BBC

Ngày 14/12, trước thềm xét xử nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, dư luận nhiều nơi đã làm thơ, viết thư và đưa ra bình luận về bà.

Cập nhật tình hình cho BBC News Tiếng Việt, chị dâu bà Đoan Trang nói mẹ và anh trai bà Trang đã được cho vào dự phiên tòa, nhưng điện thoại thì phải để bên ngoài.

Còn Facebook bà Đỗ Thị Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho hay sáng nay hai lối đi vào cổng tòa án bị chặn lại và tất cả mọi người muốn đi vào đều phải xuất trình giấy tờ mới được đi vào.

Luật sư Đặng Đình Mạnh tường thuật từ tòa viết: "Đoan Trang quay lại nhìn về phía người mẹ ngồi cách mình khoảng sau 5m. Người mẹ, tuổi đã trên bát tuần đưa ngón tay cái Number one động viên con."

Đồng thời, luật sư cũng thông tin trên Facebook cá nhân rằng Viện Kiểm sát đề nghị mức 7-8 năm tù cho bà Trang.

Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999".

Thơ và thư từ người ủng hộ

Trên Facebook, Nhà văn Nguyễn Viện viết về phiên tòa hôm nay xử Phạm Đoan Trang:

"một người tên Đoan Trang nhưng dũng cảm, kiên cường

một người con gái nhưng mạnh mẽ, sắc sảo hơn búa liềm

một công dân bình thường nhưng đủ phi thường cho cường quyền e ngại

và người ấy bị xét xử vì biết nghĩ đến người khác."

Chụp lại video,

"Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp khiên Đoan Trang bị bắt"

Còn mhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng viết những dòng tâm tư trên Facebook cá nhân của mình:

"PHẠM ĐOAN TRANG

Hôm nay có một người họ Phạm ra tòa

Cô là Phạm Đoan Trang, không phải phạm nhân

Cô không làm chính trị lãnh đạo, cô chỉ làm chính trị bình dân

Cho dân hiểu mình có quyền dân chủ

Cô muốn đối thoại theo tinh thần xã hội dân sự

Nhưng lại bị biến thành đối thủ phải bắt giam

Hôm nay Phạm Đoan Trang

Ra tòa

Mang trong mình cả luật khoa."

Trước đó ngày 4/11, Luật Khoa tạp chí cùng The Vietnamese Magazine và The 88 Project phát động một chiến dịch viết thư gửi cho Phạm Đoan Trang đã được Luật Khoa tạp chí. Theo tờ này, đến nay, hơn một trăm lá thư đã được viết gửi cho bà Trang.

Nguồn hình ảnh, Luật khoa tạp chí

Chụp lại hình ảnh,

Một trong những lá thư được gửi cho bà Phạm Đoan Trang thông qua Luật Khoa tạp chí

Bà Hoa Nguyễn, người nhận là đại diện pháp lý của Phạm Đoan Trang tại Úc, viết trên Facebook:

"Hôm qua tôi đã được đọc Lời Nói Cuối Cùng của Phạm Đoan Trang trước phiên toà. Chị lường trước khả năng họ không cho chị nói hôm nay nên đã nhờ luật sư biên lại và gửi cho gia đình, bạn bè. Cuối phiên toà hôm nay nó sẽ được tung ra. Tất cả những gì chị trải qua hơn 1 năm vừa rồi; không cho gặp người thân, bị biệt giam, bị đánh khi ép cung, bị giam cùng thường phạm để bị đe doạ và đánh 7 lần ( chị đã phản kháng lại thành công để cuối cùng họ phải để chị yên), bị mớm cung và gài bẫy " đi tị nạn"....chị đều đã vượt qua được. Đọc những lời nói đanh thép thấu tình đạt lý của chị, tôi vừa cảm phục vừa thương bạn mình. Ý chí không mấy ai có."

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì chia sẻ hình ảnh chụp với bà Trang kèm với thông điệp:

"Khi đưa một người bất đồng chính kiến ra toà thì kẻ bị cộng đồng xét xử chính là nhà cầm quyền độc tài. Hôm nay họ đưa Đoan Trang, một người viết sách tự do ra toà có nghĩa là họ đang bị dư luận trong nước và quốc tế xét xử, các toà án lương tâm đang kết án họ.

Chúng tôi luôn bên cạnh Đoan Trang."

Quốc tế nói gì?

Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN) viết bài về Phạm Đoan Trang. Trong đó, ông Karin Deutsch Karlekar, Giám đốc Chương trình Tự do Bày tỏ trước Rủi ro tại PEN nói:

"Cộng đồng quốc tế đã nói rõ rằng việc giam giữ Phạm Đoan Trang đang diễn ra là không thể chấp nhận được,"

"Tuy nhiên, với sự coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng trừng trị bà vì tội viết lách ôn hòa và vận động cho nhân quyền. Thật không may, việc giam giữ Trang chỉ là một trong nhiều vụ án hình sự có động cơ chính trị chống lại các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền, cho thấy sự thất bại có tính hệ thống của chính phủ Việt Nam trong việc duy trì quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác."

Ngày 13/12/2021, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) khẳng định chính quyền Việt Nam cần gỡ bỏ mọi cáo buộc mang tính chất chính trị và trả tự do ngay lập tức cho bà.

Ngày 25/10/2021, Nhóm công tác của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện công bố một bản thông cáo kết luận việc chính quyền bắt giam Phạm Đoan Trang mà không có lệnh bắt, bà cũng không được thông báo về lý do bị bắt. Suốt từ khi bị bắt cho tới nay, bà Trang không được gặp người thân, và việc bà gặp luật sư bị đình trệ rất lâu. Do đó, các quyền của bà Trang theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đã bị vi phạm.. Nhóm này cũng phát đi thông cáo kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho nhà báo - nhà hoạt động Đoan Trang.

Ngay sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt, New York Times có bài viết đề cập đến bức thư bà Trang để lại, trong đó đề nghị những người ủng hộ bà không tổ chức chiến dịch đòi trả tự do cho bà, mà tiếp tục đấu tranh cho tự do bầu cử và chấm dứt chế độ độc đảng ở Việt Nam.