Gerasimov đến Izyum làm gì ?

Thứ Hai, 02 Tháng Năm 20222:00 SA(Xem: 1969)
Gerasimov đến Izyum làm gì ?

gerasimov-putin

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Valery Gerasimov đến chiến trường Ukraine (Izyum) đến hôm nay đã là ngày thứ ba. Các trang quân sự và cả một số chuyên gia cũng đều có những đánh giá, phán đoán nhất định nhân việc này.

Tui xin dẫn về ý kiến phổ biến nhất: Ông ta đến để xoay chuyển tình thế thông qua quan sát thực tế chiến trường và đưa ra những quyết sách phù hợp liên quan đến mục tiêu chiến dịch, cách đánh của quân Nga.

Ý kiến thứ hai, người chịu trách nhiệm chính hiện nay ở chiến trường là Aleksandr Dvornikov đang tỏ ra không hiệu quả trong vai trò chỉ huy duy nhất của toàn chiến dịch...

Đầu chiến tranh, chúng ta đã từng có thông tin rằng thượng tướng Aleksandr Chayko (Tư lệnh Quân khu miền Đông) đã đến chiến trường bắc Kyiv để làm gì đó, mà sau đó Phan Quang đã đoán mò là hắn tổ chức rút quân khỏi khu vực Bắc Kyiv và Sumy khá thành công, ngoài một số tổn thất. Đến nay tui vẫn tin khu vực Kharkiv - Izyum tay này vẫn chịu trách nhiệm.

Mới đây tay Aleksandr Sanchik được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu miền Nam của Nga:

Vậy chúng ta có thể đưa ra ý tưởng gì ở đây được? Quân khu miền Nam... phải chăng có thời gian Dvornikov kiêm nhiệm hai chức, vừa Tư lệnh Quân khu vừa chịu trách nhiệm Tư lệnh Chiến dịch và đã đến lúc lão ta than lên với Gerasimov: em bận quá anh ơi!

Đánh giá cách tác chiến hiện nay trên chiến trường ở ba mặt trận, thì hai mặt trận Izyum và The Battle of Donbas có diễn biến tương tự. Chúng ta gọi để dễ theo dõi thôi chứ thực chất hai khu vực này như một, có tính hỗ trợ cho nhau. Ở mức độ cao hơn, có thể coi đây là một tiểu chiến dịch trong đó quân Nga hợp vây một lượng quân đội Ukraine lớn ở khu vực Slovyansk - Kramatorsk. Đây chính là kiểu theo sách vở trong các lý thuyết quân sự Nga. Ngoài ra Nga vẵn tổ chức các "hệ" mũi tấn công gọng kìm nhỏ hơn, như nỗ lực chiếm Kreminna, Lyman...

Theo các nhà quan sát quân sự thì Dvornikov giảm việc sử dụng đại trà xe tăng, tấn công thận trọng bằng bộ binh có sự hỗ trợ mãnh liệt của pháo binh. Có vẻ như việc thay đổi chiến thuật này đem lại thành công và một anh Tây nào đó viết: chiến dịch thành công hơn chúng ta tưởng. Dvornikov đã chuyển sang chiến thuật đánh tiêu hao, nhưng không tiếc máu của binh sĩ. Điều đó làm cho trặn đánh trở nên đẫm máu đối với cá hai bên.

Điều này có vẻ cũng phù hợp với thông tin của Oleksii Arestovich rằng "Đã có thương vong lớn nhưng họ còn thiệt hại nặng hơn."

Phải chăng Nga đã đi vào hệ "chiến tranh kiểu Việt Nam" nhưng vai trò ngược lại. Nhận ra chất lượng cá nhân người lính bên Ukraine cao hơn nhiều nên chấp nhận đổi quân, 2 - 3 quân Nga đổi 1 quân Ukraine? Anh Tây dẫn có lần đặc nhiệm Ukraine cùng cố vấn NATO bị phát hiện và pháo kích.

Cá nhân tui thì nhận thấy một yếu tố: Vẫn thấy trên chiến trường Donbas dân quân Ukraine (thực ra là các cựu chiến binh đã chiến đấu ở đây từ mấy năm trước) và anh Tây kia cũng công nhận điều đó, không những có mà còn nhiều. Tất nhiên những người lính này cũng quá là quý báu về kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng tui vẫn kiên trì nghi ngờ rằng: quân chủ lực mới được huấn luyện nhất là số sẽ sử dụng vũ khí nặng mới, vẫn còn được giấu ở chỗ nào đó.

Đến đây tui đồng ý với Phan Quang: Dvornikov sợ tổn thất, nhất là về xe tăng, sau đó là nhân lực nên không dám đánh nhanh mà chuyển sang đánh chạm tiến chắc. Cơ mà người ta lại bảo: đánh chậm tiến chậm thì đúng rồi, nhưng việc không giữ được điểm là thường xuyên. Đó là lý do chúng ta khi theo dõi tình hình chiến sự thấy một điểm cứ đổi chủ suốt trong một thời gian ngắn. Như vậy hai bên cứ cầm chân nhau ở Donbas.

Ở mặt trận thứ ba, vùng phía Nam (Kherson, Mykolaiv): kể ra tui phân biệt như này cũng kỳ kỳ, vì lực lượng Quân khu miền Nam Nga chịu trách nhiệm Donbas, Mariupol và phía Nam Ukraine, nhưng để ý thấy diễn biến ở đây có khác, nên tui chia như vậy cho dễ bình loạn. Ở đây quân Nga vẫn chiếm giữ Kherson khá vững chắc, thậm chí còn định tổ chức trưng cầu dân ý để thành lập "Cộng hòa nhân dân Kherson". Tuy nhiên những diễn biến chiến trường lại cho chúng ta khả năng nhận định là: ở đây Ukraine sẽ phản công thành công, bất chấp những số liệu bất lợi, ví dụ có sự đe doạ của Hạm đội Hắc Hải... Chắc là yếu tố đánh chìm tuần dương hạm Moskva có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý hai bên.

Như vậy Valery Gerasimov sang Izyum làm gì?

Thông tin thêm:

• Cho đến "phase 2" của "Chiến dịch quân sự đặc biệt" Nga đã tung 120 Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) vào, và bị thiệt hại nặng tới con số trung bình 60% quân số các BTG. Để chuẩn bị cho giai đoạn hai, họ mất đến vài tuần để đưa các lực lượng dự trữ có thể gạn được ở các hướng về và hiện tại vẫn đưa quay trở lại một số BTG đã được bổ sung quân số.

• Từ ngày 18/04 đến nay, thiệt hại của Nga là khoảng 6.000 binh sĩ mất mạng, như vậy cũng đến cỡ 20.000 tất cả thương vong. Mà 20.000 đồng nghĩa với số lượng tay súng (lính trực tiếp chiến đấu) của 100 BTG. Vì thế các chuyên gia tính toán chỉ trong 10 ngày của "phase 2" các BTG của Nga tổn thất tiếp từ 25 đến dưới 30% quân số, cá biệt có BTG mất 40%. Để hình dung chúng ta tính nếu 25% thì là 50 binh sĩ thương vong, còn 40% là 80 người.

• Không có con số chính xác, nhưng người ta ước tính Nga đã đưa thêm vào "phase 2" cỡ 20 BTG nữa.

• Trong "phase 1" Nga còn mất một lượng xe tăng... không lớn, nhưng toàn xe ngon nhất. Trừ một số T-64, còn thì trên chiến trường Ukraine họ bị đốt toàn T-72B3M, T-72B3 và thứ xịn nhất T-80BVM. Thứ này còn được đánh giá hơn T-90M vốn là bản nâng cấp sâu của T-72 nhiều. Như vậy Nga mất cỡ 900 xe tăng trên tổng số mười mấy nghìn xe trong kho, nhưng là lực lượng tốt nhất của họ.

• Về máy bay, do sử dụng tần suất cao, đã đến lúc hỏng hàng loạt, nên sức mạnh bảo vệ trên không của Liên bang Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

• Về khả năng tấn công/phòng thủ tên lửa, nếu chỉ còn 30% lượng tên lửa là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng với Nga rồi.

Bình loạn:

- Nga có cái kẹt đầu tiên, là dù mình bên tấn công nhưng lại bị động, không chủ động được cái gì: cách đánh (theo kiểu cũ sợ bị đốt xe tăng, theo kiểu truyền thống thì không đủ đạn pháo, theo kiểu mới thì không có thông tin tình báo và không đủ cả tên lửa); mục tiêu: không biết phải chiếm cái gì, chiếm xong làng này đã xong chưa hay còn làng khác, bao giờ thì được dừng lại; động cơ: bây giờ dân Ukraine đi hết, máy giặt cũng không còn nhiều để cướp, dần dần hiểu ra không có ai là phát-xít cả...

- Cái kẹt thứ hai, là dù có chiếm được điểm dân cư nào đó, cũng không giữ được vì là ở trong nhà người ta. Điều này thậm chí còn đúng với vùng Donbas trước 24/02.

- Cái kẹt thứ ba, là các mốc thời gian. Mốc to đùng trước mắt là lễ chiến thắng 09/05.

Bình loạn:

- Kế hoạch tấn công vào Ukraine từ đầu đến giờ, của Gerasimov cả.

- Chương trình cải tổ quân đội Nga đưa ra mô hình BTG không biết có phải học của ai không, cũng của Gerasimov.

Vì thế, Putin bắt Gerasimov ra chiến trường mà mục kích trực tiếp là phải rồi, chúng ta cũng nhớ Sergei Shoigu không phải là nhà quân sự mà là nhà chính trị gốc kỹ sư.

- Ý tưởng đầu tiên, Gerasimov sang để thúc đẩy tình hình cho nhanh, cũng có thể đúng, thậm chí có ý kiến cho rằng cố chiếm lấy thêm vài điểm dân cư, thành phố... trước 09/05.

- Ý tưởng thứ hai, Gerasimov sang chiến trường thị sát để xem tình hình liệu bề có tấn công được hay không, và sau đó có giữ được hay không...

- Sẽ không có chuyện giữ những chỗ đã chiếm được, mà về được đến sau giới tuyến 24/02 trụ lại ở đó đã là một thắng lợi lớn.

• Tinh thần quân Nga trên các mặt trận, Tổng tham mưu trưởng không thể không biết.

• Tinh thần quân Ukraine, cũng không thể không biết.

• Tương quan lực lượng hai bên, càng ngày càng có lợi cho quân Ukraine, không thể không biết.

• Tương quan về kỹ thuật vũ khí, công nghệ và dần dần cả về số lượng của hai bên sẽ lệch dần về phía Ukraine, cả Phương Tây lẫn Ukraine cứ inh ỏi lên, đến chúng ta còn biết.

• Về chính trị, mới nhất là Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Lend-lease cho Ukraine, đồng nghĩa với khả năng đánh nhau không giới hạn của Ukraine.

• Về chính trị nội bộ, Oligarch bị giết cứ như ngóe, đủ thấy lục đục. Chưa kể đến đốt hết chỗ này đến chỗ khác.

• Về tiềm lực quân sự: (1) Nga đã cạn kiệt dự trữ cả về nhân sự lẫn kỹ thuật, vũ khí khí tài. Tất nhiên số lượng họ còn vẫn là con số khổng lồ, nhưng là so với chúng ta thôi. Tình trạng này là không thể chấp nhận được với một cường quốc như Nga, mà nhu cầu phòng thủ là rất quan trọng. (2) Nga không thể đưa toàn bộ nền sản xuất quốc phòng vào tình trạng phục vụ chiến tranh được trong một sớm một chiều.

• Về tương quan lực lượng chiến trường và dự trữ, Nga đã bước qua ngưỡng nguy hiểm từ rất lâu. Người ta tính cuộc chiến tranh như thế này, Nga với quân đội gấp 10 lần Ukraine, thì chỉ được dùng 100.000 quân là nhiều nhất. Trong khi đó, đến nay Nga dùng đến 250.000 quân, nhưng do "yếu tố BTG" hóa ra họ đã dùng trên 80% lực lượng chiến đấu chính nếu xét về mặt BTG, xe tăng tốt để chiến đấu hiệu quả cũng bị diệt đến 20%...

Nếu Nga chưa cần lôi thêm nốt các lực lượng dự trữ ở các hướng về để đánh tiếp cho có kết quả, chỉ cần đánh cố với lực lượng đã dồn vào cả ba mặt trận hiện nay, mà bị thiệt hại nặng, cũng đã đồng nghĩa với việc nước này mất đi sức mạnh quốc phòng. Còn nếu họ quẳng nốt quân ở các hướng vào thì sẽ ảnh hưởng đến các hướng phòng thủ chiến lược đó và đó là điều không thể. Gerasimov chắc chắn biết điều này.

• Nếu mất tất như thế, Nga sẽ mất từ 2 đến 5, 10 năm tùy theo từng điều kiện để phục hồi như cũ.

Tất cả các điểm trên cho thấy, nếu cố quá thì thành quá cố, đã thua là xong phim luôn, nên khả năng Gerasimov sang để nghiên cứu khả năng... rút quân và rút như thế nào.

Tui và một ông anh cùng hình dung: Ukraine đang thuận lợi ở Kharkiv, sẽ tổ chức đánh theo hướng bắc nam xuống Luhansk. Nếu cú này thành công, sẽ làm toàn bộ quân Nga ở cả Izyum lẵn Donbas hết đường về. Cú này nếu đánh, nên đánh vào mai hoặc kia (01/05) và xong trước 09/05.

Ở phía Nam họ cũng sẽ đánh.

Về phía Gerasimov, bây giờ cũng bắt buộc phải tổ chức đánh nhưng mà là đánh để rút như Aleksandr Chayko đã từng làm. Nếu rút không khéo, có khi còn thiệt hại nặng như đoàn quân Nga ở Chernihiv hồi nào, đốt đến mấy trăm xe và không biết bao nhiêu quân bị diệt.

Về thời gian, nếu Ukraine chưa chủ động đánh Nga cũng đánh và ngược lại, Nga không đánh thì Ukraine cũng đánh nhưng với hai mục đích khác nhau.

Đến đây có một so sánh của ông anh Lê Hồng Anh  xin đưa về để các bác tham khảo:

GIỐNG VÀ KHÁC CỦA CUỘC CHIẾN VIỆT-MỸ VÀ NGA-UKRAINA

Tình thế hiện tại của cuộc chiến Nga-Ukraina khá giống với chiến tranh Việt Nam :

a) Giống và khác điểm 1: Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” giống với Mỹ mở màn chiến tranh Việt Nam với “chiến tranh cục bộ”. Nga nhắm mục tiêu chính quyền Kiev nhưng bảo vệ ly khai Donbass, Mỹ cũng vậy nhưng ngược lại bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa (đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc) và chống Bắc Việt trong vai ly khai (chống lại hiệp thương tổng tuyển cử từ 1955). Cả hai đều không phải là khai chiến với chiến tranh toàn diện giữa hai nước.

b) Giống và khác điểm 2: Từ 1970, Mỹ thực hiện từng bước rút chân khỏi cuộc chiến Việt Nam để thực hiện “Học thuyết kẻ điên” với mục tiêu lớn hơn là cả phe xã hội chủ nghĩa, vì thế hòa đàm Paris được tiến hành. Nhưng đến 1972 thì Bắc Việt vẫn giữ quan điểm không công nhận Việt Nam Cộng Hòa nhưng đòi Mỹ công nhận chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ông Xuân Thủy bỏ ngang hội nghị Paris về Hà Nội nên ông Kít mới tuyên bố “cho Hà Nội trở về thời đồ đá” và sử dụng B52.

Nga cũng dùng đến TU 160 vừa qua ném bom Kiev, nhưng khác ở chỗ B52 thành công trong việc kéo Bắc Việt quay lại Paris đàm phán với 4 bên mà trước đó Mỹ đề nghị: Bắc Việt & chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với Mỹ & Việt Nam Cộng Hòa. Khi đó Mỹ đơn độc vì phong trào phản chiến lan khắp thế giới, nay Nga cũng đơn độc vì đa số thế giới phản đối bằng hẳn văn bản Liên Hiệp Quốc.

c) Giống và khác điểm 3: Nay Nga tính rút quân để đàm phán với nguyên trạng Donbas + Crimea, nhưng Ukraina muốn ít nhất thu hồi Donbas, chỉ đàm về Crimea. Tình thế năm 72-73 ở miền Nam Việt Nam đã cài da báo như Donbass hiện giờ.

Nhưng khác là khi đó Mỹ dùng hòa đàm để rút, nay thì Ukraina không chịu đàm trước nên Nga rút rất nguy hiểm và phải “đánh để rút” và có thể thêm một tướng nữa thí mạng nếu không cẩn thận. Cái khác căn bản là Donbass không có chính danh như Việt Nam Cộng Hòa trước đây nên Ukraina sẽ cố gắng thu hồi khi đủ sức. Ở lại cũng quá dài về “chiến dịch” rồi, nhưng rút đi có thể mất thêm thành quả! Cái khó của Nga khi không có “chính nghĩa” là vậy!

P/S. Nói thêm về kết cục: Mỹ không phải bên thua vì nếu vậy đã phải đền bù chiến tranh, mà điều này không hề có trong Hiệp định Paris. Về sau Mỹ đề nghị hỗ trợ thiệt hại chiến tranh khoảng 3 tỉ nhưng với điều kiện không trả thù Việt Nam Cộng Hòa và sử dụng cho tái thiết thực sự. Ta thì say chiến thắng cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ lan toàn thế giới thành thiên đường nên coi khinh chuyện này. Không ngờ 78-79 chỉ vì vụ Campuchia mà Trung Quốc đòi nợ viện trợ rồi chiến tranh phía bắc, Mỹ thì do ta không hợp tác nên ra lệnh cấm vận, Liên Xô thì lao đao vì Afghanistan không nuôi ta nữa (hết chiến tranh rồi mà). Ta đánh tiếng hỏi Mỹ về hỗ trợ thiệt hại thì do chuyện cải tạo và thuyền nhân vi phạm nhân quyền nên không nói chuyện nữa. Túm lại giai đoạn 80-87 đói to là vì thế.

Nhưng Nga khác: Chắc sẽ phải đền bù chiến tranh do Nga gây ra, mà chắc Nga cũng không chịu thì  Phương Tây nó chả sợ: đầy thứ nó đang giữ theo lệnh phong tỏa rồi! Túm lại Nga lo rút trước đàm sẽ thiệt, nhưng đàm trước thì tiếc hơn vì có vẻ đang thắng thế về tình trạng da báo trên chiến trường! Mà đàm lúc này Ukraina cũng giả bộ lơ là vậy!

Đoán mò:

• Như vậy theo nhận xét của tui, Gerasimov sẽ làm gì đó để rút, thậm chí còn phải khẩn trương, vì phía Ukraine cũng sẽ khẩn trương. Việc chiếm đến đâu giữ đến đâu, không dám nói.

• Như hôm trước tui còn dám "lạc quan tếu" cho rằng Ukraine sẽ giải quyết xong tầm 09/05, nói tếu cũng có tếu, nhưng cũng có những căn cứ của nó. Nếu như Nga rút thành công có khi diễn biến còn nhanh hơn.

• Về câu hỏi: "Vậy Nga có gì để tuyên bố chiến thắng?" Hay "Sau cuộc chiến được cái gì?" thì xin trả lời: chúng ta không cần phải dạy đĩ vén váy. Nghĩ ra cái gì đó, người ta lại chẳng là bậc thầy lươn lẹo.

• Về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Anh quốc là "Putin có thể tranh thủ ngày lễ 09/05 để kích động trong nước mà huy động thêm lực lượng đánh tiếp." - Putin thì lúc nào chẳng hùng hồn, không cần phải lo cho lão ta. Tuy nhiên với các quan sát về sức khỏe gần đây, chuyện Putin xuất hiện và thể hiện như thế nào ở lễ 09/05 cũng sẽ là một đề tài. Còn việc có huy động được hay không, thì như trên chúng ta đã bàn: "chú khoẻ anh mừng!" - làm được thì làm đi!

PHÚC LAI 30.04.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn