bbc.com

Lịch sử phản đối Bắc Kinh lâu dài của bà Nancy Pelosi - BBC News Tiếng Việt


American politician Nancy Pelosi speaks with the press at the US Capitol in 2019. Photo from EPA

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là người thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - người được đồn là sẽ đến thăm Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận và Nhà Trắng đau đầu về mặt ngoại giao - đã có lịch sử chỉ trích chính phủ Trung Quốc từ lâu.

Trong đó nổi tiếng nhất là vào năm 1991, hai năm sau khi các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Bắc Kinh bị chính phủ Trung Quốc dập tắt, bà Pelosi đã đến thăm Quảng trường Thiên An Môn và trưng ra một biểu ngữ tôn vinh những người biểu tình đã thiệt mạng.

Đáp lại, chính phủ Trung Quốc không giấu giếm thái độ coi thường bà Pelosi, từng đánh giá bà "đầy dối trá và thông tin sai lệch".

Trung Quốc coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai, một phần lãnh thổ mà cuối cùng sẽ hợp nhất với đại lục - và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được điều này. Chính quyền Tập Cận Bình đã gây áp lực đáng kể để ngăn cản các quốc gia khác công nhận nền độc lập của Đài Loan.

Trung Quốc cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan.

Bà Nancy Pelosi là người thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống, sau Phó Tổng thống Kamala Harris, và sẽ là chính trị gia cao cấp nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ người tiền nhiệm Newt Gingrich vào năm 1997.

Bà Pelosi được cho là sẽ đến thăm Singapore, Indonesia và Nhật Bản vào đầu tháng 8, nhưng vẫn chưa rõ liệu bà có đến Đài Loan hay không.

Với căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, ngay cả các quan chức Nhà Trắng được cho là đã cố gắng khuyên ngăn bà đến hòn đảo tự trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã nói với các phóng viên rằng "quân đội cho rằng đó không phải là một ý kiến hay".

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên bà Pelosi khiến chính quyền Trung Quốc tức giận.

Chuyến thăm Quảng trường Thiên An Môn năm 1991

Hai năm sau khi những người biểu tình bị lực lượng Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiền nát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, đại diện của California lúc bấy giờ đã đến thăm thành phố thủ đô.

Không thông báo với đoàn hộ tống chính thức, bà Peolsi cùng với hai thành viên khác của Quốc hội Mỹ đã đến quảng trường thành phố mà không có sự cho phép của nước chủ nhà Trung Quốc.

Ở đó, họ giăng một biểu ngữ nhỏ, màu đen vẽ bằng tay có nội dung: "Cho những người đã chết vì nền dân chủ ở Trung Quốc".

Bỏ qua Twitter tin, 1

Cuối Twitter tin, 1

Cảnh sát khi đó nhanh chóng ập đến, tóm gọn các phóng viên đang đưa tin về sự kiện và đuổi các nhà lập pháp ra khỏi quảng trường.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã tố cáo vụ việc là một "trò hề được tính toán trước".

Một số người đã chỉ trích hành động của bà Pelosi trong chuyến thăm năm 1991. Cựu giám đốc văn phòng CNN ở Bắc Kinh Mike Chinoy đã viết trong một bài báo cho Foreign Policy rằng bà Pelosi là lý do khiến ông này bị bắt tại hiện trường.

Ông Chinoy nói rằng ông không biết bà Pelosi định làm gì tại quảng trường và ông đã bị giam giữ trong vài giờ vì cảnh sát không thể nhắm vào một chức sắc nước ngoài đến thăm Trung Quốc.

"Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với thiên hướng dùng những cử chỉ chọc ngoáy các nhà nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc của bà Pelosi - bất kể hậu quả như thế nào", ông Chinoy viết.

Bỏ qua Twitter tin, 2

Cuối Twitter tin, 2

Bà Pelosi, người cũng góp phần đưa ra nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc vào năm 1989, đã tiếp tục lên tiếng về vụ "thảm sát" những người biểu tình suốt nhiều năm.

Gần đây nhất, bà đã ra tuyên bố kỷ niệm 33 năm cuộc biểu tình tại Thiên An Môn vào năm nay, gọi đó là "một trong những hành động chính trị dũng cảm vĩ đại nhất" và hạ bệ "chế độ áp bức" của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thư gửi Hồ Cẩm Đào

Tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2002, bà Pelosi đã cố gắng gửi tới ông bốn bức thư bày tỏ quan ngại về việc giam giữ và bỏ tù các nhà hoạt động ở Trung Quốc và Tây Tạng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho họ.

Ông Hồ Cẩm Đào đã từ chối nhận những bức thư này.

Bảy năm sau, bà Pelosi được cho là đã gửi một lá thư khác cho ông Hồ Cẩm Đào - lúc này là Chủ tịch Trung Quốc - kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Lưu Hiểu Ba.

Ông Lưu Hiểu Ba là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng không được phép đến Na Uy để nhận giải thưởng. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2017 trong khi vẫn bị chính quyền Trung Quốc quản thúc.

Thao diễn Olympic

Bà Pelosi đã phản đối việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế vận hội từ năm 1993 với lý do nước này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Bà là một trong những nhà lập pháp không thành công trong việc thúc giục Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè của Trung Quốc năm 2008.

Năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lại đưa ra lời kêu gọi "tẩy chay ngoại giao" với Thế vận hội mùa đông 2022 của Bắc Kinh do cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

"Đối với các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc diệt chủng đang diễn ra - trong khi bạn đang ngồi trên ghế của mình - câu hỏi thực sự được đặt ra là, bạn có thẩm quyền đạo đức gì để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ? " bà Pelosi nói.

Đáp lại, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết các chính trị gia Mỹ không có tư cách gì để đưa ra "những lời chỉ trích vô căn cứ" đối với Trung Quốc.

Trong những năm qua, bà Pelosi cũng đã thúc đẩy tình trạng thương mại của Trung Quốc gắn với hồ sơ nhân quyền của nước này và thiết lập các điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chính sách này đã gây ra nhiều tranh cãi: ông George W Bush đã nhiều lần phủ quyết luật liên quan đến vấn đề này, trong khi cựu Tổng thống Bill Clinton ban đầu ủng hộ nhưng sau đó lại từ bỏ, biện minh rằng thay đổi là vì chiến lược lợi ích rộng lớn hơn của Mỹ.