Con lợn có béo thì lòng mới ngon

Thứ Tư, 24 Tháng Tám 20228:00 SA(Xem: 1794)
Con lợn có béo thì lòng mới ngon
SuVaGai

Nguyễn Phương Mai

23-8-2022

Tôi vốn có chút cảm tình với ông Đoàn Ngọc Hải khi thấy sau khi rời chiếc ghế quyền lực, ông khá chuyên tâm vào các hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Tuy nhiên, những nhận định của ông về sư Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng khiến tôi vô cùng băn khoăn (1).

Cụ thể, ông cho rằng:

1. CHỈ CẦN NHÌN KHUÔN MẶT THẦY là có thể phán quyết xem nhà sư có chiếm đoạt tiền từ thiện và phạm giới quan hệ xác thịt với Phật tử không.

2. CHỈ CẦN NHÌN KHUÔN MẶT HOAN HỈ CỦA PHẬT TỬ là biết nhà sư có giỏi pháp lý nhà Phật hay không.

3. CHỈ CẦN NHÀ SƯ KHÔNG ÉP BUỘC thì việc Phật tử quỳ lạy nhà sư không có gì phải bàn cãi.

Thứ nhất, việc ta thỉnh thoảng đem nhan sắc ra để đánh giá phẩm chất con người là một phản xạ tự nhiên. Trong thế giới động vật, một vẻ ngoài đẹp đẽ là tín hiệu tốt để kết hợp nguồn gien, duy trì nòi giống.

Tuy nhiên trong thời hiện đại, “ngoại hình” có thể biến đổi, chỉnh sửa, luyện tập, hoặc thao túng. Nó không nhất thiết là tín hiệu của “chất lượng con người”. Nhan sắc và phẩm chất con người đã trở thành hai phạm trù không mấy liên quan.

Bất chấp thực tế đó, vì có gốc tiến hoá, ngụy biện kiểu “con lợn có béo thì lòng mới ngon” là một định kiến khó tẩy sạch. Đó là sự rơi rớt sau nhiều ngàn năm SẮC ĐẸP NGOẠI HÌNH đóng vai trò là tín hiệu của sự TỐT ĐẸP NỘI HÀM.

Thế thời thay đổi và chúng ta đang trong kỳ chuyển tiếp. Sự thiên vị vẫn có, nhưng ta có thể cố gắng coi đó là một suy nghĩ riêng tư, định kiến vô thức. Ta có thể vượt qua “bản năng”, và dùng “bản lĩnh” nhận thức của loài người có thể hạn chế mặt tiêu cực, ngăn cản định kiến biến thành hành động, cho rằng cứ “đẹp người” là đương nhiên “đẹp nết” (2).

Điều này quan trọng khi ta vô thức phán xét về con người trong cuộc sống hàng ngày. Điều này trở thành lẽ sống còn nếu đó là những phán xét liên quan đến pháp luật, tội phạm, luân thường đạo lý và sinh mạng của kẻ khác.

Sự nông cạn của ngụy biện “dựa vào vẻ bề ngoài” (appeal to beauty) khiến ít ai còn “nhìn mặt mà bắt hành dong”, nhất là nó liên quan những chuyện động trời như việc phán xét xem liệu nhà sư có chiếm đoạt tiền từ thiện và quan hệ tình dục với Phật tử hay không.

Thứ hai, sự hoan hỉ của chúng sinh chưa chắc đã là thước đo chất lượng của nhà sư.

Một người lãnh đạo giỏi có được sự tung hô của quần chúng rất có thể chỉ là một nhà lãnh đạo dân túy. Những điều họ nói ra thuận tai thiên hạ, nhưng không chắc đã có tác dụng thực tế cũng như kết quả lâu dài.

Chính vì vậy, dân chủ là một thể chế văn minh nhưng chưa hoàn hảo. Ngụy biện “dựa vào quần chúng” (ad numerum) khiến “đa số thắng tiểu số” vẫn là một vấn nạn của thể chế dân chủ. Trong một số trường hợp, nó cho phép việc lấy thịt đè người, tạo lý do cho đám đông bịt miệng và lấn át những tiếng nói khác trong xã hội.

Lịch sử đã chứng kiến vô số lãnh tụ dù có sự tiền hô hậu ủng của đại bộ phận dân chúng nhưng về bản chất là những tên tội phạm chiến tranh, những nhà độc tài man rợ, hay những giáo chủ biến THẦN QUYỀN thành TÀ QUYỀN để thao túng nỗi sợ hãi của chúng sinh.

Thứ ba, việc quỳ lạy một người bề trên là nét văn hóa đăc trưng của một số cộng đồng. Ví dụ, việc quỳ lạy nhà sư, hoàng gia, cha mẹ và thầy cô giáo ở Thái Lan và một số nước Nam Á là điều hoàn bình thường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quỳ lạy ấy là BẤT THƯỜNG. Ta không thể đem cái bình thường của kẻ khác để giải thích cho cái bất thường của chính mình.

Việc ông Hải dùng các bức ảnh quỳ lạy ở Thái để thanh minh cho việc một số Phật tử Việt Nam quỳ lạy nhà sư là không thực sự tương đồng. Thử tưởng tượng một trường học ở Việt Nam tổ chức cho học sinh đồng loạt quỳ lạy thầy cô để tạ ơn dạy dỗ như ở Thái, liệu ông Hải có còn coi đó là chuyện không cần bàn cãi?

Với nhà sư Thái Minh, ông ta chắc phải hiểu việc Phật tử, đôi khi đáng tuổi cha mẹ quỳ sụp xuống chân mình mà vái lạy không phải là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Việc quỳ lạy cũng không phải một nét đặc trưng của Phật giáo tại Việt Nam.

Phật giáo mỗi vùng miền và quốc gia có một cách thực hành khác nhau. Khó có thể nói vì đạo Phật nguyên thủy có quỳ lạy nên khi du nhập vào Việt Nam quỳ lạy là chuyện đương nhiên. Ngược lại, khi vào Việt Nam, nó biến đổi để phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Tôn giáo không bao tách rời văn hóa mà luôn chịu ảnh hưởng của văn hóa bởi đó là tương tác hai chiều.

Dù quỳ lạy nhà sư không phải là truyền thống hay đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, ông sư Thái Minh vẫn để điều đó xảy ra. Cá nhân tôi cho rằng đó là một hành động thiếu tế nhị. Hình ảnh của ông sư đó hẳn sẽ đẹp hơn nhiều nếu ông cúi xuống đỡ người Phật tử đứng dậy.

Sâu xa hơn, một số người cho rằng đó có thể là một hành động vô thức. Nhà sư có lẽ vẫn còn chút sân si, muốn thỏa mãn cái tôi quyền lực khi thấy mình được tôn thờ.

Như vậy, ba lý lẽ của ông Đoàn Ngọc Hải đưa ra đều có thể coi là ngụy biện. Là một cựu lãnh đạo cấp cao trong bộ máy thống trị, từng nắm trong tay quyền sinh quyền sát, mỗi phán quyết của ông ảnh hưởng tới sinh mạng và cuộc sống của nhiều triệu người. Chính vì vậy, ông có trách nhiệm đưa ra ý kiến dựa vào PHÁP LUẬT, KHOA HỌC và LỢI ÍCH TỔNG THỂ của xã hội chứ không phải là vẻ bề ngoài của một con người.

Dù không còn đương chức, cách ông lý giải và nhìn nhận cuộc sống như vậy khiến nhiều người có thể đặt câu hỏi về chất lượng lãnh đạo của ông trong quá khứ. Tuy là một khái quát vội vã, phát ngôn của ông vẫn thật là một điều đáng tiếc.

Cuối cùng, mấu chốt của vấn đề là gì?

Tôi xin chia sẻ lại câu chuyện của chính mẹ mình, một người suốt hơn chục năm trời com cóp tiền đi cúng dường cho các chùa từ Nam chí Bắc. Nhà tôi chả giàu có gì, nên ai nhìn cũng xót. Nhưng cụ nhất định lao vào như thiêu thân. Chỉ mới cách đây vài năm mẹ tôi mới tỉnh ngộ khi nhận ra rằng bao năm qua bà đã bị lưà. Một phần lớn số tiền mà bà ky cóp được là để… xây nhà cho sư.

Vậy nên, điều đáng mổ xẻ và soi xét phải là việc sư Thích Trúc Thái Minh và sư Thích Nhật Từ cãi nhau về việc cúng dường thế nào cho hợp lý. Đặc biệt là sư Minh vốn có nhiều thị phi về tiền bạc, nhiều đến mức dân gian đặt tên cho cuộc đấu khẩu này là “Shark Tăng đại chiến” (4).

Câu hỏi chúng ta cần làm cho ra nhẽ là: Có hay không chuyện xây chùa để rửa tiền? Đất cấp cho chùa với mục đích tâm linh có hợp lý không hay phải coi là mục đích kinh doanh? Liệu đã đến lúc nên coi chùa và dòng tiền khổng lồ từ cúng dường không phải đóng thuế là một loại hình doanh nghiệp? Ai là người chịu trách nhiệm thanh tra kiểm tra và công khai cho công chúng sự minh bạch của chùa và dòng tiền khổng lồ đó? Tại sao cho đến bây giờ những hình thái kiếm tiền phi Phật giáo như cúng sao giải hạn vẫn diễn ra như chuyện thường ngày, thậm chí cả với những chùa kiểu mẫu như chùa Quán Sứ?

Trong nhiều năm qua, báo chí trong nước đã liên tục lên tiếng về những vấn đề này. Các đại biểu quốc hội đã đề cập đến việc kiểm soát dòng tiền công đức, làm kinh tế núp bóng chuà chiền. Cụ thể hơn là trường hợp Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, sau khi bị tố “gạ tình nữ phóng viên” đã xin được hoàn tục với khối tài sản cá nhân khổng lồ 200-300 tỉ đồng (3).

Tiếp theo, điều đáng mổ xẻ và soi xét còn là những câu hỏi sâu xa hơn như: Phật giáo ở ta đã bị méo mó như thế nào khi mà người ta tin rằng Phật ban phước cho những kẻ đánh nhau chen nhau xô đẩy nhau để CƯỚP lộc?

Tư tưởng Phật giáo đã bị biến thái kiểu gì mà người đi chùa toàn cầu tiền, cầu quyền, cầu danh lợi và trả thù – toàn những thứ mà chính Đức Phật khuyên ta nên từ bỏ?

Một vài lần tiếp xúc với các nhà sư tôi cũng thấy phát khiếp bởi sự trịnh thượng, cao ngạo đến lố bịch của họ quanh những đệ tử có khi đáng tuổi cha mẹ họ nhưng một dạ hai vâng. Đỉnh điểm của sự thất vọng là khi tôi trực tiếp nhìn thấy một nhà sư bắc thang … trèo lên bàn thờ để vớt tiền phúng rớt vào trong lư hương.

Với những nhà sư tư bản tôi quan sát thấy ở Việt Nam, cảm giác rõ nhất là chứng kiến một tầng lớp THỐNG TRỊ TÂM LINH đang dần dần thành hình. Bằng sự kết nối với “cõi trên”, họ có quyền lực mạnh hơn cả công an và đảng cầm quyền. Những nhà chính trị theo tư tưởng cộng sản khi xưa theo đường lối vô thần, gạt bỏ hoặc phê phán tôn giáo bao nhiêu thì thời nay, một số kẻ lại khúm núm như những đứa trẻ nghe cha mẹ dạy bảo bấy nhiêu.

Sự mê tín dị đoan, sự bất trắc của cuộc sống, sự thiếu niềm tin vào một hệ thống công lý càng khiến cho nỗi lo sợ ấy bao trùm tới cả chúng sinh. Khi người ta càng sợ, người ta càng cuống quýt bấu víu vào một thế lực siêu phàm nào đó.

Ở Việt Nam, thế lực ấy có một nẻo đi qua tay các nhà sư. Nhưng nếu có kẻ coi đi tu là một nghề, thì hoá ra ta đang biến nỗi sợ hãi của mình thành năng lượng làm giàu cho kẻ khác hay sao?

***

Phật tại tâm. Đừng xin Phật điều gì, vì Phật làm gì có mà xin. Hãy xin chính bản thân mình.

Phật tại tâm. Cũng chẳng cần cúng Phật điều gì. Phật có cần gì đâu mà cúng. Nếu muốn giúp đời, không nhất thiết sự giúp đỡ ấy phải đi qua cửa chùa, nhất là một ngôi chùa nhiều thị phi.

Chẳng có một tôn giáo nào hào phóng như đạo Phật, ban cho ta quyền lực trở thành chính một vị Phật mà ta cần cúi lạy.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 24 Tháng Tám 20224:29 CH
Khách
Phật tại tâm. Đừng xin Phật điều gì, vì Phật làm gì có mà xin. Hãy xin chính bản thân mình.

" Phật tại tâm. Cũng chẳng cần cúng Phật điều gì. Phật có cần gì đâu mà cúng. Nếu muốn giúp đời, không nhất thiết sự giúp đỡ ấy phải đi qua cửa chùa, nhất là một ngôi chùa nhiều thị phi.

Chẳng có một tôn giáo nào hào phóng như đạo Phật, ban cho ta quyền lực trở thành chính một vị Phật mà ta cần cúi lạy."
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn