Nhà báo Phạm Đoan Trang sắp ra tòa phúc thẩm: ‘Đây là án thái độ’

Thứ Tư, 10 Tháng Tám 20224:00 SA(Xem: 1380)
Nhà báo Phạm Đoan Trang sắp ra tòa phúc thẩm: ‘Đây là án thái độ’
rfa.org

Nhà báo Phạm Đoan Trang sắp ra tòa phúc thẩm: ‘Đây là án thái độ’


Nhà báo Phạm Đoan Trang, người được trao nhiều giải nhân quyền quốc tế, sắp ra tòa phúc thẩm. Luật sư đại diện nhận định việc giảm án tùy thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không. 

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm vào ngày 25/8 để xét xử nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang vì có đơn kháng cáo. 

Bà Trang bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên toà hồi tháng 12 năm 2021.

Theo thông báo của toà gửi cho luật sư, phiên toà công khai sẽ được thực hiện tại trụ sở của toà án cấp cao tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa cho bà Trang trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm cho biết, thân chủ của ông luôn khẳng định mình vô tội và chính vì thái độ này của bà mà khó có sự thay đổi về mức án trong phiên toà phúc thẩm sắp tới.

“Chị Trang ngay từ đầu đến giờ hoàn toàn không nhận tội, chúng tôi cũng đồng quan điểm với chị Trang. 

Trong quan điểm bào chữa của các luật sư, chị Trang không có tội nên là không có chuyện xin giảm nhẹ mức án. 

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phiên toà phúc thẩm không có thay đổi nhiều, tức là khả năng y án sơ thẩm đến trên 90%. 

Bởi vì trong các vụ án như thế này, như chúng tôi đã trình bày rất nhiều lần, đây là án thái độ, nghĩa là nếu các thân chủ của chúng tôi xin giảm nhẹ thì được chấp nhận rất là cao. 

Tuy nhiên, họ không xin giảm nhẹ và khả năng y án rất là cao, và trường hợp của bà Trang cũng không phải là ngoại lệ.”

Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động 44 tuổi bày tỏ với phóng viên rằng, bà không biết có được tham dự phiên toà phúc thẩm công khai như trong phiên sơ thẩm hay không. Bà chia sẻ:

“Theo thông lệ thì nếu mà là các nước khác thì chắc họ cũng có phần nể áp lực quốc tế nhưng Việt Cộng lỳ lắm. 

Ngay khi Trang bị bắt cũng như trước phiên sơ thẩm, nhiều đại sứ quán nước ngoài kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trang ngay và vô điều kiện nhưng nó có làm đâu.”

Bà cho biết thêm bà Trang chưa được gặp người thân kể từ khi bị bắt hơn 22 tháng trước. Con gái bà bị phân biệt đối xử. 

Gia đình không được gửi thức ăn đã chế biến sẵn như nhiều trường hợp khác mà bị buộc phải mua từ căng-tin của Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội để tiếp tế.

Theo cáo trạng, từ ngày tháng 11 năm 2017 đến đầu tháng 12 năm 2018, bà Trang có hành vi "làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam."

Cụ thể, bà Trang bị cho là có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam," "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam," và "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam."

Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội, cơ quan giữ quyền công tố, nói các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước CHXHCN Việt Nam."

Bà Trang cũng bị cáo buộc đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài như BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu Tự do (RFA) với “nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước."

Bà Trang, đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí và trang báo tiếng Anh The Vietnamese Magazine, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách chính trị như Chính trị Bình dân và Cẩm nang Nuôi tù.

Từng là cựu phóng viên của báo VietnamNet, bà bị bắt ngày 06/10/2020, chỉ vài giờ sau Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ thường niên.

Việc bà bị bắt có liên quan đến việc bà là đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm, một báo cáo toàn diện nói về tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, và cuộc tấn công của khoảng 3.000 cảnh sát cơ động vào làng Hoành sáng sớm ngày 9/1/2020, giết chết thủ lĩnh tinh thần Lê Đình Kình và bắt giữ hàng chục người dân. Chỉ một thời gian ngắn sau khi báo cáo song ngữ Anh-Việt được công bố thì bà bị bắt.

Nhiều năm trước khi bị bắt giam, bà Trang đã nhiều lần bị công an Việt Nam câu lưu và đánh đập. 

Do bị lực lượng an ninh đánh trong vụ biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hàng nghìn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố tháng 5 năm 2015, chân bà bị hỏng khớp và bà phải dùng nạng để di chuyển. 

Bà Căn nói trong suốt thời gian điều tra, con gái bà bị đánh đập nhiều lần bởi cán bộ điều tra và cả tù hình sự. Hiện bà Trang bị nhiều bệnh như rong kinh, huyết áp thấp, và đau chân nhưng không được điều trị y tế đầy đủ.

Do các hoạt động cổ suý nhân quyền và tự do báo chí, bà Trang được tặng nhiều giải thưởng quốc tế cao quý, trong đó có Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho mục Ảnh hưởng, giải thưởng Homo Homini từ tổ chức People In Need (Cộng hòa Séc), giải Tự do Truyền thông 2022 do Bộ Ngoại giao Canada và Vương Quốc Anh trao tặng, giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals, và gần đây nhất là giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn