Trung Quốc : Tỉ phú Canada gốc Hoa ra tòa sau 5 năm « mất tích »

Thứ Tư, 06 Tháng Bảy 20222:00 SA(Xem: 1786)
Trung Quốc : Tỉ phú Canada gốc Hoa ra tòa sau 5 năm « mất tích »

tieukienhoa_01


Đăng ngày:

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình :

Phiên tòa đã nhiều lần bị dời lại, dự kiến diễn ra ở Thượng Hải vào cuối tháng Sáu, theo trang web chính thức Sina Finance. Bị cáo có thể đã quyết định  « hợp tác tích cực với cuộc điều tra » nên được trình diện trước tòa. Bởi vì từ 5 năm qua không hề có một tin tức nào.

Tháng Giêng năm 2017, Tiêu Kiến Hoa bị bắt cóc tại một khách sạn năm sao ở Hồng Kông rồi được các nhân viên an ninh Trung Quốc đưa về Hoa lục. Bị giam giữ trong bí mật, không có chi tiết nào về hồ sơ của ông được tiết lộ. Chính quyền Canada nói với AFP là vẫn « tiếp tục gây áp lực để lãnh sự được thăm viếng ».

Người ta biết được rằng Tiêu Kiến Hoa là một trong những người giàu nhất Trung Quốc vào lúc ông bị mất tích, với gia tài cá nhân được truyền thông Nhà nước ước tính khoảng 4,8 tỉ euro. Đặc biệt ông là người đứng đầu một đế chế tài chính, « Tomorrow Group », gồm 9 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, sở hữu 44 định chế tài chính trong đó có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 4 công ty ủy thác, dưới dạng thức cổ phần phức tạp, những công ty bình phong do những người thân cận và các « bạn học cũ ở trường đại học Bắc Kinh » quản lý - theo Sina Finance. Cần biết rằng Tiêu Kiến Hoa lãnh đạo nghiệp đoàn chính thức của sinh viên đại học vào thời điểm cuộc đàn áp Mùa xuân Bắc Kinh năm 1989.

Về mặt chính thức, chính quyền cáo buộc ông biển thủ tài sản công, một tội danh có hình phạt ít nhất 5 năm tù. Nhưng thật ra một số người cho rằng vụ mất tích của Tiêu Kiến Hoa có liên quan đến sự thân cận với giới tinh hoa đỏ ở cấp cao nhất, và những bí mật có thể gây bối rối cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Người anh của nghi can tháng trước nói với Wall Street Journal : « Sau 5 năm chờ đợi, gia đình chúng tôi trên cơ sở những thông tin nghiêm túc của em tôi, tiếp tục tin tưởng vào chính phủ và luật pháp Trung Quốc ».

Được AFP chất vấn, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói rằng « không biết gì » về hồ sơ này.

Vụ bắt cóc tỉ phú Tiêu Kiến Hoa từng gây chấn động hồi năm 2017, do luật pháp Hồng Kông cấm công an Trung Quốc can thiệp vào đặc khu. Trước đó năm 2015, năm người chuyên xuất bản những cuốn sách nói về nội tình Trung Quốc cũng biến mất và sau đó tái xuất hiện ở Hoa lục với lời « thú tội ». Nỗi lo bị cưỡng bức đưa về Trung Quốc xét xử là trung tâm của những cuộc biểu tình khổng lồ làm rung chuyển Hồng Kông năm 2019, chống lại dự luật dẫn độ. Đến năm 2020, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông, kể từ đó công an Trung Quốc có quyền hoạt động tại đặc khu.

https://www.rfi.fr/vi/ch
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn