Nhà văn Salman Rushdie

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn Salman Rushdie

Ngày 12/8, sau nhiều năm bị dọa giết vì tác phẩm “The Satanic Verses” (Những vần thơ của quỷ Satan) bị coi là báng bổ Hồi giáo, nhà văn Salman Rushdie bị đâm ở New York, ở tuổi 75.

Khi ông đang chuẩn bị phát biểu ở Viện Chautauqua, một người đàn ông chạy lên sân khấu và đâm nhiều lần.

Nhà văn Anh Salman Rushdie, người sinh ra ở Bombay, nay là Mumbai, Ấn Độ thời thuộc địa Anh, đã qua phẫu thuật và hiện nay đã thở không cần máy, nhưng theo người đại diện Andrew Wylie, ông bị đứt dây thần kinh trong một cánh tay, tổn thương gan, và có khả năng sẽ mất thị lực một mắt.

Nhiều nhà văn nổi tiếng như J. K. Rowling, Stephen King, Arundhati Roy, Khaled Hosseini… và truyền thông khắp thế giới đã lên tiếng chia sẻ với ông Rushdie, lên án vụ tấn công, và nhấn mạnh sự quan trọng của tự do ngôn luận, đặc biệt với giới cầm bút.

Trong khi đó, truyền thông Iran bình luận nhiều về sự kiện này và gọi đó là “sự trừng phạt của Thượng Đế".

Đài truyền hình nhà nước Iran Jaam-e Jam nói “quỷ Satan đã bị mù một mắt”.

Nguồn hình ảnh, PA Media

Chụp lại hình ảnh,

Hình chụp ông Rushdie năm 1989, với cuốn "Những vần thơ của quỷ Satan"

Iran phủ nhậ̣n mọi liên quan

Khi có tin về vụ tấn công, dư luận quốc tế hướng tới về Tehran, vì sắc lệnh tôn giáo fatwa kêu gọi ám sát nhà văn Salman Rushdie cách đây hơn ba thập kỷ.

Lệnh fatwa có từ Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini, khi đó là lãnh đạo Iran, với tiền thưởng 3 triệu đô la (2,5 triệu bảng Anh) cho đầu tác giả.

Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Nasser Kanaani—người đưa ra phản ứng chính thức đầu tiên của nước này—nói Iran “dứt khoát” phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào, và nói “không ai có quyền buộc tội Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Tuy nhiên, ông Kanaani cũng nói quyền tự do ngôn luận không biện minh cho việc ông Rushdie xúc phạm tôn giáo trong viết lách của mình.

“Trong vụ tấn công này, chúng tôi không xem ai khác ngoài Salman Rushdie và những người ủng hộ ông ta đáng đổ lỗi và thậm chí lên án”, phát ngôn viên nói trong buổi họp báo hàng tuần ở Tehran.

“Khi xúc phạm những vấn đề thiêng liêng của Hồi giáo và vượt qua ranh giới đỏ của hơn 1,5 tỷ người đạo Hồi và tất cả những người theo tôn giáo thần thánh, Salman Rushdie đã phơi bày bản thân trước sự giận dữ và thịnh nộ của dân chúng.”

Ông nói, Iran không biết thông tin nào khác về kẻ tấn công, trừ những chi tiết đã xuất hiện trên truyền thông.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói việc đổ lỗi cho ông Rushdie là “lố bịch”, nói thêm “đây không chỉ là vụ tấn công ông ấy, mà là tấn công vào quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt”.

Trước đó, phát ngôn viên của đảng Lao động (đối lập) chuyên trách về đối ngoại David Lammy đã yêu cầu chính phủ khẩn cấp gây áp lực để Iran xin lỗi và rút lại những bình luận “thật sự đáng ghê tởm” trên.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên án cách nhà nước Iran kích động bạo lực nhằm vào nhà văn Salman Rushdie, viết trong tuyên bố rằng ông Rushdie đã “nhất quán lên tiếng vì quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và tự do báo chí.”

“Trong khi các quan chức thực thi pháp luật tiếp tục điều tra vụ tấn công, tôi cũng nhớ đến những thế lực độc địa đang tìm cách phá hoại những quyền này, gồm cả cách dùng ngôn từ thù hằn, và kích động bạo lực.

“Cụ thể, các cơ quan thuộc nhà nước Iran đã kích động bạo lực với ông Rushdie qua nhiều thế hệ, và các phương tiện truyền thông nhà nước của họ gần đây càng tỏ ra hả hê về âm mưu ám sát ông ấy. Đây là điều rất đáng khinh bỉ.”

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Rushdie bị đâm nhiều lần trước khi phát biểu ở Chautauqua, New York

Ông Blinken nói thêm, Hoa Kỳ và các đối tác sẽ dùng “mọi công cụ phù hợp” có thể để chống lại cái ông gọi là “những mối đe dọa này”.

Trong khi đó, người đàn ông bị buộc tội trong vụ tấn công hôm thứ Sáu—Hadi Matar, 24 tuổi—tuyên bố không nhận tội trước cáo buộc hành hung và cố ý giết người.