có thể sang làm Bộ trưởng Tài chính. Đương kim Bộ trưởng Tư pháp Suella Braverman có thể nhận chức Bộ trưởng Nội vụ. Ông James Cleverly, hiện nắm Bộ Giáo dục, có thể lên làm Bộ trưởng Ngoại giao, theo tờ Sunday Times.

Vẫn nguồn tin này cho rằng ông Tom Tugendhat, hiện làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, có cơ hội nắm ngành an ninh; bà Penny Mordaunt, ứng viên trượt chức thủ tướng, có thể làm Chủ tịch Đảng Bảo thủ. Chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông Ben Wallace chắc không thay đổi, còn ông Robert Buckland, Bộ trưởng phụ trách xứ Wales, có thể trở lại nắm Bộ Tư pháp.

Tờ Sunday Times cũng nói hiện chưa rõ ông Boris Johnson có vai trò gì trong tân nội các Anh hay không, nhưng “nhiệm vụ quan trọng nhất” cho ông là xóa bớt khoản nợ mua nhà, 3,75 triệu bảng. Ông có thể viết hồi ký “giá cao” hoặc đi diễn thuyết, với thù lao có thể lên tới 250 nghìn bảng/lần, nhất là ở Hoa Kỳ, theo tờ báo Anh.

Cuối cùng là các thách thức đối ngoại

Hôm 29/08, tờ báo thiên tả The Guardian có bài “chào đón” vô số thách thức với bà Liz Truss nếu bà lên làm thủ tướng.

“Các thách thức sẽ ập đến nhiều và nhanh (the challenges will come thick and fast), từ cuộc chiến ở Ukraine, từ khủng hoảng năng lượng toàn cầu tới các yêu sách khẩn cấp để đối phó với biến đổi khí hậu, cả thế giới đang nhìn vào sự lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất mà Anh hiện vẫn là một,” tờ báo viết.

Không chỉ Moscow công khai ghét bà Truss và Bắc Kinh thì “không phải là fan của bà”, mà Pháp và EU cũng đã tỏ thái độ bất bình rõ rệt về ý tưởng của thủ tướng Anh tương lai về Nghị định thư Bắc Ireland, liên quan đến việc diễn giải thỏa thuận Brexit.

Tân thủ tướng Anh tuy thế có thể trông cậy vào các đồng minh Úc, Nhật trong khi phải tạo niềm tin như một đồng minh tốt với Hoa Kỳ.

Các chính sách đối ngoại “cứng rắn” của bà về Bắc Ireland-EU có thể sẽ được làm mềm đi sau khi bà lên nhậm chức, tờ báo Anh suy luận.

Đó là vì Hoa Kỳ luôn muốn Anh hoàn toàn tuân thủ Thỏa ước Ngày thứ Sáu Tốt lành (Good Friday Agreement, 1998), vốn kiến tạo hòa bình và làm ổn định đảo Ireland.

Trong vòng vài tuần sau khi lên nhậm chức, nếu thắng trong cuộc đua giành vị trí, bà Truss dự kiến sẽ sang Hoa Kỳ dự họp Đại hội đồng LHQ, và đến tháng 11 sẽ đại diện Anh dự G20 ở Bali, Indonesia.

Khi đó, các phát biểu của bà sẽ làm rõ hơn Anh Quốc định hình chính sách toàn cầu ra sao, và nhiệm kỳ Truss có gì khác nhiệm kỳ Johnson về ngoại giao hay không, hay cơ bản sẽ là một sự tiếp nối, với ít nhiều điều chỉnh ở mức chiến thuật mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn