Phân tích tâm lý Putin

Thứ Tư, 13 Tháng Tư 20228:00 SA(Xem: 2241)
Phân tích tâm lý Putin

cho_01 

Theo nhiều nhà tâm lý học, Putin là người có cá tánh "Dark Triad Personality" (Tam Hắc Tánh), bao gồm tánh nham hiểm, tánh ái kỷ và rối loạn nhân cách.

Cũng như nhiều nhà độc tài khác, Putin là một con người phức tạp và khó đoán trước.

Chừng 5 năm trước (2017), khi tiếp kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Điện Cẩm Linh, Putin cho con chó khổng lồ tên “Konni” vào phòng khách làm cho bà Merkel sợ hãi (vì bà này rất sợ chó). Trong khi bà thượng khách sợ hãi thì Putin tỏ ra khoái trá. Tuy nhiên, việc đem thú vật ra 'hù' các nguyên thủ quốc gia là một chiêu trò khá phổ biến đối với Putin. Sự kiện này làm cho rất chuyên gia tâm lý đón già đón non về cá tánh của Putin.

Năm 2000, khi Putin thăm chánh thức Nhật Bản, trong chương trình nghị sự có chuyến viếng thăm Trường dạy võ Kodokan do võ sư Jigoro Kano sáng lập. Putin là một võ sĩ Judo, và trong chuyến viếng thăm y biểu diễn võ thuật với một nữ học viên trẻ và người này đã 'đo ván y bằng một thế võ rất nghệ thuật. Putin đứng lên và cuối đầu chào cô ấy trong tiếng vỗ tay vang dội. Hành động phô diễn này cũng là một đề tài phân tích của giới tâm lý học trong thế giới phương Tây.

Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine đang biến y trở thành một kẻ tội phạm chiến tranh. Trong thời gian qua, giới tâm lý học rất bận rộn phân tích hành vi của Putin [1-5]. Những phân tích này giúp tôi học thật nhiều về cách nhìn của giới tâm lý học về hiện tượng độc tài và chuyên chế. Dĩ nhiên, các nhà tâm lý học nói rằng họ không đưa ra một chẩn đoán (vì làm như thế thì cần phải có xét nghiệm và nói chuyện trực tiếp), họ chỉ đánh giá qua hành vi của Putin mà thôi. Ở đây, tôi chỉ "đọc báo giùm bạn" và tóm tắt vài ý chánh mà tôi thấy tâm đắc để trước là cho tôi học hỏi và sau là chia sẻ cùng các bạn.

Tuổi thơ bất hạnh

Putin sanh năm 1952 và có một tuổi thơ kém hạnh phúc. Sau Thế chiến thứ II, cả hai người thân sinh của Putin sống trong nghèo khó. Cả nhà phải sống trong một căn hộ tồi tàn cùng với hai gia đình khác. Căn hộ không có nước nóng, toilet thì bị hư hỏng, thậm chí lò sưởi thì buổi có buổi không. Thân phụ Putin làm công nhân, còn thân mẫu thì làm những công việc tạp vụ mà bà kiếm được. Họ không có thì giờ để chăm sóc Putin, nên ngay từ thời thơ ấu, Putin không cảm nhận được lòng yêu thương và tình cảm gia đình. Hình như Putin có hai người anh những đã qua đời trong chiến tranh, và cậu bé Vladimir lớn lên một mình.

Trong thực tế, cậu bé Vladimir bị mấy đứa trẻ lớn hơn thường xuyên ăn hiếp và hành hung. Nhiều nhà tâm lý học nghĩ rằng vết thương tâm lý đó còn mãi với một Putin ngay cả ở tuổi xấp xỉ 70. Bản thân Putin từng là một cậu học trò lêu lổng trong nhà trường, nhưng nhờ một người thầy nhận ra tiềm năng, nên Putin sau này học hành khá tốt và 'đầu quân' cho cơ quan tình báo khét tiếng KGB. Ở KGB, Putin được nhào nặn thành một công cụ hơn là một con người, và một lần nữa lòng nhân hậu và sự tử tế không có trong từ điển suy nghĩ của Putin.

Putin cũng giống như Hitler, Stalin, Mao, tất cả đều có một tuổi thơ bất hạnh. Tất cả họ sau này lớn lên trở thành những tên đồ tể giết người không gớm tay. Cựu Tổng thống Richard Nixon từng nhận xét rằng Qui luật Darwin làm cho hệ thống chánh trị Xô Viết sản sinh ra những con người không chỉ tàn bạo mà còn ... sáng dạ. Stalin giết cả triệu người trong khi nắm quyền mà những kẻ cận thần của y xem là 'cách mạng'. Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai có thời thơ ấu bất hạnh đều trở thành những tên đồ tể, nhưng tâm lý học chỉ ra rằng tất cả những tên đồ tể đều có một tuổi thơ bất hạnh. Đối với đa số nhà phân tích tâm lý học, Putin là một người như thế.

Cá tánh Đen của Putin

Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích cá tánh và nhân cách của Putin ngay từ lúc y lên cầm quyền. Mỗi người có một cách phân tích riêng, nhưng tựu trung lại tôi thấy cá tánh nổi bật nhứt là Cá tánh Đen hay còn gọi là "Dark Personality Trait". Người có Cá tánh Đen có ba đặc điểm chánh sau đây:

• Nham hiểm (Machiavellianism)

• Ái kỷ (Narcissism)

• Rối loạn nhân cách (Psychopathy)

Giới tâm lý học gọi là "Dark Triad Personality" mà tôi tạm dịch là Tam Đen Nhân Cách.

Nham hiểm

Đây là một cách định danh có nguồn gốc từ một chánh trị gia gốc Ý tên là Nicolo Machiavelli sống vào thể kỷ 16. Machiavelli nổi tiếng qua cuốn sách "The Prince" (Ông Trùm) mô tả những thủ đoạn nhằm kiểm soát người khác một cách bất chánh. Những đặc điểm gắn liền với thói nham hiểm bao gồm lừa dối, ích kỷ, thiếu xúc cảm và lệch chuẩn đạo đức.

Putin là người có cá tánh mạnh và rất thích thể hiện mình là một "strong man" (người hùng). Putin không biểu lộ bất cứ một hối tiếc hay hối hận gì trước những ảnh hưởng ghê gớm đến thường dân từ những quyết định phi đạo đức của y. Putin cũng chưa bao giờ nhận lãnh trách nhiệm cho những hậu quả của chiến tranh, mà thường hay đổ thừa cho những người khác khi sự việc diễn biến xấu. Một ví dụ khác của tánh nham hiểm là Putin từng đầu độc (hay ra lệnh đầu độc) và bỏ tù lãnh tụ đối lập Alexei Navalny mà không hề tỏ ra hối tiếc.

Ái kỷ

Đây là một hội chứng tâm lý có tên từ nhân vật huyền thoại Hy Lạp Narcissus, người tự yêu cái dung nhan của mình trong hồ nước và sau này chết vì nỗi say đắm đó. Người có hội chứng có những đặc điểm như ích kỷ, khoác lác, ngạo mạn, thiếu xúc cảm, và không muốn bị phê bình.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski nhận định rằng Putin là một người mắc chứng "Ái kỷ hoang tưởng", và nhiều nhà tâm lý học đồng ý với nhận định này. Chúng ta hay thấy những hình ảnh Putin trên trời (lái máy bay), dưới đất (lái xe đua), hay dưới nước (bơi lặn). Thậm chí, chúng ta thấy Putin trong võ phục phái Judo, hay ngực trần cỡi ngựa. Nói chung, Putin muốn chúng ta thấy và xem y là một người hùng, một "strong man".  Những hình ảnh đó rất nhứt quán với hội chứng

Putin cũng rất quan tâm đến sắc diện của mình, và theo các bác sĩ thẩm mỹ, y đã qua nhiều phẫu thuật thẩm mỹ. Một bức ảnh chụp vào năm 2010 cho thấy da mặt của Putin có nhiều nếp nhăn tiêu biểu ở người có tuổi, nhưng chỉ vài tháng sau thì da mặt y phẳng phiu, không còn một vết nhăn nào. Bác sĩ người Anh Gerard Lambe cho biết đó là do bơm botox. Một bác sĩ thẩm mỹ Úc thì nghĩ rằng Putin cũng đã dùng nhiều chất filler nên khuôn mặt khó có thể biểu hiện cảm xúc.

Rối loạn nhân cách

Cũng có thể xem là một loại 'bệnh hoạn' (theo cách nói dân gian). Người mắc chứng này không có khả năng thấu cảm, không bao giờ tỏ ra hối hận cho hành động sai trái của mình, và hay biểu hiện qua những hành vi phản xã hội (anti-social behavior).

Hành vi phản xã hội của Putin rất rõ ràng khi y tiếp kiến các nhà lãnh đạo nước ngoài hay đối thủ chánh trị. Chẳng hạn như khi Putin tiếp kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel, y đem vào phòng khánh tiết một con chó đen rất lớn, dù y biết rằng bà Thủ tướng sợ chó (và từng bị chó cắn trước đây). Các nhà phân tích tâm lý xem đó là một hành vi phản xã hội, một dạng lưu manh.

Một số nhà chánh trị học thì cho rằng những hành vi của Putin rất nhứt quán với hội chứng của kẻ "political psychopath". Người với hội chứng này (psychopathy) chẳng những không có khả năng thấu cảm mà còn thích thú trước cảnh tượng máu đổ xương rơi. Chẳng hạn như Putin không hề tỏ ra hối lỗi khi quân đội Nga bắn hoả tiển vào bệnh viện ở Mariupol ở Ukraine, giết hàng chục người, kể cả trẻ em và phụ nữ.

Nhà tâm lý pháp y người Do Thái Javier Urra nhận xét rằng Putin có một khuôn mặt bất lương / đê tiện (reptilian look) và đó cũng là một đặc điểm nhứt quán với hội chứng phản xã hội.

Tóm lại

Những kẻ độc tài và chuyên chế là một mối đe doạ đến sự ổn định của thế giới. Chúng ta không có khả năng ngăn chận các hành vi của họ, nhưng chúng ta có thể dùng kiến thức tâm lý học để hiểu hành vi của họ.

Putin là một kẻ chuyên chế và độc tài. Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng những kẻ độc tài và chuyên quyền thường có xu hướng tự mình đưa ra những quyết định quan trọng mà không tham vấn ai cả. Họ cũng là những người thích làm được việc mà không bao giờ quan tâm đến lợi ích của người khác. Một trong những tín hiệu của loại người này là họ hay duy trì một khoảng cách giữa họ và người khác qua đe doạ và trừng phạt. Hành vi dùng chó và dùng cái bàn dài là một biểu hiện của hội chứng phản xã hội.

Quay lại sự việc Putin cho chó ra 'hù' bà Thủ tướng Angela Merkel, bà nghĩ gì? Trong một bài trả lời phỏng vấn, bà Merkel diễn giải hành vi của Putin như sau: “Tôi hiểu tại sao y phải làm như vậy — để chứng minh rằng y là một gã đàn ông. Y sợ cái yếu đuối của y. Nga chẳng có gì, chánh trị và kinh tế không có gì là thành công. Tất cả họ có là cái này [ý nói con chó?]”

NGUYỄN VĂN TUẤN 09.04.2022

[1] The Political Personality of Russian Federation President Vladimir Putin

[2] Psychological Profile of Vladimir Putin

[3] Experts Assess Vladimir Putin's Psychological Profile

[4] Understanding Vladimir Putin and why he enjoys the show - opinion

[5] The Psychology Behind Putin’s War

[6] The psychology behind the Kremlin's war in Ukraine

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn