Vừa ân xá, liệu "thái tử" Samsung có lên chức chủ tịch ngay?

Chủ Nhật, 28 Tháng Tám 20229:00 SA(Xem: 1572)
Vừa ân xá, liệu "thái tử" Samsung có lên chức chủ tịch ngay?

Lệnh ân xá ông Lee Jae-yong - Phó Chủ tịch Samsung Electronics vừa được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chấp thuận tuần trước. Quyết định này mở đường cho người thừa kế của Samsung chính thức nắm quyền lãnh đạo của nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. 

Vừa ân xá, liệu "thái tử" Samsung có lên chức chủ tịch ngay?
Thái tử Samsung Lee Jae-yong. Ảnh chụp màn hình

Ổn định kinh tế Hàn Quốc

Sự trở lại của "thái tử" Samsung  Lee Jae-yong (Jay Y. Lee) được coi là động lực ổn định cho nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, gián đoạn thị trường do xung đột Nga - Ukraina và những khó khăn trong logistics do Trung Quốc phong tỏa, Bloomberg nhận định.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ chip cũng làm phức tạp hơn nữa các kế hoạch dài hạn của Samsung - công ty đặt các nhà máy chế tạo chất bán dẫn lớn ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Khi được ân xá ngày 12.8, người thừa kế của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bị bắt vì tội hối lộ đã xin lỗi công chúng Hàn Quốc và cam kết "bắt đầu lại một lần nữa". "Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho xã hội và cùng phát triển" - ông Lee Jae-yong nói. 

Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong trước tòa án Seoul ngày 12.8. Ảnh: Seong Joon Cho
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong trước tòa án Seoul ngày 12.8. Ảnh: Seong Joon Cho

Lệnh ân xá cho người thừa kế 54 tuổi của gia tộc Samsung có hiệu lực từ 15.8 nhân dịp quốc khánh Hàn Quốc. Ban đầu, ông bị kết án 30 tháng vì cáo buộc tìm cách hối lộ một tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm và tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ cho việc ông thừa kế Samsung.

Lấy lại vai trò ở Samsung

Việc được ân xá giúp ông Lee Jae-yong tham gia lại vào hội đồng quản trị của Samsung cũng như đi công tác nước ngoài để hoàn tất các giao dịch.

“Samsung đang rơi vào khủng hoảng vì đã đánh mất hai thế mạnh: Dẫn đầu về công nghệ và quản lý nghiêm ngặt. Hãng cũng thiếu vắng tháp kiểm soát đưa ra quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm để giữ vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn" - Park Ju-gun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại Leaders Index nhận định. 

Việc được ân xá cũng giúp ông Lee chính thức lấy lại vai trò lãnh đạo của ông ở tập đoàn. Các điều kiện tạm tha trước đó ngăn cản ông làm việc trong thời hạn 5 năm và chỉ nhận được báo cáo từ các giám đốc điều hành công ty nhưng không có được chức danh thích hợp trong hội đồng quản trị. 

Ông Lee Jae-yong được cho là sẽ xúc tiến các quyết định chiến lược lớn, từ các thương vụ sản xuất chip đến các cải cách quản trị. 

Một trong những câu hỏi đáng chú ý là liệu ông có tìm cách đảm nhận cương vị chủ tịch của Samsung hay không. Kể từ khi cha ông - ông Lee Kun-hee - qua đời vào tháng 10.2020, vị trí chủ tịch của tập đoàn trị giá 280 tỉ USD vẫn bị bỏ trống.

Tuy nhiên, ông Lee Jae-yong sẽ chưa tránh khỏi các vấn đề pháp lý khác trong nhiều năm bởi ông vẫn đang bị cáo buộc về các vụ việc khác liên quan tới sáp nhập các công ty con của Samsung và sẽ tham dự các phiên điều trần hàng tuần liên quan tới vụ việc này.

Những sáng kiến đáng chú ý

The Korea Times ngày 14.8 dẫn nhận định của các chuyên gia trong ngành công nghệ cho biết, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong có nhiều khả năng sẽ sớm trở thành chủ tịch của gã khổng lồ trong lĩnh vực chip. Việc thăng chức này sẽ kiểm tra khả năng điều hành của ông trong môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn. 

Trong số sáng kiến kinh doanh của ông, một trong những vấn đề hàng đầu là thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc, động lực tăng trưởng chính của đất nước. Ngành này đang đối mặt với sức ép điều chỉnh ngày càng lớn để đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt và căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc. 

Gắn chặt với hoạt động của ngành công nghệ cao là sự phục hồi rất được mong đợi của giá cổ phiếu Samsung Electronics, hiện dao động ở mức khoảng 60.000 won (46 USD), giảm mạnh so với mức 96.800 won ghi nhận ngày 15.1.2021. 

Vấn đề quan trọng khác là cách ông Lee Jae-yong sẽ sử dụng lượng tiền mặt dự trữ lên tới 124 nghìn tỉ won (khoảng 95 tỉ USD) của Samsung để mua lại các công ty khác và đảm bảo những động cơ tăng trưởng mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dịch vụ viễn thông thế hệ tiếp theo, các doanh nghiệp sinh học và y tế. 

Các chuyên gia nhận định, việc thăng chức cho ông Lee Jae-yong là động thái đúng thời điểm, trừ khi bị các cổ đông thiểu số phản đối. "Vẫn còn phải xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong những tháng tới" - một nguồn tin nhận định.

Chip sẽ là lĩnh vực Samsung tập trung phát triển sau khi “thái tử” Samsung được ân xá. Ảnh chụp màn hình
Chip sẽ là lĩnh vực Samsung tập trung phát triển sau khi “thái tử” Samsung được ân xá. Ảnh chụp màn hình

Phó chủ tịch Samsung Electronics dự kiến củng cố năng lực sản xuất chip không nhớ (non-memory chip) của Samsung, động thái nhằm mở rộng sự hiện diện trên thị trường khi công ty đã dẫn đầu thị trường chip nhớ (memory chip) toàn cầu trong 3 thập kỷ qua. 

Những nỗ lực mở rộng của Samsung phần lớn được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của các đối thủ Trung Quốc - những công ty đang nhận được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh - đồng thời hưởng lợi từ nhu cầu mạnh từ thị trường rộng lớn trong nước. 

Cũng thu hút sự chú ý của thị trường là việc nối lại các cuộc đàm phán mua bán vốn bị ngưng trệ. Thương vụ mua lại gần đây nhất của Samsung liên quan tới nhà sản xuất linh kiện điện tử ô tô Mỹ Harman với giá 9,4 nghìn tỉ won (7,2 tỉ USD) vào tháng 11.2016. Các giám đốc điều hành hàng đầu của Samsung Electronics gần đây hé lộ có thương vụ mua lại một công ty lớn khác sắp diễn ra nhưng chưa có tiến triển rõ ràng nào được tiết lộ. 

Việc thăng chức chủ tịch Tập đoàn Samsung của ông Lee Jae-yong có thể diễn ra trước cuối năm nay, kết thúc 10 năm ông làm phó chủ tịch, bắt đầu từ tháng 12.2012.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn