Bí ẩn người ‘đột ngột trở thành thiên tài’

Thứ Năm, 08 Tháng Ba 201810:00 SA(Xem: 6514)
Bí ẩn người ‘đột ngột trở thành thiên tài’
bbc.com
Zaria Gorvett BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Có những bằng chứng cho thấy tổn thương não có thể giải phóng những năng lực sáng tạo phi thường, khiến bệnh nhân có thể trở thành thiên tài.

Mùa hè năm 1860, Eadweard Muybridge gần cạn sách. Quả là vấn đề, vì ông là người bán sách. Ông trao lại cửa hàng sách ở San Francisco cho anh mình và bắt đầu lên đường đi xe ngựa chở khách để tìm nguồn cung cấp sách. Ông đã không hề hay biết ông sắp sửa thay đổi thế giới mãi mãi.

Chuyến xe định mệnh

Xe ngựa gặp chuyện khi ông đang đi ở vùng đông bắc Texas. Người lái xe quất roi và những chú ngựa đột nhiên chồm lên mà chạy, kéo chiếc xe lao xuống một đường núi dốc đứng. Cuối cùng nó chuyển hướng và đâm vào cái cây. Muybridge đã bay lên không trung và đập đầu vào một tảng đá.


Chín ngày sau, ông tỉnh dậy tại một bệnh viện cách đó 150 dặm (241 km). Tai nạn đã để lại cho ông đủ các vấn đề y học, bao gồm chứng song thị, các cơn co giật, và không còn khứu giác, thính giác hay vị giác. Nhưng thay đổi triệt để nhất là tính cách của ông.

Trước đây Muybridge là một người hòa nhã và cởi mở, rất khéo trong việc kinh doanh. Sau vụ tai nạn ông trở nên mạo hiểm, lập dị và thất thường; về sau ông còn sát hại nhân tình của vợ mình. Ngoài ra rất có thể ông cũng là một thiên tài.

Câu hỏi về những nhận thức sáng tạo đến từ đâu và làm cách nào để có thêm - vẫn là chủ đề nghiên cứu vĩ đại trong hàng ngàn năm.

Theo các nhà khoa học, chúng có thể được điều khiển bởi bất cứ điều gì từ sự mệt mỏi đến chán nản.

Theo Plato thì chúng là kết quả của sự điên rồ thần thánh. Hay theo như Freud tin tưởng, liệu có phải chúng bắt nguồn từ sự thăng hoa của những ham muốn tình dục? Tchaikovsky quả quyết rằng những khoảnh khắc eureka được sinh ra từ công việc trí óc và kiến thức kỹ thuật.

Nhưng cho đến gần đây, những người hiểu lẽ phải quấy nhất đã đồng thuận về một điều: khả năng sáng tạo bắt nguồn từ bên trong hộp sọ của chúng ta.

Sau vụ tai nạn, Muybridge rốt cuộc cũng đã hồi phục đủ để đi thuyền đến nước Anh. Ở đó khả năng sáng tạo của ông mới thực sự bắt đầu phát huy. Ông bỏ việc bán sách và trở thành một nhiếp ảnh gia, một trong số nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông cũng là một nhà phát minh hiệu suất cao. Trước vụ tai nạn, ông chưa hề nộp đơn cấp bằng sáng chế nào cả. Trong hai thập kỷ sau đó, ông đã nộp đơn đăng ký ít nhất 10 lần.

Năm 1877, bạn của ông, một ông trùm đường sắt giàu có tên là Leland Stanford, đoan chắc rằng ngựa có thể bay. Hoặc, chính xác hơn, ông tin rằng khi chúng chạy, tất cả chân của chúng rời khỏi mặt đất cùng một lúc. Muybridge cho rằng không phải vậy.

Để chứng minh, ông đã đặt 12 chiếc máy ảnh dọc theo đường ngựa chạy và cài đặt một dây nối sẽ tự khắc khởi động dàn máy ảnh khi con ngựa đua yêu thích của Stanford tên Occident chạy. Tiếp theo, ông phát minh ra "zoopraxiscope", một thiết bị cho phép ông chiếu nhanh và liên tiếp một số hình ảnh và tạo cảm giác chuyển động.

Trước sự kinh ngạc của ông, con ngựa đã lơ lửng trong một thời gian ngắn giữa những nước phi. Muybridge đã quay bộ phim đầu tiên – chứng minh đúng là ngựa có thể bay.

Sự xoay chuyển đột ngột của cuộc đời Muybridge, từ một người bán sách bình thường sang thiên tài sáng tạo, đã gợi lên suy đoán rằng đây là kết quả trực tiếp từ tai nạn của ông. Có thể là ông đã mắc “hội chứng bác học đột ngột”, trong đó những khả năng đặc biệt trỗi dậy sau khi bị tổn thương não hoặc bị bệnh. Hội chứng này cực kỳ hiếm, với chỉ 25 trường hợp được xác minh trên hành tinh này.

'Đòn sấm sét thần thánh'

Một người khác tên Tony Cicoria là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã bị sét đánh tại công viên New York vào năm 1994. Tia sét đã đi xuyên qua đầu và để lại trong ông một khao khát chơi đàn dương cầm khó cưỡng. Để bắt đầu với nó, ông đã chơi nhạc của người khác, nhưng ngay sau đó, ông bắt đầu viết những giai điệu liên tục lướt qua đầu ông. Hiện nay ông là một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc, đồng thời vẫn hành nghề bác sĩ phẫu thuật.


Một trường hợp khác là Jon Sarkin, người đã từ bác sĩ chỉnh xương trở thành nghệ sỹ sau một cơn đột quỵ. Thôi thúc vẽ gần như đến ngay lập tức. Ông đã trải qua “tất cả các thể loại” trị liệu - liệu pháp tiếng nói, liệu pháp nghệ thuật, vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, trị liệu tinh thần - "Và họ dúi một cây bút chì vào tay tôi và nói “ông có muốn vẽ không?” Và tôi nói ‘được thôi’,” ông kể.

Nàng thơ đầu tiên của ông là một cây xương rồng ở nhà ông tại Gloucester thuộc bang Massachusetts. Đó là loại xương rồng ngón tay như bạn có thể thấy trong các bộ phim phương Tây từ những năm 1950. Ngay cả những bức tranh ra đời sớm nhất của ông cũng rất trừu tượng. Trong một số phiên bản, các nhánh cây giống như những con rắn lục đang cuộn tròn, trong khi một số khác lại là những cầu thang màu đỏ ngoằn ngoèo.

Các tác phẩm của ông đã được xuất bản trên tờ The New York Times, xuất hiện trên bìa tập ảnh và được dùng làm ảnh bìa cho một quyển sách của một tác giả đoạt giải Pulitzer. Chúng thường được bán với giá 10.000 đô la Mỹ.

Đáng chú ý nhất là Jason Padgett, người bị tấn công tại một quán bar ở Tacoma, bang Washington vào năm 2002. Trước khi bị tấn công, Padgett đã bỏ học đại học và làm việc tại cửa hàng bán giường kiểu Nhật. Những niềm đam mê ban đầu trong cuộc sống của ông là tiệc tùng và theo đuổi các cô gái. Ở trường ông không hề có hứng thú với môn toán và thậm chí còn không được nhận vào lớp đại số.

Nhưng vào đêm đó, mọi thứ đã thay đổi. Sau khi bị tấn công, ông bị chấn động nghiêm trọng và được đưa vào bệnh viện.

“Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng mọi thứ trông có vẻ sôi nổi, nhưng tôi cũng nghĩ đó chỉ là do liều thuốc gây mê giảm đau họ đã tiêm cho tôi," ông nói. "Rồi sáng hôm sau tôi tỉnh dậy và vặn vòi nước. Dòng nước trông giống như những đường tiếp tuyến nhỏ, chảy xuống theo hình xoắn ốc."


Từ đó trở đi, thế giới của Padgett được bao phủ bởi các hình dạng hình học và ô lưới. Ông trở nên ám ảnh bởi toán học và hiện đang nổi tiếng với những bản vẽ về các công thức như Pi.

Cho tới ngày hôm nay ông vẫn không tin rằng ông đã từng không biết đường tiếp tuyến là gì. "Tôi thấy mình như hai người khác nhau, và đã có hai người khác cũng nói vậy, đó là cha mẹ tôi. Giống như họ có hai người con hoàn toàn khác nhau," ông nói.

Bản quyền hình ảnh TOBIAS SCHWARZ/AFP/Getty Images
Image caption Diễn viên Geoffrey Rush mắc bệnh 'cảm giác kèm', gây tác động tới khả năng cảm nhận về màu sắc và hương vị

Tại sao điều này lại xảy ra? Nó hoạt động như thế nào? Và nó chỉ cho chúng ta biết điều gì khiến các thiên tài lại rất đặc biệt, khác người?

Có hai giả thiết hàng đầu.

'Tạo kết nối nằm ngoài quy luật thông thường'

Đầu tiên là khi bạn bị đập mạnh vào đầu, những tác động lên não tương tự như một liều thuốc gây ảo giác LSD. Thuốc gây ảo giác được cho là nâng cao tính sáng tạo bằng cách tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin, cái được gọi là "kích thích tố hạnh phúc" trong não. Điều này dẫn đến hiện tượng "cảm giác kèm", trong đó nhiều khu vực được kích hoạt đồng thời và các giác quan vốn thuường tách rời nhau nay lại được nối liền.

Nhiều người không cần thuốc để trải nghiệm điều này: gần 5% dân số toàn cầu tồn tại một dạng "cảm giác kèm" nào đó, với loại phổ biến nhất là "tự vị màu sắc", trong đó từ ngữ được liên tưởng đến màu sắc. Ví dụ, nam diễn viên Geoffrey Rush tin rằng các ngày thứ Hai có màu xanh nhạt.


Khi não bị thương, tế bào não đã và đang chết sẽ rò rỉ serotonin vào mô xung quanh. Về mặt thể chất, điều này dường như khuyến khích mối liên hệ mới giữa các vùng não, cũng như với LSD. Về mặt tâm thần, nó cho phép một người liên kết những cái dường như không thể kết nối với nhau.

Berit Brogaard, nhà thần kinh học, người chỉ đạo Phòng thí nghiệm Brogaard thuộc Phòng Nghiên cứu Đa giác quan tại Florida cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy những thay đổi vĩnh viễn trước đó - bạn thực sự có thể thấy các kết nối trong não mà trước đây chưa hề có.”

'Do tác động của chứng suy giảm trí não'

Nhưng cũng có một giả thiết khác. Manh mối đầu tiên xuất hiện vào năm 1998, khi một nhóm các nhà thần kinh học nhận thấy rằng năm bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí não cũng là nghệ những nghệ sỹ xuất sắc.

Cụ thể, họ mắc chứng suy giảm trí phần não thái dương và nó bất thường ở chỗ nó chỉ ảnh hưởng đến một số bộ phận của não. Ví dụ, khả năng sáng tạo trực quan có thể không bị ảnh hưởng trong khi ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội đang dần dần bị phá hủy.

Một trong số đó là "Bệnh nhân 5". Ở tuổi 53, ông đã đăng ký tham gia một khóa học vẽ ngắn hạn tại một công viên địa phương, mặc dù trước đó ông không hề quan tâm đến những điều như vậy. Nhu cầu này xuất hiện ở thời điểm chứng suy giảm trí não của ông bắt đầu. Một vài tháng sau đó, ông đã gặp khó khăn khi nói.

Chẳng mấy chốc ông trở nên cáu kỉnh và lập dị, từ đó ông có cảm giác thôi thúc muốn kiếm tiền trên đường phố. Khi bệnh tật tiến triển, khả năng vẽ của ông cũng đi lên từ các bức tranh tĩnh vật đơn giản đến những bản vẽ đầy ám ảnh thuộc trường phái ấn tượng mô tả những tòa nhà từ thời thơ ấu của mình.

Để tìm hiểu những gì đang xảy ra, các nhà khoa học đã thực hiện quét 3D não của các bệnh nhân. Ở bốn trên năm trường hợp, họ tìm thấy những thương tổn ở bán cầu não trái. Nghiên cứu đoạt giải Nobel từ những năm 1960 cho thấy hai nửa của não chuyên về các nhiệm vụ khác nhau; đại khái là, phía bên phải là nơi làm chủ sáng tạo và bên trái là trung tâm của logic và ngôn ngữ.

Nhưng bên trái cũng là một cái gì đó đại loại như một kẻ bắt nạt. Brogaard nói: "Nó có khuynh hướng trở thành vùng não chủ đạo. Nó có xu hướng đàn áp những kiểu tư duy ngoại biên - tư duy hết sức độc đáo và rất sáng tạo, vì nó có lợi cho khả năng ra quyết định và hoạt động trong cuộc sống bình thường của chúng ta." Lý thuyết cho rằng khi các bán cầu bên trái của bệnh nhân dần dần bị tổn hại, bán cầu phải lại được tự do phát triển.

Điều này được ủng hộ bởi một số nghiên cứu khác, bao gồm một nghiên cứu, trong đó nhận thức sáng tạo đã được thức tỉnh ở những tình nguyện viên khỏe mạnh bằng cách tạm thời kéo giảm hoạt động ở bán cầu trái và tăng lên ở bên phải.

Còn những thiên tài chính thống thì sao? Liệu giả thuyết này cũng có thể giải thích tài năng của họ không?

Ta hãy xem xét chứng tự kỷ.

Từ Daniel Tammet, người có thể thực hiện các phép tính toán học khó tin với tốc độ đáng kinh ngạc, cho đến Gottfried Mind, "Raphael vẽ mèo", người đã vẽ loài động vật này với độ chân thực đến lạ kỳ, những người được gọi là "nhà bác học tự kỷ" có thể có những kỹ năng siêu nhiên để cạnh tranh với những nhà thông thái thời kỳ Phục Hưng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tuy khó chứng minh nhưng người ta cho rằng nhà bác học thiên tài Albert Einstein có thể cũng mắc những chứng rối loạn liên quan tới bệnh tự kỷ

Theo ước tính, trong 10 người mắc chứng tự kỷ thì có một người có hội chứng bác học và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chứng rối loạn này liên quan đến khả năng sáng tạo tăng cường. Và mặc dù rất khó chứng minh nhưng nhiều nhà tri thức phi thường bao gồm Einstein, Newton, Mozart, Darwin and Michelangelo cũng nằm trong số các nhà bác học tự kỷ này.


Một lý thuyết cho thấy chứng tự kỷ nảy sinh từ mức serotonin thấp bất thường ở bán cầu não trái trong thời thơ ấu, điều này ngăn không cho vùng não này phát triển bình thường. Cũng giống như hội chứng bác học đột ngột, điều này cho phép bán cầu phải trở nên chủ động hơn.

"Họ thường có thể có một cuộc sống bình thường, nhưng họ cũng có loại ám ảnh này," theo Brogaard, một nhà tâm thần học.

Thật thú vị, nhiều người có hội chứng bác học đột ngột cũng phát triển các triệu chứng tự kỷ, bao gồm các vấn đề xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và những mối quan tâm toàn thời gian. Padgett nói: "Mọi chuyện tệ tới nỗi nếu có tiền trong tay thì tôi sẽ xịt thuốc xịt khuẩn Lysol vào tiền và cho chúng vào lò vi sóng trong vài giây để loại bỏ vi trùng.”

"Họ thường có thể có một cuộc sống bình thường, nhưng họ cũng hay bị ám ảnh," Brogaard nói. Đây là điều gì đó bao quát trên tất cả các trường hợp đột ngột trở thành bác học.

Jon Sarkin so sánh nghệ thuật của mình như một bản năng. “Tôi cảm giác không phải mình vẽ vì thích mà là vì bị bắt buộc." Xưởng vẽ của ông chứa đựng hàng ngàn tác phẩm đã và chưa hoàn thiện, được phác họa bằng những đường cong, từ ngữ, đường chéo, và những hình ảnh chồng chéo lên nhau.

Trên thực tế, dù họ thường không cần làm vậy nhưng các trường hợp bác học đột ngột vẫn chăm chỉ cải thiện kỹ thuật của mình. "Ý tôi là, tôi đã luyện tập rất nhiều. Tôi nghĩ khó mà phân biệt được tài năng và sự chăm chỉ – khi bạn làm điều gì đó nhiều bạn sẽ dần khá lên," Sarkin nói.

Padgett đồng ý. "Khi bạn gắn bó với một thứ như vậy, tất nhiên bạn sẽ khám phá ra nhiều điều."

Muybridge cũng không ngoại lệ. Sau vụ cá cược, ông chuyển đến Philadelphia và tiếp tục với niềm đam mê nắm bắt chuyển động trên phim ảnh, chụp các loại hình hoạt động như đi bộ lên xuống xuống cầu thang, và kỳ lạ thay, ông chụp bản thân ông đang vung vẩy một cây cuốc chim trong tình trạng khỏa thân. Từ năm 1883 đến năm 1886, ông đã chụp hơn 100.000 bức ảnh.

Treffert cho biết: "Khi hiểu biết của chúng ta về hội chứng bác học đột ngột được cải thiện, thì cuối cùng cũng có hy vọng rằng tất cả chúng ra rồi sẽ có thể giải phóng năng lực tinh thần tiềm ẩn – có lẽ là với sự giúp sức của một loại thuốc hoặc phụ kiện tài tình nào đó.”

Nhưng cho đến lúc đó, người phàm chúng ta có lẽ chỉ biết cách bỏ ra nhiều giờ để tập luyện và học tập.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn